Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Về Bài Thơ “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai”



ngày 30.11.15
Thưa quý bằng hữu, quý độc giả.
Rất tình cờ, tôi được quen biết Văn hữu Phạm Đức Nhì.
Lần đầu tiên đọc bài thơ “Bờ Vẫn Quá Xa” – của anh đã cho tôi một cảm xúc rất thân tình, rất tâm đắc. Bài thơ đã cho tôi nguồn cảm hứng để viết một bài cộng hưởng gửi anh – Gửi anh Phạm Đức Nhì – Và từ đó chúng tôi quen biết nhau, rồi thân nhau.

Một số bài thơ và những bài bình phẩm thơ của anh đã cho tôi thấy ở anh có cái nhìn sâu sắc và rất khác người. Dù tôi không hoàn toàn đồng ý những gì anh viết, những khía cạnh suy tư của anh nhưng rất quý mến tấm lòng ngay thẳng, can trường của anh với cái nhìn trực diện, không màu mè, không chải chuốt. Dù tôi không thích đọc những bài thơ chứa đựng nhiều ngôn từ dung tục của anh nhưng tôi biết anh cố tình và có dụng ý sâu xa. Dù tôi không thích nhưng tôi có lòng nể trọng anh trong những ẩn dụ sâu sắc đó. Dù biết chúng tôi không cùng một trường phái nhưng vẫn đi chung lối về.
Hôm nay, trong dịp lễ tết cuối năm, tôi bỗng dưng nghĩ đến việc nhờ anh viết cảm nghĩ của anh về một một bài thơ ưng ý của tôi. Bài “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai” là bài thơ mở đầu trong loạt 6 bài của tập Trường Ca Nguời Em Mạn Bắc (*) tôi khởi viết từ năm 2005 và kết thúc năm 2013. Những bài thơ này đã được đăng trên website nhà và đăng rải rác trên các diễn đàn Việt ngữ và được chuyển tải nhiều nơi, trong cũng như ngoài nước, được độc giả đón nhận với nhiều thiện cảm. Thật ra, bài thơ này cũng đã được một người bạn văn ở Lincoln, Nebraska bình phẩm rồi; tôi dán ở nơi này – Về Bài Thơ Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai – để chia sẻ những cảm nghĩ khác biệt của mỗi người về một bài thơ.
Chính vì tôi biết anh khác người, với tầm nhìn thẳng thắn không nương tay nên tôi rất mong được nghe thấy những lời phẩm bình ở anh để được chia sẻ với mọi người. Hơn nữa, tôi cũng nghĩ rằng, “đôi khi mình nghe hoài những lời xã giao, vị nể, đãi bôi sẽ làm cho mình chủ quan, mù quáng.” Với ý nghĩ đó nó càng thúc giục tôi hơn để yêu cầu anh viết. Tôi viết email khuyến khích anh cứ thẳng thắn cho tôi biết ý nghĩ trung thực của anh mà không cần phải câu nệ việc “thế gian thường tình”; và còn thậm chí bỏ ra mấy tiếng đồng hồ chạy tới nhà anh để cùng uống với nhau vài ly rượu tâm tình.
Hôm nay, sau vài tuần lễ, anh đã gửi cho tôi bài viết sau đây. Dù những điều anh nghĩ không nhất thiết phản ảnh những gì tôi nghĩ. Những nhận xét về chữ nghĩa của anh không nhất thiết đúng như chữ nghĩa tôi cố tâm dùng. Tôi đồng ý với anh tôi làm thơ theo những khuôn mẫu nhất định dù là thơ mới: Bài thơ của tôi viết luôn có bố cục chặt chẽ, có nội dung hẳn hòi theo một trình tự hợp lý; có vần điệu, có âm hưởng, có màu sắc. Tôi cân nhắc từng câu, từng chữ trong bài thơ chứ không thể phóng tay theo cảm hứng. Tôi cố tạo một bức tranh hài hoà, sống động trong mỗi bài thơ tôi viết. Tôi muốn tạo cho mình một lối đi rất riêng trong thi ca nhưng biết chắc rằng cũng không có gì mới lạ cho lắm. Tôi chưa từng có ý nghĩ so sánh thơ của mình với thơ bất cứ một người nào khác. Dù vậy, tôi cũng rất ưu ái đón nhận bài viết của anh, chân thành cám ơn anh Phạm Đức Nhì đã bỏ nhiều tim óc viết cho tôi. Tôi gửi nguyên bài lên đây, không sửa một chữ, mời quý vị cùng chia sẻ như một câu chuyện văn chương của hai người cầm viết không cùng trường phái để có cái nhìn khoáng đạt hơn, thi vị hơn.
Yên Sơn
Mùa tạ Ơn 2015

(*) TRƯỜNG CA NGƯỜI EM MẠN BẮC:
1. Bóng Trăng Lệch Khuyết
2. Khúc Biệt Ly
3. Vẫn Đợi Mùa Xuân
4. Tiếng Gọi Tình Yêu
5. Mùa Tình Nhân
6. Trở Về





* * * * * * * * * *

VỀ BÀI THƠ CỦA BẠN
Bạn hiền thân mến,
Bình thơ – khen chê một bài thơ – là công việc rất chủ quan. Dĩ nhiên, cũng có một vài nguyên tắc chung của nó, nhưng tùy theo độ dày kiến thức, cách nhìn nhận thơ ca của người viết mà mỗi bài bình thơ đều có những nét riêng. Một bài bình thơ, ngay khi được phổ biến, chưa phải là cách đánh giá chuẩn mực của một bài thơ nào đó. Nó còn phải chịu rất nhiều những cái nhìn soi mói của những người đọc thơ, làm thơ sành sõi, và nhất là, của những người bình thơ khác, “cao tay ấn” hơn. Khen, chê nặng tay hoặc nhẹ tay một tý là bị “dũa” ngay.
Chính vì thế tôi thường không bình thơ của người quen, bạn bè thân thiết – trừ trường hợp bài thơ đó có những điểm hay (dở) thật đặc biệt. Có 2 lý do:
1/ Khen nhiều thì độc giả cho là vị tình, là nịnh. Chê nặng tay một tý thì mất lòng tác giả.
2/ Khi chọn bình bài thơ nào là tôi đã đọc kỹ và thấy ở bài thơ đó một hoặc vài ưu (khuyết) điểm mà nếu được phân tích, giải thích sẽ đem đến cho độc giả những thông tin mới, kiến thức mới để họ hứng thú hơn trong thưởng thức thơ ca. Tưởng tượng ra vẻ mặt hài lòng, khoái chí của độc giả, tâm trạng người viết sẽ phấn khích hơn, ngòi bút sẽ linh động hơn, bài viết (tôi nghĩ) sẽ hấp dẫn hơn. Bình thơ bè bạn không có cái tâm trạng phấn khích, hào hứng đó.
Cho nên đây không phải là một bài bình thơ như tôi thường viết. Bạn cứ xem đây như một thư góp ý về bài thơ của bạn. Tôi sẽ liệt kê những ưu, khuyết điểm của bài thơ một cách thật tình, không khách sáo theo đúng như bạn yêu cầu:
Khen chê đối với tôi đều có giá trị như nhau. Nhiều khi nhận xét của bạn sẽ giúp tôi xem lại cách hành văn hoặc sắp đặt tư tưởng, từ ngữ của mình. Vì tôi tin sự thẳng thắn, thành thật của bạn mình khi viết về văn chương thi phú.
Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai
chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít
chiều hơi sương mờ mịt
có ngàn thông reo vui
sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác
tôi đứng lại nhìn bước chân đài các
mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai
thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt
tay trong tay lưu luyến phút quay về
tự đáy lòng choáng ngập nỗi đam mê
và hương sắc đã làm tôi chao đảo
em thầm thì khẽ bảo
gió se lạnh làn da
tôi hôn em với tất cả thiết tha
lời run rẩy trong làn hơi đứt quãng
không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi
em ơi đã khuya rồi
giã từ bờ suối mộng
ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ
ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ
nghe sóng vỗ trong biển tình dào dạt
***
gió rì rào, xao xác
lòng tràn ngập niềm vui
sáng tinh mơ em đã nhoẻn môi cười
ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em
ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú cuội nôn nao nói với chị hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt
em bắt tôi nhắm mắt
vớ chăn quấn lên vai
giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối
một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình
kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ


Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai của bạn là một bài thơ “đẹp”. Câu văn sáng sủa, dễ hiểu, ngôn ngữ sang trọng, quý phái tuy đôi lúc cũng ra vẻ làm dáng như lời trong vài bài nhạc của Từ Công Phụng. Hình ảnh đẹp, lãng mạn, tứ thơ “dễ bắt” – cuộc tình đẹp, lãng mạn của tác giả với người em mạn bắc – chức năng truyền thông của bài thơ thành công.

Nếu đặt lên bàn cân thì phía bên ưu điểm sẽ nặng hơn. Những ưu điểm, những cái đẹp của bài thơ có thể gói gọn trong vài hàng nhưng đó là những tuyệt kỹ mà tác giả của nó phải có một nội lực sung mãn, một thời gian dày dạn sương gió trên cánh đồng văn chương và một hồn thơ sâu lắng mới thể hiện được. Cái hay của thơ bạn là cái hay đẳng cấp chứ không phải cái hay chiêu thức.
Và sau đây là vài khuyết điểm.
Đọc 2 đoạn đầu bài thơ của bạn tôi đã thấy mừng mừng; hình như bạn đã thoát cũi sổ lồng, không còn tự trói buộc mình trong cái rọ của “Thơ Mới” nay đã không còn mới nữa; số chữ trong câu đã thay đổi, lúc 5, lúc 8. Nhưng đọc kỹ tôi mới biết mình mừng hụt. Bạn đã phá cái cũi kiểu Nhớ Rừng của Thế Lữ để tự đóng một cái cũi khác lạ hơn, hẹp hơn rồi rất vui vẻ chui vào, bóp khóa, vất chìa ra thật xa và bình thản … ngồi tù trong đó.
Bài thơ của bạn có 54 câu, chia làm 9 đoạn, mỗi đoạn 6 câu. Trong mỗi đoạn thì 2 câu đầu 5 chữ, 4 câu sau 8 chữ (558888). Toàn bài có 4 câu thơ 9 chữ (thay vì 8) trong đó có 3 câu theo tôi, bạn viết như vậy không phải vì muốn phá cách mà vì … kẹt.
cho chú cuội nôn nao nói với chị hằng (lẽ ra phải là chú Cuội, chị Hằng)
và:
giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối
Đó là những câu thơ rất khó bỏ đi một chữ mà vẫn giữ được cái đẹp, cái hay của nó. Trường hợp này cách hành xử của bạn giống Thế Lữ trong Nhớ Rừng. Ông đã chấp nhận phạm luật thơ mới (khác với tinh thần phá luật của Yên Thao trong Nhà Tôi) để giữ lại câu thơ 10 chữ (thay vì 8) rất hay sau đây:
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Riêng câu:
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
thì không biết suy nghĩ của bạn thế nào chứ nếu ở trường hợp của tôi, muốn bỏ bớt một chữ thì bỏ chữ “nghe” là tiện nhất. Chữ “nghe” có thể hiểu ngầm nên đứng ở chỗ ấy là thừa.
để gió vờn hoa hát lời ân ái
vừa gọn lại vừa hay hơn nhiều.
Khi đã chui vào trong cũi để làm thơ, phong thái của thi sĩ đã hơi bị … mất đẹp, không có dáng vẻ ung dung thoải mái. Hơn nữa, vì bị gò bó nên rất dễ có thêm những khuyết điểm khác.
Thí dụ:
chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít
Nếu không kẹt dính trong cái thể thơ cứng ngắc bạn đã có thể bỏ đi cụm từ “chỗ của em” để tránh cái lỗi câu chữ vô tích sự, thừa thãi.
Đó là về thể thơ – số câu, số chữ.
Sau đây là cách gieo vần của bạn. Bài thơ có 9 đoạn, 54 câu. Trừ câu đầu và câu cuối, bạn tao ra 26 cặp vần trong 52 câu thơ. Bài thơ từ khởi đầu đến chấm dứt vần cứ “đến hẹn lại lên”, không bỏ lỡ một dịp nào. Có thể nói trong cách gieo vần bạn như một quân nhân gương mẫu, nghiêm chỉnh tuân hành kỷ luật nhà binh một cách hoàn toàn tự giác. Nguyễn Hưng Quốc mà đọc phải bài thơ này sẽ giơ 2 tay lên trời than “Hết ‘ví dầu ầu ơ’ lại ‘ầu ơ ví dầu’”. Còn tôi nghĩ đến món chè trong mấy câu thơ:
Đường ít: chè không đủ ngọt, không ngon
đường nhiều: ngọt lợ, ăn gắt cổ
nấu chè ngon do đó
cũng cần có tài
ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột , nếp
các thứ khoai
(thứ nào nấu với thứ nào
liều lượng bao nhiêu thì hợp)
còn phải biết nêm đường cho vừa ngọt

Vần và (hoặc) nhịp điệu tạo nên vị ngọt của thơ ca. Nó là những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của tác giả và – qua bài thơ – trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn đọc giả một cách dễ dàng hơn. Trong những bài thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy, chảy trong tâm hồn người đọc. Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.
Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải cũng là một tài năng của tác giả.
Bạn đã nêm đường quá nhiều cho món chè “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai” và độc giả như tôi “ăn” ngán lắm. Hơn nữa, số chữ trong câu của bài thơ cứ theo một nhịp nhất định không thay đổi (558888) nên bài thơ đã đơn điệu lại càng thêm tẻ nhạt. Đặc biệt là ở đoạn cuối; vần đã quá “nặng nề” bạn lại đưa thêm vào một kiểu điệp ngữ rất vụng về.
kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ
khiến món chè đã ngán lại càng thêm ngán.
Hội Chứng Barcelona Trong Thơ
Cách đây không lâu, những tháng ít việc làm, thỉnh thoảng tôi cũng xem bóng đá. Tôi chú ý đến đội Barcelona vì ở đó có Messi (cầu thủ hay nhất thế giới) và một giàn cầu thủ có khả năng che bóng, giữ và kiểm soát bóng rất hay. Sau trận đấu, nhìn vào chỉ số kỹ thuật thì tỷ lệ kiểm soát bóng (possession) của đội thường cao hơn đối thủ nhiều (thí dụ 58% v/s 42%). Trong một số trận quan trọng, khi dẫn trước đối thủ 1 bàn đội Barcelona thường vờn bóng giữa sân để … câu giờ (hoặc thực hiện một ý đồ chiến thuật nào đó). Đối phương đuổi theo bóng thì họ chuyền cho nhau – thường là ngược về phía sân nhà. Sau đó từ từ đưa lên giữa sân rồi lại ngược về cho thủ môn. Cuối cùng họ thường đạt được mục đích của mình là thắng trận. Thật ra, vờn bóng giữa sân không phải dễ. Như đã nói ở trên, phải có những cầu thủ giỏi, có kỹ thuật cá nhân điêu luyện, đặc biệt là khả năng giữ, che và kiểm soát bóng tốt. Nhưng dù cầu thủ có giỏi cỡ nào đi nữa mà đá kiểu đó thì khán giả cũng rất bực bội vì phải xem một trận đấu tẻ nhạt. Vài nhà bình luận thể thao đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng lối chơi của Barcelona (trong những trận đó) đã giết chết nét đẹp của bóng đá, đã tạt nước lạnh vào lòng mê say của khán giả đối với môn thể thao vua này.
Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai của bạn cũng gần giống như thế. Tứ thơ – nhờ vần liên tiếp nên – như một dòng sông cảm xúc chảy trong tâm hồn độc giả. Tuy nhiên, có lẽ kỷ niệm về mối tình với người em mạn bắc đẹp quá, không có ups and downs, không có những tình tiết hồi hộp, hấp dẫn, nên dòng sông thơ không thác, không ghềnh, chảy lờ đờ chậm rãi. Với mối tình nhiều kỷ niệm đẹp như thế, bạn có thể ngồi cả buổi nghĩ về nó, thả hồn vào những chuỗi ngày thơ mộng đó mà vẫn thấy thích thú, hạnh phúc. Nhưng với độc giả, phải đọc bài thơ dài đến 54 câu (Nhớ Rừng của Thế Lữ chỉ có 47 câu), số chữ trong câu theo một quy định cứng ngắc, hội chứng “ầu ơ ví dầu” quá nặng, quanh đi quẩn lại chỉ có “cảnh đẹp, em đẹp và anh yêu em chất ngất” thì … “chán như cơm nếp nát”.
Trong bóng đá, trận đấu có hấp dẫn hay không, khán giả có hài lòng hay không – nếu FIFA vẫn chưa tìm được phương cách để thay đổi luật lệ – trận thắng vẫn là trận thắng với tất cả những mối lợi, những vinh quang của nó. Nhưng với thơ thì khác. Độc giả đọc vài câu mà không thấy lạ, đẹp, không thấy hơi nóng của cảm xúc bốc lên thì dù tứ thơ có “dễ bắt”, chức năng truyền thông của bài thơ có thành công trọn vẹn, họ cũng chán, không thèm đọc nữa, và bài thơ sẽ phải mang số phận “có tên mà không có tuổi”.
Về điểm này tôi có viết một bài thơ ngắn; nhân tiện mang ra để minh họa.
ĐỪNG ĐỂ CƠM ÔI
Chị Cả sợ cơm ôi
chờ nước sôi
mới đổ gạo vào nồi
rồi chị khơi lò, trở củi
để ngọn lửa cháy đều, cháy mạnh
cho đến lúc nồi cơm cạn nước
“Cơm sôi cả lửa thì ngon”
câu ca dao mẹ dạy
chị vẫn còn ghi nhớ
Qua chuyện ái ân chồng vợ
chị với anh đã ăn ý rõ ràng
phải đâu đó sẵn sàng
mới cho chốt nhập cung
và rồi tấn công dồn dập, tưng bừng
cho đến lúc gạo thành cơm vừa chín tới
Bài thơ đang viết dở
chị nhắc anh đoạn giữa
đừng như nồi cơm ôi.

Bạn thân mến,
Viết đến đây tôi muốn có vài hàng cám ơn bạn. Bạn đã bỏ thời gian lái xe một đoạn đường rất xa đến nhà tôi để chúng ta mặt đối mặt nói chuyện. Bạn đã bật đèn xanh cho tôi được tự do, muốn viết gì thì viết mặc dù tôi đã trình bày với bạn những gì tôi hứng thú để viết phần lớn nằm ở phần khuyết điểm của bài thơ. Và tôi đã viết thật thoải mái. Tôi đã nói hết – nói đến tận cùng – những gì tôi muốn nói, đôi khi vượt quá những khen chê thường lệ của một bài bình thơ.
Viết BTLKBV bạn đã chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Tuy nhiên, nếu bảo tôi ngưỡng mộ tài thơ của bạn thì đó là câu nói khách sáo, đãi bôi. Nhưng thật tình mà nói, tôi kính trọng, quý mến bạn ở cái “nhân cách đặc biệt” của bạn. Mình gặp nhau đã nhiều lần, hội họp nghiêm túc có, bù khú văn nghệ vui chơi cũng có. Trong đám đông bạn có phong thái chững chạc, đàng hoàng, nụ cười luôn nở trên môi, lúc nào cũng là chất keo kết dính nhiều thành phần bạn hữu khác nhau đến cùng tụ hội.
Hy vọng đọc xong bài viết này, khi sáng tác những bài thơ mới bạn sẽ không còn “nêm đường quá ngọt”, không “vờn bóng giữa sân” quá nhiều, và nhất là không tự trói tay mình rồi chui vào trong cũi. Cũng hy vọng bạn sẽ không giận tôi, vẫn thực hiện những điều bạn đã dự định về bài viết này. Được như vậy tôi sẽ rất vui vì đã không sai lầm khi – trong số bạn hữu của mình – đã dành cho bạn một vị trí rất trang trọng và gần gũi.
Galveston 11/26/2015
Phạm Đức Nhì

Vừa nhận thêm ý kiến của một bằng hữu, bạn của anh Phạm Đức Nhì, xin ghi vào đây để rộng đường dư luận… cho đời vui.
Bạn hiền,
Rất hào hứng! Rất trân trọng bài viết, tôn trọng ý tưởng của tác giả.
Cõi thơ thì mênh mông như khi nhìn dòng sông có ai biết đâu là nguồn, đâu là cửa.
Thơ là chuyên trên trời. Đời sống mới là hiện thực. Cái mông mênh của tâm hồn cho người ta cảm nhận tự nhiên không toan tính. Ngay cả toán học thời nay, một cộng một chưa chắc đã hai, huống chi…
Dù vậy, cái nhìn của các bạn cho tôi thêm khiêm nhường, cho tôi đôi điều học hỏi, rất đáng quý.
YS

* * * * * * * * * *
BÀNG NGUYỄN
Bình thơ đâu có dễ. Nói như cụ Hoài Thanh, bình thơ là “ lấy hồn ta để hiểu hồn người ”, suy rộng ra là phải trân trọng, yêu mến, cảm thông với tác giả.
Vì cái lẽ lớn lao đó nên với bài thơ Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai, tôi thật không dám bình. Vả lại trước mắt đã có sừng sững hai bài bình khá dài hơi của hai nhà thơ Nguyễn Xuân Đấu và Phạm Đức Nhì rồi, cố bình thêm xem ra sẽ thành một bài bình chưa tới.
Tuy nhiên, nhận xét bài thơ thì có thể, chỉ có điều đúng hay sai, nông hay sâu mà thôi.
BóngTrăng Lệch Khuyết Bờ Vai là những lời tự sự của một nhân vật được thơ hóa bằng những lời miêu tả trữ tình, có hình ảnh có nhịp điệu. 9 khổ thơ liên tiếp nối nhau nếu diễn xuôi sẽ thành 9 đoạn, có mở đầu có kết luận và có nội dung một câu chuyện gặp nhau của một đôi trai gái trong một không gian là một khu rừng đẹp “cách phố phường xa lắc” mà thời gian là một buổi chiều tà rồi qua suốt đêm thâu cho đến sáng hôm sau với hình ảnh xinh đẹp đài các của cô gái, với những lời yêu thủ thỉ, nhưng môi hôn và cả chuyện làm tình của họ. Một câu chuyện không có gì đặc sắc mà còn hơi cũ kỹ, có dáng dấp những chuyện hẹn hò của các công tử thành thị trong các thiên truyện Tự lực văn đoàn, mỗi cuối tuần hay cuối tháng về chơi đồn điền ở một vùng trung du để gặp cô thôn nữ chàng ta yêu dấu. Nhưng với nhà thơ nó là những kỷ niệm nên thơ rạo rực đam mê và gọi lên những nghĩ suy về tình yêu duyên số cuộc đời nên người đọc cũng rất trân trọng mặc dù, chút kỷ niệm ấy nên ghi vào một trang nhật ký riêng tư cũng đã là vừa phải và rất đẹp.
Khổ thơ mở đầu khiến người đọc cảm mến chàng trai đã không quản đường xa, rời thành phố về một khu rừng với người yêu. Đúng là “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ ngũ lục sông cũng lội thất bát đèo cũng qua”, mặc dù thời nay không phải dùng đôi chân để trèo, để lội, để qua nữa. Nhưng người đọc có chút băn khoăn, không hiểu chàng trai đã đến nhà cô gái bao lần hay đây là lần đầu chàng tìm đến? Nếu đến nhiều lần thì cần gì phải “chạy theo bảng chỉ đường”, vì con đường tình anh đến với em đã thành bản đồ trong tim rồi, cho dù đêm tối không cần sao Bắc Đẩu, anh vẫn không thể nào lạc lối. Nhưng đây là lần đầu tìm đến thì cũng vô lý, bởi thế thì sao biết rất rõ:
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít”.
Đúng như lời bình của Phạm Đức Nhì, bài thơ là một “dòng sông thơ không thác, không ghềnh, chảy lờ đờ chậm”. Nhưng thật tiếc, ngay khi khúc nguyên sơ của con sông vừa xuất hiện, ta đã thấy nó có đôi gợn sóng. Ấy là cái từ “xa lắc”.
Xa lắc, rất xa, đến mức tưởng như không thể hình dung được, không thể đến được. Con đường từ thành phố anh đi đến khu rừng em ở, có bảng chỉ đường và anh đã biết nơi đó ở mạn bắc, không mấy khi vắng hoa lá, thiếu tiếng chim muông; thế thì sao lại xa lắc với anh? Vả lại “xa lắc” là một khẩu ngữ, ngôn ngữ nói thông thường, không có giá trị tu từ gì cho đoạn thơ mà chỉ được mỗi cái vần vèo với từ “mạn bắc” ở dòng trên nhưng đọc hai câu thơ lên thấy rất khô cứng.
Khổ thơ thứ hai đẹp cả cảnh lẫn người nhưng xem ra có phần phi lý trong câu “Chiều hơi sương mờ mịt” mà mọi cảnh vật lại hiện lên rõ mồn một trong cảnh chiều hôm đó. Mờ mịt hay mịt mù, mù mịt là mờ đi đến mức không còn nhìn thấy rõ gì được nữa như cái cảnh con cò trong câu ca dao “Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về”. Ấy vậy mà đôi trai gái lại có thể nhìn rõ cả đàn nai ngơ ngác. Riêng chàng trai còn nhìn rõ cả bước chân đài các trên lối đi và mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai của nàng nữa. Phải chăng, tình yêu đã cho họ sáng mắt sáng lòng nên nhìn thấu qua đươc làn hơi sương mờ mịt kia?
Lại đúng như Phạm Đức Nhì nhận định về bài thơ của Yên Sơn: “Bạn đã phá cái cũi kiểu Nhớ Rừng của Thế Lữ để tự đóng một cái cũi khác lạ hơn, hẹp hơn rồi rất vui vẻ chui vào, bóp khóa, vất chìa ra thật xa và bình thản… ngồi tù trong đó”. Ngoài một số câu Phạm Đức Nhì đã trích và bình, tôi đọc xong câu thơ này trong BTLKBV: cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt, thì bỗng dưng quên bặt mất mình đang đọc thơ Yên Sơn mà lại bật nhớ về thơ Thế Lữ:
Mà sắc đẹp rỡ ràng rồi sẽ tắt
Như bóng chiều dần khuất
Dưới chân trời.”

Cuộc tình của đôi tài tử giai nhân này đẹp ra sao thì toàn bộ bài thơ đã diễn tả đầy đủ rồi. Nhưng có thắm thiết không, có lòng tin chung thủy vào nhau không?
Thì đây chàng trai đã nói:
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em
Và rồi:
nhìn giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
Hình như chàng đã nén tiếng thở dài vào lòng khi nghĩ rằng:
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
Bi lụy quá. Chả nhẽ đây là lần cuối anh đến với em? Chả nhẽ duyên tình đôi ta chỉ dài ngắn thế thôi? Một chiều đẹp não nùng với ngàn thông reo, với đàn nai ngơ ngác bên bờ suối rồi tiếp nối là một đêm trăng sao lồng lộng dạt dào hoan lạc chưa qua hết khi ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ, khi nàng vẫn nhoẻn môi cười, vậy mà chàng đã ngậm ngùi trong lòng riêng như thế!
Theo như bài bình của Nguyễn Văn Đấu thì chàng trai Yên Sơn là một cánh đại bàng hào hoa oai hùng. Vậy là một trang Từ Hải thời nay rồi còn gì? Nhưng hãy xem Từ Hải, sau “Nửa năm hương lửa đương nồng bên Thúy Kiều thì Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương, Từ đã hướng về trời bể mênh mang,với thanh gươm yên ngựa lên đường đi ngay:
“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong

Sau đó Từ Hải và Thúy Kiểu nói lời tiễn biệt. Trong lời tiễn biệt, Từ Hải rất tự tin vào cuộc sống:
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!

Rồi:
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi

Chàng phi công trong thơ Yên Sơn không được bằng Từ Hải đã đành mà cũng chả bằng chàng trai quê mùa khi phải đi xa:
Đường dài ngựa chạy biệt tăm,
Người thương có nghĩa trăm năm cũng về.

Thậm chí cũng chả bằng cô thôn nữ, yêu là yêu, mặc cho trời đất xoay vần:
Đã thương cắt tóc trao tay
Tha hồ én liệng, nhạn bay mái ngoài

Như sợ người yêu cũng như mình, sẽ buồn phút chia tay sắp phải đến, không tin vào ngày mai của cuộc tình vừa mới diễn ra đẹp như mộng, chàng phi công làm bộ rắn rỏi nói với nàng trong hai câu kết bài thơ:
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ
Người đọc coi như đây là một lời thề chung thủy rất đáng quý của chàng và lời thề này sẽ đọng mãi trong trái tim cô gái anh yêu, giúp nàng cũng sẽ mãi mãi thủy chung như câu ca dao:
Một lòng kết tóc xe tơ
Một niềm chỉ đợi chỉ chờ một anh

Rất trân trọng nhưng cũng lại rất tiếc vì cách dùng từ và cách ví von của nhà thơ. Ấy là từ “chất ngất”, có nghĩa là cao ngất và có nhiều lớp, nhiều tầng chồng lên nhau, cũng đồng nghĩa với ngất ngưởng, ngất nghểu, ở thế không vững chắc dễ ngã dễ đổ. Tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi! Dễ anh say hay sao mà anh nói với em như thế?!
Đã thế anh lại còn ví von khi nói anh yêu em như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ. Anh yêu ơi, khung của sổ nhà em đâu có rộng, em vẫn thường nhìn ra,nếu nhìn xuống thì chỉ thường thấy những ô nhỏ cuộc đời trần tục; nếu nhìn lên thì cũng chỉ thấy một mảnh trời màu xanh màu hồng hay màu xám tùy vào tiết trời khi ấy. Em còn chưa nói cái khung cửa sổ nhà em nhiều khi còn dính bụi bẩn vì chưa kịp lau đó anh ạ!
Bài thơ BTLKBV là những cảm xúc tình yêu đáng trân trọng dù đôi lúc cảm xúc đó hơi trần tục.
Tôi không dám bình bài thơ như đã nói. Nhưng nể nhà thơ Phạm Đức Nhì đã chuyển cho mấy chúng tôi bài thơ này để đọc. Nói như anh Nhì, bạn anh, nhà thơ Yên Sơn muốn có một “ý kiến thứ hai” tức ý kiến của anh Nhì sau lời bình của ông Nguyễn Xuân Đấu. Nay anh Nhì chuyển cho mấy chúng tôi, chắc anh muốn rộng thêm ý kiến?
Vì lẽ đó, tôi như một người bỗng dưng được đặt vào tay đóa hoa thơ BTLKBV, ngắm nghía nó và có vài nhận xét nho nhỏ về bông hoa ấy như thói thường của người đời, rằng bông hoa này đẹp nhưng sao chỗ này nó lại thế, chỗ kia nó lại thế?
Vâng, chỉ thế và chỉ thế thôi!

* * * * * * * * * *

Khôi Nguyễn
Cảm nghĩ của Nguyễn Khôi:
Trước tiên phải nói bài thơ đó RẤT THƠ, cảm nghĩ / khen chê mỗi người một ý (nói như Quế Đường tiên sinh “văn chương là của chung thiên hạ / mỗi người một ý/ phân tích (để thưởng thức) thì được / chứ không nên chê mắng”). Bài thơ rất có HỒN nên đọc rất sướng… còn “Bình” & “phê” đã có 2 bài của 2 bác Phạm Đức Nhì & Nguyễn Bàng (đăng trên lexuanquang.org ở Berlin- CHLB Đức) là khá góc cạnh uyên bác, với trình độ hạn hẹp như NK thấy khó có ý kiến nào “thêm” nữa…
Chao ôi, làm thơ, may ra gặp cảnh sinh tình “xuất thần” (trời cho) được một tứ thơ hay, còn ngôn ngữ & hình tượng thơ là do cái “thi tài” mà Thi nhân đã hun đúc mà có, mấy khi được “toàn bích” kia chứ? (LỚN như Nguyễn Bính cũng không có bài nào được khen là “toàn bích” nữa là?). Xứ Quảng là Xứ học, xứ của Dừa trăng thơ mộng… con người ngang tàng khí phách- “Thơ là Người”, thơ trước tiên là “viết cho mình” (không phải là “đẽo cày giữa đường”)… do đó Thơ không thể chiều ý mọi người như mọi người mong muốn được. Thơ trữ tình chỉ có một mục đích là “giãi bày nỗi lòng”, ghi lại một vết thời gian mà ta xúc động…
Tri âm, tri kỷ chỉ cần 1 người tâm đắc chia sẻ là ấm lòng rồi, bằng không thì chỉ như kiểu:
Thơ tôi viết tặng Làng tôi
Cả làng và chỉ một người tôi thương.
Có gì không phải, xin được các bác lượng thứ?!
Hà Nội 5-12-2015
Kính các bác.
Nguyễn Khôi

* * * * * * * * * *

Dung NguyenHung
Kính anh Yên Sơn !
Đối với “vị thế” của các nhà thơ, tôi chỉ là người thuộc chiếu dưới, như một kẻ hậu sinh có mắt không tròng… Tôi chỉ biết Yên Sơn qua bài còm của anh Phạm Đức Nhì, trước đó tôi đã đọc khá kỹ càng bài “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai”, một bài thơ lạ của một tác giả lạ với một cái tiêu đề lạ. Sau đó,tôi lại vào mạng tìm hiểu thêm về nhân thân của anh. Thật bất ngờ, sự nghiệp thi ca của Yên Sơn thật lẫy lừng không kém, vậy mà đây lại là lần đầu tiên tôi tiếp cận thơ của anh. Tôi lại vào trang web Vườn Thơ Tkaraoke, nhấp vào Yên Sơn… bàng bạc lai láng thơ của anh, tôi tha hồ thưởng thức.
Nhận xét về thơ Yên Sơn, tôi thoáng cảm nhận nhà thơ này có cung cách của một tráng sĩ sinh bất phùng thời hao hao hệt hệt như những nhà thơ cốt cách xứ Quảng; nếu nói về số nhiều, thì chỉ có xứ Quảng sản sinh ra nhiều nhà thơ hào phóng, hảo hán và tâm huyết với quê hương xứ sở hơn các miền, các xứ khác của dân Việt… Những bài thơ của Yên Sơn hay và thấm đẩm tình yêu quê hương, chiến hữu… Qua thơ anh, tôi còn nhận ra, nói đúng hơn là thấm thía cái xót xa, tủi hờn, đau đáu… của những kẻ ly hương đầy tuyệt vọng. Thơ của anh tự nhiên, dạt dào xúc cảm… nói như PĐN là có đẳng cấp chứ không phải là chiêu trò…
Tôi đã đọc bài bình của thi sĩ Phạm Đức Nhì, cũng như của cả anh Nguyễn Xuân Đấu về BTLKBV. Riêng với anh Phạm Đức Nhì, tôi nhận xét trong bài phê bình của anh chỉ khen có 8 dòng, còn chê thì trên cả trăm dòng, đúng như lời thẳng thắng của PĐN. Sẽ liệt kê tất tần tật nhưng không phải là phê bình mà là góp ý. Tôi không có ý kiến gì cả về bài phê này, nhưng sau nhiều lần đọc những bài phê bình của anh, ngay cả như bài “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm… Ý của tôi rằng, những bài thơ hay nhất là những bài thơ được PĐN chê nhiều nhất. Anh PĐN thích dụng từ “đao to búa lớn” để nói lên tấm lòng chân thật của mình, để mong mỏi cho hoài bão của anh vì “Bờ Vẫn Qúa Xa”. Lối phê bình của PĐN. Là lối phê bình kinh điển rất thích hợp trong nhà trường dành cho các học sinh và sinh viên vì muốn ngô ra ngô, khoai ra khoai. Riêng với bài BTLKBV, theo tôi PĐN đã khe khắt như ví dụ muốn bỏ bớt chữ “nghe”:
ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú Cuội nôn nao nói với chị Hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt
Tôi cho rằng trong bài BTLKBV, khổ thơ này tuy không hay nhất so với các khổ khác, nhưng theo tôi, đây chính là tâm điểm, là đại ý của bài thơ vì theo lời của chủ nhân bài thơ, đêm ơi hãy dài bất tận; ngày tháng ơi, hãy dừng lại… làm cho tôi chợt nhớ về cái thủa mới gặp nàng vào một buổi chiều, lúc tôi tròn 20 tuổi.
…Năm tháng ơi. xin dừng lại
Đừng thoi đưa và đừng quay
Để riêng ta với chiều ấy.
Một buổi chiều rất mỏng manh.
Ta cứ mơ theo chiều ấy
Một bóng hình không thể quên
Nhưng thời gian đã nhạt nhòa
Nhưng thời gian đã xưa xa…

Tôi xin trở lại vấn đề, nếu theo PĐN bỏ chữ nghe vì muốn câu thơ gọn ghẽ thì làm sao cắt nghĩa được gió và hoa hát lời ân ái và chú cuội nôn nao tâm sự với chị Hằng? Tôi xin đọc lại một tứ thơ của Hàn Mạc Tử có chữ nghe trong bài Đà lạt trăng mờ:
…Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu…

Và anh PĐN sẽ bảo tôi tùy từng chỗ mà thêm vào hay cắt bớt. Vâng nhưng ở đây, dù câu thơ có bị thừa, nhưng độc giả vẫn thưởng thức được trọn ý nghĩa của bài thơ. Tôi thấy bài thơ đã khéo léo đưa độc giả lạc vào ảo mộng, như Lưu Nguyễn lạc chốn tiên cung, cảnh bát nháo của đời thường làm cho lòng người nhiễu nhương, loạn lạc tứ bề, nay được bước vào một chốn bồng lai thì thử hỏi tác giả đã mang lại thành quả vi diệu cho mọi người biết lắng nghe và thưởng thức BTLKBV.
Xin cám ơn nhà thơ Yên Sơn và cả nhà thơ Phạm Đức Nhì đã tạo cơ hội cho người yêu thơ được nói vài lời hoặc được phép “Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Saigon 5/12/15
Nguyễn Hùng Dũng

* * * * * * * * * *

Công Khanh
Trong lãnh vực văn chương cũng như hội họa và âm nhạc, ai cũng biết là rất bao quát, mỗi người một cái nhìn, một cách nghe, một cảm nhận khác nhau. Làm thơ viết văn, mỗi người có phong cách khác nhau qua sự diễn đạt. Có người dùng ngôn từ “dung tục”, có người dùng từ hoa mỹ, có người dùng từ “bình dân”, độc giả thích phong cách nào sẽ cảm nhận được ngay theo phong cách đó.
Tôi chỉ là một người đứng phía lề độc giả, mạn phép góp vài lời khi được đọc qua bài thơ BTLKBV của nhà thơ Yên Sơn, lẫn bài bình của các tác giả; đặc biệt hai bài bình của Phạm Đức Nhì, và tác giả Nguyễn Bàng.
Đọc BTLKBV một mạch, đọc tới đọc lui, càng đọc cảm xúc càng dạt dào, tôi như thấy chính mình đang đứng giữa khung cảnh trữ tình lãng mạn, thơ mộng. Mang cảm nhận như thế nên tôi không thấy những từ tác giả Phạm Đức Nhì cho là “thừa dư” và “vô tích sự”. Theo tôi lại là những từ, cụm từ, viết ra, lặp lại, để nhấn mạnh câu thơ cho rõ nghĩa và kết chặt hơn vì đây là thơ chứ không phải văn xuôi. Đâu thể nào thiếu chữ “nghe” trong khổ thơ:
ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú Cuội nôn nao nói với chị Hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt
“để NGHE gió vờn hoa hát lời ân ái” rất khác nghĩa với “để gió vờn hoa hát lời ân ái”?.
BTLKBV chỉ là một kỷ niệm yêu đương lãng mạn, và tại sao không chỉ như thế, đâu cần phải có “up and down” kiểu “tình tiết hồi hộp”! Theo tôi, “up” ở đây là cảm xúc dâng cao từ từ, tràn ra lồng ngực, thấm cả buồng tim để “ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ”. Và “down” là cảm giác buồn bã xót xa trong lòng của chàng trai khi nghĩ đến lúc phải từ giã người yêu.
Thơ và thơ trữ tình là cảm xúc được tô điểm gửi gắm qua con chữ, lời thơ luôn có những thi vị hóa, vẽ vời cho thêm lãng mạn. Thơ không như trận “đá bóng” mà cũng không cần phải có đáp số chính xác 100% như toán học.
Tôi không nghĩ hai từ “xa lắc” trong câu “nơi em ở cách phố phường xa lắc” là nơi “không thể đến được” như tác giả Bàng Nguyễn đã “bình”, mà giản dị tỉ dụ như “nhà của cô ta cách Saigon xa lắc, ở Biên Hoà xa lắc” đâu có nghĩa là phải rất xa?. Và theo tôi “yêu chất ngất” là yêu tha thiết quá sức chứa trong tim phổi, để đến ví von tình yêu “như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”…
Tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
Như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ
Hai câu thơ viết rõ như thế, đó là khung trời chàng trai thấy trong bài thơ, sao Bàng Nguyễn lại áp đặt “khung cửa sổ” của BN vào tình tiết của thơ Yên Sơn? Sao BN biết khung cửa sổ của “nơi em ở” trong bài thơ là “nhỏ hẹp, dính bụi bẩn”, “nhìn xuống thấy những ô nhỏ của cuộc đời trần tục”? Bàng Nguyễn đọc bài thơ nào khác chăng?
Thật tình tôi chẳng hiểu cách so sánh của tác giả Bàng Nguyễn mang ý nghĩa gì khi đem “Từ Hải, anh chàng nhà quê, và cô thôn nữ” đọ với nhân vật trong thơ?
Bài thơ nằm góp mặt trên diễn đàn là của công chúng, ai cũng có quyền phê bình, ai cũng có quyền nói lên cảm nghĩ của mình; tuy nhiên, dùng những ngôn từ gần như chê bai thậm tệ nghĩ cũng hơi quá đáng.
Cùng một bài thơ nhưng mỗi người một cảm nhận khác nhau. Có người làm theo khuôn cách luật lệ thơ xưa, có người làm “phá cách”; một bài thơ hay đâu cần phải “phá cách” hay cổ điển; đâu cần là thơ mới hay thơ cũ? Tỉ như người ngọai quốc có câu “If it is not broken, don’t fix it!”
Tôi chỉ là người chuộng nét thơ, yêu thơ với ngôn từ “nên thơ”. Không phải bài thơ nào viết về kỷ niệm đẹp của tình yêu cũng làm cho độc giả cảm nhận được cái đẹp, nét thơ mộng lãng mạn, tình tứ như BTLKBV.
Xin cảm ơn các vị đã cho tôi có dịp đọc, học hỏi thêm và được góp lời.
Công Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...