ÁN VĂN (2)
Hôm trước trong bài Án văn phần 1, nhân nhắc lại vụ án văn nghệ kinh thiên động địa Nhân văn giai phẩm, tôi lục tìm đống sách trong tủ sách nhà mình tòi ra mấy cuốn đáng giá, giấy đã ố vàng theo thời gian, “quý” nhất là cuốn “Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa” của ông Tố Hữu. Quý ở chỗ muốn nói thì phải có sách, mách có chứng, kẻo ai đó lại bảo mình phịa. Lẩn mẩn giở đọc mấy bài, cứ giật thon thót. Giời ạ, làm sao mà ngày xưa người ta lại có thể tung hô bốc lên tận mây xanh được cái giọng điệu đao phủ, phát xít, côn đồ như vậy. Rồi tặc lưỡi, với ông trùm - chánh mật thám, phòng nhì, nhà đoan, kiểm duyệt văn nghệ Tố Hữu ấy, không tung không hô thì chỉ có nước đi tù.
Lạ ở chỗ, khá nhiều vụ án văn nghệ có dính dáng, liên quan tới ông Lành (Tố Hữu) nhưng về sau người ta cố gắng chiêu tuyết cho ổng, thậm chí bảo ông không có lỗi, không can dự gì vào những số phận bị vùi dập, chẳng hạn với Phùng Quán (cháu họ ông, gọi ông bằng cậu), Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang (nhóm Nhân văn giai phẩm), Hữu Loan (vụ Màu tím hoa sim), Lưu Quang Vũ (vụ ra khỏi quân ngũ), Hoàng Cát (vụ Cây táo ông Lành), Phạm Tiến Duật (vụ Vòng trắng), Việt Phương (vụ Cửa mở)… Người ta biện hộ, nếu muốn quy trách nhiệm cho ông Tố Hữu thì phải có chứng cứ, văn bản, lệnh của ông. Có những bài bênh ông còn viết rằng ông rất quý Phùng Quán, ông tình cảm với Hoàng Cát, ông khen Việt Phương…, thế mà cứ đổ vấy cho ông, v.v..
Xin nhớ rằng, trong bộ máy cai trị này, chả riêng trong lĩnh vực văn nghệ, lệnh miệng nhiều khi còn ghê hơn lệnh giấy. Không vừa ý cái gì, người ra lệnh chỉ lạnh nhạt nói vài ba câu, cấp dưới cứ thế mà quắn đít thực hiện. Cấm cãi. Bố đứa nào dám cãi. Ông Phạm Tuyên viết nhạc, công lao với cách mạng ít ai bằng, nhưng mấy lần nhà nước xét giải thưởng Hồ Chí Minh đều trượt, biết đâu có “ngài to to” nào đó thủng thẳng buông một câu “ông ta là con Phạm Quỳnh, cần phải thận trọng, xem xét cho kỹ” thì danh sách đóng lại cái rụp. Xứ này, biết bao người, trong đó có văn nghệ sĩ, chết bởi những câu vu vơ kiểu vậy.
Tuy nhiên, ông Tố Hữu không chỉ vu vơ, ông ấy còn để lại chứng tích tội ác bằng giấy trắng mực đen về những hành động đao phủ chặt chém của ông ta. Chỉ riêng cái bài tổng kết mà tôi nhắc ở trên (bài "Tổng kết cuộc đấu tranh chống Nhân văn giai phẩm" năm 1958), trong đó ông miệt thị, khinh bỉ, chửi bới, kết án những Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Đào Duy Anh, Trần Dần, Phùng Quán, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Trần Duy, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Cao Xuân Huy…, gọi họ là rác rưởi, cặn bã, lưu manh, gái điếm, quân bợ đít, phản động, kẻ thù giai cấp, phản đảng, kẻ phản bội nhân dân, ăn cháo đái bát…, chính ông ấy nói ra chứ có ai ép phải viết thế đâu. Cũng như sau này có vài người bênh ông Lê Đức Thọ, nói ổng nhân tình với các nạn nhân vụ “Xét lại chống đảng” lắm, đừng vu oan, nói quá cho ông ấy. Vâng, nhân tình hay không thì cứ phải hỏi con cháu của cụ Vũ Đình Huỳnh, hỏi ông Vũ Thư Hiên (con cụ Huỳnh) còn sống, hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang (và con cụ Giang là ông Nguyễn Quốc Tuấn), nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà báo Tuân Nguyễn… là rõ ngay. Họ là người trong cuộc, máu và nước mắt đọng đầy trên mặt, gạt đi cũng chả hết, vu cáo ông Sáu Búa ấy làm gì.
Một thời, nhất là thời chúng tôi học cấp 2, cấp 3 (nửa cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970), do ông Tố Hữu nắm quyền sinh quyền sát, thơ ông chễm trệ trên hầu hết sách giáo khoa buộc học sinh phải thuộc lòng. Đề thi môn văn, quanh đi quẩn lại, cứ hết thơ Hồ Chí Minh lại tới thơ Tố Hữu, dường như chiếu văn chương xứ này ngoài hai cụ tiên chỉ đó thì chả còn ai. Những đại thụ lừng lẫy bao thế kỷ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trương Hán Siêu, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát… chỉ như ngọn cỏ không đáng kể. Thành nếp đến nỗi, cứ thi tốt nghiệp cấp 3 (hết lớp 10), nếu năm ngoái đề thi đã ra thơ Hồ chủ tịch thì năm nay chỉ cần túm lấy thơ Tố Hữu là xong.
Suốt mấy chục năm, các thi sĩ xứ này, kể cả đám Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông… muốn sống chết với thơ nhưng không chịu nổi, phải nhào sang làm chính trị, phục vụ chính trị, làm thơ ca ngợi tung hô, kiểu như “Khắp những đường tôi dạo tôi qua/Tôi đã nghe nhiều những khúc ca/Ngói mới”. Khi họ vẫn chịu cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ” thì đại thi sĩ Tố Hữu chả bao giờ phải quan tâm tới chuyện tiền bạc. Nhuận bút thời bấy giờ, dù thơ Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận được đăng báo cũng chỉ chục đồng bạc, nếu báo dịp tết may ra tăng hơn vài đồng. Tới tận năm 1974, nhờ anh Bùi Trọng Cường cùng lớp chỉ dẫn, tôi gửi bài thơ viết về vùng lúa Thái Bình cho báo Độc Lập (tờ báo của đảng Dân chủ), được đăng, sướng lắm khoe khắp nơi, đi tàu điện Thanh Xuân - Bờ Hồ vào lĩnh nhuận bút được 3 đồng, đó là có xem xét ưu tiên cho thơ trẻ sinh viên.
Có lần tôi nghe mấy anh lớp trước như Đỗ Minh Tuấn, Triệu Xuân Điến, Thái Kế Toại… trò chuyện, kể thơ ông Tố Hữu siêu nhuận bút, bất luận hay hoặc không hay đều “giá sàn” phải vài trăm đồng một bài (xin nhớ chiếc xe đạp Thống Nhất rất hiếm thời ấy bán phân phối cho cán bộ chỉ hơn 200 đồng). Mỗi dịp tết nguyên đán hoặc tết tây là dịp ông Lành hốt bạc bởi các báo tranh nhau đăng thơ xuân, thơ năm mới của ông, cùng một bài có khi trên cả chục tờ báo. Người ta còn truyền tai nhau chuyện ông Hoàng Tùng tổng biên tập báo Nhân Dân như thường lệ trước tết lại sai nhân viên đem nhuận bút thơ xuân tới cho bác Lành, ông nhà thơ mở phong bì ra đếm thấy những 500 đồng, cười bảo, đại loại “nhuận bút cao hè, thế này thì các nhà thơ sống tốt quá còn gì”. Đó cũng là lý do giải thích tại sao thi sĩ Lành đẻ sòn sòn thơ xuân, năm nay chào xuân 67, năm sau chào xuân 68, năm sau nữa bài ca xuân 69, rồi cứ một mạch 70, 71, 72… Cụ Hồ có thơ chúc tết thì ông Tố Hữu cũng phải có, song kiếm hợp bích. Sau khi cụ chết, ông Lành được độc quyền, không đối thủ.
Tôi từng được đọc một bản thư đánh máy, chỉ to bằng 2 bàn tay, của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện gửi ông Tố Hữu. Họ từng gắn bó với nhau, đứng chung một chiến hào, cùng mặt trận tư tưởng văn hóa, nhưng tính cách khác nhau, cả tài năng cũng khác. Ông Viện chỉ là bác sĩ y khoa nhưng kiến văn của ông có lẽ đương thời ít ai bằng. Ông thẳng thắn, bộc trực, dạng “yêu ai cứ bảo là yêu/ghét ai thì bảo là ghét”, nên ông viết cho ông Lành. Thư có đoạn: “Ngày 30 - 11 - 1986. Anh Tố Hữu ạ! Trước kia đọc thơ, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán ngẩm bấy nhiêu. Anh bảo làm bí thư vẫn không bí thơ, chúng tôi thì thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo. Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền, là chôn vùi luôn sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hòa với anh em, anh em chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ chứ không phải tiền hô hậu ủng nữa… Nguyễn Khắc Viện – 8 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội”. (Xin nói thêm tại sao ông Viện viết “anh bảo làm bí thư…” bởi ông Tố Hữu có bài thơ nịnh đảng rất trắng trợn, tự cao trắng trợn: “Làm bí thư hoài có bí thơ/Rằng thơ với đảng nặng duyên tơ/Thuyền bơi có lái qua mưa gió/Không lái thuyền trôi lạc bến bờ”).
Tất nhiên ông Tố Hữu không đời nào nghe lời khuyên chân thành gan ruột của ông Viện. Kết quả là ông Viện bị ghi vào sổ đen, bị khó dễ đủ điều, viết bất cứ thứ gì cũng bị kiểm duyệt chặt chẽ, phần lớn không được đăng suốt bao nhiêu năm. Và chúng ta cũng biết, gieo nhân nào gặt quả ấy, thơ ông Tố Hữu giờ đây chả mấy ai nhắc tới nữa. Thơ ông cũng biến dần ra khỏi sách giáo khoa các cấp bởi hậu sinh thấy để đó chối quá. Rồi có ngày nó sẽ mất hẳn.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét