Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

THÊM CHUYỆN 
VỀ  TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ CỦA LỄ ĐỘC LẬP

Mới 6 tháng Chín, chưa hết tuần kỷ niệm lần thứ 43 ngày Quốc Khánh, thấy đoạn viết này của ông Nguyễn Thông, ký giả báo Thanh Niên đã nghỉ hưu viết rất hay về cụ Nguyễn Hữu Đang:


Phiên tòa tại Hà Nội ngày 19/01/1960, xử vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Từ trái sang phải: Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Thuỵ An, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Ảnh: Flickr

Có lần tôi được đọc bài rất hay của bác Vũ Thư Hiên trên trang phây búc (Facebook) nhà bác. Bác Hiên là con trai cụ Vũ Đình Huỳnh, mà cụ Huỳnh là bí thư, trợ lý thân cận của cụ Hồ những năm sau cách mạng tháng 8.1945. Năm 1967-1968, ông Sáu Búa Lê Đức Thọ khi ấy là Trưởng ban Tổ chức trung ương (chức này quyền hành chỉ kém Bí thư thứ nhất, tức Tổng bí thư sau này) đã liên minh với ông Lê Duẩn triệt hạ tất cả những người không ăn cánh với hai ông, đồng thời triệt luôn những ai có tư duy đổi mới, dân chủ. Hai ông Lê gọi họ là đám xét lại, theo đuôi Khơ rút sốp (Khrushchev) Liên Xô và Tito Nam Tư để phá chủ nghĩa xã hội. Cụ Huỳnh và ông Hiên con trai cụ đều bị bắt, giam cầm nhiều năm, đến khi được thả ra vẫn mất hết quyền lợi chính trị, oan sai không được tháo cởi, cha thì ôm mối hận nghìn thu xuống mồ, con thì phải lưu vong xứ người suốt từ khi ra khỏi tù tới nay. Thân thiết gần gũi với cụ Hồ như thế, họ cuối cùng vẫn không thoát khỏi lao tù của chính những đồng chí đã một thời đồng cam cộng khổ với mình.

Trong bài viết, ông Vũ Thư Hiên có nhắc đến cụ Nguyễn Hữu Đang. Thế hệ những người đến nay đã ngoài 60 tuổi trở lên không mấy ai không biết tên tuổi cụ Nguyễn Hữu Đang. Cụ là một nhà cách mạng đúng nghĩa, một nhà văn hóa lừng lẫy, một trí thức nhân cách đáng kính. Chính cụ Đang là tổng công trình sư của lễ độc lập - quốc khánh ngày 2.9.1945. Cụ Hồ đã đích thân giao chức trưởng ban tổ chức lễ độc lập cho cụ Đang. Theo lời chính cụ Đang kể lại, khi cụ kêu khó quá, chỉ hai bàn tay trắng, thời gian lại quá gấp, cụ Hồ liền cười bảo “biết khó mới giao cho chú”. Chỉ trong 2 ngày cụ Đang đã lo liệu ngon lành, trôi chảy. Có thể nói, không có tài tổ chức và uy tín tập hợp của cụ Đang, không thể có lễ độc lập đúng ngày 2.9. Điều đó cho thấy biệt tài của một con người. Sau này mỗi lần kỷ niệm ngày quốc khánh, nhà nước vẫn lờ tịt công lao của cụ Đang một cách rất vô ơn.

Nhưng người tài thường bị ganh ghét, chữ tài liền với chữ tai một vần, nhất là với những người bản lĩnh, cương trực, không chịu xu nịnh, không chấp nhận bán linh hồn cho quỷ. Đám các ông Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Tố Hữu vu cho cụ Đang cùng với các ông Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần cầm đầu nhóm Nhân văn-Giai phẩm, là gián điệp, phản động, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Cụ Đang bị kết án 15 năm tù, thuộc diện nặng án nhất trong vụ này. Khi các ông Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Tuân Nguyễn… bị vu cho tội xét lại chống đảng, bị bắt giam và đi tù, đày lên trại giam vùng sơn cước heo hút Hà Giang thì ông Đang đã có thâm niên tù chăn kiến nơi đó gần chục năm rồi. Mãi năm 1973 ông Đang mới được thả, rồi bị quản thúc nơi quê nhà Thái Bình gần 20 năm nữa, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, ai đến thăm cũng bị theo dõi chặt chẽ. Nhà văn Phùng Quán đã có bài rất xúc động kể về những ngày không tù mà như tù của ông Đang ở Thái Bình, bị hành hạ khổ như con vật, thậm chí con chó con lợn cũng không khổ bằng.

Về cụ Đang, tôi chỉ biết rằng, hồi năm 1975 khi chúng tôi học đại học năm áp cuối có được nghe thầy Phan Ngọc (cũng bị quy tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm) làm ở Phòng tư liệu Khoa văn (thầy Cao Xuân Hạo cùng làm ở đây thời kỳ này) kể rằng suốt gần 14 năm lao tù ông Đang bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài. Không hề có một tí thông tin nào lọt qua cánh cổng sắt dày và hàng rào dây thép gai nhọn của “trại cải tạo” (thực chất là nhà tù) trên cao nguyên đá Hà Giang. Mọi diễn biến của thế giới bên ngoài, dù trong nước hay quốc tế, chỉ là con số 0. Người tù không được đọc báo nghe đài, không được phổ biến tin tức thời sự. Có lẽ đó cũng là cách trừng trị, đày ải của nhà cầm quyền đối với những "kẻ" bướng bỉnh, bất tuân phục. Sống mà không biết gì ngoài lao động khổ sai giữa vùng núi đá trập trùng, ngoài hai bữa ăn trong ngày, sống thế thì cũng như chết. Thầy Phan Ngọc kể ghê nhất là ông Đang khi được thả ra năm 1973 ông vẫn không hề biết là máy bay Mỹ đã ném bom miền bắc, chiến tranh phá hoại của Mỹ đã diễn ra gần chục năm trời (từ năm 1964-1973). Đọc truyện Tam quốc của Tàu thấy quân Tào Tháo trước khi tiêu diệt 70 vạn quân Viên Thiệu trong trận Quan Độ đã bít hết mọi thông tin về các trận trước đó khiến Viên Thiệu không biết đâu mà lần, cứ chủ quan rồi chuốc thất bại. Nhưng bưng bít thông tin như trại Hà Giang thì đám Tào Tháo thời Tam quốc cũng phải gọi cộng sản bằng cụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...