Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018



THÀY U  MÌNH…(1)

Kết quả hình ảnh cho cánh đồng

Thày u mình với chúng mình chân quê

Đó là câu thơ nổi tiếng của nhà thơ tài hoa Nguyễn Bính mà tôi gọi ông là Nhà thơ đồng quê đúng với cảm xúc cốt lõi trong thơ ông và đúng như thế giới người ta có một thứ âm nhạc gọi là Nhạc đồng quê. Câu thơ là lời một anh trai quê nói với người thương của mình cũng là một cô gái quê nhưng chỉ mới một lần đi tỉnh về đã để “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Thày u mình là thày u của chàng trai và cả thày u của cô gái, tất cả đều chân quê cũng như chàng và nàng trước ngày hôm qua cả hai đều là chân quê. Nhiều lần nhớ đến câu thơ của Nguyễn Bính tôi cảm thấy buồn buồn bởi tôi tin rằng dẫu lời chàng trai chân thật và tha thiết đến thế nhưng nhất định cô nàng gái quê của chàng sẽ ngày một ngày hai còn chút nào hương đồng gió nội cũng sẽ cho cuốn theo chiều gió bay đi hết. Rồi tôi nghĩ đến thày u tôi, một nghịch cảnh với câu thơ Nguyễn Bính. U tôi thì từ thuở lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay tròn một thế kỷ, đúng một trăm năm, chân quê trăm phần trăm; còn thày tôi, thì từ thuở  tóc còn để chỏm đã không có được mấy chút hương vị của đồng ruộng mặc dù ông sinh ra ở nông thôn.

Được bà mẹ không đẻ nhưng lại yêu thương chín chiều, thày tôi lớn lên không phải trong một gia đình quyền quý nhung lụa nhưng tất cả những gì thầy tôi muốn nằm trong tầm tay bà nội Chi với được là có ngay. Hơn 10 tuổi, thầy tôi được bà nội Chi xin cho vào học trường tiểu học Phủ Hoài Đức. Không biết trò Tiến học hành ra sao nhưng quần áo dép giày của cậu lúc nào cũng là hàng đẹp và đắt tiền. Năm lên lớp ba, cả trường chói mắt vì trò Tiến đội ô tây đến lớp trong khi các trò khác thường chỉ đội mũ cát, thậm chí có người vẫn còn  đội nón. Ai đã đọc thơ cụ Tú Xương hẳn nhớ câu:

Hôm qua anh đến chơi đây
Giày giôn anh diện ô tây anh cầm

Ô tây là ô người Tây dùng, thường lợp vải trắng khác với ô ta vải đen. Thời ấy, không phải người dân nào cũng có ô ta vải đen đội khi ra đường mà chỉ những ai có tiền mới sắm nổi.              Đa phần người ta đội nón che nắng che mưa, cũng chỉ là những chiếc nón lá già vừa rẻ tiền vừa bền vậy mà khối người nghèo không kiếm nổi, đành đội cái nón mê rách nát. Bài hát đồng dao sau đây làm minh chứng cho điều đó:

Ông Lý Toét mà cắp cái ô
 Đi lên phố gặp lúc mưa to
 Có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ
 Tay thì vời vời miệng thét bô bô:
Này ông Lý, tổng nhĩ hay sao?
 Gọi như thế mà chẳng xem sao!
 Giá có cút rượu thì đến xơi liền
 Đi nhờ một tị mặt cứ vênh lên”.

Rồi một buổi học, trò Tiến mải ra về đến nửa đường mới biết quên mất ô ở lớp. Cậu vội quay lại nhưng chiếc ô đã không cánh mà bay. Chạy xuống phòng người coi trường hỏi thì ông ta lắc đầu không biết. Bà nội Chi không một lời trách mắng con mà chỉ hứa sẽ mua cho con chiếc ô khác. Nhưng chiếc ô mới chưa kịp mua thì có bạn mách trò Tiến là nhìn thấy thằng con lão coi trường đội chiếc ô của cậu nhưng cấm cậu nói tên người ấy ra. Ức quá, cậu gặp ngay ông coi trường mắng là đồ ăn cắp rồi lên gặp thầy hiệu trưởng thưa chuyện. Thày hỏi chứng cớ đâu thì trò Tiến thưa con thấy có người bảo nhìn thấy thế và còn lý sự, thêm chiếc ô để trong lớp, các trò bạn không ai dám lấy thì chỉ có người coi trường lấy mà thôi. Thầy hiệu trưởng bảo phải mục đích sở thị mới bảo người ta ăn cắp được còn mình có của thì phải giữ. Bữa ấy về nhà, cậu Tiến nói luôn với mẹ: “Con không đi học nữa đâu, u ạ!”. Bà nội Chi sửng sôt hỏi vì sao thì cậu con kể lại đầu đuôi câu chuyện rồi nói, ông hiệu trưởng bênh lão coi trường, con không thèm học nữa. Nói là làm, mặc cho bà mẹ nước mắt van vỉ và hứa hẹn bao bao điều tốt đẹp mấy ngày liền, cậu con vẫn một mực không đổi ý và tự chấm hết tuổi học trò của mình. Năm ấy thầy tôi mới mười lăm tuổi.

Tuy nhỏ tuổi nhưng thầy tôi lại vai vế ngang hàng với các bậc đàn anh nhiều tuổi trong họ trong đó có ông trưởng Ghẻ, là bậc chú của của nhiều người lớn tuổi hơn mình trong đó có chánh Ngãi con cả ông trưởng họ, một nhân vật có quyền uy ở làng thôn. Vì vậy mỗi khi việc họ, thầy tôi được mời ngồi chiếu trên. Đã ngồi chiếu trên, nhà lại khá giả, thầy tôi được các đàn anh cao tuổi và lũ cháu hơn tuổi rất nể trọng, tìm cách làm thân rồi lôi kéo vào các chiếu rượu và chiếu cờ bạc. Men rượu và men đỏ đen dần dần ngấm vào thầy tôi và bà nội Chi bỗng hoảng hồn nhận ra cậu quý tử của mình ngày cũng như đêm có mặt ở nhà Chánh Ngãi nhiều hơn ở nhà với mẹ!


 Phải lấy vợ cho nó để  kìm chân nó lại! Bà nội Chi than thở với những nguồi thân quen và rắp tâm cưới vợ sớm cho con. Nhưng trong tính toán của bà vẫn không thoát ra ngoài cái ý nghĩ  truyền đời của các bà mẹ nông thôn tham công tiếc việc, là phải tìm cho con một người vợ biết lo làm lo ăn. Bà rà soát lại các nhà thân quen có con gái lớn và chấm luôn cô gái cả nhà họ Đào ở bên đường ra giếng gần chùa Thọ Cầu  là cô Đào thị Bộ con ông Đào Văn Hưởng làm nghề cung văn và bà Lê Thị Tý, một phụ nữ nông dân cần cù khét tiếng cả làng,  đã quá cố. Mặc dù con trai tỏ ý không bằng lòng nhưng chiều gì thì chiều chứ không thể chiều ý con trong chuyện dựng vợ gả chồng được. Cả làng người ta nhà nào nhà nấy, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó đấy thôi! Vả lại để nó ưng con nào thì lấy con đó về rồi ăn chơi cả hai đứa thì chết cả nhà à? Với ý nghĩ ấy, bà nội Chi dứt khoát ép con trai bằng được. Và đám cưới thầy u tôi đã diễn ra suôn sẻ. Năm ấy thầy tôi mới 16 tuổi còn u tôi đã 22!
U tôi là con thứ hai của ông bà ngoại, sau bác Hanh. Theo cách gọi của dân làng, thì bác Hanh là anh cả còn u tôi là chị cả của các em trong nhà. U nổi tiếng chịu thương chịu khó từ hồi còn tấm bé với những công việc của nhà nông như chăn trâu cắt cỏ, băm bèo thái khoai, bế ẵm em đỡ mẹ… Năm 11 tuổi, u đã theo mẹ cấy gặt ngoài đồng, có ngày hai mẹ con dắt nhau đi cấy từ lúc mới qua nửa đêm, cò vạc còn đang dẫm lúa kiếm ăn cho tới giữa trưa mạt trời đứng bóng mới lên bờ. Đói thì ăn cơm nắm, khát thì tìm vũng ruộng có nước trong mà uống. Trong khi đó ông anh hơn u 2 tuổi được đến nhà thầy đồ học chữ Nho và được theo cha đi hết đền này phủ nọ cúng lễ theo lời mời của các hội lễ hoặc đến các gia đình mời cầu phúc hay đuổi tà mà giúp họ. Dưới u là một đàn em 5 người, ba trai hai gái; tất cả đều ăn những hạt gạo từ mồ hôi của bà ngoại và u đổ xuống những vạt đông Bông bốn mùa nước ngập đến bẹn và nhung nhúc đỉa, hễ thấy mùi da thịt người là lăn xả bám vào để hút máu. Thời ấy miếng vải để vá víu quần áo rách cũng hiếm nên người làng tôi phải nhặt nhạnh những manh áo quần cũ, cắt gạn từng miếng khâu thành cái xà cột bọc chân cẳng mỗi khi lội ruộng; ngoài ra còn phải đeo bên thắt lưng một ống tre đựng vôi trộn ớt bột để mỗi khi đỉa bám vào thì quyệt vôi ớt làm co chúng rời ra. Năm u 16 tuổi thì bà ngọai mất, em trai út chưa đầy 6 tuổi và em gái út chưa đầy ba tuổi. Cái nồi cơm lớn cho cả nhà  đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của u.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...