CẬU ĐỔNG (1)
Hôm nay 16 tháng 9, ngày giỗ cậu Đổng lần thứ 14. Cậu mất ngày 16/9/2004 nhằm ngày 03 tháng Tám Âm lịch nhưng bên Công giáo làm giỗ theo ngày Dương Lịch.
Dòng tộc Đào Văn ở làng Dịch Vọng Trung, nay là phường Dịch Vọng quận Cầu Giấy, Hà Nội không theo đạo Thiên Chúa, thậm chí ông ngoại thân sinh ra cậu còn là một cung văn nổi tiếng, nay cúng tế chùa này, mai hầu đồng đền kia phủ nọ. Nhưng khi cậu Đổng lấy vợ, gia đình bên vợ gốc đạo Thiên Chúa nên cậu bắt buộc phải theo đạo đó. phải học giáo lý, lấy tên thánh và làm lễ hôn phối ở nhà thờ. Tên thánh của cậu là Giuse – Giuse Đào Văn Đổng.
Cậu sinh năm 1919, là con thứ 6 trong bẩy người con của ông bà ngoại tôi. Câu kém u tôi 12 tuổi. U tôi là con thứ hai trong nhà, sau bác Hanh con trưởng một nấc nhưng là chị gái lớn nhất nhà nên theo tục lệ ở địa phương, các em đều gọi u tôi là chị cả.
Theo lời u tôi kể thì bà ngoại tôi mất năm u tôi 18. Bấy giờ cậu Đổng mới lên sáu và dì út tên là Na chưa được 2 tuổi. Sau khi nhập quan bà tôi, cậu Đổng và dì Na cứ khóc, cậu nói không cho u ngủ trong hòm và đòi mở hòm đưa u ra bế em Na đi chơi với cậu. U tôi đã phải dỗ dành cậu rồi bế dì Na và dắt cậu ra ngoài đường chơi cho khỏi phiền lòng khách đến phúng viếng.
Năm cậu tôi 10 tuổi, ông ngoại tôi lấy vợ kế là bà Phạm Thị Mai, một phụ nữ trẻ goá chồng và chưa có con. Bà Mai là một con nhang đệ tử giàu có mà ông ngoại tôi lại là một cung văn đẹp trai, giọng hát mượt mà hấp dẫn nên họ rổ rá cạp lại với nhau là lẽ thường tình. Sau khi lấy nhau, bà Mai đưa ông ngoại tôi lên phố phủ sống trong ngôi nhà của bà, một ngôi ngói 5 gian kín cổng cao tường, có hành lang rộng, có sân gạch, chuối sau cau trước.
Bấy giờ trong số 7 người con của ông ngoại tôi thì đã có 5 người lập gia đình riêng, chỉ còn hai người là cậu Đổng và dì Na con út , ông ngoại tôi phải nuôi. Bà Mai cho đem cả hai người con đó về phố phủ. Biết mình không có khả năng sinh con lại thấy cậu Đổng khôi ngô dĩnh ngộ, bà Mai nhận làm con, không cho cậu gọi bà là dì mà cũng không được gọi là u kiểu nông dân ở các làng vùng quê tôi mà phải gọi bà là me theo lối con nhà giàu sang thời ấy.
Rồi bà xin cho cậu Đổng vào học trường phủ. Gặp ai bà cũng khoe đó là con trai bà. Thi thoảng có việc ra phố Hàng Bạc, Hà Nội, nơi đại gia đình họ hàng của bà buôn bán và sinh sống, bà cũng mang theo cậu con trai đó đi. Cậu Đổng rất ngoan và chăm học nên bà Mai ngày càng cưng chiều, mua sách vở, sắm áo quần cho đầy đủ mọi thứ. Nhưng theo mọi người kể lại, cậu rất tiết kiệm, không bỏ phí một mẩu giấy trắng nào, cái ngòi bút cũ cũng mài lại để dùng
Năm 1951, sau khi lấy lại được ngôi biệt thự 3 tầng đứng tên mợ tôi ở 25 Phùng Khắc Khoan, cậu mợ đã đón ông ngoại tôi và bà Mai về ở dưới tầng một. Để chiều lòng hai cụ, cậu đã mua một cái sập gụ và một cái tủ chè kê ở đấy để hai cụ nghỉ ngơi và tự nấu ăn riêng cho có việc khỏi buồn chân buồn tay và tiện giờ giấc sinh hoạt của người già. Bếp nấu là một cái hoả lò nhỏ dùng than hoa đặt ngay trên sập, nôi nấu là nồi đồng điếu, gạo nấu là gạo tám xoan trắng dẻo và thơm phức. Thức ăn của hai cụ không nhiều thường là giò lụa hay thịt thăn rim khô vởi rau luộc hay rau nấu canh suông. Giò thịt hay rau thường do u già đi chợ mua về cho hai cụ. Năm sau, bà Mai bị bệnh lao phổi, cậu đã mời hết thầy thuocs ddoong y đến bác sĩ tây y về chữa trị cho bà nhưng lao phổi là một trong tứ chưng nan y của thời đó nên không dễ chữa, bà đã chết vì thổ huyết. Cậu thuê xe đưa thi hài bà về quê mai táng và sau đó lại lo bốc mộ cải táng cho bà rất chu toàn. Ở dưới Suối Vàng, hẳn bà Mai đã ngậm cười mãn nguyện?!
Năm u tôi sinh tôi thì cậu Đổng đã 18 tuổi, chuẩn bị vào học trường canh nông. Khi tôi được 9 tháng tuổi thì thầy tôi thua bạc, gán sạch ruộng nương vào cuộc đỏ đen rồi phẫn chí nghe người ta sang Lào Miên đào vàng để làm giàu lại. Trước khi đi, thầy tôi gặp cậu Đổng, nói với cậu:
- Tôi đi làm ăn xa bao giờ giàu có tôi mới về làng cho khỏi hổ thẹn. Ở nhà, chị cậu là đàn bà, một chữ bẻ đôi không biết, tôi có 2 thằng con trai sau này nhờ cậu trông nom dạy dỗ chúng thay tôi cho chúng nên người.
Khi cậu Đổng học xong trường canh nông, ra làm trưởng ty điền địa tỉnh Phúc Yên thì nghe đâu thầy tôi đã bỏ Lào Miên sang Thái làm nghề thầu khoán lục lộ rồi bằn bặt không thư từ tin tức gì về cho gia đình. Nhưng cậu Đổng vẫn giữ lời hứa với thầy tôi. Cậu cho anh Hồng tôi lên Phúc Yên nuôi cho ăn học tiểu học ở trên đó. Cậu cũng đã đưa em gái út là dì Na cùng hai người con gái của người anh trai trên cậu một nấc là cậu Đài tôi đã mất cùng lên ở Phúc Yên. Dì Na thì ở nhà nội trợ, hai cô cháu gái tên là Vị và Nguyên thì cùng đi học như anh Hồng tôi.
Tôi nhớ một lần u tôi cho tôi lên Phúc Yên thăm cậu. Hai u con đi xe lửa hạng hai, ghế cứng dài, khách hầu hết là dân buôn bán và người nghèo. Tôi và u ở chơi 3 ngày trong nơi làm việc và cũng là nơi ở của cậu Đổng mà người ta gọi là dinh của quan tham tá. Dinh rất rộng, có vườn cỏ xanh với các lối đi rải sỏi đá gan gà. Nơi làm việc là một toà nhà hai tầng, nơi ở là khu nhà một tầng, mọi cửa sổ đều trong kính ngoài chớp. Tôi thích nhất cái giếng ở cuối khu vườn vì nước rất trong và tắm giữa trưa hè mà mát lạnh. Anh tôi bảo, giếng ở vùng đồi đều trong và mát như thế. Để có người bảo vệ dinh thự đồng thời cũng để giúp người anh thúc bá ở quê không phải cảnh chân lấm tay bùn, cậu Đổng đã đưa ông anh họ là Đào Văn Phương cùng vợ con lên trông coi dinh, có nhà ở, có tiền lương hàng tháng.
Vào ngày nghỉ làm việc, tôi thấy khá nhiều khách là phụ nữ đến thăm cậu trong đó có nhiều cô gái trẻ tóc uốn, áo dài quần trắng nom rất xinh đẹp. Năm ấy cậu Đổng chưa lập gia đình. Sau này khi tôi đã trưởng thành, nhiều lúc hai cậu cháu ngồi bên ấm nước trà, cậu kể lại chuyện cậu lấy vợ cho tôi nghe thân mật như hai người bạn.
Theo lời cậu kể, trong số các cô gái trẻ hay đến thăm cậu có cô Đỗ Thị Xuân kém cậu một tuổi, con một điền chủ ở vùng Vĩnh Phúc. Cô Xuân và gia đình đều ở Hà Nội, ít lâu họ mới lên khu đồn điền vừa để nghỉ ngơi vừa để nghe quản lý báo cáo sổ sách. Cô Xuân đã học xong bậc thành chung, nói chuyện với cậu tôi đều xưng gọi thân mật toa, moa theo mốt ngôn ngữ của dân Tây học thời đó. Rồi một lần, cô Xuân mạnh dạn bầy tỏ tình yêu với cậu tôi nhưng cậu tôi trong lòng chỉ coi cô ấy như một người bạn gái quý mến. Biết thế, cô Xuân nói với cậu:
- Moa biết moa với toa không có duyên phận với nhau nên moa tự nguyện rút lui. Nhưng moa xin toa cho moa được giới thiệu toa với cô em họ của moa ở Hà Nội năm nay mới 18 tuổi rất xinh đẹp và nết na. Nếu toa bằng lòng thì chiều thứ bẩy này chúng ta đáp xe lửa về Hà Nội.
Nghe cô Xuân nói thẳng thắn và chân thật lại để chiều lòng cô ấy, cậu theo về Hà Nội. Cô Xuân đưa cậu đến nhà em họ cô ấy ở phố Hàng Trống và qủa thật, cỗ Đỗ Thị Ý em họ cô ấy còn rất trẻ và xinh đẹp khiến cậu có cảm giác như đã tìm thấy ý trung nhân của đời mình. Cô Đỗ Thị Ý cũng là con một điền chủ giàu có trong dòng họ Đỗ Đình. Gia đình cô theo Công giáo. Vì là người Công giáo nên bố cô là ông Đỗ Đình Đạt hiện sống với người vợ bé không cưới xin chính thức ở trên đồn điền Thái Nguyên. Cô sống ở Hà Nội với bà mẹ và cậu em trai và đã nghỉ học khi bắt đầu lên trung học. Hai mẹ con cô thấy cậu tham tá đồn điền trẻ trung và khôi ngô nên cũng có cảm tình ngay từ buổi gặp mặt ấy. Và thế là, cứ đến thứ bẩy hàng tuần, cậu tôi không cần phải đi cùng cô Xuân về Hà Nội để đến ngôi nhà ở phố Hàng Trống nữa mà tự cậu đi để gặp gia đình mẹ con cô Đỗ Thị Ý. Năm sau thì đôi trai gái làm lễ thành hôn ở nhà thờ Lớn sau khi cậu đã học giáo lý và nhận tên thánh là Giu se Đào Văn Đổng cho phù hợp với gia đình bên vợ có đạo gốc. Năm ấy cậu tôi 25 tuổi còn mợ tôi mới 20.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét