NGÀY NÀY NĂM XƯA:
15-11-1923: Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao ra. Ông sinh ra tại Nam Định. Nǎm 1944, ông sáng tác bài hát Tiến quân ca để cổ vũ phong trào Cách mạng của nhân dân ta. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá I của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã chọn bài hát này làm Quốc ca Việt Nam cho tới ngày nay.
Bà Văn Cao nói về chồng của mình:
'Anh ra đi lâu rồi, không ngoái lại tìm em...'
Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao chưa bao giờ to tiếng với vợ con nhưng ông lại là người vô cùng nghiêm khắc và khắt khe trong việc giáo dục con.
Bà Nghiêm Thúy Băng kể: “Vợ chồng tôi sinh được 5 người con, 3 trai 2 gái. 5 đứa con đều theo nghiệp bố làm nghệ thuật. Ông nhà tôi dạy con nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu thương các con”.
Vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao - Nghiêm Thúy Băng trong đám cưới con trai Nguyễn Nghiêm Bằng năm 1979. Ảnh: Gia đình cung cấp
Theo bà Nghiêm Thúy Băng, khi dạy hai con trai là Nguyễn Văn Thao và Nguyễn Nghiêm Bằng học đàn, hôm nào con mải chơi ông lấy roi đánh vào mông con, đánh xong ông lại lấy dầu xoa cho con.
Lần con trai Nguyễn Nghiêm Bằng lên 2 tuổi bị bỏng, vết thương gây rát, khiến cậu khó chịu, đêm không ngủ, khóc ngằn ngặt. Nhạc sĩ Văn Cao liền thức trắng đêm, quạt cho con ngủ, cứ thế ròng rã 3 tháng trời cho đến khi con trai khỏi hẳn.
“Em phải làm sổ tiết kiệm mà sống, đừng dựa vào con”
Năm tháng cuối cùng trên cõi tạm, người vợ hiền thảo của ông vẫn ngày ngày bên cạnh, ân cần chăm sóc cho ông như bao năm tháng qua.
Sau Tết âm lịch năm 1995, nhạc sĩ Văn Cao bị tràn dịch màng phổi, phải vào viện cấp cứu.
Hằng ngày, bà Nghiêm Thúy Băng lại vào chăm sóc chồng. Một buổi chiều, nhạc sĩ nhìn vào mắt bà và nói: “Khuôn mặt em sáng trong và bình lặng lắm”.
Biết sức khỏe của mình suy yếu nhiều, ông gọi bà lại dặn dò. Bà Thúy Băng kể: “Ông bảo, các con đã trưởng thành, yên bề gia thất. Nếu ông ấy hết mệnh thì tôi chọn đứa nào hợp tôi nhất thì ở.
Ông ấy dặn đi dặn lại là tôi phải làm quyển sổ tiết kiệm, lấy ra mà tiêu, đừng phụ thuộc vào kinh tế các con, đừng để các con phải nuôi
Nghe ông dặn dò, nước mắt bà giàn giụa. Bà sợ lắm, bà không muốn nghĩ đến ngày ông rời xa bà. Từ ngày thành vợ chồng, ông và bà luôn bên cạnh nhau bất kể khó khăn, gian khổ.
Nhạc sĩ Văn Cao lấy tay lau nước mắt cho bà rồi vỗ về bảo bà đừng khóc. Lúc đó, ông nắm chặt bày tay nhỏ bé của bà, mỉm cười trìu mến.
Những ngày này, sức khỏe nhạc sĩ Văn Cao chuyển biến xấu, ông không chịu ăn uống. Bà Thúy Băng lại dỗ dành ông, ôn lại những kỉ niệm ngày xưa của hai người cho ông nghe.
Nhưng sức người dù thế nào chăng nữa cũng chẳng trái được mệnh trời. Ngày cuối đời, nhạc sĩ Văn Cao ăn chút cháo loãng rồi nhắm mắt lại, cứ thế ra đi nhẹ nhàng và thanh thản.
Ông mất vào ngày 10/7/1995 trong sự tiếc thương khôn cùng của người vợ cùng gia đình và bạn bè thân thiết. Bà Nghiêm Thúy Băng buồn bã suốt một thời gian dài, các con phải đưa bà sang Ba Lan cho nguôi ngoai.
Mùa đông năm 2002, bảy năm sau ngày mất của chồng, người phụ nữ ấy đã sáng tác bài thơ “Tìm anh trong giấc mơ” để tưởng nhớ đến tình yêu lớn nhất cuộc đời. Trong đó có đoạn:
“Mùa đông dài và lạnh
Lòng em buồn vô tận
Anh ra đi lâu rồi
Không ngoái lại tìm em…”
Khi tuổi cao, bà Nghiêm Thúy Băng ở cùng người con trai Nguyễn Nghiêm Thành trong căn nhà nhỏ, nơi lưu giữ những kí ức về người chồng mà bà hết mực yêu thương.
Chiếc đàn piano và những kỉ vật của ông, bà bảo các con bọc lại, phủ lớp vải lên trên. Bà muốn giữ những kỉ vật đó nguyên vẹn như ngày ông còn tại thế.
Theo Vietnamnet
LƯU MANH ĐỎ VÀ NHẠC SỸ VĂN CAO
(Bài viết nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2018)
Hoàng Minh Tường
Đôi khi những cuốn ghi chép vụn lại giống như kho chứa đồ, bất chợt nhặt được những thứ quí hiếm ngang đồ cổ.
Tình cờ lật dở mấy dòng ghi từ năm 2010, không biết các nhân vật trong buổi gặp tối đó, có ai biến đi đâu không?
Ấy là buổi tối 6 tháng 7 tại nhà hàng 36 Lý Thường Kiệt, một restaurant của gia đình nhạc sỹ Phạm Hồng Hà. Anh chàng tiến sỹ Viện vật lý Đupna, đã giải nghệ từ lâu, mưu sinh tại Mat, trở thành một nhạc sỹ lãng tử với mái tóc Digan và ngón đàn ghi - ta tuyệt kỹ hút hồn đàn bà. Mới về Hà Nội một ngày, anh đã rủ bạn bè đến khai trương thùng rượu Putina. Khách dự Phạm Hồng Sơn, anh trai Hà, vợ chồng Thông và hai người trùng tên Long, Long Bụi và Long Y dược.
Đúng như tên gọi, Long Bụi quả là bụi, bụi từ vóc dáng, ăn mặc, tới khẩu khí. Hỏi ra, mới biết anh là con rể hoạ sỹ Lê Chính, trình bày báo Văn Nghệ nhiều năm, có thời cùng cơ quan với mình. Có lẽ vì bố vợ là hoạ sỹ, bạn thân của những Văn Cao, Hoàng Cầm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… nên anh con rể cũng đồng thời là đệ tử của các tiên tửu ấy luôn. Lần nào Hoàng Cầm từ Hoả Lò ra, cũng có mặt Long Bụi đến thăm và hầu …rượu. Thời chiến tranh phá hoại, Long Bụi có chân trong tổ dân quân trực quanh Hồ Gươm. Thương cảm Văn Cao, Nguyễn Sáng, Hoàng Cầm…, nhiều lần Long Bụi đã tổ chức đưa thuyền chở các ông ra đảo Tháp Rùa câu cá, uống rượu, rồi hát ca trù, chầu văn cho đỡ … thèm.
– Có chuyện này về cụ Văn Cao, chỉ mình hai bố con tôi chứng kiến – Long Bụi kể – Ấy là cái năm Hội Nhà văn hay Nhạc sỹ Hunggari có giấy mời đích danh Văn Cao sang chơi hay hội thảo gì đó. Tổ chức không muốn cho Văn Cao đi, vì ông thuộc diện văn nghệ sỹ bất hảo, nhưng chưa tìm ra cớ gì ngăn cản. Tối ấy, tôi lai bố Lê Chính cùng bác Văn Cao đi đâu đó. Đến ngã tư Trần Nhân Tông – Mai Hắc Đế, bỗng thấy hai thằng du côn tự nhiên xô vào xe bác Văn, rồi chửi ông và đánh ông túi bụi. Khi ấy tôi đã là một thầy dạy võ, có lò võ riêng. Điên tiết, tôi xông đến, giằng hai thằng côn đồ ra, định dạy cho chúng một bài học. Thấy tôi ra đòn, biết gặp cao thủ, chúng bí quá, liền dí tấm thẻ đỏ vào mặt tôi: “Mày không biết chúng bố là ai, hả? Xéo đi cho các bố làm việc.”
Long Bụi cùng bố vợ, hoạ sỹ Lê Chính, đau đớn đưa nhạc sỹ Văn Cao về nhà phục thuốc.
Thế là chuyến đi Hunggari ấy của Văn Cao không thành.
Đọc lại trang ghi chép trên, buồn đến mấy ngày.
Thì ra, Lưu manh đỏ – danh từ mà tiến sỹ Tô Văn Trường vừa mới nghĩ ra, đã có từ thời Văn Cao.
H.M.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét