Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018



CÁI TÊN CÁI TUỔI (2)


Sau này đi học và cả khi đi làm, tôi thấy người ta hay viết nhầm tên tôi Bàng thành Bằng. Các thầy giáo buổi đầu điểm danh thường xướng lên Nguyễn Văn Bằng và mặc dù không đúng tên, tôi cũng đứng lên nghiêm trang đáp có ạ! rồi, thưa thầy tên em là Bàng, Hồng Bàng chứ không phải là Bằng ạ! Một số nơi làm hồ sơ giấy tờ cho tôi cũng hay viết nhầm như thế, khi lấy giấy, tôi nói lại và họ cũng phải làm lại. Đến nay đã sống trên 70 năm của cuộc đời, tôi mới chỉ thấy 4 người có tên là Bàng như tôi: Hai người là dân bình thường; em TrầnThị Bàng học sinh lớp 7 năm học 1968-1969 ở trường Nhân Hòa Vĩnh Bảo, con ông Trần Văn Chương chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Nhân Mục; anh Trần Hữu Bàng một nông dân ở miền Nam được báo chí biểu dương về thành tích cải tiến nông cụ. Hai người có danh vị là Tiến sĩ toán học Nguyễn Văn Bàng, người biên soạn nhiều sách giáo khoa Toán và ông Lê Văn Bàng đại sứ nước ta tại Mỹ trước năm 2000.

Cũng may cái tên của tôi thường chỉ bị gọi nhầm hay viết nhầm Bàng thành Bằng mà thôi chứ không gây những chuyện tức cười hay đau khổ cho tôi hoặc cho ai khác. Hồi mới vào trung học, lớp đệ thất B2 của tôi có anh bạn tên là Ngọc Lan, đúng là tên con gái nên bạn bè cứ trêu là tiểu thư Ngọc Lan mặc dù người anh to béo và phục phịch. Tội nhất là anh Bưởi- Phạm Văn Bưởi. Tên anh luôn luôn bị gọi tục thành “Buồi”. Mỗi khi thầy giám thị vào lớp điểm danh đến tên anh, nhiều người lấy tay che miệng để khỏi bật cười còn mấy thằng ngồi cùng bàn thì khẽ nói như nhắc chỉ đủ cho anh nghe: Buồi kìa! Nhiều bữa ra chơi đang nô đùa nhau vui vẻ, bỗng có thằng kêu lên “Ê! Thằng Buồi thua rồi nhé!” làm cho Bưởi nổi cáu chửi vung lên. Thế là tan cuộc! Sau này, đi dạy học tôi còn thấy nhiều cái tên cười ra nước mắt cho người sở hữu nó: Có cô tên Bạch Tuyết nhưng người đen thủi; có thày tên Giàu nhưng năm này qua năm khác vẫn sống trong cảnh nghèo kiết xác; đau nhất là ông tên Trung Trực nhưng lại có thói nịnh trên nạt dưới. Và đặc biệt, một ông hiệu trưởng tên Nhạn luôn bị mấy đứa   học sinh bỏ học đi lêu lổng ngoài của trường gọi réo qua cổng trường trêu chọc là Nhặng!... 



Lại còn việc khai tuổi khi làm giấy khai sinh. U tôi nào có biết gì về tuổi ta tuổi tây, dương lịch âm lịch, cũng chẳng nhớ nổi sinh các con vào Tý, năm Tỵ hay năm Mão gì mà chỉ nhớ thằng Hồng sinh vào rằm tháng Giêng, đầy tràng hoa quấn cổ; thằng Bàng sinh vào giữa vụ gặt mùa tuy gọi là “ngồi xó” nhưng u đâu có được ngồi ôm con. Tháng sinh như thế là xong, tháng Giêng ta viết thành tháng 1 tây, tháng Mười ta thành tháng10 tây, cũng được. Còn năm sinh, cậu tôi lại phải lần mò xem người trong xóm những ai nhớ con họ đồng niên với chị em chúng tôi để luận ra tuổi chính của các cháu. Nhưng khai để đi học mà theo tuổi chính thì quá lớn nên quyết định rút xuống cho mỗi đứa vài tuổi. Anh tôi vì xin học lớp 2 nên chỉ rút đi 2 tuổi, 1935 thành 1937; còn tôi đi học quá muộn rút hẳn xuống 3 tuổi, 1937 thành 1940. Tưởng chuyện đâu vào đó vậy mà những  tấm giấy khai sinh dự định năm ấy không thực hiện được vì chính quyền xã chưa ổn. Tưởng không được đi học,  may có thầy giáo làng là ông Nguyễn Văn Đính, người xóm Tháp, tôi gọi bằng chú họ xa đã xin cho hai anh em tôi vào học và ghi tên tuổi đúng như lời khai bằng miệng của gia đình.

 
Năm sau, cậu mợ tôi đã có nhà ở Hà Nội nên đón tôi ra nuôi cho ăn học và xin cho tôi thi nhẩy cách lên lớp Ba trường Đỗ Hữu Vị ở trên Quán Thánh, hồ sơ do thầy Đính chuyển từ trường làng ra vẫn không có giấy khai sinh. Đến năm 1952, tôi chuẩn bị thi Tiểu học ở trường Vân Hồ thì bắt buộc phải có giấy khai sinh, cậu tôi lại phải về làng xin. Tờ giấy khai sinh đầu tiên này đến nay tôi vẫn còn giữ được. Người viết là anh Lê Văn Doanh, con ông Lê Văn Căn, anh họ u tôi, gọi ông ngoại tôi bằng cậu. Ông Căn là một nhà hào phú, dân làng gọi là Hương Căn hoặc Cửu Căn. Ông là người giữ chức hương trưởng và bỏ tiền ra mua hàm Cửu phẩm. Anh Doanh là con trưởng của ông, học giỏi, chữ đẹp, năm ấy ở nhờ trên gác ba nhà cậu mợ tôi ở Hà Nội để đi học cho tiện. Tờ giấy khai sinh ấy viết bằng hai thứ chữ: Quốc ngữ và Pháp, có đủ tên ba người làm chứng và chữ ký của họ, một chữ ký Quốc ngữ, hai chữ ký Nho, dưới mé phải có dấu triện hình chữ nhật mực đen và chữ ký của lý trưởng cũng bằng chữ Nho; mé trái là dấu thị thực hình tròn mực đỏ của Quận trưởng Cầu Giấy bằng chữ Pháp, nội dung chính là chứng thực chữ ký của Chef du village de Dich Vong Trung tức lý trưởng làng Dịch Vọng Trung.

Vì cái giấy khai sinh rút tuổi này mà về cuối đời, khi tôi đã chán ngấy cái nghề Godautre, cái nghề như cái máy quay đĩa cổ mà kim đĩa đã tù mòn, năm nào cũng ri rỉ một giọng điệu cũ rích, muốn giọng khác không thể được, muốn tắ đi nhưng không làm sao mà ngừng cho được; đành phải cù lần quay tiếp cho qua ngày qua tháng đủ ba năm trời vật vã mới đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi vô khối ông, từ hiệu trưởng đến giám đốc, phó giám đốc sở Giáo dục –Đào tạo quanh tôi tìm đủ mọi mánh khóe để sửa chữa, tẩy xóa khai lại giấy tờ rút đi vài ba tuổi để tăng thêm vài ba năm làm việc nữa. Họ “vì học sinh thân yêu” hay vì cái ghế lãnh đạo tanh tao mật mỡ bổng lộc?!










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...