Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

Một số trí thức Việt có cái nhìn ‘xét lại’ ngày 30/4 
Ông Thành Chương còn giữ các huân huy chương này đến nay mới vứt bỏ. Mình có 01 huân chương chống Mỹ cứu nước hạng hai, một huy chương vì sự nghiệp giáo dục, mình đã cho cháu ngoại chơi từ hồi nó mới được 2,3 tuổi rồi vứt đâu không biết. Hàng chục bằng khen giáo viên giỏi cấp Thành, giấy khen của Bộ thì để góc tủ, mối đã xông nát bét từ năm 2002 rồi.

Một số trí thức Việt có cái nhìn ‘xét lại’ ngày 30/4 

VOA Tiếng Việt 30/04/2018 - Một số trí thức Việt Nam có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội mới đây đưa ra những quan điểm có tính chất “xét lại” sự kiện 30/4, ngày Việt Nam gọi là “giải phóng miền Nam” nhưng nhiều người lại coi là “ngày quốc hận”, thu hút hàng nghìn lượt phản ứng và chia sẻ trên mạng. 


Họa sĩ Thành Chương tự hỏi có nên vứt bỏ các huân 

chương, huy chương thời "chiến tranh chống Mỹ"
Họa sĩ Thành Chương hôm 28/4 đăng một bài ngắn trên Facebook cá nhân, cho biết, năm 1967 ông đã từ chối đi học ở Đức để nhập ngũ, “sẵn sàng hy sinh, chiến đấu cho lý tưởng Cộng Sản cao đẹp và sự nghiệp Chống Mỹ Cứu Nước vĩ đại!” 

Đăng cùng bài là tấm ảnh cho thấy một số huân chương, huy chương mà ông được trao, ghi nhận ông “có công” trong quân ngũ. Song họa sĩ nổi tiếng hiện sống ở Hà Nội viết: “Xưa những tấm huân chương, huy chương này là niềm vinh dự tự hào! Nay thấy chúng thật vớ vẩn, vô nghĩa!” Ông cũng tự hỏi “nên giữ hay vứt chúng đi đây???”

Trong một đoạn khác, ông Chương nói 43 năm qua, cứ đến ngày 30/4, “luôn có một đám” mà ông mô tả rằng không chỉ “ăn mày dĩ vãng, giờ chúng Ăn Cướp cả qúa khứ và dĩ vãng để mưu cầu danh lợi!”

Họa sĩ không nói cụ thể những người ông gọi là “một đám” đó là ai. Ông kêu gọi “Xin gác cái quá khứ hào hùng ấy lại! Sống cho hiện tại và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn!”

Bài viết 171 từ của ông đã nhận được ít nhất 5000 phản ứng ủng hộ lẫn chia sẻ trên mạng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một blogger có nhiều ảnh hưởng qua các bài viết phản biện về chính quyền, nói với VOA rằng ông thấy “bàng hoàng” về những ý kiến “gay gắt” của họa sĩ 69 tuổi, vốn từng có thời gian dài làm báo và suốt đời không “va chạm gì với chính trị”.

Ông Diện cho rằng quan điểm mới thể hiện của ông Chương cho thấy trong lòng cá nhân họa sĩ, và rộng hơn là nhiều trí thức Việt Nam, họ “nuối tiếc” những hy sinh ở tuổi thanh xuân để rồi nhận lại là một đất nước sau nhiều thập kỷ còn kém phát triển, cùng với tham nhũng tràn lan.

Ông Diện nói với VOA:

“Họ hy sinh xương máu như vậy là để phấn đấu cho một đất nước giang sơn liền một dải, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, tiến kịp các nước. Nhưng cung cách quản lý, điều hành đất nước của nhà cầm quyền hiện nay khiến họ buồn quá. Phản ứng đó là không phải là với quá khứ của cuộc chiến, mà đấy là sự phản ứng của người trí thức từng tham gia cuộc chiến đối với cách điều hành và lãnh đạo đất nước của nhà cầm quyền hiện tại”.


2 Ý KIẾN:



Bình luận về việc Hoạ sỹ Thành Chương vứt bỏ Huân chương kháng chiến bạn Le Mai Phuong viết: “Sao lại có thể nói thế về những tấm huân huy chương. Nó là máu xương của cả một thế hệ thanh viên quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đấy!”. Trời ạ! Đừng có lẫn lộn xương máu cá nhân với xương máu cộng đồng và đừng có đánh đồng xương máu của các thế hệ cha anh chiến đấu hy sinh vì Độc lập - Tự do của Tổ quốc với những tờ giấy chứng nhận xương máu và lòng yêu nước ấy! Những tờ giấy ấy giống như tiền giấy do đám quyền chức in ra, không thể đánh đồng với Vàng trong Ngân khố. Cả đám cầm quyền tuy miệng xoen xoét nhớ ơn rồi vinh quang này nọ, nhưng trong đáy lòng họ cũng biết rằng hiện nay chỉ đám quyền chức có thể sống và cướp bóc bằng cách nhân danh xương máu ấy, còn những người đã đẻ ra các chiến sỹ và bản thân những chiến sỹ đã hy sinh xương máu ấy không thể nào sống được bằng mấy tờ “tín phiếu lịch sử” có tên là Huân Huy chương, vì những tín phiếu này đã bị một bọn người bất tài thất đức nhưng tàn ác và giàu thủ đoạn nhân danh phát triển để chuyển đổi giá trị trong đời sống dân tộc, cướp công của những thế hệ đã đổ máu hy sinh. Trong bối cảnh chuyển đổi giá trị ấy, Huân huy chương cũng giống như tiền cũ sau đợt đổi tiền vậy! Khi tiền không còn giá trị thì vứt đi đâu phải là lãng phí? Vì thế, từ giữa thập kỷ 90 đạo diễn Lê Mạnh Thích đã làm phim “Chìm nổi sông Hương” có cảnh một cựu chiến binh thả Huân chương xuống dòng sông. Một bác nhà văn đầu đàn đáng kính đã đem Huân chương đổ ra gốc chuối. Khi con hỏi sao bố lại đổ đi, ông nói:“Chẳng để làm gì!”. Tại sao ta có thể giữ lại một mảnh giấy nhàu nát có ghi mấy chữ bạn bè, một bưu thiếp nhận được từ mấy chục năm trước…mà không giữ lại Huân chương? Vì Huân chương giờ đây hầu như chẳng có bao nhiêu hàm lượng tình người và giá trị văn hoá bền vững trong ấy. Bao người cống hiến không nhận được Huân huy chương, bao người phải mua bán chạy chọt Huân huy chương. Đây cũng là thứ hàng Đa cấp liên quan đến một đường dây trong đó có lắm kẻ lừa đảo. Các danh hiệu GS, NSUT, NSND cũng hổ lốn thực giả lẫn lộn như vậy thôi! Vì thế, tôi cũng đã muốn trả lại cái danh hiệu NSƯT, một phần vì nó là sản phẩm bền vững của các tiêu chí nội địa nhóm nhỏ và phiến diện được đặt ra và duy trì bởi các nhóm lợi ích điện ảnh để ban phát cho nhau và chèn ép những người như tôi mấy chục năm qua. Về thực chất danh hiệu này không xứng đáng với tôi, nhiều NSND cũng chẳng có một phần thành tích nghệ thuật với ảnh hưởng xã hội và ảnh hưởng quốc tế như tôi. Vì thế, có thể hiểu và đồng cảm với những người vứt bỏ Huân huy chương như Hoạ sỹ Thành Chương và Nhà văn gạo cội bố của bạn tôi.

Tôi nghĩ
NÊN GIỬ HAY VỨT CHÚNG ĐI?
Đưa ra một đống huân, huy chương kết quả của việc từ chối du học, viết đơn bằng máu xin ra trận, đi theo lý tưởng từng nghĩ là cao đẹp của người cộng sản họa sỹ Thành Chương bày tỏ nỗi băn khoăn nên giử hay vứt chúng đi. Ông còn đăng tải cả tấm hình đứng oai dũng ngày ở chiến trường. Và như ai oán, như nghẹn nghào, như phẫn uất ông viết rằng:" không phải chỉ là ăn mày mà chúng đang ăn cướp dĩ vãng ". Nỗi trăn trở, niềm đắng cay rằng tuổi trẻ, máu xương bao thế hệ đã đúc lên một chế độ như hôm nay là có thực, không riêng họa sỹ Thành Chương. Họa sỹ Thành Chương, không chỉ thành danh trong nghề, còn nổi tiếng với địa chỉ văn hóa có tên gọi Biệt phủ Thành Chương. Ông là con trai nhà văn Kim Lân.






 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...