Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018



LÀNG DỊCH VỌNG QUÊ TÔI (2)


Về di tích và danh thắng, làng tôi có mấy ngôi đình chùa rất nổi tiếng, hầu hết tập trung ở Vòng Trung.
 Trước hết là Chùa Đa Phúc thuộc giáp Vĩnh Thọ, dân làng thường gọi là thôn Thọ Cầu. Chùa Thọ Cầu là ngôi chùa cổ, có thế sơn thuỷ hữu tình, long chầu hổ phục rất đẹp. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng có lẽ lớn nhất là vào năm Mậu Dần niên hiệu Bảo Đại năm thứ 13 ( 1938 ) khởi công vào ngày 11 tháng 10. Lần này sửa sang lại chùa, tô lại tượng Phật, tất cả đều thay lại cho mới... Từ lần sửa chữa này, quy mô kiến trúc chính của ngôi chùa gần như được giữ nguyên vẹn đến ngày nay.
 Nằm trong khu vực dân cư đông đúc, chùa và đình Thọ Cầu trở thành một địa chỉ văn hoá của dân cư trong vùng. Chùa Thọ Cầu được toạ lạc trên một khu đất rộng, các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch trong một khoảng không gian thoáng đãng. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: Cổng nhỏ, sân gạch, vườn cây xanh, hồ nước, nhà bia, gác chuông, toà Tam bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, Giảng đường và vườn tháp. Các bộ phận kiến trúc này được gắn kết chặt chẽ với nhau để tạo thành không gian riêng biệt nơi cửa thiền.
Chùa chính có quy mô kiến trúc kiểu chữ "đinh", gồm tiền đường và thượng điện. Nhà Tiền đường có bố cục mặt bằng gồm 5 gian, xây dựng kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Cấu trúc bộ khung gỗ của nhà tiền đường được kết cấu theo kiểu vì kèo giá chiêng, mỗi bộ vì có kết cấu mặt bằng theo lối 4 hàng chân cột.. Trên các đầu bẩy hiên, hoành, xà, kẻ được chạm nổi, bong kênh các hình hoa lá khá đơn giản với những hoạ tiết trang trí lá hoá rồng.
         
 Toà Thượng điện gồm ba gian chạy dọc, nối với gian giữa nhà tiền đường, gồm 4 bộ vì kèo kết cấu kiến trúc theo kiểu giá chiêng và kẻ xuốt, tất cả được bào trơn, kẻ soi trông rất nhẹ nhàng. Phía dưới các bộ vì được bài trí hệ thống hoành phi, câu đối, y môn, cửa võng, cuốn thư chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý có nội dung ca ngợi Phật pháp và cảnh đẹp của chùa, trong đó có câu:
             
             "Tứ thập cửu niên thuyết pháp, khai quyển hiển thánh trung vương.
              Thiên bách kiếp hoá thân, phá ám đạo mê thiên thượng nhật". 
 Nghĩa là: Bốn mươi chín năm thuyết pháp mở quyền chứng thực đáng bậc vua trong các thánh.Trăm ngàn ức kiếp hoá thân, phá tối dắt mê quả là vầng nhật giữa trời.
         
 Nhà Mẫu và nhà thờ Tổ đều được cấu tạo theo kiểu kiến trúc truyền thống và bài trí nội thất tuân thủ theo nghi thức thờ tự như vẫn thường gặp tại các di tích tôn giáo tín ngưỡng khác. Riêng ở nhà thờ Tổ hiện còn bảo lưu được một hệ thống các bức cốn nách được kết cấu theo kiểu cốn mê, trên cốn được chạm nổi các đề tài "Lão trúc hoá rồng", "Lão Mai hoá rồng" và diềm mái được trang trí hoa văn kỷ hà, với những đường nét chạm khắc khá công phu, có giá trị nghệ thuật, mang đậm dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.


Chùa Thọ Cầu
          Đáng quan tâm nhất trong nội thất của chùa, là hệ thống tượng Phật được sắp đặt cao dần tại nhà Thượng điện. Tại vị trí cao nhất, trang trọng nhất là ba pho tượng Tam thế, tượng trưng cho ba thời: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Các hàng tiếp theo là tượng Di Đà tam tôn, Di Lặc - Nam Tào - Bắc Đẩu, Thích Ca sơ sinh - Kim Đồng - Ngọc Nữ. Sát tường hậu nhà Thượng điện về hai bên được bố trí hai pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhỡn và Quan Âm tống tử. Hai ban thờ Đức Ông, Thánh Tăng và bộ tượng Hộ Pháp được bố trí hai bên tường hậu nhà Tiền đường. Toàn bộ hệ thống tượng tròn của chùa, được tạo tác vào khoảng thế kỷ XIX, mang đầy đủ quy ước chuẩn của tượng Phật đương thời. Đây là những hiện vật vừa mang ý nghĩa nội dung, vừa mang lại giá trị nghệ thuật cho di tích. Bên cạnh các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật, còn có các pho tượng Mẫu, tượng Tổ cũng được sự quan tâm chú ý của nhiều khách tham quan.
         
Chùa Thọ Cầu còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quí như: Chuông đồng "Cầu Phúc tự chung" đúc năm Nhâm Dần niên hiệu Thành Thái. Bia đá niên hiệu Bảo Đại năm Kỷ Mão, có nội dung ghi việc công đức tu bổ chùa. Các di vật điển hình được tạo tác bằng chất liệu gỗ gồm: Hoành phi, câu đối, y môn, cửa võng, cuốn thư, hương án, khám thờ... được chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý mang đậm dấu ấn của nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Tất cả các di vật này đều được sơn son thếp vàng đã tôn thêm sự trang nghiêm lộng lẫy cho Phật điện.
        
Chùa Thọ Cầu gắn với một huyền thoại về cụ tổ họ Đào bên u tôi. Theo ông ngoại tôi là cụ Đào Văn Hưởng, ông bác ngoại tôi là Đào Văn Hanh, cả hai đều có trình độ Hán học và đều nối nghiệp nghề cung văn nổi tiếng không chỉ ở làng mà còn cả vùng Phủ Hoài xưa; cũng theo cụ sư Tuệ trụ trì chùa Thọ Cầu thời ông ngoại tôi và theo Đại đức Thích Thanh Dũng hiện đang trụ trì chùa (Thời điểm 2009 này ) thì cụ tổ họ Đào là một pháp sư khét tiếng trong vùng một thời. Năm đó khu đất có ngôi chùa hiện nay bị tà ma kéo về quấy nhiễu làm cho dân tình khốn đốn, cụ tổ họ Đào đã dùng âm binh quét sạch chúng nên được dân làng rất mến phục mời ra cai quản chùa. Các cụ họ Đào về sau tuy không còn ở chùa nhưng đều rất thân thiết với các sư trụ trì. Ông ngoại tôi mỗi khi ở Hà Nội về quê chơi vài ngày hay vài tháng, tối nào cũng đều ra chùa ngủ và rất tri kỷ với cụ sư Tuệ. Cụ sư Tuệ cũng hay qua lại nhà bác Hanh tôi, mỗi lần đi qua ngõ nhà tôi, cụ thường gọi trẻ trong nhà ra cho vài thứ thanh bông hoa quả hái từ các cây trong vườn chùa mà thường nhất là những quả roi ba màu xanh đỏ trắng trông rất ngon mắt.

Xóm Thọ Tháp, dân Vòng Trung thường gọi là xóm Dưới có cụm di tích đình - chùa Tháp nằm trong vùng đất cổ của xứ Đoài xưa với bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước. Cũng như nhiều làng quê ở vùng đồng bằng Bắc bộ, đình chùa Tháp được dựng lên nhằm thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu hiện còn trong di tích và lời kể của các cụ cao tuổi trong làng thì đình Tháp thờ hai vị thành hoàng làng là Triệu Chí Thành- một tướng của Lý Bí và thần Chu Lý Đại Vượng. Sự tích, lai lịch của các thần được ghi chép trong cuốn thần tích và văn bia hiện còn trong di tích, tóm lược như sau:
 
 Theo bia “Triệu Đại Vương sự tích”, dựng năm Bảo Đại 14 (1939), Triệu Chí Thành là một trong những vị tướng của Lý Nam Đế, người đã giúp vua Lý Nam Đế chống lại quân nhà Lương giành lại độc lập cho dân tộc. Sau khi ông mất, để ghi nhớ công lao và những đóng góp của thần đối với quê hương, đất nước, nhà vua đã cho phép nhân dân trang Dịch Vọng được thờ phụng.

  Theo bia “Chu Đại Vương sự tích”, dựng năm Bảo Đại 14 (1939), Chu Lý Đại Vương là Thuỷ thần có thể hô phong, hoán vũ, có phép lạ phi thường được vua phong tặng “Thượng đẳng phúc thần” và cho phép dân bản trang dựng đền miếu để thờ cúng muôn đời.

 Đình- chùa Tháp là một quần thể di tích nằm chung trong một khuôn viên đã có tường bao, phía trước là hồ lớn tạo cảnh quan cho di tích. Qui mô kiến trúc hiện nay là kết quả của những lần trùng tu vào thời Nguyễn. Tổng thể mặt bằng các hạng mục công trình như sau:

 
 Đình Tháp: được xây theo hướng Tây Nam gồm các công trình kiến trúc: Nghi môn, đại đình, trung đình mỗi nếp nhà gồm 5 gian 2 dĩ, hậu cung 3 gian 1 dĩ... tất cả đều được xây kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ta, bộ khung làm bằng gỗ có kết cấu kiểu vì chồng rường giá chiêng. Phần trang trí trên kiến trúc được thể hiện đơn giản như lá lật, kẻ soi, bào trơn đóng bén...


Đình Tháp
 
Chùa Tháp còn có tên chữ là “Bảo Tháp tự” cũng xây theo hướng Tây Nam, dạng chữ đinh gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện theo kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ta. Bộ khung được kết cấu theo kiểu vì chồng rường giá chiêng hạ kẻ, mặt bằng gồm 4 hàng chân. Cũng giống như ở đình, chùa Tháp cũng có lối trang trí kiến trúc trang nhã, giản dị với các đề tài như lá lật, vân mây... tạo sự nhẹ nhàng và thanh thoát cho kiến trúc.

 Hiện nay cụm di tích đình - chùa Tháp còn bảo lưu được hệ thống di vật phong phú về thể loại và chất liệu như Bia đá, chuông đồng, sắc phong, hoành phi, câu đối có niên đại nghệ thuật thời Nguyễn. Đáng lưu tâm là hai tấm bia đá ghi lại sự tích của các vị thần được thờ trong di tích là những cứ liệu lịch sử quan trọng trong việc tìm hiểu về thân thế, lai lịch, sự tích, vị thế của các thần đối với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Ngoài các di vật kể trên thì hệ thống tượng tròn của chùa tuy có niên đại tạo tác không sớm, song vẫn đạt được tính chuẩn mực cao như tượng: Tam Thế phật, Di Đà tam tôn, toà Cửu Long cùng tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng...tất cả đều được thể hiện một cách khéo léo, tỷ mỷ, công phu mang giá trị nhân văn sâu sắc nhằm hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.


Chùa Tháp mới trùng tu

Từ năm 1950 đến 1954, tôi ở với cậu ruột đi học ngoài Hà Nội, nghỉ hè được về quê chơi ít bữa,gặpđúng ngày việc làng lại theo anh tôi ra đình chơi quanh khu đình và chùa Tháp rồi vào trong đình xem tế lễ và nhận phần. Những năm đó, mỗi lần việc làng, trong đình chia làm ba cấp: Các cụ cao niên và những vị có phẩm hàm chức tước trong thôn ngồi chiếu hoa trải trên phản gỗ có chân cao, bọn trai đinh lứa tuổi anh em tôi ngồi chiếu trắng trải trên phản gỗ không chân kê sát nền gạch vuông Bát Tràng, lứa nhỏ tuổi hơn ngồi chiếu trắng trải trên mặt gạch nền. Phần việc làng của phản chiếu hoa có xôi trắng, thịt gà và cả thịt lợn luộc; phần chia cho lứa  chiếu trắng chỉ có xôi trắng và thịt lợn. Hai anh em tôi thường cùng mọi người véo vài miếng xôi nhỏ ăn với mấy lát thịt lợn luộc chấm muối trắng, còn lại gói lá chuối xanh đem về cho bà, u và chị gái ở nhà để mọi người cùng được hưởng phần  “miếng giữa làng” thiêng liêng và cao vọng.

Xóm Bối Hà, dân làng thường gọi là bên Hà có chùa Hà. Chùa có tên tự là Thánh Đức tương truyền được xây dựng từ rất lâu đời, tường xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, xưa có tên là chùa Vồi.  Đến đời vua Hy Tông có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) sang trở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong, ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Vòng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà (đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dân xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ, và ngược lại).


Tam quan chùa Hà ngày nay


Chùa Hà xưa hướng Tây nhìn lên sông Nhuệ, tam bảo 5 gian rộng, hậu cung 3 gian theo kiểu chữ đình, bên cạnh là điện mẫu. Đời Lê, bên cạnh phía bên phải chùa Hà là ngôi đình Hà to đẹp thờ hai vị thành hoàng là Triệu Chí Thành, tướng của Triệu Việt Vương (Quang Phục - 549 - 570) có công chống quân xâm lược nhà Lương, và Chu Lý Đại vương. Đình được xây mới cao đẹp vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX.



Đình Hà

Chùa Hà được xây dựng trên vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Chùa thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Trong Thượng điện của chùa hiện còn lưu giữ một lư hương bằng đồng cao 35 cm, đưòng kính miệng 25 cm, còn khắc 3 chữ Hán "Thánh Đức tự". Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết thì tên chữ của chùa có từ đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Tương truyền, Nghi Dân Thái tử có tội với triều đình, không được nối ngôi, kết bè đảng, đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện. Vua Lê Thánh Tông còn nhỏ, phải chạy về chùa Thôn Hậu ( Vòng Hậu ), tên chữ là chùa Thánh Chúa (cách chùa Thánh Đức khoảng 1000m). Khi ấy, vua Lê Thánh Tông cũng lui tới thăm chùa Thánh Đức. Chùa Thánh Chúa và chùa Thánh Đức có tên như vậy do nguồn gốc câu chuyện trên.

Hiện nay, trước cửa chùa Hà còn dòng chữ Hán đắp nổi trên cột trụ: "Lê Triều Chính Hòa tạo dựng" ("Chùa dựng năm Chính Hòa Lê Huy Tông"). Có lẽ, đây là lần xây dựng mới từ chùa Vồi nhỏ bé bằng gạch vồ và lợp lá gồi. Trải qua thời gian, thiên nhiên và chinh chiến, chùa Hà cũng có nhiều biến đổi. Cuối đời Lê loạn lạc, chùa bị mất chuông, đến năm Cảnh Thịnh thứ bảy (1799) thời Tây Sơn, nhân dân mới đúc lại chuông. Chuông cao 1m30, chu vi miệng 1m50, quai hình rồng có vây chia làm 4 múi khắc hình long, ly, quy, phượng. Phía trên khắc bốn chữ lớn: "Thánh đức tự chung".  Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thỉnh viết trong "Di tích và văn vật vùng ven Thăng Long" (NXB Hội nhà văn 1995), cho biết về bài văn chuông do Nguyễn Khuê làm chức xã giáo biên soạn, có giá trị nghiên cứu về quan niệm của người xưa và tình hình ã hội thời Tây Sơn.

"Từng nghe: Trong năm âm thanh của Phật pháp, tiếng chuông được coi là bậc nhất; trong muôn đường tu của con người, phẩm chất phải sửa trước tiên.
Kính chúc Hoàng triều yên vui; quốc gia vững chãi. Khắp chốn sùng kính thờ Phật; mọi người mở rộng từ tâm. Nay giáp Bối Hà... Nước Đại Việt phụng thờ chùa Thánh Đức là nơi cổ tích danh lam, thắng cảnh nổi tiếng.
Ngày trước nơi đây, đất Phật trang nghiêm, nào tụng kinh nào chùa tháp. Nhưng ròi bỗng gặp binh biến, nhà chùa im vắng tiếng chuông. Sau đó một lần tìm thợ đúc lại cũng không thành. Mĩa đến ngày tốt tháng 11 năm Kỷ Mùi (1799), các bậc quan viên hương lão cùng bốn giáp ra sức bỏ tiền của để lo việc đúc chuông... Rồi đặt nơi thu đồng, nấu đồng làm chuông và đúc thành quả phúc. Chuông này nặng hơn 300 cân, cao một thước sáu tấc. Tiếng chuông ngân vang ấm áp hương trời...".

Phần dưới kê các giáp góp tiền và khách cung tiến thập phương

Đầu Nguyễn Gia Long có lệnh đục phá các di vật thời Tây Sơn, nên nhân dân Bối Hà phải mang chuông thả xuống ao làng. Sau đó, khi xây lại tam quan, mới vớt lên đem treo nên chuông không bị đục mất niên hiệu Tây Sơn, như nhiều quả chuông khác. Trải qua chiến tranh, tam quan vẫn còn nguyên vẹn, được tu bổ chỉnh trang, với quả chuông cổ có giá trị.

Sau ngày giải phóng thủ đô 1954, chùa Hà vắng bóng người đến lễ và viếng cảnh, khói hương cũng thưa nhạt dần. Mùa hè, tôi ở Hà Nội về quê chơi, anh em tôi và một số bạn làng thường rủ nhau ra chùa Hà câu cá. Trong chùa chỉ còn hai sư nữ, một già một trẻ vóc hạc và buồn hiu, rất kiệm lời. Mấy cái ao chùa kín đầy bèo cái, phải lấy cần câu gạt để hở một vũng nước trong vắt rắc mồi và thả cần câu. Cá trong ao thường chỉ giật lên những con mài mại bằng ngón tay mỏng hay  những con cá cờ rộng bằng đuôi chiếc đũa cả, đôi lúc mừng hú reo lên khi giật được một con rô to bằng ba ngón tay, đen trẫm mà chúng tôi gọi là rô cụ

Từ năm 1957, tôi mải học và kiếm sống nơi xa, ít khi về làng và cũng không còn tuổi đi câu nữa nên gần như quên mất chùa Hà. Cho đến năm 1968, khi chiến tranh leo thang của Mỹ đánh phá ác liệt nhất, từ vùng quê sơ tán ở huyện Vĩnh Bảo Hải Phòng, tôi đưa vợ con về quê ăn tết trong những ngày tạm yên bom đạn, bỗng nghe từ u tôi đến vợ chồng ông anh trai rồi cả vợ chồng chị gái tôi đều nói chùa Hà bây giờ thiêng lắm, ngày rằm mồng một, mặc cho máy bay Mỹ mò đánh bất kỳ lúc nào, người Hà Nội và cả người tứ xứ khắp nơi vẫn đông nghịt kéo về chùa cầu khấn, đông nhất là nam thanh nữ tú đến lễ cầu duyên. Nhiều người trong làng xoay qua nghề bán hương hoa, họ ngồi kéo dài hơn nửa cây số từ chùa Hà ra tới Vai Bò. Nhiều nhà có vườn không trồng rau nữa mà chuyển sang trồng hoa để bán cho người đến lễ chùa. Chị gái tôi cũng bỏviệc buôn bán gạo để bán hương hoa.

Chùa Hà đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng. Diện mạo kiến trúc của chùa hiện nay là sản phẩm của những lần trùng tu sửa chữa vào thời Nguyễn và những năm gần đây. Hiện nay, Chùa Hà được nâng cấp, xây dựng lại rất khang trang, bề thế (Phường Dịch Vọng và ban quản lý di tích chùa triển khai xây dựng lại chùa và đình Hà từ năm 1995 - 2003; tam quan được giữ nguyên vẹn). Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng gồm: cổng tam quan, vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, chùa chính kết cấu kiểu chữ "Đinh" có Tiền đường và Thượng điện, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Tại chùa hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di vật văn hóa có giá trị nghệ thuật thuộc thế kỷ XVII, XIX như: quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799); bộ tượng tròn 28 pho, trong đó có 21 pho tượng Phật và 6 pho tượng Mẫu, 1 pho tượng Tổ...; 18 tấm bia đá niên đại triều Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa; cùng nhiều đồ tờ tự khác như bát hương sứ men lam, cây đèn, lọ hoa, hoành phi, câu đối...

Năm 1995, Chùa Hà đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Ở Vòng Hậu có một ngôi chùa tuy nhỏ nhưng rất nổi tiếng là chùa Thánh Chúa. Chùa này có sự tích gắn với cua Lý Thánh Tông. Nhà vua 40 tuổi (1064) chưa có hoàng tử nối ngôi sai Nguyễn Bông đến chùa này làm lễ cầu tự. Ỷ Lan phu nhân sau đó có mạng sinh ra hoàng tử Càn Đức tức Lý Nhân Tông. Sư Đại Điên thời ấy đang tu ở chùa này đã cho Nguyễn  Bông



Chùa Thánh Chúa

 đầu thai để sau làm vua, nhưng việc bị lộ, Nguyễn Bông bị đưa ra cánh đồng trũng ở VòngTrung chém đầu nên dân gian gọi cánh đồng này là đồng Bông. Chùa có kiến trúc chữ Đinh.Chùa có 77 pho tượng Phật, gồm cả gỗ và đất nung. Chùa còn nhưng viên gạch vồ loại gạchxây Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Gọi tên chùa là Thánh Chúa gắn với sự tích hoàng tử con nguyên phi Ỷ Lan ra đời do cầu tự ở đây. Chùa Thánh Chúa cũng là chùa chungcho cả làng Mai Dịch, trước là Vòng Sở như đã nói ở trên.

Trong bối cảnh ồn ào, náo nhiệt của một môi trường đang đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ, sự tồn tại của di tích đình chùa làng Dịch Vọng quê tôi, bên cạnh những giá trị làm phong phú thêm hệ thống các di tích lịch sử văn hoá trong khu vực còn là nguồn sử liệu quí giá mang giá trị lịch sử về sự tồn tại của làng Vòng cổ, rồi làng Dịch Vọng qua các thời kỳ lịch sử. Thông qua đó, giúp cho những người yêu mến lịch sử thủ đô Hà nội nghiên cứu, tìm hiểu về quá khứ lịch sử, địa danh, tôn giáo, nghệ thuật, cùng nhiều phương diện khác trên đất Thăng Long - Hà Nội.

Dân làng tôi đi đâu thường hay nói: “Tôi người làng Vòng” hay “làng Dịch Vọng Cầu Giấy quê tôi” với niềm tự hào vì tiếng những tiếng ấy đã có cả gần nghìn năm nay!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...