BÁT BÚN XÁO CHÓ
NGÀY PHIÊN CHỢ TẾT
Một chút ký ức
Nhà tôi có ba
chị em. Chị tôi lớn hơn tôi sáu tuổi, thầy u tôi thường gọi là cái Gái, anh tôi
hơn tôi ba tuổi gọi là thằng Cu lớn còn tôi là thằng Cu con.
|
Ngày bé, tôi cũng mong Tết lắm! Nhưng tôi không như chị Gái và anh Cu lớn mong Tết để được phụ u tôi gói bánh chưng, kho nồi cá hay được dán tranh Tết mới lên vách nhà và hí hửng chờ được mặc quần áo mới. Tôi háo hức mong Tết là để được u tôi, vì cưng chiều đứa con út ít nhất nhà cho theo chân u đi phiên chợ Tết cuối năm và rồi sẽ được u mua cho ăn một bát bún xáo chó trong phiên chợ đó.
Vùng Cầu Giấy
quê tôi có nhiều chợ nổi tiếng như chợ Noi, chợ Nhổn, chợ Trôi, chợ Đăm, chợ
Giá…Nhưng dân làng tôi thường chỉ đi chợ Bưởi mua bán, một phần vì chợ Bưởi gần
với làng tôi nhất, một phần vì chợ Bưởi là một chợ to, có tiếng nhất ven đô,
đông người mua bán nhất vùng lại họp từ sáng tới tận xế trưa và những hàng quán
cố định thì ngồi đến tận tốí.
U tôi kể lại
rằng, chợ Bưởi thuộc Kẻ Bưởi, một vùng ven phía Tây Hà Nội nằm ở nơi hai con
sông Thiên Phù và sông Tô Lịch nhập vào nhau làm thành một dòng, trên bến dưới
thuyền rất thuận lợi cho việc buôn bán. Ngày xưa, bưởi trên vùng mạn ngược rơi
rụng theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta thấy vậy liền vớt lên ăn và
bán, dần dần theo thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi hay kẻ Bưởi và chợ nằm
trong khu vực này cũng gọi là chợ Bưởi.
Rồi U nhắc lại
câu ca dao:
“Chợ Bưởi một
tháng sáu phiên
Ngày tư, ngày
chín cho duyên đèo bòng”.
Và giảng giải
cho các con hiểu, chợ Bưởi họp theo phiên vào các ngày bốn ngày chín,
mười bốn mười chín và hăm bốn hăm chín âm lịch hàng tháng.
Nhưng không phải
nhất nhất y lệ như vậy vì còn có câu ca nữa:
Chợ Bưởi ngày chín
tháng tư
Riêng một tháng
Tám lại dư phiên rằm!
Ai đi nhớ lấy
kẻo nhầm
Đi mua hoa quả
chơi rằm Trung Thu...
Nghĩa là riêng
tháng Tám, chợ Bưởi có tới bẩy phiên, mà hai phiên liền nhau là hai ngày mười
tư và ngày rằm... Chợ ngày này đông không kém Tết Nguyên Đán, bởi người trong
thành, người ven đô thường kéo về mua hoa quả về bầy cỗ trông Trăng mà mâm cỗ
trông Trăng với nhiều loại hoa quả tươi, đầy đủ sắc màu và mùi vị nhưng không
thể thiếu được quả bưởi vì bưởi là thứ quả đầu mùa vào tháng Tám, hình tròn
trông giống như ông Trăng Rằm; bày bưởi trong cỗ Trung Thu sẽ được nhiều may
mắn và sung túc cho cả gia đình.
Giáp Tết, chợ
Bưởi có ba phiên chợ Tết vào cuối tháng Chạp: mười chín, hăm bốn, hăm chín. Năm
nào hăm chín lấy làm ba mươi, chợ cuối năm càng đông và tất bật. Chợ mười chín
là chợ của người có tiền vì người ta sẵn tiền thì sắm Tết sớm. Phiên hăm bốn,
chợ của lớp người thường thường bậc trung. Chợ hai mươi chín là chợ năm cùng
tháng tận cho những người nghèo. Nhà nghèo chạy cái Tết bở hơi tai, cho đến hôm
tất niên mới có thể ra được chợ để mua sắm. U bảo, nhà ta cũng chẳng khá giả gì
nên u đi phiên chợ hăm chín cho tiện.
Không hiểu nghe
ở đâu, chị Gái tôi nói thêm:
- Chị nghe nhiều
người kể, khu vực chợ Bưởi này xưa kia là pháp trường, người ta chém đầu các tử
tù và vùi thây tại đây. Không chỉ dân vùng Bưởi mà rất nhiều người ở các làng
khác đã đi phiên chợ Bưởi cuối năm đồn rằng, các hồn ma tử tội từ âm phủ hiện
về trà trộn với người đi sắm Tết và người ta gọi phiên chợ này la phiên chợ Ma
Phường. Cu con theo u đi chợ, không sợ bi ma phường bắt đi à?
- Em không sợ! -
Tôi mạnh mẽ đáp lại lời chị tôi vì trong đầu tôi chỉ có hình ảnh bát bún xáo
chó nóng hổi, béo ngậy thơm mùi riềng sả ngon lành và vô cùng hấp dẫn chứ đâu
có hình ma bóng quỷ gì.
Từ làng tôi lên
chợ Bưởi chừng ba cây số men theo bờ đê sông Tô Lịch. Mặc dù bị coi là phiên
chợ của người nghèo nhưng là phiên chợ cuối cùng của năm nên người đi chợ đông
như trảy hội. Sau một đêm đông lạnh giá, trong ánh ban mai ửng hồng, tiếng
những người vừa đi vừa trò chuyện xen trong tiếng những người quen í ới gọi
nhau rộn rã. Tiếng gà cúc cúc, tiếng vịt cạp cạp bật ra từ những chiếc bu nặng
trĩu hai đầu những chiếc đòn gánh tre hòa lẫn tiếng lợn kêu í éc trong những
chiếc rọ móc trên hai đầu những chiếc đòn xóc; người quảy bồ, người cắp thúng
sơn đựng cá, người xách lồng chim…; người đi bán hàng, người đi sắm Tết
chen chân sát cánh nhau ồn ào, tấp nập. Cả một dòng người chảy trên mặt đường
con đê nhỏ còn ẩm hơi sương ấy, không chỉ có những người còn trẻ như u tôi với
lũ trẻ theo chân mẹ như tôi mà còn có cả những bà mẹ bế theo con thơ trên tay,
những cụ già tóc đã bạc phơ, có cụ lưng đã còng, tay phải chống gậy cũng
cố bước đi cho kịp với mọi người.
U tôi đội nón
cắp thúng, bước đi thoăn thoắt khác hẳn ngày thường nhưng tôi vẫn thấy cảm thấy
u đi chưa nhanh lắm. Tôi không lũn cũn bám theo sau u mà chạy vượt lên phía
trước bỏ cách xa u một quãng khá dài như muốn thúc giục u tôi rảo nhanh chân
hơn nữa để mau đến chợ.
Đến chợ, u tôi
đưa cho tôi mấy hào, bảo cu con tự đi chơi chợ rồi vào hàng tranh mua tranh Tết
mới về cho chị Gái và anh Cu lớn nhé để u đi sắm Tết cho cả nhà rồi đợi u ở
hàng ông cả Cố u cho ăn bún xáo chó.
Tôi ngoan ngoãn
vâng ạ nhưng tôi đâu có thiết tha xem các hàng quán và cảnh người ta mua bán.
Tôi đến ngay dãy hàng bán tranh, một phần vì tôi rất thích xem tranh Tết, một
phần để chọn xem tranh hàng nào đẹp nhất sẽ mua mấy tờ về theo lời chị Gái và
anh Cu lớn đã dặn dò. Sau khi lê la và ngắm nhìn chán chê từ hàng này sang hàng
khác, hết tranh gà, tranh lợn, tranh em bé ôm gà ôm vịt hay ôm cóc đến tranh
hoa đào, tranh ông Công ông Táo rồi tranh múa rồng múa lân…, tôi chọn mua mấy
bức sắc tranh màu sáng đẹp nhất, trả tiền và cuộn lại cho gọn rồi chạy ngay về
phía hàng thịt chó của ông cả Cố.
Hàng ông cả Cố
là cái lán một mái lợp rạ, ba mặt che phên nứa ở trong một góc chợ. Giữa lán
treo một con chó thui vàng đã luộc chín và ngay trên nền đất phía sau dưới con
chó luộc là cái bếp hồng rực lửa củi đun bằng gộc tre, bên trên đang đặt nồi
xáo chó hơi bay nghi ngút. Kề ngay lối vào cửa quán kê hai cái chõng tre dài,
hai bên mỗi chõng là hai cái ghế dài cũng bằng tre. Trên mặt mỗi chõng chỉ tềnh
toàng đặt một ống tre đựng đũa với hai cái đĩa gốm con màu da lươn đựng ít muối
trắng và mấy quả ớt nửa xanh nửa đỏ cùng hai cái rổ tre nhỏ đựng đầy rau húng
và mấy củ sả.
Tôi chọn một mô
đất có cỏ mọc ở phía ngoài trước lán hàng, ngồi nhìn vào quán không phải là để
xem người ta ăn bún xáo mà để xem vợ chồng ông cả Cố bán hàng đợi u tôi đến.
Vợ chồng ông cả
Cố đều đã ngoài sáu mươi tuổi. Ông cả Cố người nhỏ thó nhưng rất nhanh nhẹn.
Đặc biệt ngón tay trỏ ở bàn tay phải của ông bị cụt mất hai đốt. U tôi bảo,
trong một lần trói một con chó để chọc tiết, ông ấy sơ sểnh bị nó đợp cụt mất
hai đốt ngón tay đó. Nhưng nom ông cầm dao xẻo những tảng thịt từ con chó treo
trên cột ra rồi chặt thái nhanh thoăn thoắt, miếng nào miếng ấy, dầy mỏng nom
đều nhau chằn chặn thì không ai dám bảo bàn tay ấy bị cụt một ngón. Khách hàng
không chỉ ăn bún xáo chó mà nhiều người còn mua thịt chó đem về nhà. Ông cả Cố
bốc thịt theo giá tiền rồi đùm lại bằng lá chuối xanh và buộc ngoài bằng những
sợi rơm nếp vàng óng niềm nở đưa tận tay cho khách mua. Bà vợ ông, ngồi bên bếp
canh nồi xáo chó đợi khi có khách ăn thì lấy từ rổ bát đặt ngay bên cạnh ra một
cái bát chiết yêu xếp vào vài lá bún, một dúm thịt chó đã thái miếng rồi lấy
chiếc muôi gỗ múc nước xáo chan vào bát đưa mời khách. Những chiếc bát chiết
yêu bún đặt trên chõng nom giống hình cái nón lá để ngửa, nhưng ở giữa bát thì
bóp nhỏ lại nên mặt bát thì to, nhưng đáy bát thì bé tí nhưng nom vào ai cũng
tưởng nó là một cái bát to và đựng nhiều bún thịt lắm.
Rồi u tôi cũng
mua sắm xong hàng Tết và đến lán mua cho tôi bát bún xáo chó. U không ăn, chỉ
ngồi bên nhìn tôi ăn và giúp tôi gắp những sợi bún dài đưa gọn lên miệng.
Về đến nhà,
người đầu tiên tôi tìm để rối rít khoe cái thơm ngon, cái béo ngậy của
bát bún xáo chó là chị Gái tôi. Chả là chị Gái đã dạy tôi học thuộc lòng bài
một bài ca về con cò trong đó có câu: “Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào”. Rồi
chị bảo tôi, chả chó đắt những ba đồng một gắp mà người ta vẫn mua vì nó là món
ngon nhất trong các món thịt chó đấy chứ không phải là món xáo chó đâu, Cu con
ạ. Bây giờ, tôi kể lại để chị biết cái nóng hổi, vị béo ngậy của nước xáo cùng
vị ngọt đậm lưỡi của những miếng thịt ninh cùng mùi thơm của riềng sả ngon lành
ra sao và bảo lại cùng chị rằng, những miếng chả chó trong bài ca chị đã dạy em
hát ấy chắc chắn là không ngon bằng bát bún xáo chó ở hàng ông cả Cố chợ Bưởi
đâu. Chị tôi cười hiền lành: “Thì chị có được ăn bún xáo chó đâu mà biết! Cu
con sướng thật, bao giờ lớn, có tiền chị sẽ đi chợ Bưởi ăn bún xáo chó cho biết
mùi. Mà chị không chỉ ăn một bát đâu, chị sẽ ăn ba bát liền cơ!”
Sau này trên
đường đời kiếm sống, tôi đã ăn nhiều lần đủ bẩy món cầy tơ ở những quán thịt
chó nổi tiếng từ mạn ngược xuống miền xuôi, từ ngoài Bắc vào trong Nam, nhưng
nhớ lại bát bún xáo chó phiên chợ Bưởi cuối năm ở hàng ông cả Cố, tôi vẫn có
cảm giác không món nào ngon bằng nó. Phải chăng nó ngon bởi nó đượm hương vị
của phiên chợ Tết?
Nhiều năm xa
cách xa, lần về quê gần đây, khi ngồi bên ấm nước chè xanh bên bà chị cả năm
nay đã gần chín mươi tuôi, tôi hỏi chị về chợ Bưởi thì chị tôi ngùi ngùi buồn
tiếc bảo, nó đã bị người ta phá đi rồi. Cái chợ quê họp theo phiên dân giã ven
thành, vừa đông, vừa hấp dẫn của ngày xưa, cái chợ mang hồn cốt của làng quê ấy
đã mất tăm mất hút hết rồi. Giờ trên nền đất ấy, người ta đã xây chợ nhà tầng,
và không còn họp theo phiên nữa. Gọi là chợ văn minh hiện đại nhưng nom chật
hẹp và tù túng con mắt lắm.
Nghe thế, tôi
liền gọi thằng chắt nội của chị tôi, bảo nó cho ông mượn cái xe đạp để ông vòng
lên chợ Bưởi xem sao nhưng chị cả tôi liền xua tay, nói:
- Ông lên đó làm
gì cho thêm buồn. Giờ dân làng ta chẳng còn mấy ai đi chợ Bưởi nữa đâu. Họ bảo
nhau, đi làm gì cho nhọc xác và truyền miệng nhau:
Thà đi chợ cóc
gần nhà
Mua quanh mua
quít cho qua rồi về!
Nghe chị cả nói
vậy, tôi thôi ngay ý muốn nhưng bỗng thấy trong lòng nao nao cuộn lên những con
sóng đầy nỗi nhớ những phiên chợ Tết của miền thơ ấu đã xa xưa trong đó có nỗi
nhớ bát bún xáo chó ở hàng ông cả Cố.
*
Sài Gòn ngày sắp
sang năm Mậu Tuất 2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét