LÀNG DỊCH VỌNG QUÊ TÔI (1)
Từ Hà Nội lên Sơn
Tây, bước qua cây Cầu Giấy là đặt chân vào ngay làng Dịch Vọng quê tôi. Cái tên Dịch Vọng có từ
thời Lý tồn tại cho đến nay. Dịch Vọng có tên nôm là "Vòng" (tên chưa
rõ nguồn gốc). Theo các cụ già ở địa phương thì cách đây khoảng 1600 năm đã có
Tiền trang, Trung trang và Hậu trang tức là ba trang của xã Dịch Vọng hay ba
làng Vòng Tiền ,Vòng Trung, Vòng Hậu. Từ
giữa thời Lê có trạm dịch làm nơi nghỉ chân của các quan, nơi các phu dịch chuyển tiếp nhận công văn
giấy tờ trên đường thiên lý từ kinh đô Thăng Long đi xứ Đoài, tiếng nôm Vòng đổi thành Vọng và tên làng Vòng đổi thành Dịch Vọng. Dân ở Vòng Hậu,Vòng Trung thấy khu trạm dịch
dễ làm ăn rủ nhau lên đó buôn bán , khai khẩn đất đai để sinh sống mở rộng Vòng
Hậu thêm một vùng đất mới gọi là Vòng Sở sau thành làng Mai Dịch. Do từ gốc Dịch
Vọng Hậu tách ra nên hiện nay Mai Dịch vẫn chung chùa Thánh Chúa với làng này. Suốt thời Lê và Nguyễn, Mai Dịch là
Dịch trạm lớn. Thời Lê xã Dịch Vọng thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến
thời Nguyễn thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức,tỉnh Hà Đông.Từ
năm 1942, thực dân pháp mở
rộng Hà Nội, đưa bốn tổng
Dịch Vọng, Cổ Nhuế, Xuân Tảo, Phú Gia nhập vào đại lý đặc biệt của Hà Nội,
gọi là Đại lý Hoàn Long. Sau Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ 1954, Dịch Vọng
thuộc Quận VI Hà Nội, đến năm 1961 thuộc Huyện Từ Liêm. Năm 1990, Từ Liêm tách ra thành Huyện Từ Liêm
và Quận Cầu Giấy, Dịch Vọng vẫn thuộc Từ Liêm cho đến năm 1997 chuyển thành phường,
thuộc quận Cầu giấy.
Dịch Vọng là vùng đất
địa linh nhân kiệt;
người dân ở đây có truyền thống yêu nước, cần cù lao động sáng tạo, giàu truyền
thống văn hóa.Từ thế kỷ thứ VI Dịch Vọng
đã là địa bàn hoạt động của Lý Phật Tử, người có công giúp nước dẹp giặc ngoại
xâm. Thời Lê, nghĩa quân Lam Sơn đã tập hợp lực lượng tại đây để bất ngờ tập
kích vào Đông quan. Năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung – Nguyễn Huệ đã bí mật tập
trung quân sĩ ở Dịch Vọng để từ đây đánh vào đại quân giặc ở gò Đống Đa. Nhưng
Dịch Vọng nổi danh nhất vào cuối thế kỷ 19 khi thực dân Pháp chiếm thành
Hà Nội, ô Cầu Giấy là điểm quyết chiến chiến lược giữa quan quân triều đình và
quân Pháp với hai dấu son rực rỡ trong lịch sử. Ngày 20-11-1873, quân dân Hà
Nội do Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy chiến đấu bảo vệ Thành. Ngày
21-12-1873, theo lệnh của Thống đốc Hoàng Kế Viêm và Tham tán Tôn Thất Thuyết,
Tướng Lưu Vĩnh Phúc đem quân mai phục ở Cầu Giấy, tập hợp quân sĩ ở Dịch Vọng,
giết tại trậnThiếu tá hải quân F. Garnier khi y đem quân từ trong Thành ra
nghênh chiến, quân Pháp tan tác phải chạy
vào Thành cố thủ. Chín năm sau, ngày 25-4-1882, Tổng đốc Thành Hà Nội là
Hoàng Diệu chỉ huy quân dân chống Pháp tấn công lần thứ hai và ông đã tuẫn tiết
ngay trong Thành. Ngày 19-5-1883, trung tá hải quân Henri Riviere – Tổng chỉ
huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ mở cuộc tấn công ra phía tây Hà Nội đã bị đại
bại ở Cầu Giấy. Một lần nữa, quân của triều đình và quân Cờ đen của tướng Lưu
Vĩnh Phúc từ Hoài Ðức lên phục kích vẫn ở Dịch Vọng gần Cầu Giấy và bất
ngờ nổ súng. Henri Riviere cùng nhiều sĩ quan binh lính chết tại trận.
Quân Pháp đánh thành Hà Nội 1882
Thế là trong 2 chiến thắng Ô Cầu Giấy cách nhau gần 10 năm
(1873-1883), hai viên tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ bị chặt đầu trên đất Ô Cầu
Giấy. Người chỉ huy lập nên 2 chiến thắng đó là Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng
quân Hoàng Kế Viêm. Để ghi dấu nơi hai
tên tướng giặc đã tử trận, người Pháp đã cho đặt hai nấm mộ giả
bằng đá hoa cương: Mộ F.Garnier bằng đá đen đặt đứng đường đê Giảng Võ,
cách Thủ Lệ quãng năm trăm mét và mộ Henri Riviere bằng đá xám đặt
nằm ngay đầu làng Dịch Vọng, cách
chân Cầu Giấy chừng 300 mét, gọi là mả Quan Ba và mả Quan Năm. Năm
1953, tôi có tìm hỏi các cụ cao tuổi trong làng vì sao mả Quan Ba lại
xây đứng thì được giải thích: nó bị quân Cờ Đen chém chết khi đang
đứng bên con ngựa cầm ống nhòm quan sát trận địa. Về việc này không
thấy sách sử nào ghi lại nhưng khi
đọc bài “ Văn tế Ngạc Nhi “ của cụ Nguyễn Khuyến, tôi thấy có câu: “ Đít ông cưỡi lừa/ Miệng ông huýt chó” phỏng đoán có thể
F.Garnier đã cưỡi ngựa xông trận và có thể bị chém chết khi đang đứng
bên ngựa cầm ống nhòm quan sát trận địa như các cụ kể truyền khẩu. Mả Quan
Năm có trồng 4 cột sắt ở 4 góc và chăng dây xích vây phía sau và hai
bên. Nhà chức trách giải thích làm thế để trâu bò không dẫm vào
nhưng các cụ bảo đó là để xiềng xích linh hồn Quan Năm cho đáng đời
tên xâm lược.
Mỗi lần về quê, xuống tàu điện Cầu Giấy còn phải đi bộ đúng
một cây số mới về tới Thôn Trung, tôi đều nhìn thấy bia mộ Henri Rivière nằm ở đầu xóm Vĩ Hậu. Những người bán hàng vặt
ở quanh mộ gọi đó là mộ ông Tây và bảo
ông ấy thiêng lắm, cứ ngồi lên chốc mộ là ông ấy phù hộ cho. Nếu ai bán ế hàng
thì ra ngồi lên chốc mộ, thế nào cũng bán hết hàng. Nhiều người đã ngồi lên chốc
mộ để ăn quà, mà trong lòng không chút ái ngại. Nhưng ngày nay quang cảnh đã
thay đổi. Nhà cửa xây dựng lên chi chít, chẳng còn biết cái mộ ấy ở chỗ nào nữa.
Cuộc sống bận rộn cuốn hút đi, chằng mấy ai nghĩ đến nó nữa.
Từ cuối năm 1926 đến Cách mạng tháng Tám thành
công 1945, Dịch Vọng được coi là ATK của cách mạng Hà Nội. Ngày Thủ đô giải
phóng, "năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về...". Và Cầu Giấy là một
trong những cửa ô in dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 57,
Trong cuộc Giải
phóng Thủ đô oai hùng năm 1954 chúng ta được biết vào sáng 10.10.1954,
Tiểu đoàn 265 của Trung đoàn 57 được lệnh vào tiếp quản đồn Cầu Giấy khi cả phố
Cầu Giấy vẫn vắng lặng. Khi quân Pháp rút lui, chiến sĩ của ta vào trong đồn
thì ngoài phố cờ đỏ sao vàng đã rực rỡ cả vùng cửa ô. Từ đây, tiểu đoàn hành
quân theo đường Kim Mã vào gò Ðống Ða, ga Hà Nội, nhà Ðấu Xảo. Quân ta đi đến
đâu, cờ hoa mọc lên đến đó đỏ rực phố phường.
Người
dân Dịch Vọng từ xa xưa chủ yếu là cấy lúa trồng rau và hoa nổi
tiếng với kinh thành là hoa lơ (Vòng Tiền và Vòng Trung), cải bắp và hoa huệ
(Vòng Sở). Đặc biệt là ở Vòng Hậu có nghề làm cốm từ lâu đời, cốm Vòng được
nhân dân đất thành Thăng Long và các vùng miền gần xa ưa chuộng. Cốm Vòng
được xay từ lúa nếp non, thơm, dẻo, được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ
dưỡng, hợp với túi tiền của người dân mọi vùng.
Cốm
thường được ăn cùng với chuối tiêu trứng cuốc nhưng ngon nhất vẫn là ăn với
trái hồng chín đỏ. Cũng như những thức quà khác, cốm ngày xưa được làm ra với ý nghĩa
ban đầu là làm quà sêu tết, tặng nhau. Ấy mới có chuyện những chàng rể xưa muốn
lấy lòng bố mẹ vợ liền làm cốm đem biếu. Bởi thế
mới có câu ca:
Anh về bảo mẹ cùng thày
Mua hồng mua cốm chọn ngày mà sang
Những năm
tha hương kiêm sống ở miền biển Hải Phòng, mỗi năm vào vụ cốm, tôi
thường về quê để có dịp thưởng thức món quà đặc biệt Cốm Vòng quê
nhà. Thế nào chị dâu tôi cũng lên tận Hậu mua ít cốm đầu nia về cho
cả nhà cùng ăn với chuối tiêu trứng quốc, và trước khi tôi xuống Hải
Phòng, chị gái tôi lại gói cho một bọc lá sen cũng cốm đầu nia bảo
để làm quà cho bè bạn. Từ năm tôi và Nguyệt, vợ tôi bây giờ yêu nhau
thì cốm là thức quà không thể thiếu được tôi dành cho nàng vào mỗi
dịp thu về Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét