Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018


CẦU GIẤY QUÊ  TÔI
        ( Chương này chủ yếu là biên soạn, chỉ có vài vụn hồi ức )

 Tôi được chôn rau cắt rốn trên mảnh đât quê nhà: Làng Dịch Vọng, nói chính xác là tại xóm Thọ, thôn Trung làng Dịch Vọng.
Dịch Vọng quê tôi là một vùng đất cổ có bề dầy lịch sử tạo dựng và phát triển lâu đời. Nói đến Dịch Vọng, người ta thường đính thêm hai tiếng Cầu Giấy: Dịch Vọng Cầu Giấy-Tôi người Dịch Vọng Cầu Giấy- Dịch Vọng Cầu Giấy quê tôi! Vì Cầu Giấy một địa danh nổi tiếng không chỉ về địa lý, văn vật mà còn về lịch sử dân tộc.

Cầu Giấy khoảng năm 1883

Cầu Giấy là tên một chiếc cầu bắc ngang sông Tô Lịch, nằm trên huyết mạch giao thông nối vùng Tây Sơn thượng đạo và kinh thành Thăng Long, sau trở thành tên  của của một vùng đất gọi là ô Cầu Giấy, một trong năm cửa ô của Hà Nội thời trước.

Bắc qua sông Tô Lịch có rất nhiều cầu nhưng chỉ có mỗi chiếc Cầu Giấy trở thành địa danh của cả một vùng đất từ sông Tô đến sông Nhuệ và được ghi đậm trên bản đồ cũng như trong sách sử. Cầu Giấy xa xưa có tên là cầu Tây Dương. Trong sách "Việt điện u linh", Lý Tế Xuyên có nhắc đến địa danh cầu Tây Dương khi viết truyền thuyết về Từ Ðạo Hạnh (đời Vua Lý Nhân Tông): Sau khi học pháp thuật đắc đạo, ông ném chiếc gậy thần xuống sông Tô Lịch, gậy dựng đứng lên chạy ngược dòng đến cầu Tây Dương thì dừng lại. Hơn ba trăm năm trước, Cầu Giấy đổi tên là cầu Sông Tô. Văn bia "Trùng tu Tô Giang kiều bi ký" (Bia ghi việc chữa cầu Sông Tô) dựng năm Vĩnh Trị thứ tư (1679), bản dập còn lưu tại Viện Thông tin khoa học xã hội, miêu tả như sau:

"Cầu dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao tỏa chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván khác nào dẫm nơi đất bằng... Xã Thượng Yên Quyết là thắng cảnh có cầu nổi tiếng ở sông Tô. Phía đông cầu tiếp cận với kinh thành tụ hội văn vật, thuyền xe sum vầy. Phía tây cầu núi Tản mờ xa, dáng vẻ lạ kỳ, anh linh hiển ứng. Dòng nhị thủy vòng phía bắc đi về. Miếu thần phía nam phù cho dân trong hạt phồn vinh. Bên cầu khách vui chén tạc chén thù. Trên đường người qua lại tấp nập. Thật là nơi ngoại ô lớn thông suốt bốn phương, năm ngả với đường thiên lý...".

Tác giả bài văn bia là Bùi Văn Trinh (1614 - 1682) người làng Thị Cấm (nay thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm), năm Vĩnh Thọ thứ hai (1659) thi đỗ liền hai khoa: tam giáp đồng tiến sĩ và đỗ thứ ba khoa Đông các đầu tiên, làm đến các chức Đông các đại học sĩ, Bồi tụng, Binh bộ tả thị lang, Kim tử vinh lộc đại phu, tước Tuyền Linh bá.

Cái tên Cầu Giấy xuất hiện vào thời Nguyễn. Trong sách Ðại Nam nhất thống chí có ghi: "Cầu Giấy dài ba trượng, trên cầu có nhà lợp ngói". Có lẽ, sử gia lúc đó cứ theo nghề làm giấy của làng Thượng Yên Quyết (tên nôm là làng Giấy) mà gọi tên cầu. Làng Giấy thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai; từ năm 1889 đời Vua Thành Thái, đổi thành An Hòa, thuộc tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, phủ Hoài Đức. Nhưng thực ra, theo các vị cố lão, nghề làm giấy được truyền đến làng từ thời Bắc thuộc.Ca dao cũ còn câu:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Cầu Giấy với anh thì về
Làng giấy có lịch, có lề
Có sông tắm mát, có nghề xeo, can…

Sông tắm mát ở đây chính là sông Tô Lịch. Sông  này lúc đầu gọi là sông Tô vốn là một phân lưu của sông Hồng, có chiều dài khoảng 30km, bắt nguồn cửa Hà Khẩu (có tài liệu gọi là Giang Khẩu), quanh co gần 60 dặm, chảy qua 36 phố phường Hà Nội tới xã Hà Liễu thì chảy vào sông Nhuệ. Bây giờ vẫn còn những tên phố gắn liền với dòng sông và sản vật của nó như: Phố Hàng Buồm, phố Hàng Bè, phố Cầu Đông, phố Cống Vị, phố Cầu Gỗ, phố Hàng Mắm, phố Hàng Muối, phố Hàng Rươi, phố Hàng Cá, phố Kim Giang…Sông Tô, đoạn qua 36 phố phường đã bị lấp năm 1884 - 1886. Đặc biệt, cũng từ đây, sông Tô chảy theo phố Thụy Khuê, lên Bưởi, nghĩa là chảy ngược lên phía bắc. Cũng vì lẽ đó mà người xưa gọi là sông Tô Nghịch. Rồi từ Bưởi, sông Tô Nghịch lại chảy xuôi về phía nam theo đường Láng, đường Kim Giang về Thanh Trì, nhập vào sông Nhuệ và xuôi ra biển.
Nhưng vì cảnh vật sông Tô thời đó rất nên thơ, dập dềnh chim muông và tôm cá,xanh mướt cỏ cây hoa lá đẹp và thanh lịch lắm cho nên người ta lại phải chỉnh chữ Nghịch thành Lịch, trả lại đúng sự êm ả và lịch lãm của nó. Chả vậy mà trong dân gian vẫn còn truyền tụng những câu thơ:
Sông Tô Lịch vừa trong vừa mát
 Em ghé thuyền em sát thuyền anh
Trải qua các giai đoạn lịch sử, sông Tô mang nhiều tên khác nhau: Tô Lịch, Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo, nhưng người Hà Nội thường gọi một cách thân thương: Sông Tô.Thời xưa, sông Tô là một thắng cảnh để vua chúa và du khách chơi du thuyền:
                                                       
    Sông Tô nước chảy trong ngần
                                                    Con thuyền buồm trắng chạy gần, chạy xa

Con sông ấy đã đi vào đời sống dân gian:

Bao giờ lở núi Tản Viên
Cạn sông Tô Lịch chẳng quên lời nguyền

Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán giò trăng khuya.

Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu".

Sông Tô nước chảy trong ngần
Con thuyền buồm trắng lướt gần lướt xa.
Thon thon hai mái chèo hoa
Lướt đi, lướt lại như là bướm bay"
Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ địa phận Cầu Giấy, chảy cùng hướng với đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam tới sông Nhuệ. Cùng với thành phố ngày một phát triển, dòng sông cũng ngày một “quá tải”. Con người ngang nhiên lấn chiếm bờ sông và tùy tiện bắt dòng sông “vừa trong vừa mát” phải hứng chịu và chuyển tải tất cả những gì con người thải ra.
    Năm 1955,tôi đang học trường Trung học Nguyễn Trãi đã cùng bè bạn nhiều lần tham gia những buổi lao động XHCN nạo vét sông Tô. Sau này tới những năm 60, sinh viên học các trường đại học ở Hà Nội vẫn nối tiếp nhau những buổi lao động xã hội chủ nghĩa ấy. Tuổi trẻ bấy giờ, chỉ với một ổ bánh mì không nhân và câu ca tiếng hát “ làm theo lời Bác “, cứ tưởng như mồ hôi có khi cả máu của mình đổ ra đang  làm cho sông Tô Lịch hồi sinh. Nhưng cho đến bây giờ Nhà nước đổ hàng tỉ tiền của vào xây kè hai bờ và lát hè, trồng cây xanh, làm tuyến phố hai bên sau mấy năm mới được khoảng 15km. Nhiều cây cầu bê-tông được bắc qua sông, có nơi đã mọc lên những tòa nhà cao tầng của khu đô thị mới soi bóng xuống dòng sông Tô Lịch…Nhìn sông, trên bờ cao thì có vẻ hoành tráng trưởng giả  nhưng duới hai bờ kè nó như một “dòng sông chết”, đen ngòm và bốc lên mùi hôi nồng nặc. Khi bình thường nước sông rất cạn, nhưng cứ mưa vài ngày là nước dâng úng lụt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...