Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018


THÀY U MÌNH...(2)

Từ ngày lấy chồng không còn ai gọi u với cái tên cha mẹ đã đặt cho. Chẳng còn đâu những tiếng gọi của các bạn gái trong thôn: “Bộ ơi! Hôm nay tát nước ở cánh đồng nào?/ Đi làm cỏ có bắt được con cua con cá nào không hả Bộ?...”.  Cũng chẳng còn những tiếng gọi “Chị Cả rối rít của các em. Người già gọi u là  nhà Tiến, vợ Tiến: “Vợ Tiến về bảo chồng mai ra đình nhé!”; “Nhà Tiến định làm giàu đến hết ngày mới lên bờ chắc!”. Phận hạt mưa sa như u những tưởng được rơi vào sân nhà khá giả với anh chồng ít nhiều cũng là người có chữ nghĩa sẽ thành hạt nước trong trẻo và ấm áp, nào ai hay đời u sẽ muôn vàn cay đắng. Bà mẹ chồng giao hết việc đồng áng cho nàng dâu để bà chuyên lo việc hàng xáo. Năm mẫu ruộng, việc cày bừa thì mượn thợ trong làng hoặc thợ từ làng Thượng Ốc ra kiếm ăn còn cấy gặt, làm cỏ bỏ phân tát nước…, một tay u phải lo liệu hết. Chưa một lần u được sống trong cảnh “Trên đồng cạn dưới đông sâu/ Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”.  Ruộng dưới đồng Bông ngập trũng thì không phải lo tát nước  nhưng một số mảnh ruộng cao ở cánh đồng Ma Láng hay Ma Tối thì luôn phải để mắt tới. Một mình u với cái gàu sòng ì oạp dưới nắng hè gay gắt cũng như trong chiều đông lạnh ngắt. Đời u không biết đến cảnh “Ruộng trên thì tát gàu giai/ Ruộng dưới thì phải tát hai gàu sòng”, cái cảnh lao động vất vả nhưng tươi vui hạnh phúc có đôi,  nói gì  mơ tới cái cảnh thơ mộng: “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”!

Không chỉ  bán mặt cho đất, bán lưng cho giời từ sáng đến chiều, buổi tối và những ngày nông nhàn, u lại phải phụ giúp mẹ chồng làm hàng xáo mà việc chính yếu được giao là xay lúa và giã gạo. Năm mới cưới vợ, anh chồng còn bớt thì giờ đi chơi , ở nhà xay lúa giã gạo cùng vợ. Chẳng phải anh quấn quýt bên vợ mới vì anh chê vợ già hơn mình, anh phải làm vậy để chiều lòng mẹ, để được mẹ chiều lại mình, cho mình có tiền vui chơi rượu chè cờ bạc. Sau này nhiều lần vui bên ba đứa con, u hay kể lại: Thày chúng mày lười  làm lắm. Tối nào giã gạo cũng tranh đứng trên để không phải dận cối nặng chân, u phải đứng dưới. Đã thế lại hay ngủ gật, nhiều lúc tự nhiên thấy cần cối như buộc đá, u ngó mắt nhìn lên mặt thày thì thấy hai mắt đã nhắm nghiền, hai tay vẫn níu cái dây thừng treo trước  mặt; u phải hỏi to ngủ đấy à?, mới giật mình tỉnh lại. Có hôm đang giã bỗng kêu lên nghỉ thôi, tớ mệt lắm, rồi buông chân nhảy tót ngay ra hè ngồi hóng gió, gọi mãi mới trở lại cối. Về sau u biết thóp, khi thấy thày chúng mày định chạy ra khỏi cối gạo, u tóm luôn dái và bảo, không giã nữa tôi bóp nát. Một lần thày chúng mày lên mặt thách thức bóp đi, u bóp luôn, đau quá anh chàng kêu thét lên gọi mẹ: u ơi, nó đánh tôi! Đang sàng gạo hè trên, bà vọng to giọng xuống:  Sắp khuya rồi đấy!

Năm 23 tuổi u được làm mẹ, nhưng đứa con đầu lòng chỉ ở với u được đầy cữ thì đi vì sài uốn ván y như cách ra đi của bác Cổng mấy chục năm trước.  Nó chỉ mượn cửa nhà mình để đi sang kiếp khác-  Mỗi khi nhớ về cái sinh linh tội nghiệp đó, u hay nói thế. Rồi 7 năm tiếp u sinh hạ ba lần ba chị em tôi. Đến khi có tôi thì u vừa tròn ba mươi tuổi. Chẳng chờ đến cái tuổi “gái đang về già” ấy mới bị chồng hờ hững mà ngay từ lúc chưa về  làm vợ u đã bị chồng chê già, bây giờ một nách ba con thì u, trong mắt chồng chỉ như một mảnh vườn hoang cằn cỗi. Đẻ con với chồng thì cứ phải đẻ nhưng một chút yêu thương mặn nồng chồng cho thì không có. Từ năm hết tuổi vị thành niên, thày tôi ngày càng dính chặt vào các chiếu rượu chè cờ bạc. Hai món cờ bạc phổ biến ở làng tôi thời đó và kéo dài sang cả lúc tôi đã lớn là thò lò và xóc đĩa. Đúng là hai chiếu bạc không hạn chế người chơi, không quy định tiền chơi nhiều hay ít mà tất cả đều tùy vào túi tiền và cơn khát nước của các con bạc. Năm u sinh con thứ ba, những buổi tối bà nội Chi lên chùa cầu nguyện, một mình u nằm trên võng trong gian nhà vắng lặng ủ dột ngọn đèn dầu vặn nhỏ, tay phải ôm đứa con nhỏ cho nó bú, tay trái duỗi ra cho đứa con lớn gối đầu ngủ, nghe tiếng võng kẽo kẹt như hai đầu võng có hai con ma nghiến răng trêu ghẹo mình; đi cấy đêm giữa đồng không mông quạnh không hề biết sợ mà nay lại có phần ghê rợn. Cũng năm đó, thầy tôi thua bạc triền miên đêm này qua đêm khác, không dám xin tiền mẹ vì dẫu có xin được cũng không là bao so với tiền nợ bạc chất chồng; thày tôi ngấm ngầm gán ruộng cho các chủ nợ đến khi thành con vạc mất hết ruộng đồng cho cò thì mẹ và vợ mới biết chuyện. Không ai đong xem bao nhiêu nước mắt của bà nội Chi và u đã chảy ra.





Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày!”. Thầy tôi không hóa thành con vạc thật để không dám kiếm ăn công khai thì  kiếm ăn lẻn lút trên những cánh đồng của cò bằng cách chờ khi cò về nhà ngủ ngon giấc thì vạc mò ra cánh đồng ăn trộm cái tôm cái tép- mà cánh đồng đó hôm qua còn là của mình! Nhưng cũng chưa đến mức rơi vào cảnh bị gậy nhục nhã ấy vì vẫn còn bà mẹ đảm đang nghề hàng xáo và người vợ tảo tần sớm hôm. Ông chỉ phải nếm cảnh: “Chiếc áo the thâm từ ngày tàn/ Chú bác anh em và họ hàng đều làm ngơ/ Ngó mình qua…”( Lời bài hát “Chiếc áo the thâm” của Canh Thân ). Các ông anh họ cao tuổi, lũ cháu họ hơn tuổi trước đây quấn quýt quanh chú Tiến, giờ lảng tránh dần. Phẫn uất, thầy tôi quyết chí sẽ làm giàu để cho lũ cò thắng bạc biết tay, bèn xin mẹ ít vốn tậu xe ngựa kéo để chở thuê. Dạo ấy việc buôn bán quanh vùng Phủ Hoài ngày càng đông vui nhộn  nhịp nên nghề xe ngựa kéo của thầy tôi tuy vất vả nhưng kiếm ăn được. Anh cả Tiến trở thành ông chủ xe ngựa, có tiền lại biết chữ và giỏi giao tiếp nên có người rủ đi làm cai lục lộ trên tuyến đường cái quan từ Hà Nội qua Cầu Giấy lên Sơn Tây đang được người Pháp mở mang to đẹp hơn và anh nhận lời ngay. Suốt ngày dãi nắng dầm mưa với những người phu làm đường, ông cai Tiến quên hẳn  những chiếu rượu và cờ bạc vẫn diễn ra đêm ngày ở xóm làng. Nhưng ông lại sinh một thú vui mới là ăn diện cho bọn người làng biết tay. Một bộ quần áo tây hoặc bằng tuýt so hoặc bằng kaki, một cái "cát cô lô", một đôi săng đan trắng hay đôi giày da bóng xi thường theo ông cai Tiến về làng làm cho dân làng lác mắt nhìn. Biết ăn thì biết chơi. Thú chơi mới của ông bây giờ là bắt nhân tình nhân ngãi với các cô gái trẻ. Và một cô gái ở gần Kim Mã đã thành “người tình tuyệt vời” của ông. Nghe nói ông ấy có nhân tình ở Kim Mã- Lời u kể -, tao sôi ba máu sáu cơn. Dạo ấy tao mới đẻ thằng Cu Con; máu đẻ hờn ghen kết tụ lại khiến tao như hóa dồ, liền rủ mấy đứa bạn rồi vứt con cho bà trông, vác đòn càn ra bến xe điện Cầu Giấy đi Kim Mã tìm đến chỗ người ta bảo hai đứa đang hú hí với nhau ở đấy. Nhưng trận đánh ghen không thành vì thầy tôi đã cùng cô gái kia chuyển đi chỗ khác

Nhưng thú chơi nào rồi cũng chán, chỉ cái máu làm giàu không những không chán mà ngày càng đầy lên. Nghe người ta đồn thổi đi đào vàng ở Lào chẳng mấy chốc mà thành Vương Khải Thạch Sùng, ông cai Tiến đã cùng một số người bạn rủ nhau quyết định sang Sêpôn (Lào) để tuyển công nhân khai thác mỏ tìm vàng. Lại thêm một lần nước mắt của hai người đàn bà, mẹ và vợ ông đổ ra van xin ông đừng đi. Nhưng chí đã quyết, ông bảo tôi phải đi làm giàu, không giàu ở cái làng này nhục lắm. Rồi rũ áo lên đường. Năm đó là năm 1938 và tôi, đứa con út của ông mới được chín tháng tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...