Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018


Thư đi thư lại:   

ĐI CHÙA HÀ
CẦU DUYÊN
(NGUYỄN BÀNGDƯƠNG NINH NINH)


*
Trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc “Thư đi thư lại: ĐI CHÙA HÀ CẦU DUYÊN của tác gia, nhà giáo Nguyễn Bàng với cây viết trẻ Dương Ninh Ninh về truyền thuyết chùa Hà (Hà Nội) và niềm tin tín ngưỡng: cầu tình duyên ở chùa Hà trong dân gian.



Đặng Xuân XuyếnLeave a Comment

Cây bút trẻ Dương Ninh Ninh:
(Singapore 10/ 7/ 2016)

Kính thưa bác, 
Hè vừa rồi cháu có về nhà chơi chừng hơn hai tuần. Một hôm cháu đến thăm bà ngoại, đang ngồi cạnh bà thì bà bỗng ôm lấy cháu rồi vuốt tóc cháu và âu yếm bảo:

- Quả mai ba bẩy đương vừa. Cháu bà năm nay đã hăm mốt rồi mà chỉ thấy học và chơi với mấy đứa bạn từ hồi tấm bé, thế thì biết bao giờ mới có bạn trai và bao giờ mới cho bà ẵm cháu gọi bằng cụ ngoại? Hay là cuối tuần này bà đưa cháu vào chùa Hà lễ Mẫu cầu duyên nhé?

May quá, cuối tuần đó cậu mợ cháu mời cơm ông bà ngoại và cả nhà cháu. Lấy cớ phải giúp mợ bếp núc, thế là cháu không phải đi cầu duyên nữa. Sang tuần cháu trở lại Sing rồi.

Biết bác là người làng Vòng, nơi có chùa Hà được người Hà Nội gắn cho một niềm tin tha thiết vào hai chữ “tình duyên” nên xin bác cho cháu biết ít nhiều về ngôi chùa ấy đồng thời cho cháu một lời khuyên có nên đến đó lễ Mẫu cầu duyên theo lời bà ngoại cháu không ạ?

NGUYỄN BÀNG:
(Sài Gòn 11/ 7/ 2016)

Chào cháu Ninh Ninh,

1/ Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình – Chùa Hà. Trước kia chùa Hà thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), nay thuộc phố Chùa Hà phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cháu chỉ cần hỏi bác Gúc hai tiếng “chùa Hà” thì trong vòng 0,48 giây bác ấy cho gần 2 triệu kết quả, tha hồ mà tìm hiểu. Vì vậy, ở đây bác chỉ tóm lược những nét chính mà bác đã biết và đôi điều về chùa Hà trong mắt người làng bác.

Làng Dịch Vọng trước đây có 3 thôn: Thôn Tiền còn gọi là Vòng Tiền, thôn Trung (Vòng Trung) và thôn Hậu (Vòng Hậu). Người dân Dịch Vọng từ xa xưa chủ yếu là làm ruộng nhưng mỗi thôn có thêm một nghề phụ: Vòng Tiền trồng rau và trồng hoa, nổi tiếng với kinh thành là hoa lơ, cải bắp và hoa huệ; Vòng Trung có nghề hàng xáo chuyên mua thóc về xay, giã, dần, sàng thành gạo sạch rồi đem đi bán khắp chợ thì quê trong vùng. Đặc biệt là ở Vòng Hậu có nghề làm cốm từ lâu đời, cốm Vòng được nhân dân đất thành Thăng Long và các vùng miền gần xa ưa chuộng và ngày xưa, hàng năm được chọn đem vào kinh đô tiến vua.

Chùa Hà thuộc Vòng Trung, tương truyền được xây dựng từ rất lâu đời trong một xóm nhỏ không rõ xa xưa tên xóm là gì, có tên là chùa Vồi vì được xây bằng gạch vồ và lợp lá vồi. Đến đời vua Hy Tông, có  hai người buôn gốm quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) sang ở nhờ chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong, ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói. Hai làng Thổ Hà và Vòng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có chùa Vồi là Bối Hà. Do đó, người ta mới dần gọi tên ngôi chùa là chùa Hà như hiện nay.

Còn vì sao chùa Hà có tên tự là chùa Thánh Đức thì có hai truyền thuyết.  

Truyền thuyết thứ nhất: Vào thời Lý vùng Dịch Vọng đã có nhiều danh thắng nổi tiếng. Vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054 - 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa ở Vòng Hậu mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này được gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa Vồi ở Vòng Trung và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này có tên là Thánh Đức tự. Vua Lý Thánh Tông đột ngột mất năm 50 tuổi, thái tử Càn Đức lên ngôi lúc 7 tuổi, tức là Lý Nhân Tông.

Truyền thuyết thứ hai: Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460. Tương truyền, Nghi Dân Thái tử có tội với triều đình, không được nối ngôi, kết bè đảng, đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện. Vua Lê Thánh Tông còn nhỏ, phải lánh nạn về một ngôi chùa ở Vòng Hậu. Khi ấy, vua Lê Thánh Tông cũng lui tới thăm ngôi chùa ở Vòng Trung. Chùa Vòng Hậu có tên Thánh Chúa và chùa Vòng Trung có tên Thánh Đức do nguồn gốc câu chuyện trên.

Hiện nay, trước cửa chùa Hà còn có dòng chữ Hán đắp nổi trên cột trụ: "Lê Triều Chính Hòa tạo dựng" ("Chùa dựng năm Chính Hòa triều Lê"). Có lẽ, đây là lần xây dựng mới của chùa Hà vào đời vua Lê Hy Tông (1675-1705)

“Đất của vua chùa của làng”, hầu như làng nào cũng có chùa. Vòng Trung quê bác có 3 xóm thì mỗi xóm có một chùa. Vì vậy, người làng thường chỉ lên chùa ở xóm mình với mong ước cầu bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu hay tìm một chút bình tâm ở chốn không gian tâm linh thanh tĩnh.

Hồi bác còn nhỏ chỉ thấy dân làng truyền tụng nhau câu: “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”, ý nói Đức ông chùa Hà rất linh thiêng. Đức ông là một pho tượng trong số các tượng được thờ ở toà Phật điện như tượng Tam thế, A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, A Nan Đà. Nhờ câu truyền tụng này, riêng chùa Hà còn được nhiều người quanh vùng và nhiều người trong thành Hà Nội đến thăm viếng và cầu lễ vào các ngày ba mươi, mồng một, mười tư mười rằm. Nhưng tuyệt nhiên, không thấy ai nói tới chuyện chùa Hà linh thiêng về việc cầu duyên.

Những năm bác trọ học ở Hà Nội, nghỉ hè, thường về quê chơi vài lần. Hai anh em bác và một số bạn làng thường rủ nhau ra chùa Hà câu cá. Trụ trì chùa là một sư nữ đã có tuổi và thêm hai ni cô còn trẻ, cả ba vóc hạc khẳng khiu, vẻ mặt buồn hiu và rất kiệm lời. Hai cái ao chùa nhỏ bé kín đầy bèo cái, phải lấy cần câu gạt để hở một vũng nước thả thính rồi mới thả dây câu. Cá cắn câu thường chỉ là những con mài mại bằng ngón tay trắng mỏng hay những con cá cờ bằng hai đầu đũa. Năm thì mười hoạ, cả bọn mừng rỡ reo hú lên khi có người giật được một con rô to gần bằng bàn tay, đen trẫm và gọi nó là con rô cụ.

Sau ngày giải phóng thủ đô 1954, chùa Hà vắng bóng người đến lễ và viếng cảnh, khói hương thưa nhạt dần. Đặc biệt trong CCRĐ đầu năm 1956,  mấy mảnh ruộng trước cửa chùa Hà được chọn làm bãi đấu tố và xử bắn địa chủ cường hào gian ác nên chiều hôm và đêm tối nhiều người có việc phải đi qua chùa Hà đều cảm thấy rờn rợn.

Trong ba chùa ở thôn Trung, chùa Hà lớn hơn chùa Tháp đôi chút nhưng bé hơn chùa Thọ khá nhiều. Vì vậy trong CCRĐ, sư trụ trì chùa Hà không bị hệ luỵ nhưng sư trụ trì chùa Thọ thì bị quy là địa chủ vì ruộng chùa nhiều, vườn chùa rộng. Sư ông chùa Thọ năm đó đã gần sáu mươi được dân thôn rất quý trọng đã bị đem ra đấu tố vì tội phát canh thu tô bóc lột nông dân nghèo và bị kết án cải tạo 8 năm. Nhưng may cho ông, mới ngồi tù 2 năm thì có chính sách sửa sai nên được tha về. 

Hai năm chùa Thọ không có người trụ trì, xóm thôn vắng bặt tiếng chuông sớm mai và chiều hôm, vườn chùa hoang xơ thành nơi cho trẻ thả trâu rồi lên sân chùa chơi khăng chơi đáo. Chỉ ngày Rằm, vài vãi già có tâm mới bảo nhau lên quét dọn và thắp vài nén hương để thần phật đỡ phần cô quạnh. Khi sư ông về lại chùa thì không có gạo ăn, phải vào trong dân xin, kẻ nhiều người ít, có người còn cho thêm củ su hào, quả su su và bày cho sư ông cách nấu cháo su hào, cháo su su ăn với muối trắng. Ruộng chùa đã bị chia quả thực hoặc xung vào hợp tác xã. Giờ chỉ còn mảnh vườn hoang phế, sư ông tự cởi áo cà sa, cuốc đất trồng rau và vun trồng lại cây quả. Ít lâu sau, rau vườn chùa đã xanh mướt, cây vườn chùa đã hồi sinh và cho quả. Từ đấy, người ta thấy sớm mai chiều hôm, sư ông, vẫn như ngày xưa, khoác chiếc tay nải màu nâu gụ đi trên đường làng, thấy bé con nào cũng lấy một hai trái cây từ trong tay nải ra cho bé, tuỳ mùa, khi thì quả roi, khi thì chùm nhỏ nhãn. Số còn lại, nhà sư rẽ vào các nhà thăm biếu các ông già bà cả hay người đang bị ốm.

Từ năm 1957, không còn tuổi đi câu nữa và cũng không được đi học nữa, bác bắt đầu kiếm sống xa Hà Nội, không mấy khi về quê nên gần như quên mất chùa Hà. Cho đến cuối năm 1968, khi chiến tranh leo thang của Mỹ đánh phá ác liệt nhất, từ vùng quê sơ tán ở miền biển, bác đưa vợ con về quê ăn Tết trong những ngày tạm yên bom đạn, bỗng nghe từ u bác đến vợ chồng ông anh trai rồi cả vợ chồng bà chị gái bác đều nói, người ta đồn đại chùa Hà bây giờ thiêng lắm, ngày rằm mồng một, nhằm các khung giờ máy bay Mỹ ít bắn phá, người ngoài Hà Nội và cả người tứ xứ, từ quan chức đến sĩ quan quân đội, công an, viên chức nhà nước đến dân thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và người nội trợ...nườm nượp đổ về chùa Hà cầu khấn. Thôi thì đủ măt xe comangca, xe volga, xe máy Liên Xô, Đông Đức và Tiệp Khắc rồi xe đạp Mifa, Diamant, Favorit...và cả người đi xe điện..Dân làng ta được dịp may, rủ nhau xoay qua nghề bán hương, hoa quả và tiền vàng, ngồi kéo dài non cây số từ dốc chân Cầu Giấy về sát bên chùa Hà. Mấy ông biết chữ nho cũng ra treo biển “Nhận viết sớ” cạnh Tam quan chùa. Nhiều nhà nhổ hết rau vườn để trồng hoa bán. Chị cả bác đang bán gạo bên lề đường bưu điện Cầu Giấy cũng bỏ thúng mủng chuyển sang công việc mới này.

Sau hiệp định Paris 1973, bác lại về thăm quê. Lần này nghe người nhà và người làng nói khác hẳn lần trước: 

- Không biết từ đâu, người Hà Nội lại gắn cho chùa Hà làng ta một niềm tin tha thiết vào hai chữ “tình duyên”, đi thì lẻ bóng về thì có đôi. Giờ, chùa Hà không chỉ các quan chức, các cụ cao niên và trung niên đến thắp hương mà đông nhất lại là các bạn trẻ, các nam thanh nữ tú đến đây cầu duyên. Mấy ông treo biển “Nhận viết sớ” nay cũng thêm vào hai chữ cầu duyên thành “Nhận viết sớ cầu duyên”, kiếm khối tiền.

Không còn lo sợ máy bay Mỹ bắn phá nữa, người ta đến chùa Hà từ mờ sáng đến sẩm tối. Đông nhất là nơi có ban thờ Thánh Mẫu. Tả gái chen chân nhau dâng lễ cầu xin Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải xót thương cho vì nay nhân duyên cho hôn nhân trăm năm chưa đến mà ban cho duyên lành như ý nguyện trong nay mai, để rồi cho được sinh trai, sinh gái đầy nhà vui vẻ khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, mãi mãi bình an khang thái.

2/ Xin bác cho cháu một lời khuyên có nên đến đó cầu duyên không ạ?
Cháu cho bác một câu thật khó trả lời. Đến hay không là tuỳ vào lòng tin của cháu và cả lòng tin của bà ngoại cháu về chùa Hà cùng tình yêu thương của bà dành cho cháu.

Nhưng như trên đã nói thì chùa Hà có ở quê bác đã cả mấy trăm năm rồi. Suốt mấy trăm năm ấy, theo các cụ kể thì người làng bác không có chuyện đến chùa Hà cầu duyên, không phải vì “Bụt chùa nhà không thiêng” mà vì chưa bao giờ có truyền tụng về sự linh thiêng trong việc cầu duyên ở chùa Hà mà chỉ truyền tụng nhau câu nói “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”  

Dân làng Vòng, khi trai khôn đến tuổi lấy vợ, gái ngoan đến tuổi tìm chồng thì gia đình tìm chọn dâu rể cho con cho cháu hoặc nhờ mai mối đánh tiếng hộ và ai cũng thích chọn vợ chọn chồng theo chuẩn “Gái hơn hai, trai hơn một”, nhiều nhà khá giả nhưng neo người cần có một nàng dâu đảm để gánh giang sơn nhà chồng thì tìm cho con một cô vợ hơn chồng đến 5, 6 tuổi. Chẳng thấy ai đem con cháu lên chùa Hà cầu duyên bao giờ. 

Bây giờ chùa Hà nổi tiếng linh thiêng cầu duyên nhất Hà Nội thì người làng bác cũng lấy làm vui và tự hào. Nhưng với chùa nhà,  người ta chỉ quan tâm xem những ai được cử vào ban quản lý chùa Hà, người ấy người nọ có quan hệ gì với quan chức nào trong phường Dịch Vọng và người ta bàn tán xôn xao như sóng dậy mỗi khi có chuyện hòm công đức bị đánh cắp hay bị móc ruột trộm tiền.

Hẳn cháu cũng biết câu ca dao này:

Ruộng ai thì nấy đắp bờ 
Duyên ai nấy gặp, đợi chờ uổng công.

Đây là một câu ca dao rất hay về chủ đề tình duyên. Ý muốn nói có duyên thì tự khắc sẽ đến được với nhau, còn không duyên thì đợi chờ bao lâu cũng không có kết quả. Cái duyên của mỗi người đã mặc định là thế, vậy thì, có cần phải đi chùa khấn vái để xin ban cho duyên lành như ý nguyện, đi thì lẻ bóng về thì có đôi hay không?

Cháu mới ba bẩy hai mốt, còn quá trẻ lại xinh đẹp, có học và sắp sửa đi làm, chắc cháu sẽ tự trả lời cho mình một câu tốt nhất.

Dương Ninh Ninh
(Singapore 11/7/ 2016)

Cháu cảm ơn bác đã cho cháu hiểu thêm những điều không có trong các bài viết về chùa Hà. Tuy bác không nói thẳng lời khuyên cháu nên hay không nên đi chùa Hà quê bác cầu duyên nhưng cháu cũng đã hiểu ý bác và tự nhủ sẽ chẳng đi làm gì vì con đường tình, nó có lối đi riêng của nó và tình yêu, nó có tiếng nói riêng của nó. Sao phải theo nhiều người đi chung một con đường lên chùa Hà, nói chung một tiếng nói trong văn khấn và viết chung mấy lời lẽ trong sớ cầu duyên để cầu cho cái duyên của riêng mình?

Cháu kính chúc bác luôn vui khoẻ! 

VĨ THANH:

Hơn một năm sau, tháng 9 năm 2017, Dương Ninh Ninh lấy chồng người Trung Quốc. Trước khi về nhà chồng bên Thâm Quyến, cô có gửi cho tôi cùng hai nhà thơ Nguyễn Khôi và Đặng Xuân XuyếnLÁ THƯ TẠM BIỆT. Trong thư, cô có nhắc lại câu: con đường tình, nó có lối đi riêng của nó và tình yêu, nó có tiếng nói riêng của nó để chúng tôi khỏi hiểu lầm, cô lấy chồng người Trung Quốc lại là cháu ruột bà chủ cty cô đang làm vì không thoát khỏi sự quyến rũ của một gia tộc giàu sang.

Cô cũng cho chúng tôi biết, người cô ruột của chồng cô, bà Lý Diễm Ninh đang hướng các cháu “một vài năm tới nên tìm đến một nước trong top 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới để làm ăn sinh sống và để được hưởng mọi tốt đẹp về quyền con người. Còn một lẽ nữa, ở Trung Quốc chỉ được sinh một con mà nhà họ Lý chúng ta đang cần có đông con cháu nên cô trông cậy vào sự góp phần này ở hai đứa”.

Cuối thư, Dương Ninh Ninh viết: cô sẽ tạm dời văn chương chữ nghĩa vì “Với nhiệm vụ mới sắp tới là làm vợ, làm người phụ tá cho chồng trong thương trường và rồi sẽ làm mẹ những đứa con như bà Lý Diễm Ninh mong đợi, dẫu cháu chỉ muốn được ở nhà nấu ăn, đọc sách báo, thơ văn, chăm sóc gia đình như bao người phụ nữ bình thường khác cũng chưa chắc dễ gì cho được.”

Biết thế, nhưng tôi vẫn hy vọng Dương Ninh Ninh sẽ đọc lại Thư đi Thư lại về chuyện Đi Chùa Hà Cầu Duyên này.

NGUYỄN BÀNG
Sài Gòn tháng 5/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...