NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở (1)
Tôi hồi nhỏ không được thầy u làm giấy khai sinh và đặt tên chính thức cho mà chỉ gọi là thằng Cu con. Năm 12 tuổi sau mấy năm tản cư kháng chiến chống Pháp, về lại quê nhà, tôi mới được cậu tôi làm cho giấy khai sinh để xin đi học. Bấy giờ u tôi cũng chẳng còn nhớ tôi sinh tôi vào ngày nào tháng nào mà chỉ nhớ khi đó đang vụ gặt lúa mùa. Về năm sinh thì u tôi nhớ tôi đồng niên với con nhà này nhà kia, cậu tôi căn cứ vào đấy bớt đi ba tuổi vì tôi đi học quá muộn. Còn tháng thì đang vụ gặt lúa mùa nên ghi là tháng Mười, ngày sinh thì lấy luôn ngày đi xin giấy khai sinh. Và thế là ngày tháng năm sinh trong giấy khai sinh của tôi là 7 tháng 10 năm 1940. Sau này mọi giấy tờ như chứng minh thư, hộ khẩu và lí lịch đi làm đều là ngày sinh tháng đẻ ấy!
Một cái ngày tháng năm sinh như thế thì thầy nào có thể lấy được số tử vi cho tôi. Nhưng nhìn lại cuộc đời mình, tôi tự nghĩ nếu có lá số đúng thì cung điền trạch của tôi chắc chắn là có nhiều sao hãm địa. Những căn nhà đời tôi đã ở sẽ chứng minh điều đó.
Căn nhà đầu tiên tôi ở hiển nhiên là căn nhà từ bụng mẹ đi ra. Ấy là ngôi nhà của tổ phụ để lại cho thầy u tôi. Ngôi nhà dựng trên một thửa đất có khuôn viên 240m2 ngay cạnh điếm canh của thôn, lối ra vào rất thuận tiện. Nhà 3 mặt tường xây gạch, mái lợp lá gồi, ba gian hai chái theo kiểu tứ trụ giao nguyên, một thò hai thụt – tức là ngôi nhà ba gian có vì kèo hai lớp hàng ngang, giống như hai tầng cây xuyên được bố trí theo hàng ngang, có mặt tiền rất rộng, có nhiều cửa cùng hướng mặt tiền của căn nhà, cột và cửa nhà đều bằng gỗ. Căn phòng chính giữa được bố trí làm phòng khách và nhà thờ. Bàn thờ đặt ngay sát tường đối diện cửa lớn ra vào.Trước bàn thờ, nhà người ta thường đặt một bộ trường kỷ hoặc bàn ghế tiếp khách nhưng nhà của ông tôi chỉ kê một bộ phản ngựa 2 tấm, bình thường thì để trần đẻ lộ ra mầu gỗ nâu nhạt bóng nhẵn, khi có khách thì trải chiếu hoa lên, bộ trường kỷ cũ thì kê ở mé tường gần cửa ra vào gian chái bên trái. Hai bên cột nhà gian thờ treo một bức hoành phi và một đôi câu đối. Hai chái nhà thì một chái làm kho chủ yếu để những cái chum đựng thóc hoặc lúa giống cho mùa sau, chum nào cũng có nắp đậy kín để chuột không vào ăn hại và phá phách được. Chái kia làm buồng ngủ, cũng là nơi mắc các giây thừng để treo sống áo. Khu vực nhà ngang vừa là nơi bếp núc vừa là nơi để làm hàng xáo gồm cối xay thóc, cối giã gạo chỗ ngồi giần sàng được làm biệt lập ở mé bên trái, ngăn cách hẳn với nhà chính bởi một cái sân rộng lát gạch lá nem Bát Tràng. Bao bọc cơ ngơi là hai bức tường gạch xây ở hai mé sát với đường cái, một lối đi vào ngõ trong nhà họ Lê, một lối đi vào ngõ trong nhà ba họ khác: Nguyễn, Lê, Đặng. Hai bức tường sau nhà chính và nhà bếp cũng là tường ngăn với vườn hai nhà láng giềng: Nhà ông Chánh Khoát phía sau và nhà bà phó Đội bên trái.
Ở căn nhà này, tôi đã nhìn thấy cảnh bà nội Chi xay thóc, giần sàng gạo, u tôi và chị cả tôi giã gạo. Rồi cảnh u tôi gánh lúa từ ngoài đồng về đập lúa trên những chiếc cối đá sứt mẻ, phơi thóc trên sân gạch. Thằng cu con là tôi chỉ phải ngồi dưới mái hiên, khi thấy con gà nào đến gần chỗ phơi thóc thì vung cái roi đầu buộc túm mấy dây lá chuối khô, miệng xùy xùy đuỏi không cho chúng vào sấn ăn thóc.
Những năm tôi mới 5,6 tuổi, anh tôi theo cậu tôi lên Phúc Yên để đi học, mỗi khi bà nội Chi đi chợ mua bán thóc gạo, u và chị tôi ra đồng, tôi phải trông nhà một mình, sợ ma tôi không dám ở trong nhà mà phải ra tận hàng rào râm bụt ngăn sân nhà với lối đi trong xóm rồi chơi thơ thẩn một mình ở đấy chờ có ai về mới dám theo chân vào trong nhà.
Năm 1945 nạn đói khủng khiếp xảy ra khi tôi vừa lên tám. Một lần phải trông nhà một mình, tôi đang bẻ hoa râm bụt chơi thì thấy từ phía cổng bên phải sân xuất hiện một người đàn ông thân hình khô quắt, chỉ còn da bọc xương, quần áo rách bươm, đi đứng không vững, cặp mắt nhìn khắp mặt đất và đảo khắp chung quanh để cầu xin được miếng ăn. Thấy thế, tôi sợ quá vừa xua tay vừa kêu lên:
- Đi đi. Đi ra đi!
Nhưng người ấy cứ lê bước về phía nhà trên khiến tôi càng thêm sợ, vội chạy tới ông ta định bụng sẽ kéo tay ông ta dắt ra cổng. Nào ngờ tôi vừa đụng tay vào tay người đó thì người đó ngã lăn xuống đất. Không biết làm sao, tôi khóc òa lên gọi bà và u tôi về. Nhưng bà và u tôi ở xa đâu có nghe thấy. May sao, chốc sau, người đàn ông đó ngồi lên rồi loạng choạng đứng dậy và lết đôi chân ra khỏi cổng nhà tôi.
Trong kháng chiến chống Pháp, 4 u con tôi theo gia đình cậu tôi tản cư lên ấp Đại Bái của họ Đỗ nhà mợ tôi, chỉ bà nội Chi ở lại nhà. Bà bảo bà già rồi, mắt lại kèm nhèm, nếu trời bắt chết thì bà chết ở nhà, không chạy loạn đâu cả. Nhưng thật tội nghiệp bà khi phải nhìn thấy cảnh người ta dựa vào chính sách tiêu thổ kháng chiến đốt ngôi nhà của mình, ngôi nhà đã được tôn tạo từ căn nhà cũ của tổ nghiệp bằng mồ hôi công sức của bà từ những đồng tiền chắt chiu trong công việc làm hàng xáo. Mà ác nghiệt thay, kẻ chỉ huy đốt nhà bà lại là ông cháu trưởng họ gọi bà bằng thím trong khi toàn bộ cơ ngơi gồm ngôi nhà trên 5 gian mái ngói và dẫy nhà ngang tường gạch mai lá gồi của y thì vẫn nguyên vẹn. Đã thế y còn cho khuân về nhà y gần hết cối đá và chum vại của bà. Thân già một mình, bà phải sang xóm Hà ở với ông Nguyễn Xuân Thứ, con trai trưởng ông Nguyễn Văn Quyết em ruotj của bà đã quá cố.
Ấp Đại Bái, nơi tản cư có một ngôi nhà ngói ba gian dành cho cậu mợ tôi ở. Mấy u con tôi và những người khác sống trong những căn nhà tranh vách đất quanh ngôi nhà ngói đó. Ngôi nhà thứ hai đời tôi đã ở không có nhiều kỷ niệm lắm ngoài việc chăn trâu chăn vịt và được học bình dân học vụ nên biết đọc biết viết.
Về việc chăn trâu, cậu tôi tự cày hết ruộng cho mình và cho anh chị em theo cậu tản cư lên ấp nên trong nhà nuôi tới ba con trâu đăt tên theo thứ tự là Trâu Lớn, Trâu Nhỡ và Trâu Bé. Trâu lớn là con trâu to, thiến sót nên rất hung dữ, nhất là khi nó trông thấy trâu cái, bởi vậy cậu tôi phải giao cho anh Lê, cháu rể trong họ, một lực điền cai quản. Con trâu Nhỡ là con trâu cái đã có tuổi, rất hiền lành giao cho tôi chăn thả còn con trâu Bé đang tập cày thì giao cho anh tôi. Chăn trâu về mùa đông tuy rét nhưng lại sướng nhất vì thả trâu ăn cỏ trên những cánh đồng đã gặt không sợ chúng ăn lúa, lại có rạ khô để hun chuột vừa ấm vừa có chuột nướng lên ăn.
Tôi sợ nhất là phải chăn vịt sau vụ gặt lúa chiêm vì ruộng thì nhiều nước mà đỉa thì nhung nhúc, mỗi khi phải lội xuống ruộng lùa vịt, đỉa bơi theo chân để bám nên tôi phải bóc mỏng mo cau ra rồi buộc cột vào ống chân tránh đỉa cắn bám.
Việc học bình dân là do có một đơn vị bộ đội về ở nhờ trong ấp một thời gin khoảng 3 tháng. Chỉ huy đơn vị là anh Thắng, chỉ biết anh bảo tên anh Thắng còn họ là gì không ai hỏi và cũng không ai nghe nói. Anh Thắng người Hà Nội, đang theo học dở dang trung học; hay hát và hát cũng rất hay. Hai bài anh thường hát cho mọi người nghe, chẳng ai biết tên bài hát là gì của ai sáng tác mà chỉ nhớ câu mở đầu một bài là: “Mùa đông đã đến nơi rồi” và một bài là: “Ai về chợ huyên Thanh Vân/ Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa? ”. Anh Thắng ơi, hát bài “Mùa đông đã đến nơi rồi” cho chúng em nghe đi!; Anh Thắng ơi, dạy chúng em bài hát “Ai về chợ huyện Thanh Vân” (hoặc bài hỏi thăm cô Tú) tối nay nhé!! Mọi người thường yêu cầu anh như thế. Anh Thắng không chỉ nhiệt tình hát cho mọi người nghe, dạy mọi người hát mà còn bày cả việc dạy chữ cho mọi người. Lớp học của anh mở ngay giữa sân nhà chính của cậu mợ tôi ở trong ấp. Trừ cậu mợ tôi, và một vài người đã biết chữ như bác Hanh, anh Hồng, hai chị em Vị, Nguyên con cậu Đài tôi đã mất được cậu Đổng với đạo nghĩa “sảy cha còn chú” nuôi dạy , không học anh Thắng còn lại những người không biết chữ ai nấy đều theo học, trong đó có u tôi, chị cả tôi và tất nhiên là có tôi. Anh Thắng lấy nong nia làm bảng, vôi trắng khô làm phấn; chúng tôi lấy que tre làm bút, lấy mặt sân đất làm giấy vở.
Dạo ấy để mọi người tích cực học bình dân học vụ, một phần vì các chợ có lệ, ai muốn được vào mua bán thì phải đọc được mấy chữ viết trên những cái nong nia hay trên những tấm ván treo chắn ngay lối ngoài cổng chợ. Vì thê, người lớn tuổi học anh Thắng để mong biết đọc, thoát cái cảnh phải trốn chui trốn lủi để lẻn vào trong chợ như kẻ cắp. Trẻ con thì học để không bị lêu lêu khi đứa này đố đứa kia viết hay đọc đúng từng chữ một trên nền đất và rồi mơ ước sẽ đọc được mấy cuốn truyện nôm khuyết danh như Trương Chi, Thạch Sanh, Hoàng Trừu ...trong cái kệ sách ở ngôi nhà lớn của cậu mợ tôicho người già nghe. Khi đơn vị của anh Thắng rời ấp thì hầu hết mọi người đều thoát nạn mù chữ. Bọn trẻ chúng tôi tự học thêm theo cách riêng của mỗi đứa. Tôi dược cậu tôi cho mấy mẩu bút chì cũ mà tôi coi như của quý hiếm rồi cậu tôi bày cho cách kiếm lá chuối khô vuốt cho phẳng phiu làm giáy mà tập viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét