Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018


THÀY U MÌNH...(3)

Gần bốn năm sau, một buổi xế trưa, tôi đang hái những búi tơ vàng của bụi gốc tần bên bờ ao nhà ông Chánh Hiện ở sát đường đi thì nghe tiếng gọi: “Cu Con ơi! Chú mày về đấy, mau về mà xin tiền!”. Đó là tiếng cô Hen. Tên thực của cô là gì tôi không biết, người làng gọi cô là bà Hen vì chồng cô là ông Ngô Văn Hen, một trung nông khá giả nhà ngay cạnh ao ông Chánh Hiện. Cô là chị ruột ông Chuyển và ông Nguyên và là chị họ thầy tôi. Nghe cô Hen gọi thế, tôi chẳng biết “chú mày” là ai nhưng vứt vội mớ tơ cúc tần xuống ao, ba chân bốn cẳng chạy ngay về nhà. Từ giữa sân nhìn vào gian nhà giữa, tôi thấy bà nội Chi, u tôi, chị Đô và anh Cu Lớn đang đứng quanh một người đàn ông trẻ tuổi mặc bộ quần áo tây màu trắng, thắt chiếc cà vạt đen, chân xỏ đôi săng đan trắng ngồi ở chiếc phản lim. Ai nấy đều rạng ngời nét mặt khiến tôi không cảm thấy sự xa lạ ở ông khách, lao vụt lên thềm hè và chìa cả hai tay ra hổn hển:“Chú ơi! Chú cho cháu một xu”. Người đàn ông mỉm cười, kéo tôi vào gần, xoa đầu tôi rồi móc túi áo ấn vào tay tôi một đồng xu. Tôi sướng quá, chẳng chào hỏi ai quay ngoắt mình và phi ngay ra đầu điếm có quán nước của bà Phó Phèng mua ngay một chiếc kẹo ống rồi vừa mút mát vừa chạy trở ra ao ông Chánh Hiện với bụi cúc tần đầy tơ vàng. Sau này tôi được mọi người bảo chú mày tức là thày đẻ ra mày đấy. Và phải lớn lên nữa tôi mới hiểu, ở làng tôi nhà nào hiếm con đều bắt con gọi bằng chú chứ không gọi là thày để cho ma quỷ khỏi nhòm ngó bắt đi mất. Nhà ông Chuyển không chỉ con gọi cha bằng chú mà còn gọi luôn cả mẹ là chị!

Thày tôi ở nhà bao lâu và những chuyện gì đã sảy ra, tôi không còn nhớ. Bộ óc non nớt của tôi chỉ còn ghi lại thêm một việc: Tôi được đi chụp ảnh với thầy u. Việc chuẩn bị quần áo, đi từ nhà quê ra thành phố ra sao tôi không nhớ mà chỉ ghi lại được từ lúc thầy u dắt hai anh em tôi bước vào hiệu ảnh. Ngôi nhà hai tầng mới to làm sao, ở quê chưa thấy cái nhà xây nào như thế. Căn phòng cũng đầy lạ lẫm: Đập ngay trước mắt tôi là một tấm vải to bằng cả chục lá cờ vẽ hình cây cảnh chim chóc rất đẹp nhìn xuống một cái hòm phủ tấm vải đen bịt bùng đầy bí hiểm. Người thợ ảnh chuyện gì đó với thầy tôi mấy phút rồi săm sắn gạt tấm vải trên tường về một mé, vào gian trong bê ra một chiếc ghế dài có tay vịn hai bên, trạm trổ hoa lá nâu bóng như gương, đặt sát vào bức tường vừa được tấm vải cho phơi lộ, rồi bảo thầy u tôi ngồi vào ghế và xếp hai anh em tôi, mỗi đứa đứng cạnh một người. Thầy tôi vẫn như hôm mới về nhà, tóc chải rẽ ngôi; bộ quần áo tây trắng, cà vạt đen; đôi săng đan trắng cài quai ngồi bên trái. U tôi thì khác hẳn mọi ngày: Khăn nhung đen, hoa tai bèo, áo dài cài vạt, trong lụa trắng ngoài the thâm, quần lĩnh. Bây giờ nhìn u, tôi không nhận ra đó là người mẹ hàng đêm tôi vẫn rúc đầu vào lòng bà mà yên giấc ngủ. Hai anh em tôi cũng khác lạ, mỗi đứa một bộ áo sơ mi, quần sooc trắng, thắt lưng da cũng trắng, đầu cũng chải rẽ ngôi. Anh Cu Lớn đứng sát cánh tay trái thầy, tôi Cu Con đứng sát cánh tay phải u.






Bây giờ người thợ ảnh mới tiến tới cái đống trùm kín vải đen, lúi húi chui đầu vào trong tấm vải rồi kéo lột tấm vải về phía ông ta đứng và nghe tách một cái cùng với tiếng “Xong!” hồ hởi của ông ta.
 Sau này mỗi dịp cả nhà dở tấm ảnh đó ra xem, tôi mới nhận ra không có hình chị tôi. Tôi hỏi u vì sao chị không được chụp ảnh. U bảo, thầy nói con gái không cho chụp. Rồi u lại nói, trước hôm đi thày lôi ba chị em chúng mày ra giữa sân, đét vào đít mỗi đứa hai roi tre, bảo đánh để chúng nó ghét mình không bao giờ thèm nhớ đến mình để mình yên lòng làm ăn nơi đất khách quê người. Trong lúc ba chị em chúng mày khóc váng làng nước thì thày xách vali bước nhanh ra khỏi cổng.

 Đó là hai hình ảnh thầy tôi được ghi sống động nhất trong tâm khảm tôi. Không còn một lần nữa cho tôi được thấy thầy vì từ ấy thầy tôi hoàn toàn mất tăm mất tích. Khi chị em tôi đã có phần lớn khôn, u kể lại, lần đó thầy về bảo đưa mẹ và vợ con đi theo, không phải sang Lào   mà là sang tận bên Thái. Ông ấy đã vỡ mộng đào vàng và bỏ nước Lào ăn mắm ngóe, vượt sang nước Thái đang hưng thịnh để làm thầu khoán, bảo là kiếm ăn tốt. Tôi hỏi sao bà và u không đi thì u bảo: Bà bảo bà già rồi, bà sợ chết ở đất khách quê người lắm. Còn u, lúc đầu u cũng muốn đem bầy con theo chồng cho trọn chữ tòng, dẫu có vất vả khổ cực thì u cũng sẵn lòng “đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”. Nhưng khi lên thưa chuyện với ông bà ngoại thì u bỗng sợ run người. Bấy giờ ông ngoại tôi đã lấy vợ kế, một phụ nữ góa chồng chưa có con, giòn nhan sắc lại giàu có ở trên phố Phủ, tên gọi tắt của Phủ Hoài Đức cũ. Bà là một con công đệ tử của các giá đồng, có nhà cao cửa rộng ngay mặt đường cái quan, có nhiều bà con thân thích đã trở thành dân  nhà giàu ở phố Hàng Bạc của Hà Nội băm sáu phố phường. Bà mê ông cung văn đẹp trai cùng tiếng đàn tiếng hát văn mượt mà réo rắt của ông; còn ông thì mê nhan sắc và cả gia sản của bà nên rổ rá cạp lại cho thành đôi. Bà  không có khả năng sinh con nên lấy đứa con trai út của chồng  là cậu Đổng làm con đẻ và cũng thi thoảng cũng cho u tôi chút ít vì thương u lam lũ một nách ba con. Bà bảo u tôi, mày đi theo nó để mà chết à? Nó đã ham mê rượu chè cờ bạc lại thêm cả máu trai gái mà mày thì  lại già hơn nó. Ở nhà có bà Chi can ngăn, có mày và lũ con cản đường, có chúng tao nói thêm vào, nó còn chả nghe. Nay sang xứ người liệu mày có giữ được chân nó không? Nó mà bỏ mày thì mày chỉ có nước đi ăn mày ăn xin rồi chết rũ xác bên lề đường , xó chợ ở nước người ta.mà thôi. Không đi đâu cả, ở nhà có đói thì tao cho. Về bảo nó có thương mẹ, thương vợ thương con thì có tiền gửi măng đa về cho nhà. U thấy bà Hai nói có lý và u cũng sợ cái cảnh bị chồng bỏ rơi nơi ở xứ lạ nên u đã không đi theo thầy. Ấy là năm 1942.

Trong suốt 3 năm,  hai người đàn bà mong chờ tin thư của ông chủ thầu khoán từ Thái Lan gửi về chứ không phải chờ măng đa tiền của ông ấy, nhưng hơn một nghìn ngày nối tiếp nhau trôi đi trong nỗi buồn thất vọng. Rồi những chính biến 1945, rồi cuộc loạn ly mới thêm 9 năm ba nghìn ngày nữa, rồi hòa bình lập lại cũng vẫn lặng tăm tin tức về ông ấy. Hai người đàn bà hai nỗi đau khác nhau cùng bởi một người đem lại. Bà nội Chi lưng mỗi ngày một còng gập xuống, mắt mỗi ngày một mờ đi và rồi như mù hẳn, không còn vốn và cả sức làm hàng xay hàng xáo nữa nhưng đêm ngày vẫn cầu trời khấn Phật mong nhận được tin con; u thì  khô héo con tim, chả còn biết khóc thêm, chỉ còn biết nuốt ngược nước mắt vào lòng, cắn răng lo làm sao có đủ thóc gạo để nuôi con. Ruộng đất đã bị bán sạch, nhà cửa đã bị đốt cháy tàn hoang, giờ chỉ còn túp nhà tường đất mái rạ với hàng rào dâm bụt, u nhận trông nom cấy hái 9 sào ruộng của ông ngoại mua bằng tiền của cậu Đổng, lo bòn vét  thêm ở những luống rau nhà, chăm mấy mái gà hay đàn lợn, chắt chiu từng cục phân trâu hót ở ngoài đường, để dành từng nồi ang nước tiểu trong vườn để rau lúa thêm tốt tươi.




Vậy mà trong CCRĐ, bà nội và u cũng bị đem ra kết tội. Một ông cháu gọi ông nội tôi bàng chú họ, nhà nghèo rớt được ông đem về nuôi, khi trở thành rễ của Đội đã vạch tội bà nội Chi: Tôi phải đi ở cho vợ chồng ông phó Hán, suốt ngày phải bế, cõng con ông ấy rong chơi khắp làng, đó bụng mỏi chân! Một ông rễ khác chẳng có dây mơ rễ má gì với nhà tôi đã vạch tội u tôi: Ruộng nhà Tiến Bộ đang cày cấy là của em trai tên là Đào Văn Đổng cho. Hiện nay tên Đổng đã theo địch vào Nam, có vợ là em gái trùm Việt gian phản động Đỗ Đình Đạo đã bị Thụy An giết. Không thể hiểu nổi tay bần cố nông này một chữ bẻ đôi không biết, cả đời không ra khỏi dốc Cầu Giấy sao lại vanh vách cả những cái tên như  Đỗ Đình Đạo, Thụy An? Phải mấy năm sau khi trận động đất long trời đã lắng đọng, cả xóm mới biết anh cốt cán kia đã được ông Trưởng Phẩm mớm lời cho. Ông trưởng Phẩm chính là ông trưởng họ Đào bên u tôi, gọi ông ngoại tôi là chú ruột và anh em cành trên cành dưới với cậu Đào Văn Đổng. Hồi Cách mạng tháng Tám, ông theo Việt Minh đi kháng chiến ở vùng Hà Nam, làm bên Công an, bỏ rơi người vợ cả ở nhà, lấy một cô gái  người Phủ Lý. Người vợ cả ở nhà cũng ngoại tình có một con gái vẫn lấy họ Đào. Chẳng hiểu sao, năm 1951, ông công an ấy lại bỏ kháng chiến đem theo cô vợ trẻ nhặt từ Phủ Lý cùng về làng, đuổi vợ cả ra khỏi nhà. Hai vợ chồng vừa làm ruộng vừa buôn vặt đầu chợ cuối sông. Mỗi lần Tây xuống càn làng, sợ cái tội theo Việt Minh, ông trưởng Phẩm chạy ra Hà Nội, tá túc nhờ nhà ông em họ Đào Văn Đổng,  được  giúp đỡ chu đáo cho đến khi nghe ngóng trong làng đã yên mới về. Vậy mà chỉ vì cái chân công an xã được giao từ sau Hòa bình, ông ấy đã sẵn sàng vu tội cho thằng em con ông chú ruột đã di cư vào Nam để vừa lập công vừa giữ chắc cái chân mới của mình. Hồi đầu CCRĐ, Đội quy nhà tôi là thành phần phú nông, nhưng sau không đào thêm đâu ra tội nữa hạ xuống cho là trung nông, mặc dầu trên thực tế nhà tôi không một thước đất. Bà nội và u tôi bảo, thày mày không nướng bạc hết mấy mẫu ruộng thì nay thành địa chủ đi tù cải tạo mười mươi là cái chắc!



 Trước khi nhắm mắt bà còn bị trời đày đọa một năm rưỡi, nằm bê bết trên chiếc phản kê trong buồng tối. Mỗi lần có dịp về thăm nhà, ngồi bên giường bà ốm tôi lại xót xa ân hận. Phải chăng tôi đã là kẻ gây ra nỗi khổ ải này cho bà? Năm 1957, thấy tôi về thăm nhà, bà lọ mọ chống gậy xuống nhà ngang lần ổ gà đẻ lấy trứng để luộc cho tôi ăn, tuổi cao, mắt kém lưng còng làm bà vấp vào thềm hè ngã gãy ống chân. Thời ấy chẳng bệnh viện nào nhận chữa chạy cho một cụ già đã 83 tuổi gãy chân như thế  nên chỉ trông vào mấy ông lang vườn bó lá cho. Nhưng Biển Thước Hoa Đà đâu có tái thế, thày lang nào rồi cũng bó tay. Bà đành ốm yếu mỏi mòn và nằm rệt một chỗ. Năm ấy cả xã hội đói mòn đói mỏi; anh Hồng đã lấy vợ và làm ở nhà máy ô tô 1-5 ngoài Hà Nội, sáng cơm nhà rồi cặp lồng cơm đem theo để ăn trưa, chiều xe đạp về đến nhà đã sẩm tối. Chị Đô lấy chồng đã ba năm, hai đứa con trai đứa ba tuổi đứa mới một tuổi, chồng thì đi công trường đường sắt Lào Cai, ở nhà còn bà mẹ chồng lao phổi, cạo trọc đầu suốt ngày thơ thẩn quanh ngõ ôm ngực ho lại thêm hai đứa em chồng đang tuổi lớn nên phải lo sao có công điểm Hợp tác để có đủ cơm gạo cho ngần ấy cái miệng ăn. U và con dâu, vợ anh Hồng cũng thế. Đã vậy tối đến nay họp mai họp; cái điếm đầu ngõ không tối nào không lập lòe những ngọn đèn chai người ta mang đi họp. Vì thế bà nội Chi nửa sống nửa chết một mình trong cái buồng tối. Trước khi ra đồng, u hoặc chị dâu nắm cơm thành những nắm chỉ nhỉnh hơn ngón tay, trong ruột nhét sẵn thúc ăn, khi thì muối vừng, khi thì vài con tép hay ít thịt cá đồng, họa hoằn mới có ít thịt băm vụn, ấy là khi các xã viên được Hợp tác mổ lợn phân cho. Bên cạnh cái đĩa để cơm nắm là một cái gáo dừa đựng nước đun xôi để nguội. Thời đó không có chuyện đựng nước trong bình hay chai lọ, hai thứ ấy còn rất xa lạ trong đời sống, cố lắm cũng chỉ có mấy cái chai đựng dầu hỏa mua phân phối mà lúc nào cũng lo nhỡ tay chân làm vỡ. Đói, bà nội Chi tự quờ quạng tay lần tìm cơm đưa lên miệng; khát cũng làm vậy mà uống. Chiều tối, chị Đô mới có thì giờ sang thăm lau chùi thay quần áo cho bà. Cứ thế lần hồi cho đến khi một nửa người bà thối rữa, trời mới tha tội cho rời bỏ cõi tạm. Năm ấy bà 85 tuổi, tám mươi nhăm năm hưởng dương hay tám mươi nhăm năm trời bắt tội, đầy đọa bà trong một cõi đi về?! Thương quá, mấy tháng trước khi trở về cát bụi, bà vẫn còn bảo chị Đô tìm thầy, nhờ bói một quẻ xem bao giờ thì “ thằng Tiến, bố mày nó về? Nó đi hơn hai mươi năm rồi đấy!”. Năm bà mất, tôi ở xa không về chịu tang được, lòng tôi nặng trĩu thương xót và cũng ứ đầy mặc cảm tội lỗi. Ba năm sau bừng lên phong trào Việt kiều Thái Lan về nước, vợ con ông Chính họ Lê ở ngõ trong đem nhau về làng. Ông Chính là anh kết nghĩa với thầy tôi, cùng rủ nhau đi Thái, cùng về đón gia đình sang năm 1938. Bà Chính kể: Sau chuyến về quê đón mẹ và vợ con không thành, thày tôi rủ   cô nhân tình đi theo, họ đã có với nhau năm người con. Mấy năm đầu hai gia đình anh em kết nghĩa ở liền nhau, đằm thắm thân thiết lắm. Nhưng sau hai bà vợ của hai anh em xảy chuyện bất hòa, chú Tiến nóng giận, đem vợ con đi tỉnh khác làm ăn, không một lời chia tay. Nghe đâu gia đình chú ấy ở tính X nhưng không liên lạc được. Tôi và anh Hồng mạnh dạn viết một bức thư gửi lên Ban liên lạc Việt kiều Thái Lan về nước, hỏi về tung tích thày tôi và được họ trả lời: Không tìm thấy người như chúng tôi hỏi và giải thích thêm, kiều bào mình thay tên đổi họ cũng nhiều, khi nào có tin tức, sẽ báo sau! Chuyện này chúng tôi cũng chỉ biết vậy và thưa lại với vong hồn hai bà nội vào dịp khói hương ngày giỗ hai bà!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...