Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018


ÔNG BÀ NỘI TÔI

Kết quả hình ảnh cho tranh bà già ngày xưa


Cụ nội tôi cũng chỉ sinh được mỗi ông nội tôi. Ông tôi tên là Nguyễn Văn Hán, cũng vào hàng khá giả trong làng, có 5 mẫu ruộng, nhà ở làm trên một thửa đất có khuôn viên 240m2 ngay cạnh điếm canh của thôn, lối ra vào rất thuận tiện. Nhà ông tôi tường xây gạch, mái lợp lá gồi, ba gian hai chái theo kiểu tứ trụ giao nguyên, một thò hai thụt – tức là ngôi nhà ba gian có vì kèo hai lớp hàng ngang, giống như hai tầng cây xuyên được bố trí theo hàng ngang, có mặt tiền rất rộng, có nhiều cửa cùng hướng mặt tiền của căn nhà, cột và cửa nhà đều bằng gỗ. Căn phòng chính giữa được bố trí làm phòng khách và nhà thờ. Bàn thờ đặt ngay sát tường đối diện cửa lớn ra vào.Trước bàn thờ, nhà người ta thường đặt một bộ trường kỷ hoặc bàn ghế tiếp khách nhưng nhà của ông tôi chỉ kê một bộ phản ngựa 2 tấm, bình thường thì để trần khoe ra mầu gỗ nâu nhạt bóng nhẵn, khi có khách thì trải chiếu hoa lên, bộ trường kỷ cũ thì kê ở mé tường gần cửa ra vào gian chái bên trái. Hai bên cột nhà gian thờ treo một bức hoành phi và một đôi câu đối. Hai chái nhà thì một bên làm kho chủ yếu để cót thóc hoặc giống cây các loại cho mùa sau cùng giây treo sống áo; một bên  làm buồng ngủ. Khu vực nhà ngang vừa là nơi bếp núc vừa là nơi để làm hàng xáo được làm biệt lập ở mé bên trái, ngăn cách hẳn với nhà chính bởi một cái sân rộng lát gạch lá nem Bát Tràng. Bao bọc cơ ngơi là hai bức tường gạch xây ở hai mé sát với đường cái, một lối đi vào ngõ trong nhà họ Lê, một lối đi vào ngõ trong nhà ba họ khác: Nguyễn, Lê, Đặng. Hai bức tường sau nhà chính và nhà bếp cũng là tường ngăn với vườn hai nhà láng giềng: Nhà ông Chánh Khoát phía sau và nhà bà phó Đội bên trái.
 
 Vì có chút gia sản nên ông tôi đã bỏ tiền ra mua chức phó lý, một chức danh không có quyền mà chỉ có chỗ ăn chỗ ngồi trong chốn đình thôn vì vậy người làng gọi là ông phó Hán. Tôi không biết ông nội lấy vợ năm bao nhiêu tuổi. Bà vợ đầu của ông tên là Nguyễn Thị Chi, con gái một gia đình khá giả bên xóm Hà, có ông em ruột là Nguyễn Xuân Quyết thuộc vào hàng địa chủ, cơ ngơi có tới 3 dãy nhà sân gạch tường hoa, mấy khu vườn và hai ao cá lớn. Bà Chi  không phải dân cày cấy ruộng đồng mà chuyên nghề hàng xáo và buôn bán thóc. Khi tôi đã biết nhìn và nhớ được thì trong nhà có đầy đủ cối xay, cối giã gạo. Đặc biệt lối lên xuống cổng nhà đều lát bằng các cối giã gạo đã mòn hoặc bị sứt mẻ. Trong gian nhà chái kho có cả chục cái chum sành mầu men nâu, cái nào cũng có đắp nổi hình 4 con cóc ngồi chầu 4 góc quanh miệng như canh giữ không cho kẻ lạ nhòm ngó và lấy đi những hạt thóc vàng chứa đựng bên trong. Sau này tôi biết thêm, vào vụ mùa bà tôi thu mua thóc của những nhà cần bán, phơi khô, sàng sẩy sạch sẽ rồi cất vào chum chờ khi thóc cao gạo kém thì đổ ra xay xát bán gạo, tấm cám; cũng có khi bán luôn thóc cho các bạn hàng cần đong mua.
 
 Bà Chi sinh đẻ cả thảy 2 lần, cả hai đều là con trai nhưng đều không nuôi được. Lần thứ nhất, khi bà đang ngồi bán gạo ở trên chợ Phủ thì đau đẻ. Nhờ bà con ở chợ dìu đỡ đến một bãi cát thì đã vãi ngay đứa bé và thật may mắn cũng mẹ tròn con vuông. Vì sinh ra trên cát nên đứa trẻ đặt tên là Cát- Nguyễn Văn Cát. Khi ông Cát được 3 tuổi, bà Chi sinh lần thứ hai, nhưng gần đến  ngày ngồi xó, bà cũng không chịu ở nhà chờ mà vẫn đi chợ bán gạo, về đến nhà thì đau đẻ và chỉ kịp bước vào cổng thì vãi ngay đứa con nhưng cũng kịp gọi bà mụ vườn đến đỡ và cắt rốn cho. Đứa bé được đặt tên là Cổng- Nguyễn Văn Cổng. Nhưng vừa  đầy cữ thì bác Cổng tôi bị chết vì sài uốn ván do cắt rốn bàng nứa. Ba năm sau, bác Cát tôi mới lên sáu thì lại bị sốt thương hàn rồi đi theo luôn chú em xấu số. Ngày giỗ của bác Cát là 20 tháng Sáu âm lịch còn bác Cổng thì không có ngày giỗ vì theo tập tục, trẻ chết trong cữ sơ sinh không giỗ kỵ để vong linh khỏi quyến luyến bố mẹ và gia đình mà đầu thai lộn lại, vì dẫu có đầu thai lộn lại cũng không nuôi được. Sau này lớn lên, anh chị em tôi quyết định ngày giỗ ông Cát cũng coi như là ngày giỗ ông Cổng và gọi chung là ngày giỗ hai ông mãnh.
   Năm ông tôi đã ngoài 40 tuổi, hai ông bà không sinh thêm đựoc mụn con nào. Bà Chi lo lắng không có người hương khói mai sau và thương dòng họ nhà chồng sẽ tuyệt tự nên khi bán gạo ở các chợ luôn để mắt tìm kiếm cho chồng một người vợ kế. Và bà đã tìm được cô Nguyễn thị Liêm tuổi kề 30, người làng Sấu Giá cách làng tôi hơn chục cây số. Làng Giá là một làng nổi danh văn vật. Dân gian có câu “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”. Rước Giá là để chỉ một trò diễn nổi tiếng của lễ hội làng Giá, được tổ chức từ ngày 10 đến 26/3 âm lịch hàng năm. Làng Giá, thuở trước có tên là Kẻ Sở, sau đó đổi là Cổ Sở và nay là đất thuộc hai xã Đắc Sở và Yên Sở (Hoài Đức) là một vùng quê nằm bên sông Đáy có nghề làm bánh gai nổi tiếng. Bánh gai làng Giá được người sành ăn đánh giá ngang với bánh gai Hải Dương.  Mỗi khi ăn miếng bánh gai làng Giá, ngưòi ta lại thầm nhớ đến cái duyên dáng mặn mà của người con gái trong câu ca:
Bánh gai làng Giá thơm ngon
Con gái làng Giá tươi giòn sắc xuân
 Làng Giá còn món đặc sản bánh gio. Chẳng biết bánh gio có tự bao giờ, nhưng nghề làm bánh gio đã trở thành một phần công việc không thể thiếu đối với người dân làng Giá. Mỗi khi năm hết tết đến, ngoài nồi bánh chưng thì mỗi nhà không quên gói dăm cặp bánh gio thật đẹp để thờ cúng tổ tiên và mang ra đình làng để tạ ơn thành hoàng và cầu mong thần Phật phù trợ một năm mưa thuận gió hòa, no đủ, yên ấm và hạnh phúc.
Đám cưới vợ bé của ông tôi không tổ chức đình đám nhưng đem lại ngay một kết quả thật mỹ mãn: Chỉ sau chừng một năm, bà Liêm đã sinh hạ cho ông tôi một con trai, đặt tên là Tiến, chính là thầy tôi sau này. Người hạnh phúc không chỉ là ông tôi và bà Liêm mà còn cả bà Chi nữa. Đứa con được yêu quý như vàng ngọc, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Nhưng tội nghiệp, khi thày tôi mới chín tháng tuổi thì bà Liêm, bà nội ruột của tôi bị chó dại cn và qua đời. Theo lời bà nội Chi kể lại, bà nội Liêm bị lên cơn dại đến cả chục ngày. Bà bị nhốt riêng trong chái nhà, cửa khóa then cài rất chặt; tới bữa, ông tôi hoặc bà Chi hay con cháu trong họ, lựa lúc bà ngủ yên thì nhẹ mở cửa đưa cơm vào buồng, bà tỉnh và ăn lúc nào cũng không ai biết.


di cho lang gia, tim net que xua hinh anh 9
 

Sau khi bà Liêm được mồ yên mả đẹp, mọi việc chăm lo nuôi nấng thầy tôi đều do bà Chi đảm nhiệm: Nhai mớm cơm, bế đi xin bú chực các bà mẹ đang thời cho con bú trong xóm, bế ẵm trông nom khi tập đi, tập chạy…, tất tật bà Chi dành cho thầy tôi tình cảm hơn cả nhiều bà mẹ đẻ. Bà coi mình là người bạc phúc, có tội với nhà chồng vì sinh con mà không nuôi được, lại chính mình tìm và cưới vợ cho chồng, ai hay người đàn bà đó lại bạc mệnh. Đứa con của người ấy với chồng như một sự ban ơn cho bà. Nó không phải là con xin con nhặt, Nó không phải là con nuôi. Nó là máu mủ của chồng bà. Nay mẹ nó chết, ai có thể làm mẹ nó hơn bà! Còn ông tôi thương quý con thế nào khỏi cần nói. Từ khi đứa con duy nhất biết đi biết nói, ông tôi sáng chiều nào cũng dắt hay cõng con dạo khắp đường làng vừa để chơi mát vừa như để khoe con với dân làng. Nhiều người kể lại năm thầy tôi đã lên chín, ông tôi vẫn cho con ngồi trên vai, hai chân quàng cổ bố, dong chơi trên đường làng. Nhưng những năm tháng hạnh phúc ấy của người cha muộn mằn chẳng kéo dài được bao lâu. Thầy tôi vùa chớm tuổi lên chín thì ông tôi đổ bệnh và tạ thế khi mới hưởng dương được đúng nửa thế kỷ. Ngôi nhà còn lại hai mẹ con: bà Chi và thầy tôi trở nên lạnh lẽo quanh năm bốn mùa. Còn lại bao yêu thương bà Chi dồn hết cho đứa con côi cút đó. Sau này ba chị em tôi coi như có hai bà nội và gọi hai bà bằng tên thật rất thân kính: bà nội Chi và bà nội Liêm; ngày giỗ của hai bà chúng tôi đều không quên khói hương.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...