Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

THƠ NGUYỄN HỒNG THANH (2)


MỘT DÒNG SUỐI TRONG MÁT 




TÌNH BÀ CHÁU

Đó là những vần thơ của nữ sĩ Hồng Thanh viết về hai cháu nội của bà: Thơ tặng Bi Tôm.


Bi là tên gọi ở nhà của cháu gái Nguyễn Hồng Anh còn Tôm là của cháu Nguyễn Minh Triết, em trai Bi; hai cái tên rất dễ gọi, rất dễ nghe và cũng rất gần gụi trong đời sống thường ngày chứ không học đòi như nhiều người gọi con ở nhà bằng những cái tên xa lạ lơ lớ cả Ta, cả Tây, cả Tàu và cả Nhật  như Anna,  Jannet  , Jacky , Michio; Anna Hồng Hạnh,  Jannet Lệ Hằng, Jacky Minh Tân, Michio  Phạm Ngà…
Bi là “con đầu cháu sớm”, đứa con  đã đưa đôi uyên ương Nguyễn Hồng Quang  - Hà Thị Biên lần đầu tiên lên chức bố mẹ, đứa cháu đã đưa bà Nguyễn Hồng Thanh lần đầu tiên lên chức bà, lại là bà nội nữa. Vì thế, khi viết về cháu, tiếng thơ của bà nội Hồng Thanh như một tiếng đàn vút ngân lên một  niềm vui hạnh phúc:
 Bi chính là Nguyễn Hồng Anh,
 Đích thị cháu nội bà Thanh - Lâm Tường



Mẹ con nhà Bi Tôm

Tôm không được đóng vai trò của chị Bi nhưng Tôm lại là cháu đích tôn của bà nội nên sự chào đời của Tôm đã làm bừng  lên cả một bản hòa ca rộn rã không chỉ cho riêng bà mà cho cả họ hàng nộị ngoại và bè ban:
Minh Triết vừa mới chào đời,
Họ hàng, bè bạn tới nơi chúc mừng
Bà nội yêu cháu vô cùng
Ông bà ngoại cũng vui mừng biết bao
Hai đứa cháu Bi Tôm như hai bông hoa đẹp. Cháu nào cũng  trông thật dễ thương. Cháu gái Bi thì nhanh nhẹn xinh xắn và:
Cháu được cả phố gọi là hoa khôi
Cháu trai Tôm thì thông minh dĩnh ngộ:
Việc gì cháu cũng tỏ tường như ai
Còn bé nhưng cũng dễ sai
Bố mẹ dạy bảo nhớ hoài không quên.
Mới tí tuổi đầu mà Tôm đã biết:
 Vi tính bảng sử dụng siêu nhất nhà
Hai cháu không chỉ đã được mười hai bà mụ ban cho cái hình hài xinh đẹp dễ thương mà lại còn được trời phú thêm cho cái tính tốt.



Bi Hồng Anh được mọi người quý mến vì:
Ai cũng khen cháu thật thà
Còn Tôm Minh Triết ở lớp mẫu giáo:
Trong giờ học, lúc ra chơi
Bạn nào cũng muốn được ngồi với Tôm
Hai chị em thật xứng với câu  “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”!





Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi

Bà nội Hồng Thanh yêu các cháu lắm. Bà không chỉ yêu những cái tên thân thương của các cháu mà còn yêu cả cái biệt danh của cháu. Không biết ai là người đầu tiên gọi Bi bằng cái biệt danh “Con khỉ Yên Bái”. Phải chăng cái biệt danh này bắt nguồn ở chỗ Bi Cầm tinh con khỉ hoặc Bi nhanh nhẹn tinh khôn như con khỉ và quê mẹ Hà Thị Biên của Bi  ở Yên Bái,  một địa danh nằm trải dọc đôi bờ sông Hồng, vùng thấp mang vẻ thơ mộng của trung du, vùng cao mang vẻ hùng vĩ  của cao nguyên có nhiều dãy núi.  Nhưng xem ra bà nội lại rất thích cái biệt danh đó nên thơ bà đã hơn một lần âu yếm tự hào nhắc  tên con khỉ đó.
Đây:
 Ai cũng khen cháu thật thà
 “Giống khỉ Yên Bái” được bà rất yêu
Và đây:
Ông bà, chú, bác đều thương
 “Con khỉ Yên Bái” ở phường Hồ Nam
Yêu con khỉ Yên Bái nên bà nội cũng yêu cả những  gì  con khỉ ấy yêu thích. Con mèo cháu thích, con chó cháu yêu đã biến thành những con người có tâm hồn, hiện lên sống động như một bầy trẻ đáng yêu trong mắt của bà khi cháu đi  thăm ông bà ngoại trở về:
Con mèo nhảy xuống sân sau đón chào.
Mèo hỏi chị Bi làm sao,
 Đi chơi lâu thế em nào biết đâu.
Con chó đi tới gâu gâu,
Em định đi tầu để đón chị Bi.
Hồng Anh thì chỉ cười khì.
Chị đi thăm ngoại có gì mà mong.



Người đời thường nói: “Cháu bà nội tội bà ngoại”. Nhưng  quê ông bà ngoại  của hai cháu Bi Tôm xa ngái thế, muốn xuôi miền biển Hải Phòng đâu có dễ. Vì thế mới có cảnh thật ái ngại, cảm thông cho ông bà:
Ông bà ngoại quá xa xăm
Đêm ngày nhớ cháu, ông nằm không yên
Bà ngoại Bi, cứ than phiền
Sao tôi nhớ cháu  “như điên” thế này
Và cũng vì vậy, bà nội Hồng Thanh, không nói là một mình phải gánh hết hai vai phận làm bà cho cả đôi bên nội ngoại nhưng cũng đòi hỏi ở bà một sự nỗ lực lớn:
Bà bận nhiều việc triền miên
Thương cháu phải cố chẳng phiền hà ai
Bà không những chẳng phiền hà ai mà bà còn rất sung sướng được làm cây cao bóng cả giúp giập bố mẹ các cháu, chăm nom các cháu:

 Mẹ cháu bận việc triền miên
Bố thì công tác thường xuyên vắng nhà
Mọi việc chẳng phải lo xa
Đã có bà nội ở nhà trông nom
 Bà lặn lội đưa đón cháu đi Mẫu giáo:
Bi học ở trường Hoa Hồng
Chiều bà đón cháu trong lòng rất vui


Bà chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ cho các cháu. Cháu không ăn trái cây, bà cũng lo; cháu sợ gián chuột bà cũng ngại. Bà mong cháu thoát khỏi bệnh lười ăn, mong cháu lớn khôn không sợ gián sợ chuột nữa:
Ngày mai khi cháu lớn rồi
Không sợ chuột nữa bà thời biết không
Và bà đã bao đêm lo sợ mất ăn mất ngủ vì cháu bị ốm:
 Mấy hôm Bi sốt li bì
 Không đi học được bà thì rất thương
Chỉ đến khi cháu hết sốt, đòi ăn mì tôm rồi khen ngon,  thì bà mới mừng vui như người bắt được vàng:
Đến khi hết sốt lại đòi
Mỳ Tôm ngon thế! Bà ơi cháu thèm
Con cháu hôm nay gia tộc ngày mai! Đó là tiếng nói chung của mọi người nên không ông bà cha mẹ nào không nuôi hy vọng và ước mong đẹp về con cháu. Trong lòng bà nội Hồng Thanh cũng đầy ắp ước mong về các cháu của mình.
Khi cháu ở tuổi mầm non thì bà mơ ước:
 Mong ngày mai cháu đi thi,
Bé khỏe, bé đẹp bà thì thêm thương
Khi cháu sang tuổi hoa niên thì bà mong chờ:
Sinh nhật cháu bà tặng thơ
Chăm ngoan học giỏi- mong chờ Hồng Anh
Những ước mong bé khỏe, bé đẹp, chăm ngoan học giỏi tưởng chừng rất nhỏ, rất giản đơn nhưng lại vô cùng thiết thực,  bởi đó là nền tảng tốt đẹp để mai sau các cháu lớn lên sẽ thành những con người có đức, có tài và khỏe mạnh; nó như cái rễ non nhưng cứng cáp hôm nay của một cái cây nhỏ bé sẽ cho một cái cây sinh trưởng gốc sâu rễ bền, xum xuê cành lá ngày  mai. Cành không tốt thì quả sao ngon. Không làm được  công dân tốt thì sao làm được người hiền tài!
Là một người yêu thơ và giỏi làm thơ, bà nội Hồng Thanh chắc thuộc nằm lòng nhiều thơ ca trong đó có những bài bài hát  ru cháu và chắc bà cũng đã nhiều lần à ơi ru cháu bằng những lời hát ru có từ ngàn xưa ấy:
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Nhưng hơn hẳn nhiều người, bà nội Hồng Thanh còn có  bài hát ru của riêng mình cho cháu:
 Bà ru Tôm ngủ
 Bà ru Tôm ngủ à ơi!
Chị Bi đi tắm cho người thơm tho
Mẹ cho Tôm bú thật no
Bà bế cháu ngủ để cho mẹ làm
Bố cháu đi họp công đoàn
Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Chú Nghĩa chịu khó bán hàng AMWAY

Thật hạnh phúc cho Tôm được lớn lên trong tiếng hát ru đẹp đẽ, ấm áp ngọt ngào ấy của bà nội. Tiếng hát ru không đưa Tôm trở về những cánh cò bay lả bay la, những cánh đồng xanh bát ngát, những cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau…có thể còn rất xa lạ với Tôm. Tiếng hát ru ấy như khắc chạm hình ảnh những người thân thương trong gia đình vào giấc ngủ thiên thần của Tôm với cảnh sinh hoạt bình dị cần cù của chị, của bà, của bố mẹ và của chú Nghĩa trong sự thương yêu đùm bọc đầm ấm chung một mái nhà.


Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi

***

Dân ta có hàng nghìn bài ca dao nói về tình cảm gia đình nhưng hầu hết nói về tình cha mẹ và con cái mà trong đó lại nói nhiều nhất về tình mẹ con. Không nhiều bài nói về tình bà cháu. Cố tìm tòi chắt lọc cũng chỉ được mấy bài mà hầu hết đều nói về tình cảm của cháu đối với bà chứ không mấy câu nói về tình cảm của bà đối với cháu, như câu:
Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt thương bà bấy
nhiêu.
Văn học đương đại cũng không mấy thơ ca về tình bà cháu. Trong biết nhớ của một số người chỉ có hai bài thơ nói về vẻ đẹp bình dị ấy: Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh và Bếp lửa của Bằng Việt. Nhưng cả hai bài thơ đó cũng vẫn là thơ cháu nói về bà chứ không phải là thơ bà viết về cháu:
Trên đường hành quân xa, người chiến sĩ dừng chân bên xóm nhỏ. Nghe tiếng gà trưa, anh xúc động  và  nhớ về  quá khứ trong đó có người bà tần tảo, chắt chiu, dành dụm từng quả trứng cho gà ấp để cuối năm bán gà mua cho cháu bộ quần áo mới, nên:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Bếp lửa cũng là những dòng cảm xúc của cháu nhớ về bà, một đứa cháu năm xưa:
 Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả 
Những vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở 
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? 

Cháu đã khôn lớn trưởng thành, đã được chắp cánh bay xa đến một khung trời rộng lớn nhưng  cháu vẫn không  thể quên ngọn lửa của bà, không  thể nguôi quên tấm lòng đùm bọc, ấp iu của bà. 

Thơ tặng Bi Tôm của Hồng Thanh có khác.

Đó là tiếng thơ chan chứa tình cảm của bà với cháu,những tiếng thơ êm đềm khi bà ngồi bên nôi cháu, những tiếng thơ ngọt ngào vỗ về khi bà bón từng thìa cơm cho cháu ăn, những tiếng thơ thương xót đắng lòng khi bà thức trắng đêm lau từng giọt mồ hôi vì cháu sốt, những tiếng thơ ríu rít như tiếng chim sơn ca  khi  bà dắt tay cháu đến trường,  những tiếng thơ dạt dào như sóng biển khi bà nhìn thấy cháu lớn lên từng ngày, những tiếng thơ thánh thót như mưa thu từng giọt từng giọt  tích tụ trong lòng bà với bao mong ước tốt đẹp cho các cháu cả hôm nay và cả mai sau…Những tiếng thơ đã hòa tan trong không gian  của ngôi nhà nhỏ Lâm Tường bà cháu đang ở để nuôi cháu lớn lên từng ngày với tấm lòng yêu thương  tràn trề như một dòng suối trong lành không bao giờ cạn.
Tiếc là tôi không biết làm nhạc  như  nhạc sĩ Y Vân, tác giả của bài ca nức danh “Lòng mẹ”. Nếu trời phú cho tôi cái thiên bẩm  ấy, tôi sẽ phổ những dòng thơ hay nhất trong Thơ tặng Bi Tôm của Hồng Thanh thành một ca khúc với tựa đề là “Lòng bà”.
Bởi vậy, chỉ mong rằng Thơ tặng Bi Tôm của bà nội Hồng Thanh không chỉ được các cháu đọc hôm nay mà  sẽ theo suốt cuộc đời các cháu yêu của bà: Bi Tôm!


Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi và trong nhà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...