CẬU ĐỔNG (3)
Hai mươi mốt năm sau, năm 1976, tôi được vào Sài Gòn mới giải phóng tròn một năm tìm gặp gia đình cậu ở hẻm 203/7 đường Tự Đức nay đổi là đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận Nhất. Bây giờ cậu mợ tôi đã có thêm 3 người con trai. Trong đàn con 9 người thì có 4 cô con gái đã lấy chồng, còn 5 người vẫn ở với bố mẹ cộng với cô Nguyên, con cậu Đài đã chết được cậu nuôi từ tấm bé, 8 người ở trong ngôi nhà 203/7 đó.
Ngôi nhà một tầng chỉ có ba phòng. Phòng ngoài vừa làm nơi để xe vừa làm nơi tiếp khách ban ngày, tối đến thì dẹp gọn bàn ghế lại trải chiếu ngủ. Như thế nó vẫn chưa hết chức năng vì một góc ngay bên phải cửa ra vào nó còn dùng để kê một cái giường tủ, tựa như một cái hòm mà nắp hòm khi đóng lại thành một tấm phản đủ một người nằm. Cậu tôi ngủ trên cái hòm đó.
Gian thứ hai, bên dưới trệt là phòng riêng của mợ tôi, bên trên là một gác lửng gỗ chia làm hai khu, coi như hai cái giường lớn, một dành cho các con gái, một dành cho con trai. Hai cái màn rộng bằng đúng hai cái giường lớn đó mắc sẵn suốt 24/24, tối chỉ việc chui vào ngủ, sáng chui ra. Gian thứ ba là nhà bếp, nhà ăn, nhà tắm và nhà vệ sinh.
Cậu giải thích:
- Những năm mới vào Sài Gòn, cậu tìm mãi mới mua được ngôi nhà vừa ưng ý vừa đủ tiền mua này. Dạo đó còn có đủ hai chị em Vị, Nguyên và hai anh em Kim và Lan (hai em cùng cha khác mẹ với mợ), cả thảy 12 người ở trong ngôi nhà này nên phải làm thêm cái gác lửng đó và phân chia chỗ học đồng thời cũng là chỗ ngủ cho con trai con gái là thế. Sau rồi cậu mợ sinh thêm 3 em trai, chúng dần lớn lên thì cứ thế mà sinh hoạt
Một gia đình công chức ở quận Nhất Sài Gòn mà có được căn hộ đó kể cũng là điều nhiều người mơ ước. Nhưng so với cái biệt thự của cậu mợ phải bỏ lại ở Hà Nội thì căn hộ đókhông đáng là một cái lều mà chỉ như một cái ổ chuột.
Nhưng điều đó không làm cậu Đổng buồn mà cậu buồn nhất vì 4 người con trai không ai học đến đầu đến đũa. Cậu con trưởng đang học luật nay Sài Gòn giải phóng nghe người ta nói luật ngụy quân ngụy quyền thì ai dùng làm gì nên bỏ học và xin một chân chạy việc không lương trong ban văn hóa thông tin đường phố để tránh phải đi bộ đội. Cậu thứ hai đang học Nông lâm gia súc cũng bỏ trường về buôn bán lặt vặt ngoài vỉa hè để có tiền tiêu. Hai cậu bé đang học phổ thông.
Cậu thổ lộ với tôi:
- May được mấy đứa con gái đã học xong. Em Nhị làm dược sĩ lấy chồng cũng là dược sĩ, có cửa hàng thuốc Tây riêng. Em Dung được học bổng du học Pháp rồi lấy chồng và cùng chồng con đã sang Mỹ. Hai em Hảo và Hiếu xong tú tài thì học sư phạm giờ dạy tiểu học và cũng có gia đình riêng. Hai chị em Vị và Nguyên cũng học xong đi làm, Vị đã có chồng và 3 con có nhà riêng bên Bình Thạnh. Hai anh em Kim và Lan cũng xong tú tài, Kim dạy kèm Tiếng Anh cho cả trẻ em lẫn người lớn đã lấy vợ và có nhà riêng ở Lái Thiêu; Lan thì làm sở Mỹ, chưa lấy chồng nhưng có lương đã thuê nhà xin ra ở riêng, Những người ấy khiến cậu yên tâm coi như đã làm tròn trách nhiệm trông nuôi họ từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành. Giờ trong lòng chỉ còn mối lo về 4 đứa con trai thôi.
Cậu Đổng và một số con cháu (Ảnh có chữ cậu đề tặng tôi ở mặt sau)
Năm 1975, cậu Đổng mới 56 tuổi nên vẫn được lưu dung. Sáng nào cũng vậy, sau khi hai cậu cháu ăn điểm tâm và uống cà phê phin ở nhà xong thì cậu đi làm. Trước Sài gòn giải phóng cậu đi làm bằng cái xe máy Lambretta. Nay đời sống đã khó khăn lại thêm xăng dầu rất hiếm nên cái xe đó dựng một chỗ ở góc nhà, tôi chỉ thấy duy nhất một lần cậu đem nó ra dùng. Ấy là hè năm 1986, khi hai vợ chồng tôi vào Sài Gòn tìm cậu. Vừa gặp nhau mừng mừng tủi xong thì cậu bảo vợ tôi ngồi sau chiếc xe Lambretta đó để chở đi xem nhanh phố phường Sài gòn ra sao. Chừng 45 phút sau thì xe về, cậu lại bảo tôi lên sau xe rồi chở đi một vòng lên Lê Lợi. Hàm Nghi, Nguyễn Huệ…rồi sang Trần Hưng Đạo đi lên Chợ Lớn. Qua chỗ nào có cảnh quan đặc sắc, cậu cũng giới thiệu về nó. Tuy chỉ là cưỡi xe xem nhanh đường phố Sài Gòn nhưng tôi đã thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp tráng lệ của một đô thành đã từng vang danh Hòn ngọc Viên Đông. Ở Hải Phòng, tôi được ở trên con phố Đinh Tiên Hoàng to đẹp nhất thành phố với nhiều cơ quan đầu não của thành phố khiến người dân gọi nó là phố Đông Quan. Vậy mà nếu đem nó đặt bên cạnh các con đường Sài Gòn kể trên, chắc nó cũng tự nhận mình chỉ là em út thôi.
Bây giờ hàng ngày, cậu đi làm bằng xe đạp. Cậu bảo tôi ngồi sau xe theo cậu cùng đến sở rồi lấy xe đạp đi đâu đó cho tiện, trưa thì về sở đón cậu về nhà ăn cơm.
Dạo ấy, các chợ giời mọc như nấm trên các đường phố do nhu cầu nhặt nhạnh bán đồ cũ của người Sài Gòn để có tiền sinh sống trong giai đoạn cùng cực nhất của họ nên các thức đồ đều bán khá rẻ. Vậy mà, thấy tôi ngày nào cũng ha buổi rong chơi phố phường và la cà chợ giời nhưng không thấy đem một thứ đồ cũ nào về, cậu biết tôi không có tiền. Điều đó cũng dễ hiểu vì hai vợ chồng tôi đều là giáo viên quèn lại đang phải nuôi 4 đứa con còn nhỏ.
Cậu nói với tôi:
- Năm 1945, sau cách mạng tháng 8 rồi kháng chiến bùng nổ, cậu trắng tay lần thứ nhất, về ấp của gia đình mợ tự cầy cấy mà ăn. Năm 1955, khi di cư vào Sài Gòn, cậu trắng tay lần thứ hai, chỉ còn ít vàng dấu trong phích nước. Lần này, sau 1975 là lần trắng tay thứ ba. Quá tam ba bận, lần này thì trắng thật sự vì theo kiểu công chức ăn dè để dành, có đồng nào dư dả cậu gửi hết vào ngân hàng mà giờ ngân hàng họ cũng tháo chạy thoát thân hết rồi. Trưa ngày 30/4. hầu hết các ngân hàng của VNCH ở khu vực Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn đã được chính quyền Cộng sản niêm phong, tiếp quản toàn bộ kho tiền và cơ sở vật chất. Sáng 1 tháng 5, Ủy ban quân quản chính phủ cách mạng lâm thời ra lệnh "Quốc hữu hoá" toàn bộ hệ thống ngân hàng cũ. Các giấy tờ gửi tiền như của cậu đều trở thành giấy lộn. Vì vậy sau hơn hai chục năm cậu cháu gặp lại nhau, biết các cháu đã chịu đựng nghèo khổ hơn hai chục năm qua mà cậu không có đồng nào để giúp các cháu. Cậu buồn và xấu hổ lắm.
Hôm sau, trưa một ngày chủ nhật, tôi đi chơi lang thang về, ăn cơm xong cậu đưa tôi ba chục đồng tiền giải phóng và bảo:
- Cháu cầm lấy mà tiêu. Cậu vừa bán cái máy bơm nước cũ chỉ được ngần ấy thôi.
Tôi xin cậu mà lặng người đi vì nước mắt đang ứa nặng trên hai bờ mi.
Chiều hôm ấy tôi ra chợ giời trên đường Huỳnh Thúc Kháng, lê la mãi mới mua được cái cát sét máy nằm to bằng nửa tờ báo chạy băng tiểu chỉ tròn bằng miệng cái chén uống nước trong khi nhiều người họ mua cát set thứ thật, Sony đứng, Sony nằm, Sharp hay máy chơi băng cối Akai nhiều tiền hơn gấp bội. Ấy vậy mà tôi thấy rất vui thích trong lòng vì dù gì nó cũng là cái cát sét, nghe được Sơn ca 7 của Khánh Ly cùng những băng khác của Thanh Thuý, Lệ Thu…với những bản nhạc vàng mà từ năm 1954 đến nay tôi không được nghe ở trên miền Bắc XHCN; rồi nó cũng ghi được băng mới trong đó có thể ghi cả giộng nói của mình. Tôi đem về khoe với cậu coi như một cách cảm ơn cậu đã cho tôi 30 đồng giải phóng.
Khi đem chiếc máy ấy ra Bắc, tôi đã mở cho vợ con nghe nhiều bài hát từ những cái băng chỉ to bằng miệng chén uống nước ấy rồi thu giọng nói của các con cho chúng nghe lại khiến cả nhà đều cùng vui thích.
Ít lâu sau, ông Hoà phó giám đốc sở Giáo dục Hải Phòng biết tôi có cái máy nhỏ con ấy, đến nhà tôi hỏi mua. Mới đầu tôi không bán nhưng ông ấy cứ nằn nì mãi:
- Tôi có đứa con gái vừa mới thi đậu trường Đại học ngoại ngữ trên Hà Nội nên anh thông cảm bán cho tôi để tôi cho cháu có cái học nói học đọc tiếng Anh cho tốt. Hè tới thế nào anh chẳng đi Sài Gòn, anh sẽ mua cái khác được mà
Nghe ông Hoà nói thế, tôi vui lòng bán cho ông ấy, lấy lãi mấy đồng bạc coi như công mua và đem từ Sài Gòn ra.
Những năm sau năm 1979, tôi vào thăm cậu thì được biết đứa con út của cậu mợ vừa xong nghĩa vụ quân sự trở về, có bị điều ra biên giới Cam pu chia nhưng may vẫn toàn thân. Lúc này, hai cô con gái thứ năm và thứ sáu của cậu mợ đã vượt biên sang Mỹ an toàn, vậy là ở Mỹ cậu mợ có 3 gia đình 3 cô con gái. Mợ tôi viết thư sang bảo các chị gửi tiền về giúp các em vượt biên. Nhưng năm bảy lần liên tiếp, khi thì bị bắt, khi thì bị lừa, tiền vàng thì mất mà các em vẫn phải ở lại với những cái cột đèn Sài Gòn không có chân. Năm 70 tuổi, mợ tôi qua đời phần vì bệnh phần vì đau buồn vì không cứu được mấy đứa con trai mà đành phải ôm mối hận đời đó xuống Tuyền Đài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét