Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018


 CÂY SẾN LỬA


Truyện ngắn Nguyễn Quang Lập

Đàn ông ngồi đây. Đàn bà ngồi đây. Con nít ngồi xuống, đừng chạy quanh nữa. Đốt lửa lên. Quăng thêm củi chắc vào. Lửa phải cháy thâu đêm, cháy khi mô bầy gà ri trên núi A Choong cất tiếng gáy mới được tàn. Đêm ni ta lại kể chuyện cũ cho lũ làng nghe.
 Mỗi năm ta chỉ kể chuyện cũ có một lần sau mùa trỉa bắp. Yên lặng cả chưa? Con nít mô rồi, đã ngồi yên chưa? Yên rồi. Được, ta bắt đầu kể. Chuyện ta kể co vui có buồn. Khi mô ta cả cười thì cười theo. Ta ôm mặt khóc thì đứng có khóc theo. Ai khóc theo cái gan chỉ bằng ngón tay út…
Có ai nhớ nền đất này xưa là nhà của ai không? Ba-đoong à? Đúng. Nhà của Ba-đoong. Nếu nó còn sống nó cũng bằng tuổi ta đây, cái râu cũng dài quá ngực ta đây. Ba-đoong sinh ra cùng một ngày với ta.
200px-Madhuca_pasquieri-%20cay%20sen%20gia%20trong%20chua[1]Đó là một ngày mưa. Mưa to lắm. Sấm chớp rách trời. Ta sinh trước Ba-đoong một tiếng sấm. Cha Ba-đoong nghe tiếng ta khóc chạy sang để chia vui, vừa chạm ngõ nhà ta thì Ba-đoong cất tiếng khóc rất to. Nó khóc to hơn ta. Vì sao à? Ta.không biết. Cha Ba-đoong nói:
– Thằng Cu-muôn đẻ trước thằng Ba-đoong một tiếng sấm. Nó làm anh. Lớn lên hai đứa phải coi nhau như­ anh em.
Cha ta nói:
– Cu-muôn không làm anh. Cu-muôn làm bạn thôi. Coi nh­ư hai đứa cùng một bụng chui ra. Đứa trai đứa gái thì làm vợ chồng. Con trai cả thì làm bạn cùng một giọt máu. Được chưa?
– Được.
– Rứa thì bắc loa tay hú gọi lũ làng đi.
Cha ta trèo lên nóc nhà. Cha Ba-đoong trèo lên ngọn cây lim.
– Bớ lũ làng! Lại nhà ta uống rượu ăn thịt trâu! Lũ làng có hai chàng trai trời vừa sai xuống! Ai có rượu mang theo, ai có thịt mang theo. Không có chi thì mang cái bụng tốt đến.
Lũ làng kéo đến đông lắm. Uống rượu, ăn thịt trâu chấm muối, nhảy múa ba ngày đêm, vui lắm. Cuối cùng lũ làng đến bên ta và thằng Ba-đoong mà nói lớn:
– Thằng Cu-muôn, thằng Ba-đoong nghe đây! Trời đã cho tụi bay xuống với lũ làng thì phải ăn cho nhiều, làm cho khỏe. Phải có cái bụng tốt, không được hại lũ làng, không được hại nhau. Cái chân không được dẫm con giun con dế. Cái tay phải bóp cổ được con heo, con lợn lòi, nghe ch­ưa!
Lũ làng nói có lý không? Có lý. Đúng, rất có lý. Ta và Ba-đoong lớn lên, cái tay biết cầm ná, con mắt biết nhìn rừng đêm, cái chân biết mở lối. nghe truyền lại lời của lũ làng căn dặn hai đứa, bèn nhìn vào mắt nhau, nói:
–       Có trời chứng giám. Có đất chứng giám. Cu-muôn và Ba-đoong làm
đúng lời lũ làng dạy, sống chết có nhau. Không hại nhau. Ai để bạn chết, con beo vồ. Ai để bạn đói, con lợn lòi đâm.
 Ta và thằng Ba-đoong thề xong, cắm cây mác xuống đất, ngửa mặt lên trời uống chung một bát máu lợn hòa rượu. Lũ làng xoay quanh hai đứa nhảy múa hát dặn:
Đã thương nhau rồi
Đừng như­ cái lá
Xanh một mùa thôi
Phải như­ cây sến
Mọc thẳng lên trời…
Rứa đó! Rứa mà ta và thằng Ba-đoong không giữ đúng lời thề. Chuyện buồn lắm. Có người khuyên ta: để cho cái gió nó thổi chuyện cũ ấy đi. Không được! Phải giữ lại…
Thằng Ba-đoong cưới vợ trước. Cưới xong, nó đi hỏi vợ cho ta. Cái miệng nó nói khéo hơn ta, cái tai nó nghe được xa hơn ta. Nó dắt ta trèo qua ba ngọn núi, đến bản Phước, nó chỉ về phía tây, nói:
-Nhà phía tay tau chỉ có hai cô gái đẹp, mi thích thì tau dắt đến đó. Tau nói ba câu là được thôi.
Ba-đoong nói không sai. Nó đến, quỳ xuống dưới chân cầu thang, ngửa mặt hát:
Ơ cái cầu thang
Mày đỡ chân ai
Có đỡ chân tao
Thì cho tao lên
Mày giấu ai thê’
Nàng Xi? Nàng Xiêng?
Tao có bạn tốt
Xin mày kết duyên . . .
Hắn hát hay lắm. Ta là đàn ông mà ta cũng ­ưa. Nàng Xi, nàng Xiêng bước ra. Hắn dắt ta bước lên cầu thang, hắn lại hát:
Cu-muôn Cu-muôn
Bạn tốt của ta
Trèo ba quả núi
Đến tìm cái hoa
Hoa đẹp đừng giấu
Cái hương bay xa…
Hai nàng cười, dắt ta và Ba-đoong vào nhà.
Mười ngày sau, ta cưới nàng Xiêng. Hai mươi ngày sau Ba-đoong cưới nàng Xi làm vợ lẽ. Ta hỏi nó:
– Mi cưới vợ nhiều làm chi?
– Để được đông con, để được lắm của.
Nó nói rứa. Ta không ưa nhưng ta chịu. Nó nhiều cái lý hơn ta, không cãi được. Bắn được con lợn rừng, nó nói :
– Phải giấu đi, đừng cho lũ làng biết. Hai đứa chia nhau, nhiều hơn.
Ta không thích nhưng ta im lặng đồng ý. Ta đã thề rồi, không được cãi nhau, phải chung một bụng. Cãi nhau? Không tốt đâu. Đã uống máu ăn thề rồi.
Một hôm, khi nàng Xi sinh được con trai, nàng Xiêng sinh được con gái. Nó mổ lợn ăn mừng. Ta với nó lại thề sẽ cho chúng nó làm vợ làm chồng. Rồi nó rỉ tai ta nói:
-Phải rời bản Choong thôi , bản Choong nghèo lắm. Đi bản khác nhiều thú rừng hơn, nhiều cái rẫy tốt hơn .
Ta buồn lắm nhưng ta cũng gật đầu. Có ai biết vì sao ta buồn không? Đúng rồi, bản Choong đói khổ mấy cũng là quê mình, không được bội bạc. Không được nh­ư con thú, nghèo mồi chỗ ni lại kéo nhau di chỗ khác. Cái lý ta thế, nhưng ta không nói. Ta thương nó, ta sợ nó tức ta. May thay nàng Xi, nàng Xiêng không ­ưng đi nên nó ở lại.
Lũ làng nghe ta kể, như­ rứa là ta sai hay đúng? Sai rồi. Thương Ba-đoong rứa mà thương à? Làm hại Ba-đoong rồi. Nhưng lúc đó ta không biết. Ta ngu lắm.
Chừ mới đến chuyện buồn rồi…
Vợ ta là nàng Xiêng, con gái của ta là Bun-xe, dạo đó nó lớn rồi, mọc vú rồi. Ta và .Ba-đoong chuẩn bị làm đám cưới nó với thằng Tâng. Đám cưới sẽ mổ mười bò, chín trâu. Thằng Tâng, con của Ba-đoong tốt lắm, nó thương con Bun-xe rồi. Đêm mô nó cũng rủ con Bun-xe đi chơi, hát cho con Bun-xe nghe. Giọng nó còn hay hơn giọng của Ba-đoong nữa. Con Bun-xe cũng ­ưng thằng Tâng hung. Nó để cái vú của nó vào tay thằng Tâng rồi. Ta mừng lắm. Rứa mà xảy ra chuyện ni. Ta khóc không được cười không được. Lũ làng nghe đây…
Hôm đó ta và Ba-đoong lên rẫy bẻ bắp. Đang bẻ bắp bỗng nghe tiếng ù ù. Thằng Ba-đoong ngửa mặt nheo mắt nhìn trời. Hai cái máy bay từ dưới biển bay lên. Nó nghiêng cánh hai ba lần. Thằng Ba-đoong vỗ tay:
– Cái máy bay nó chào ta!
Chợt nó há mồm kêu lên:
-Cái máy bay đâm đầu xuống bản Choong!
Ầm ! Ầm ! Ba-doong vừa dứt lời thì bom nổ, cột khói to như­ trái núi to bốc lên.
Gan bàn chân ta có lửa. Ta giục:
-Về thôi? Bản ta nguy rồi!
Ta và Ba-đoong chạy về. Cả bản chỉ nhà ta cháy thôi. Ta vừa đến ngõ, con Bun-xe đã chạy ra ngã lăn dưới chân ta, nấc lên:
– Cha về chậm rồi, cha ơi!
Ta bước vào. Xác nàng Xiêng như. bông chuối rừng bị trâu giẫm.
– Ai giết nàng Xiêng?
Ba-đoong gầm lên. Mọi người nhìn vào mắt Ba-đoong im lặng. Ba-đoong lại hét:
Thằng mô giết nàng Xiêng, câm rồi à?
– Thằng máy bay Mỹ!
– Thằng Mỹ đến rồi. Đến ở A Lưới đông lắm.
– Thằng Mỹ phải chết.
Ba-đoong xách mác chạy ra khỏi bản. Không ai kịp ngăn. Ba-đoong chạy mau lắm, không ai đuổi kịp…
Ba-đoong đi lâu hung. Cái cỏ trên mồ của nàng Xiêng mọc nhiều lắm rồi mà Ba-đoong vẫn chưa về. Ai cũng nói Ba-đoong chết rồi. Ba-đoong không giết được thằng Mỹ, thằng Mỹ đông lắm, nhiều súng đạn lắm…
Ta thương Ba-đoong. Đêm mô cũng ngồi khóc. Ta tức thằng Mỹ, cái tức ứ bụng rồi mà không biết làm chi. Thằng Mỹ giết vợ ta, giết bạn ta, tức lắm!
Rứa mà Ba-đoong không chết. Nó về với năm sáu người Kinh, mặc áo rằn ri, ai cũng đeo súng. Ba-đoong ôm ta, nói:
-Cu-muôn, ta không giết được thằng Mỹ mô! Thằng Mỹ tốt đấy. Máy bay thằng Mỹ bỏ bom sai thôi, không cố ý. Nó nhận lỗi rồi. Thằng Mỹ đối xử với ta tốt. Cho ăn ngon. Cho nhiều vải, nhiều muối, cho cả cái đài hát toàn bài hát lạ. Thích lắm. Đừng giận thằng Mỹ nữa, không đúng đâu.
Cái cổ ta có cục lửa nhưng ta nuốt nó vào bụng. Ta nói:
– Chừ Ba-đoong có đi nữa không?
– Có đi, hẹn có Cu-muôn đi nữa. Đi xuống A Lưới với thằng Mỹ…
Ta khóc to:
– Ba-đoong hẹn tau đi ở với cái thằng giết vợ tau à?
Ba-đoong ôm ta, lay lay:
– Thôi, chôn cục giận xuống đất đi. Thằng Mỹ biết lỗi rồi. Thằng Mỹ chỉ giận Cộng sản thôi, không giận ai hết.
Cộng sản là ai?
– Cộng sản là người ác. Phải giết. Ai giấu Cộng sản, phải giết. Thằng Mỹ cho nhiều vải, nhiều muối, cả cái điện sáng nữa, cả cái đài nữa…
– Không đúng đâu. Tau không tin thằng Mỹ.
Ba-đoong khóc hu hu:
– Cu-muôn ơi, ta với Cu-muôn đã thề rồi. Không được cãi nhau, phải cùng chung cái bụng mà…
Ta nghe Ba-đoong khóc thương quá, không nói nữa, chỉ ngồi bó gối cú đầu thôi. Một lúc sau ta gạt nước mắt nói:
– Thôi được. Ba-đoong muốn đi mô thì đi. Đi mô xa mấy tau cũng thương Ba-đoong, cũng nhớ Ba-đoong: Có điều tau không theo Ba-đoong được. Tau đi để vợ tau nằm đây một mình à?
Rứa là Ba-đoong đi. Thằng Tâng không chịu nghe theo Ba-đoong. Nó trốn nhà đi biệt. Con Bun-xe khóc cả tháng trăng. Ta khóc cạn nước mắt. Giận Ba-đoong nhiều, nhớ nó nhiều hơn…
*
*          *
Rồi ta nghe tin dưới A Lư­ới đồn lên: “Thằng Ba-đoong giết nhiều người rồi. Hắn mổ bụng người. Cái miệng Ba-đoong tanh thịt người lắm rồi !”. Ta nghe, giận cái người nói lắm. Ta bảo:
– Thằng Ba-đoong không đời mô ác như rứa. Chỉ cái mồm người khác bẻ cong cái l­ưỡi nói xấu thôi! Thằng Ba-đoong chỉ ham giàu thôi, không giết người. Ta là bạn nó, ta biết…
Té ra người ta nói đúng. Trời ơi, ta không muốn kể nữa. Buồn lắm
*
*          *
Năm đó bộ đội về bản ta. Bản Choong lần đầu tiên thấy bộ đội, sợ lắm, bỏ chạy hết. Nhưng bộ đội tốt, gọi lũ làng về, nói: .
– Thư­a lũ làng, bộ đội về đây, trú lại dây một đêm. Bộ đội đi đánh thằng Mỹ. Thằng Mỹ ác, giết nhiều người. Dân tộc nào Mỹ cũng giết. Lũ làng có tin không?
Không ai nói. Chỉ nhìn nhau thôi. Cuối cùng ta nói:
 – Tin. Thằng Mỹ giết vợ ta rồi… Bộ đội cứ ở lại đây. Mấy ngày cũng được.
Nhưng bộ đội chỉ ở lại có một đêm rồi đi. Mấy đêm sau, dưới A Lưới lửa cháy đỏ trời. Người ta nói: “Bộ đội đánh sập mấy cái đồn to ở A Lưới rồi. Mỹ ngụy chết nhiều không đếm bằng ngón tay, ngón chân được” Ta mừng lắm nhưng lại ngồi lo: “Liệu Ba- đoong có bị bộ đội bắn không?” Ta chắp tay vái trời cầu cho Ba-đoong đừng chết, tội lắm.
Lũ làng buồn ngủ chư­a? Đừng buồn ngủ. Chuyện chư­a hết, chư­a buồn ngủ.
Sau khi bộ đội đánh đồn A Lưới được m­ười ngày, ta đi săn về đến đầu bản Choong cháy hết, trâu bò mất hết. Bản Choong nh­ư cái rẫy vừa mới đốt đen thui. Chỉ cái nhà ta là còn nguyên. Con Bun-xe chạy ra, mặt xanh như­ lá chuối rừng:
– Lũ làng chạy trốn hết rồi. Thằng Mỹ đến đông lắm. Bác Ba-đoong cũng đến. Cha ơi, bác Ba-đoong cũng ác như­ thằng Mỹ rồi…
Nói xong, con Bun-xe ôm mặt khóc rống lên. Ta túm tóc nó, hét:
– Mi im đi. Nuốt nước mắt đi! Kể đi!
Nó kể:
– Bác Ba-đoong dắt nhiều thằng Mỹ về bản, nói: “Bản Choong nuôi Cộng sản đánh sập mấy cái đồn quốc gia ở A Lưới. Phải trị tội bản Choong thôi”. Bác Ba-đoong dắt Mỹ đi, gặp nhà ai cũng đốt, gặp người nào cũng bắn, chỉ trừ nhà ta thôi. Nhà ta, bác Ba-đoong tới, nói với thằng Mỹ: ‘Nhà Cu-muôn bạn ta. Không giết, không đốt. Cho nhiều của nữa”. Mấy thằng Mỹ vỗ vai bác Ba-đoong rồi cho nhà ta vải, muối, đài… nhiều lắm! Trong nhà đó, cha vô mà coi.
– Thằng Ba-đoong có giết người không? .
– Có. Cha ơi, con thấy rõ bằng hai con mắt con. Bác Ba-đoong thành con thú rồi.
– Giờ hắn đi mô?
– Sang bản Phư­ớc.
– Đ­ược rồi
Ta xách mác chạy đi. Con Bun-xe níu rách áo ta; ta vẫn không chịu ở nhà nữa!
Ta chạy đúng theo đường Ba-đoong dẫn ta đi –hỏi nàng Xiêng. Trèo qua ba trái núi: ta thấy bản Ph­ước đang cháy đỏ. Bụng ta sôi hơn nồi cơm nếp. Ta chạy tiếp. Ta rình bên một hòn đá to. Ta chờ đêm xuống. Thằng Ba-đoong không biết ta rình. Hắn dắt hai thằng áo rằn đến bên một hòn đá khác uống rượu. Con Bun-xe nói đúng, ta thấy một thằng Ba-đoong khác rồi. Ta lao đến! Chém! Chém! Thằng Ba-đoong gục xuống bên đống lửa! Ta chạy! .
Chạy hết ba quả đồi, ta đứng lại. Ta ôm ngực hét lên : “Thằng Ba-đoong chết rồi ? Chết thật rồi!” Và ta ôm mặt khóc. Ta thương thằng Ba-đoong quá… Ta chạy ngược trở lại. Xác thằng Ba-đoong vẫn còn bên đống lửa. Ta vực nó dậy, đặt nó lên lưng và chạy.
 Thằng Mỹ biết ta, nó rư­ợt theo. Đạn thằng Mỹ chạy sau lưng ta nhiều lắm. Đang chạy ta bỗng bị đau sau lưng. Đạn thằng Mỹ bán trúng ta rồi. Ta gục xuống. Nhưng ta đứng dậy được. Ta cõng thằng Ba-đoong chạy miết, cho đến khi ta không biết chi nữa hết…
Tỉnh dậy, ta thấy quanh ta nhiều người lắm. Con Bun-xe ôm mặt ta khóc nức nở: . .
– Cha ơi! Cha đừng chết!
Ta không chết. Một tháng sau ta lành vết thương. Lũ làng đã chôn thằng Ba-đoong lâu rồi. Ta thương nó quá, ta là bạn nó mà chôn nó ta không được thấy mặt nó buồn hay vui. Nó có giận ta không? Giận lắm, ta biết. Ta đào một cây sến trồng bên cạnh nấm mồ của nó. Ta mổ heo cúng nó. Bắt con Bun-xe đứng cạnh. Ta nói :
– Ba-đoong, tau giết mi rồi, vì mi ác. Mi làm sai lời thề xưa: Không hại lũ làng. Mi thành con thú, tau giết. Không giết mi, mi hại nhiều lũ làng nữa, phải giết thôi. Nhưng mi là bạn tau. Tau thương lắm. Tau không muốn mi chết. Mi phải sống với tau. Mi nhập cái hồn mi vào cây sến này đi. Từ nay cây sến chính là mi. Tàu đêm nào cũng đến chơi với mi, nói chuyện với mi, mi bây giờ phải nh­ư cấy sến mọc thẳng, Ba-đoong à!
*
*          *
Ít lâu sau thằng Tâng ở đâu tìm về. Nó to lắm, khỏe lắm. Con Bun-xe vừa thấy nó đã ngã lăn ra, ngất lịm. Ta mổ lợn khao nó. Rồi nói:
– Tâng! Mi nghe tau nói đây: Cha mi chết rồi!
– Á… Ai giết cha tui?
– Tau!
Nó ngớ ra. Sau, ta kể hết, nó ôm mặt khóc nhiều lắm. Ta uống hết m­ười bát r­ượu đầy rồi nói với thằng Tâng:
– Tâng! Người ta nói: Ai giết cha mình, phải giết người đó! Ai giết bạn thân mình, phải giết người đó. Chừ tau có hai tội: Một là giết cha mi, hai là giết bạn tau. Tau đáng hai lần chết. Mi nghe đây: Cái mác giết cha mi tau vẫn cất đó, đợi mi về. Mi giết tau đi. Giết đi đừng sợ. Tau đáng tội chết rồi. Còn con Bun-xe là của mi, tau với Ba-đoong đã thề rồi, không làm sai được!
Thằng Tâng nhìn vào mắt ta chằm chằm. Tu hết mư­ời bát rượu, nói:
– Bác Cu-muôn! Bác có biết lâu ni tui đi mô không?
– Không !
– Rứa thì tui nói cho bác biết: tui đi theo cách mạng. Cách mạng cho tui nhiều điều khôn rồi. Cha tui ác phải giết! Bác không giết thì ng­ười khác cũng giết! Bác không đáng tội, tui tha. Có điều tui mất cha rồi, bác phải đền, từ ni bác phải làm cha tui. Bác có biết tội của bác chỗ mô không?
– Không?
– Tội của bác là đáng phải giết thằng Mỹ thiệt nhiều thì bác chỉ giết cha tui rồi thôi. Thằng Mỹ ác. Còn thằng Mỹ thì còn nhiều người nh­ư cha tui nữa.
– Chà ơi? Tau ngu rồi!
Ta đứng vụt dậy, chạy về phía cây sến. Ta quỳ xuống, ôm lấy gốc cây mà khóc, khóc đến khi mặt trời lặn mới thôi. Từ đó, cây sến uống nhiều nước mắt của ta, nó thấm nhiều cái thương cái nhớ của ta vào thân nó rồi.
Cây sến, lũ làng thấy ch­ưa, nó đang đỏ rực dưới ánh trăng, dưới ánh lửa của lũ làng ta đó. Nó là cây sến lửa. Nó chính là thằng Ba-đoong. Thằng Ba-đoong đã biết hối tội nằm dưới đất. Hãy nhận lấy thằng Ba-đoong khỏe mạnh, tốt bụng này, nó đứng đó, ngày mỗi cao thêm, to thêm, mọc thẳng lên trời…


Ảnh của tôingườilàngcốm
Một truyện ngắn về tình bạn có nước mắt và có cả máu lửa.
Hai đứa bé trai trời cho xuống làm người vào một ngày mưa. Mưa to lắm. Sấm chớp rách trời: Thằng Cu-muôn đẻ trước thằng Ba-đoong một tiếng sấm. Chúng được hai người cha coi nh¬ư hai đứa cùng một bụng chui ra, làm bạn cùng một giọt máu. Lại được Lũ làng kéo đến ăn mừng uống rượu, ăn thịt trâu chấm muối, nhảy múa ba ngày đêm, vui lắm.
Lũ làng không kỳ vọng nhiều vào hai đứa trẻ mà chỉ cầu mong chúng ăn cho nhiều, làm cho khỏe, có cái bụng tốt, không được hại lũ làng, không được hại nhau. Cái chân không được dẫm con giun con dế. Cái tay phải bóp cổ được con heo, con lợn lòi! Và lời cầu mong ấy đã thành sự thật: Cu-muôn và Ba-đoong lớn lên, cái tay biết cầm ná, con mắt biết nhìn rừng đêm, cái chân biết mở lối. nghe truyền lại lời của lũ làng căn dặn hai đứa, bèn nhìn vào mắt nhau thề có trời đất chứng giám làm đúng lời lũ làng dạy, sống chết có nhau. Không hại nhau. Ai để bạn chết, con beo vồ. Ai để bạn đói, con lợn lòi đâm.
Những tưởng tình bạn của hai chành trai nhà trời đó sẽ góp phần làm cho bản làng ngày càng thêm no ấm. vui tươi thanh bình, không con giun cái dế nào bị dẫm đạp, không có ai bị beo vồ. lợn lòi đâm chết. Vậy mà tình bạn của họ lại kết cục rất bi thảm: Cu-muôn đã phải trèo qua ba trái núi, chạy hết ba quả đồi trong đêm tối để chem Ba-đoong gục xuống bên đống lửa! Để rồi bao năm tháng sau, mỗi năm, sau mùa trỉa bắp, già làng Cu-muôn râu dài quá ngực lại một lần kể lại chuyện cho lũ làng nghe trong tiêng cười tiếng khóc.
Cái gì đã làm nên tấn thảm kịch tình bạn này?
Phải chăng do bản tính hai người bạn khác nhau.
Trời cho Cu-muôn và Ba đoong làm người nhưng trời cũng sinh tính cho mỗi người một nết. Khi Cu-muôn chỉ lấy một vợ thì Ba-đoong cưới nhiều vợ để được đông con được lắm của. Khi săn được con lợn rừng, Cu-muốn chia cho cả lũ làng thì Ba-đoong lại bảo giấu đi để hai đứa chia nhau cho được nhiều. Cu-muôn không muốn bội bạc rời bản làng đói khổ như con thú nghèo mồi chỗ này kéo đi chỗ khác thì Ba-đoong lại một mực đòi đi bản khác nhiều thú rừng hơn, nhiều cái rẫy tốt hơn…
“Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, anh em cùng một bọc mà đã mỗi người một tính huống hồ Cu-muôn và Ba-đoong sinh ra từ hai bọc khác nhau. Nhưng không phải vì cái thiên tính khác nhau ấy mà tình bạn của họ đi đến thảm kịch mà tình bạn của họ có một cái yếu cốt lõi; đó là sự máy móc tuân chỉ lời thề. Bởi vậy nghe bạn nói, thấy bạn làm, Cu-muôn không ưa nhưng chịu, không thích nhưng im lặng đồng ý, buồn lắm nhưng cũng gật. Kiểu tình bạn một chiều này chỉ làm cho cái xấu có đà nẩy nở và phát triển , cái tốt không có đất để nẩy mầm. Đành rằng:
“Bạn bè là nghĩa tương tri
sao cho sau trước một bề mới nên”
Nhưng: “ Để tìm được bạn, ta chỉ cần mở một mắt. Để giử được bạn, ta phải mở cả hai.”
Vì Cu-muôn chỉ mở một mắt nên khi có kẻ thù với muôn màu cám dỗ quỷ quyệt như cho ăn ngon, cho nhiều vải, nhiều muối, cho cả cái đài hát toàn bài hát lạ, Ba đoong thích lắm, sẵn sàng dắt nhiều thằng Mỹ về bản, gặp nhà ai cũng đốt, gặp người nào cũng bắn, chỉ trừ nhà Cu-muôn là không giết, không đốt lại còn cho nhiều của nữa. Bấy giờ Cu-muôn mới nhận ra bạn mình đã làm sai lời thề xưa, đã hại lũ làng, đã thành con thú, không giết nó, nó hại nhiều lũ làng nữa, phải giết thôi. Và tấn thảm kịch đầy nước mắt và máu tất phải đến.
Nói thế không phải để nói rằng, truyện ngắn “Cây sến lửa” là bài học về tình bạn. Đây là một cảm hứng sử thi viết theo loại hình tự sự dân gian đề cập đến một vấn đề lớn lao của cộng đồng người dân tộc vùng A Lưới: Tuy nghèo khổ và phải hy sinh những gì đẹp nhất, người dân A Lưới vẫn không ngã quỳ trước kẻ thù, một lòng đi theo cách mạng mà trên hết là một lòng giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc mình: “ăn cho nhiều, làm cho khỏe, có cái bụng tốt, không được hại lũ làng, không được hại nhau. Cái chân không được dẫm con giun con dế. Cái tay phải bóp cổ được con heo, con lợn lòi”.
Trong cảm hứng sử thi này, Nguyễn Quang Lập đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng. Cu-muôn là kết tinh sức mạnh vật chất và tinh thần của cộng đồng mang trong mình những phẩm chất anh hùng, thể hiện tầm vóc lớn lao, kết tụ sức mạnh, ý chí chung của cả cộng đồng. Đó là ý thức về sự tồn vong của dân tộc trong cuộc đấu tranh quyết liệt đánh bại kẻ thù xâm lược, hy sinh hết thảy để tiêu diệt bọn tay sai đế quốc, bảo vệ bản làng và nhân dân. Đậm nét nhất là hình ảnh và sự kiện Cu-muôn kể hết cho thằng Tâng mọi chuyện mình đã giết cha nó rồi uống hết mười bát rượu đầy, nói với thằng Tâng:
-Tâng! Người ta nói: Ai giết cha mình, phải giết người đó! Ai giết bạn thân mình, phải giết người đó. Chừ tau có hai tội: Một là giết cha mi, hai là giết bạn tau. Tau đáng hai lần chết. Mi nghe đây: Cái mác giết cha mi tau vẫn cất đó, đợi mi về. Mi giết tau đi. Giết đi đừng sợ. Tau đáng tội chết rồi. Còn con Bun-xe là của mi, tau với Ba-đoong đã thề rồi, không làm sai được!
Và khi thằng Tâng nói điều hơn lẽ thiệt, Cu-muôn đã kêu lên: “Chà ơi! Tau ngu rồi” rồi đứng vụt dậy, chạy về phía cây sến, quỳ xuống, ôm lấy gốc cây mà khóc, khóc đến khi mặt trời lặn mới thôi. Ngòi bút cảm hứng sử thi của Nguyễn Quang Lập đã khắc họa rất đẹp không chỉ thể xác mà còn cả tâm hồn sáng trong như ngọc của nhân vật anh hùng bình dị.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Lập, cảm hứng sử thi còn hiện lên nhiều hình ảnh có tính biểu tượng cao và giàu giá trị gợi cảm. Giọng điệu tác phẩm mang âm hưởng hùng tráng, lay động và khích lệ mạnh mẽ tình cảm người đọc ngay từ những dòng đầu vào chuyện với hình ảnh đông đủ đàn ông, đàn bà, con nít đốt lửa quăng củi để ngồi nghe già làng Cu-muôn kể chuyện cũ thâu đêm. Rất nhiều hình ảnh kỳ vĩ làm phát lộ được phẩm chất anh hùng của nhân vật như : Trèo qua ba trái núi, chạy hết ba quả đồi, bụng sôi hơn nồi cơm nếp, cái cổ có cục lửa nhưng nuốt nó vào bụng… Nhưng đậm nét nhất là hình ảnh cây sên lửa kết truyện.
Ai cũng biết cây Sến sống hỗn giao với cây Lim xanh nằm trong nhóm gỗ tứ thiết, hạt Sến cho dầu ăn ngon, ngày xưa là sản vật cung tiến Vua, lá và vỏ là thuốc chữa bỏng của dân gian. Rừng Sến mật tạo thành quần thể thơ mộng bởi các đồi úp bát liền kề, có thung lũng và nhiều hồ đập nước lớn tạo nên cảnh quan sơn thuỷ hữu tình quyến rũ. Nhưng không có cây sến lửa!
Cu-muôn giết thằng bạn phản làng bản nhưng lại muốn cứu rỗi linh hồn người bạn lầm lạc của mình với mơ ước:
“Nhưng mi là bạn tau. Tau thương lắm. Tau không muốn mi chết. Mi phải sống với tau. Mi nhập cái hồn mi vào cây sến này đi. Từ nay cây sến chính là mi. Tàu đêm nào cũng đến chơi với mi, nói chuyện với mi, mi bây giờ phải nh¬ư cấy sến mọc thẳng, Ba-đoong à!”. Từ đó, cây sến uống nhiều nước mắt, thấm nhiều cái thương cái nhớ của Cu-muôn thành cây sến “đỏ rực dưới ánh trăng, dưới ánh lửa của lũ làng ta đó. Nó là cây sến lửa. Nó chính là thằng Ba-đoong. Thằng Ba-đoong đã biết hối tội nằm dưới đất. Hãy nhận lấy thằng Ba-đoong khỏe mạnh, tốt bụng này, nó đứng đó, ngày mỗi cao thêm, to thêm, mọc thẳng lên trời…”
Cây sến lửa là hình ảnh tượng trưng cho tình bạn thủy chung của Cu-muôn nói riêng và của lũ làng nói chung:
Đã thương nhau rồi
Đừng như cái lá
Xanh một mùa thôi
Phải như cây sến
Mọc thẳng lên trời…
Nó cũng thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào con người , tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cuộc sống của đồng bào dân tộc. Và chính nó đã thổi vào lòng người đọc một cảm giác say sưa bi tráng khi khép lại trang truyện.

  1. NGUYỄN QUANG LẬP Post author
    Những nhận xét công bằng, chí thiết và thâm trầm đã khiến cho những ai đọc cái còm này thấy được cái tâm và cái tầm của người viết. Thích nhất bác đã chỉ ra cái điều mà bọ đã thấm rất lâu trước khi bắt tay viết truyện này: “Nó cũng thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào con người , tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cuộc sống của đồng bào dân tộc.” cũng nói thêm, nếu không sống gần đồng bào dân tộc sẽ rất dễ nhìn nhận lệch lạc về họ
  2. bachduongqt3065
    Kình chào Bác Người Làng Cốm ! Khi bạn Đồng viết còm tự nhiên BD thấy nhớ Bác và thắc mắc nỏ biết Bác đi mô mà vằng vẻ, hoá ra Bác đang mục kích 1 cái còm dài đầy tâm huyết và tuyệt vời đến vậy
    ” Cây sến lửa là hình ảnh tượng trưng cho tình bạn thủy chung của Cu-muôn nói riêng và của lũ làng nói chung:
    Đã thương nhau rồi
    Đừng như cái lá
    Xanh một mùa thôi
    Phải như cây sến
    Mọc thẳng lên trời…
    Nó cũng thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào con người , tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cuộc sống của đồng bào dân tộc. Và chính nó đã thổi vào lòng người đọc một cảm giác say sưa bi tráng khi khép lại trang truyện. ?
    Chỉ cần câu kết của cái còm mà Bác viết, BD đã thấy trên cả tuyệt vời rồi, BD chỉ biết thưởng thức văn Bọ Lập và cái còm hay của Bác Người Làng Cốm thôi như rứa là hạnh phúc lắm lắm rồi, cảm ơn và kính chúc Bác Người Làng Cốm sức khoẻ, thành đạt trong cuộc sống
  3. ngườilàngcốm
    To: @bachduongqt3065′
    Cảm ơn bachduong đã có lời khen động viên ông già người làng cốm. Chúng ta phải cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Lập, vì có văn chương của bọ, chúng ta, tuy ngàn trùng xa cách , vẫn luôn gặp nhau trên chiếu rượu Quê choa!

    1. bachduongqt3065
      Cảm ơn Bác Người Làng Cốm. Bác nói đúng , có chiếu rượu của Bọ Lập thì BD mới gặp được Bác và những người bạn cùng sở thích nghiện văn chương của Bọ Lập. Như rứa là phải cảm ơn nhiều
      – trước tiên là cảm ơn cái máy vi tính ( không có nó thì BD và Bác cùng Bọ Lập không thể thông tin lên mạng được (~_~) ).
      – sau đó là cảm ơn Bọ Lập ( vì Bọ Lập đã gây nghiện bằng những bài văn hay cho Bác, cho BD và độc giả cùng thưởng thức, bùa mê của Bọ Lập nghiện mà không bỏ được mới nguy chứ ? ) Hiiiiiiiiiiiiiiiiiii
      – Sau nữa cảm ơn Bác Người Làng Cốm đã trả lời BD tít tận khúc ruột Miền trung
      Chúc Bác luôn sức khoẻ để còn mải mê đọc, mải mê còm cho chiếu rượu của Bọ Lập thêm phần rôm rả, âm áp, vui vẻ chứ Bác nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...