Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018


  MỘ 
                                                                                    
                                                  Sống về mồ về mả
                                                               Chẳng ai sống cả bát cơm




 Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ bần hàn… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả.
Trăm năm nào có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Gia Thiều)
Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty , cõi âm, âm phủ, địa phủ hay vào chín tầng địa ngục. Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh của một thế giới khác,
Dù theo quan niệm nào, người Việt chúng ta vẫn coi trọng nấm mồ của người đã chết và ao ước ngàn đời của dân ta vẫn là: “Sống đẹp nhà, làm ma đẹp mồ 
 Người thường dân nhìn thế giới mai sau không hoàn toàn tách rời khỏi hiện thế. Thế giới mai sau cũng không phải là "mạt thế", theo nghĩa "tận thế", đó là một thế giới rất cụ thể:
"Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm."
Hay:
"Sống mặc vải Bùi, chết vùi vàng tâm."
     Và: “Trần sao âm vậy”. Bởi thế mới có lễ Tảo mộ vào Tết Thanh minh, hay đi thăm mộ nhân ngày giỗ hay vào những ngày năm hết tết  đến với tâm nguyện mời người nằm dưới mồ về ăn giỗ Tết với gia đình cùng với tục đốt vàng mã cho người ở dưới suối vàng.




Vậy mà tôi đã có tội với tổ tông, hơn hai chục năm không nhìn ngó gì tới mộ phần của gia đình. Lỗi không hoàn toàn ở tôi mà một phần vì hoàn cảnh. Tôi không ở làng mà ở với ông cậu ruột ngoài Hà Nội để ăn học. Đường về quê không xa, chỉ vừa đúng 8 cây số, đi hai chặng tàu điện từ chợ Hôm lên Bờ Hồ rồi từ Bờ Hồ về Cầu Giấy 7 cây số mất hơn một giờ, sau đó cuốc bộ thêm một cây nữa là về đến làng. Nhưng việc học không phải muốn về lúc nào cũng được lại thêm cậu tôi rất nghiêm khắc, thường chỉ cho về ít ngày vào dịp hè hay mấy ngày nghỉ tết. Hàng tháng u tôi ra thăm một lần, vừa thăm con vừa thăm gia đình em trai và thêm một việc là gánh theo một nồi gạo ngon biếu cậu mợ tôi, gọi là đóng góp chút phần cho con ăn học. Những năm sau hòa bình lập lại, làng quê lại đầy biến động khi CCRĐ nên tôi lại càng không thể về. Quê tôi lại có tục tảo mộ và việc họ vào những ngày sau Tết. Ở quê đã có anh tôi tham dự các việc ấy và đóng góp đủ hai suất đinh cho hai anh em nên mọi người từ trong nhà đến trong họ coi thế là đầy đủ.

Năm 1957, không khí yên bình đã trở lại với làng, anh em tôi đều đã trưởng thành, cậu tôi đã di cư vào Nam, tôi mới có dịp về nghỉ hè dài ngày ở quê và mới hỏi chuyện về mồ mả
cùng các ngày giỗ kỵ của gia đình. Bấy giờ mới biết: Mồ mả thì chỉ có hai ngôi của ông nội và bà nội Liêm nhưng ngôi mộ ông nội đã bị mất nấm vì những trận vỡ đường nhiều năm về trước; nay mỗi lần tảo mộ cũng chỉ hương khói ở chỗ đất còn đọng trong trí nhớ mà thôi. Tháng Mười năm ấy, sau vụ gặt, tiết trời trong sáng và khô ráo, anh tôi nhắn tôi về để tìm mộ ông nội. Anh mời ba bốn người trong họ tham dự và thuê mấy người đào bới. Mộ ông nội trước đặt ở trong một bãi đất nhỏ bên cạnh cái ao lò lớn ở gần chùa Hà. Ao lò là ao hình thành từ  tay các daan đào đấu lấy đất làm gạch thường ở xa làng, rất sâu và rộng. Ao thường chỉ thả bèo tây, nước trong vắt nhưng không ai dám tắm hay giặt giũ một phần vì xa khu dân cư nhưng phần chính là lời đồn thổi truyền đời rằng dưới ao lò có con nam nam chết đuối chỉ chờ dịp là lôi chân người dìm xuống ao chết để nó được đầu thai kiếp khác. Cuộc đào bới tìm kiếm mất gần trọn một ngày nhưng không thấy một chút dấu vết nào. Ai nấy đều cho rằng chiếc tiểu sành đựng xương cốt của cụ đã bị nước xoáy cuốn xuống ao lò rồi mệt mỏi chán nản ra về.

Khi bà nội Chi qua đời lại thêm một ngôi mộ. Bấy giờ tôi ở ngân hàng Thuận Châu thủ phủ Khu tự trị Thái Mèo không về chịu tang được. Sau đó vì chuyện bỏ việc ở Ngân Hàng Thuân Châu, tôi tìm đường thoát khỏi cảnh bị địa phương quản lý và giáo dục, chui lủi xuống Hải Phòng xin một chân giáo viên dân lập cấp 2, mai danh ẩn tích mấy năm cho đến khi mọi chuyện đã mờ nhạt thì chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của Mỹ mở rộng, tôi phải nhập ngũ rồi lại được thoái ngũ trở lại nghề “Godautre” nhưng phải sơ tán về nông thôn, không mấy dịp dám lặn lội dưới bom đạn về quê thăm nhà nói gì đến viếng thăm hai nấm mộ của hai bà nội




 Thế rồi sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, về quê tôi mới hay tin mộ bà nội Liêm lại mất nấm vì mộ đặt ở rìa bãi, bị người ta phát bờ cuốc góc ruộng lấn dần vào rồi mưa gió góp phần làm sụp đổ không còn dấu vết. Thế là mộ bà cũng chẳng được như mộ Đạm Tiên “sè sè nấm đất bên đường” mà mất hẳn hình hài trong con mắt mọi người. Hương hoa cho bà những ngày tảo mộ lại đặt vào chỗ đất theo trí nhớ! Năm 1997, theo phong trào nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ, gia đình tôi cũng mời một thầy về giúp đỡ. Lúc nhận lời thầy nói như đanh đóng cột đã nhìn thấy nấm mộ nằm ở đâu rồi nhưng khi vào thực địa thì thầy lắc đầu bảo để về xác định lại rồi mất tăm luôn. Mà chúng tôi cũng nản lòng tin không muốn trở lại vấn đề nữa.

Năm 2006, u tôi qua đời, được hỏa thiêu tại Đài hóa thân Hoàn Vũ Văn Điển. Làng Dịch Vọng đã thành phường, các bãi tha ma làng đã bị giải tỏa gần hết, quy tụ về nghĩa trang thành phố Hà Nội ở tận Bất Bạt Sơn Tây, cách làng tôi gần bảy chục cây số. Thấy ở làng vẫn còn một vài mảnh đất của tư nhân bán cho những ai muốn tạm đặt mồ ở đấy chờ khi nào giải tỏa đền bù thì đem đi một thể. Tôi đề xuất ý kiến mua một miếng đất như thế, đợi 49 ngày u tôi thì đặt bình tro vào đấy cho linh hồn u được mát mẻ. Nhưng anh tôi không nghe, lấy cớ đặt đâu thì đặt một lần cho xong, không vẽ vời hai lần. Tôi lại bảo, vậy đưa hẳn bình tro lên Bất Bạt, thì ông ấy bảo hãy đợi ngày tháng thuận lợi sau. Thôi đành để quyền ông anh trưởng quyết.

Từ khi u mất, nhà chúng tôi có 5 cái giỗ: Ông nội, hai bà nội, ông Cát và ông Cổng giỗ chung và u tôi. Nhưng mộ chỉ có mỗi một ngôi. Buồn rơi lệ, nên ngày giỗ ông nội mồng chín tháng Chín 2006, tôi có mấy dòng thơ:

MỒ MẢ GIA TIÊN CẢM TÁC

"Sống đẹp nhà, làm ma đẹp mồ"
(Thành ngữ)
                                 
Nhà có năm cái giỗ
Mộ chỉ có một ngôi
Khói hương tìm nghẹt thở
Hồn tổ tiên đâu rồi

Sau mấy cơn lũ lụt
Mộ ông nội cuốn trôi
Con cháu không đoái hoài
Mộ bà nội mất nấm

Giỗ chung ngày chung tháng
Hai ông bác chết non
Dẫu thiêng như ông mãnh
Mộ cũng đâu có còn!

Bố bỏ nhà biệt xứ
Sống chết nào ai hay
Con có lòng tưởng nhớ
Đâu biết tháng biết ngày!

Mẹ chết đã nửa năm
Vẫn chưa có đất nằm
Bình tro còn kí gửi
Trong căn phòng tối tăm!

Chỉ còn bà nội cả
Mẹ hai bác chết non
Lẻ loi một nấm cỏ
Chết vẫn còn cô đơn!

Nhà có năm cái giỗ
Nhưng mộ chỉ một phần
Khói hương tìm muôn ngả
Đâu thấy người muôn năm!


Bình tro của u tôi ký gửi ở phòng số 3 của nghĩa trang Văn Điển. Năm hai lần, vợ chồng tôi về viếng u vào tết Thanh minh và vào những ngày năm hết tết đến bằng hai chặng xe buýt khởi từ Hà Nội. Căn phòng rộng chừng 20m2, ba mặt tường, mỗi mặt gắn một giá ba tầng, mỗi tầng chia làm nhiều ô; các bình tro ký gửi được đặt trong những ô đó, có số thứ tự, có khóa bảo quản. Khi có người đến viếng, hai ngọn đèn nê ông được bật sáng còn không thì ngày tối mù đêm tối mịt, ẩm thấp quanh năm. Tết Thanh minh 2007 viếng u, tôi buồn cảm tác viết mấy dòng thơ sau:

THANH MINH
                 
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Mẹ đâu được thấy cỏ hoa ngoài trời.
Bình tro miệng gắn chặt rồi
Một căn hộc nhỏ, khóa ngoài lạnh tanh.
Nào ai nô nức yến anh,
Nào ai trẩy hội đạp thanh dập dìu?
Căn phòng kí gửi cô liêu,
Con về thăm mẹ chín chiều ruột đau!

 Sau hai năm rưỡi, bình tro di cốt của u tôi gửi trong căn hộc nhỏ đó mới được chuyển lên nghĩa trang Bất Bạt xa xôi cách trở vào ngày Bính Tý 6 tháng Mười một năm Mậu tý, nhằm ngày 2 tháng 12 / 2008!



 Công việc tiến hành từ 5 giờ rưỡi sáng đến 2 giờ chiều mới hoàn tất. U tôi đã có nơi yên nghỉ cuối cùng nhưng đường xá xa xôi cách trở quá, chị em tôi thì đã đang tuổi về già, các cháu kẻ xa đứa gần đều phải lo mưu sinh, không dễ gì mỗi lúc lên hương khói cho cụ. Lại buồn, cảm thán với lời từ biệt vong linh cụ:
Mẹ về yên nghỉ xứ Đoài
Cháu con cách trở ai người viếng thăm?!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...