Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

 Đời yếm



Nguyễn Quang Lập

Chẳng biết cái yếm có từ thời nào, nghe nói nó có từ thế kỉ 12 triều Lý.  Xưa dân mình quen ăn chắc mặc bền, áo quần còn chưa đủ mấy ai để ý đến nội y. Sáng kiến cải tiến nội y đặc săc này chắc chắn là của các công chúa, các tiểu thư phu nhân nhà quí tộc.  Người ta nói cái yếm ra đời để tôn cái lưng ong, thì đúng rồi, nhưng trước hết nó che bộ ngực, nơi đàn ông hay để ý tất phải có cái che đậy, bảo vệ.
             Thoạt kì thuỷ chiếc yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét làm cổ, hai đầu đính mẩu dây để cột ra sau gáy. Sau thì thiên hình vạn trạng. Cổ khoét tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn….
Nghệ thuật nửa kín nửa hở của cái yếm gọi là tuyệt chiêu, cả ba góc luôn tình trạng sắp nhìn thấy nhưng vẫn kín đáo như thường. Tấm lưng ong lộ thiên phía sau, bộ ngực nẩy rung rinh phiá trước vô cùng hấp dẫn. Về sau sinh ra cái nịt ngực để bảo vệ bộ ngực, làm cho ngực khỏi sệ lại tránh được hoàn toàn mọi góc nhìn xéo của cánh mày râu.
Cái nịt ngực lúc đầu chỉ là tấm vải thô buộc chặt ngực, sau mới khoét lỗ cho thoáng, làm dây buộc cho tiện, gọi là cái xu chiêng. Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, xâm lược luôn cái yếm, mẫu corset của đàn bà tây chế ngự ngực đàn bà ta rất nhanh. Gái tân thời nêu gương đeo trước, về sau cả tân thời lẫn nạ dòng, cả gái quê lẫn gái thị thành đều đua nhau đeo, cái yếm tuồng như biến mất, chỉ còn lại nơi đàn bà thuần chất quê.
Thực ra nịt ngực là biến dạng của cái yếm, nó sinh ra vì nhu cầu có bộ ngực đẹp của phụ nữ, độ nửa kín nửa hở rõ ràng hơn. Đàn bà xưa nay đều vậy, vừa muốn che vừa thích khoe, cái yếm tưởng hở nhưng kín như bưng, nịt ngực khác, góc nào cũng lồ lộ những khoảng da thịt trắng ngần, gợi cảm hấp dẫn.
Ngày nay nơi gọi xu chiêng, nơi gọi nịt ngực, nơi gọi cooc-sê tùm lum tùm la. Trước 1975 không biết miền Nam gọi là gì chứ miền Bắc đều gọi  là cooc- sê, gọi thế vừa thanh lại vừa oách. Thời này chiến tranh ác liệt, dân chúng đào hầm phòng chống bom đạn thì cái cooc- sê cũng cố thủ bằng một lớp vỏ rất dày.
Lúc đầu chị em còn cho may chồng lớp nhiều lớp vải dày cộp, sau còn lót cả catton , giống hai cái phễu nhọn cứng. Ra đường cô nào cô nấy hai khối nhọn hoắt, càng nhọn càng oách. Chả hiểu ngực cứng nhọn thì đẹp kiểu gì nhưng các cô đua nhau cứng nhọn.
Đã thế còn thắt rất chặt, ép bộ tuyệt lê trong hầm catton, thời này chị em toàn cài cúc, mỗi lần cài cúc vô cùng khó, phải có người đứng sau giúp cài cho, rất phức tạp nhưng chẳng ai chịu nới rộng ra. Nhiều người bị viêm loét ngực cũng vì thế nhưng chẳng ai rời mốt nhọn cứng, cứ đua nhau cứng hơn nữa, nhọn hơn nữa, rất lạ.
Cô nào ngực nhỏ còn độn cả một lớp vải dày cứng, đôn cái cooc- sê lên thật cao thật nhọn cho bằng chị bằng em. Nhiều cô đầu nhọn cooc- sê đâm thủng cả áo. Đi xem phim đứng trước chị em, lỡ cô nào đè ngực vào lưng, hai cái đầu nhọn đâm một phát, đau chết điếng.
Miền Nam giải phóng, ngực chị em  miền Bắc cũng được giải phóng luôn, cái cooc-sê cứng nhọn chật cứng của chị em miền Bắc gần như đồng loạt biến mất, thay vào đó là cooc-sê mút mềm mại nhẹ nhàng rộng rãi của miền Nam.
 Cho  đến năm 1980 trở đi mốt nhọn hoắt nhường chỗ cho mốt tròn đều. Các cooc –sê có thêm một gọng đỡ bằng thép hay nhựa cứng, ngoài có viền đăng ten nhìn rất ngon mắt. Dần dà các loại cooc-sê được cải tiến thiên hình vạn trạng, cooc –sê không dây vai, cooc- sê khuy móc phía trước, cooc- sê may liền áo, cooc- sê hoàn toàn không dây, chỉ hai cái kẹp móc liền ngực vô cùng giản tiện.
Ngày nay hình như chị em đang chán các loại cooc-sê, nhiều người không thèm đeo nó nữa, họ thích sự rung rinh gợi cảm khi di chuyển hơn là cứ đóng đinh chật cứng, mất cả mềm mại. Cái yếm ngàn xưa lại trở về, trên sân khấu, ngoài đường phố ta thấy gái tân thời ngay nay đang đeo những cái yếm tân thời thay luôn cả áo. Cái yếm khéo phô cái eo thon và làn da trắng mềm mại, khoe luôn đôi cánh tay tròn lẳn, ba góc chéo luôn ở tình trạng sắp nhìn thấy, mỗi bước đi lại rung rinh rung rinh.
 Thế mới biết ông bà ta xưa thật khéo chơi.
( Bài viết cho Thời trang trẻ)


ngườilàngcốm
MẤY LỜI PHỤ HỌA CÙNG BỌ LẬP
Đọc “ĐỜI YẾM”, tâm đắc nhất hai câu nói của Nguyễn Quang Lập:
*Câu1: “Người ta nói cái yếm ra đời để tôn cái lưng ong, thì đúng rồi, nhưng trước hết nó che bộ ngực, nơi đàn ông hay để ý tất phải có cái che đậy, bảo vệ.”
1 – Đúng là đàn bà biết mặc yếm thì thêm xinh thêm đẹp:
Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh
Có cái yếm thắm, lại thêm khuyên vàng, áo the nâu, nón đội đầu, mọi vẻ lam lũ của người đàn bà thôn quê biến hết nhường chỗ cho vẻ xinh tươi một thời con gái trở lại:
“Thúng cắp bên hông nón đội đầu
Khuyên vàng yếm thắm áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng môi hồng má đỏ au”
(Đường về quê mẹ – Đoàn Văn Cừ)
Cũng vì thế, khi người đàn bà đã có chồng, nghĩa là chẳng cần xinh đẹp cho ai nữa và khi đã vú xếch lưng eo, chẳng còn đâu xinh đẹp nữa, thì cái yếm không còn trở nên quan trọng:
Chửa chồng, yếm thắm đeo hoa
Chồng rồi, hai vú bỏ ra tày giành!
Khi trai gái phải lòng nhau, nhiều anh trai đã mua yếm thắm tặng các cô gái, không chỉ để vui lòng bạn tình mà còn để nàng thêm xinh thêm đẹp với đời. Nhưng rồi vì một lý do nào đó, cô gái lấy người khác, thì không thể không đòi lại cái yếm thêm xinh thêm đẹp ấy. Và thế là bao nhiêu lời yêu trước đây trở thành lời cãi cọ đầy hờn đầy giận:
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em có chồng rồi trả yếm cho anh
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi!
2. Cũng đúng, cái yếm là vật che bộ ngực, đúng hơn là che trước bụng. Phải chăng dân ta gọi là yếm vì nó giống như cái yếm của con cua?. Người Trung Quốc cũng dùng yếm, họ gọi là cái “đỗ đâu” (đỗ = bụng, đâu = che), nhưng thông thường họ gọi là áo lót mình. Bài “Tiết phụ ngâm” của Trương Tịch do Tản Đã dịch có viết:
“Chàng hay em có chồng rồi
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành
Vấn vương luống cảm mối tình
Em đeo trong áo lót mình màu sen
Nhà em vườn Ngự kề bên
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang
Như gương vâng biết lòng chàng
Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa
Trả ngọc chàng lệ như mưa
Giận sao không gặp khi xưa có chồng”
3 – Và lại đúng nữa là: “nơi đàn ông hay để ý tất phải có cái che đậy, bảo vệ”.
Chỉ cần cái yếm bị tốc lên là sinh chuyện:
Gió nam đánh tốc yếm đào
Anh nghĩ oản trắng, anh vào thắp nhang…
Trương Tửu có cả một tiểu thuyết nhan đề : “Khi chiếc yếm rơi xuống” mô tả lại nguyên nhân trụy lạc của Hậu, từ một cô gái quê hiền lành trở thành một đĩ điếm. Khi chiếc yếm rơi xuống cũng đồng nghĩa với không còn cái gì để bảo vệ cái đẹp của đời người!
*
*Câu hai: “Đàn bà xưa nay đều vậy, vừa muốn che vừa thích khoe, cái yếm tưởng hở nhưng kín như bưng, nịt ngực khác, góc nào cũng lồ lộ những khoảng da thịt trắng ngần, gợi cảm hấp dẫn.”
1- Đúng thế.
Nhưng dẫu muốn khoe đến đâu, các bà các cô ngày xưa vẫn không vượt ra khỏi cái ước lệ ngàn lần ý nhị là, thường đi kèm với yếm là chiếc áo cánh khoác ngoài không cài nút.
Chỉ từ khi mẫu corset của đàn bà tây chế ngự ngực đàn bà ta thì cái sự thích khoe lại không có gì bị chế ngự. Xin đọc lại cái cảnh cô Tuyết em ông Văn Minh Âu Hóa, con gái cụ cố Hồng “Biết rồi khổ lắm nói mãi” vừa che vừa khoe hàng dưới ngòi bút của ông vua phóng sự Bắc Kỳ Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết “Số đỏ”:
“Lần này là lần đầu Xuân dám tán tỉnh – và cũng có cơ hội – nên Tuyết rất lấy làm cảm động. Muốn giấu sự xúc động, cô chỉ đống vú cao su hỏi:
– Những cái gì thế ông?
– À, những vú cao su đấy … Ðể cho phụ nữ tân tiến văn minh Âu hoá.
– Thế à! Ðể tôi mách chị em bạn tôi mới được. Tôi có nhiều bạn gái mới lắm. Như thế là đắt khách cho hiệu Âu Hoá của ông đấy nhé?
Xuân nói nửa nạc nửa mở:
– Chứ còn cô thì không cần dùng.
Tuyết bĩu môi và ưỡn ngực ra:
– Cần gì nữả. Vú tôi thế này lại không nở nang chán ra hay saỏ Mấy cô gái mới chả có cái ngực như tôi được! Mà thật đấy chứ không bằng cao su đâu nhé?
Chừng như sợ mình chỉ nói thế chưa đủ là văn minh tân tiến, Tuyết lại bảo:
– Tôi cho phép ông khám mà xem!
Tinh quái, Xuân Tóc Ðỏ còn khoanh tay sau lưng:
– Thời buổi này, biết sao được! Giả dối hết thẩy! Yêu cũng yêu giả dối, tân thời cũng tân thời giả dối, hủ lậu cũng hủ lậu giả dối!
Tuyết phải cáu một cách rất chính đáng mà rằng:
– Thì ông cứ thử khám xem tôi có … giả dối không này!
Xuân nhìn ra phía ngoài không thấy có ai, liền phóng tay lên ngực Tuyết, nắn tay xem của thật hay của giả … Sau khi không còn nghi ngờ gì nửa nó cảm ơn bằng cách tiện thể hôn luôn tay của Tuyết mà rằng:
– Chỉ có một mình quý nương là không giả dối như đời mà thôị”
Và bây giờ, cái sự Âu hóa đã đi qua non một thế kỷ, nếu Xuân Tóc đỏ sống lạị chắc sẽ không phải cảm ơn cô Tuyết nửa câu vì ngoài đời nhan nhản các quý nương công khai khoe hàng, từ những cô gái ngồi xe máy, ngồi sau xe ôm, ngồi ăn bún trên vỉa hè, hay thậm chí ngồi trong quán café với chiếc quần có thể là bò hay vải mặc rất trễ khoe ra một cái khe mông. Tới những nơi công viên, bến xe, siêu thị…, đâu đâu cũng dễ bắt gặp các cô gái ăn mặc mát mẻ, khoe nội y chứ không thèm khoe yếm! Họ coi việc khoe hàng là mốt, là nghệ thuật. Vì vậy cả các bé gái đang trong “tuổi ô mai” nói theo chữ trên báo lá cải, tuổi “mực tím”, nói theo báo Hoa học trò, “tuổi teen”, nói theo tiếng Anh bồi, cũng thi nhau chụp ảnh để trở thành những “hot teen” với những kiểu dáng đứng ưỡn ẹo trong trang phục mát mẻ.
2 – Và đây mới là cái độc nhất vô nhị, chỉ có ở Việt Nam: Các “sao” Việt, hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên đang chuyển sang một trào lưu mới: cởi áo tụt quần chụp ảnh nude để làm… từ thiện với danh nghiã Nude nghệ thuật để làm cái việc vô cùng cao qúi! Làm từ thiện để cứu rỗi người nghèo. Trong khi chỉ thấy, chỉ nghe thấy các sao nước ngoài họ nude để tuyên truyền phòng chống ung thư vú, hoặc phản đối việc dùng da thú may áo quần… Hoặc họ thẳng thừng rằng cởi để khoe hàng, cởi chỉ vì thích cởi. Chứ ít khi nghe họ cởi áo tụt quần để làm… từ thiện?
Nguyễn Quang Lập đã có kịch bản phim “Đời cát” nổi danh. Nếu entrry “Đời yếm” cũng thành kịch bản phim, chắc lấy máy ủi cũng sẽ gạt ra không hết các ứng viên nữ “Sao” ấy xin đóng vai chính!
*
ÔI! Cái yếm ngày xưa, sang như cái yếm thắm, cái yếm đào, cái yếm hồng, nghèo như cái yếm sồi, cái yếm nâu…yếm nào cũng đẹp, yếm nào cũng đã đi sâu vào ca dao Việt Nam với bao tình cảm nhớ nhung, mong đợi , trao tình, khao khát nên vợ nên chồng và cả xót thương tiếc nuối khi duyên phận không thành:
Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân.
Những cái yếm muôn năm cũ ấy, hồn ở đâu bây giờ?!

  1. Zhivago
    Tự dưng đọc còm của bác em lại thèm cốm. Nghe đâu nghề cốm ở HN đang mai một, buồn quá là buồn.
    Riêng về câu
    “Kiếp sau đừng hóa ra người
    Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân.”
    câu thơ hay lắm nhưng em mà biến được thành quần áo của người tình nhân thì em sẽ biến thành cái mà c điếc gọi là “quần mõm bò” cho sướng. Ai mà chả thích ở ngay “thủ đô”, lên miền cao nguyên chi cho nó cực bác.
    1. bachduongqt3065
      Tự dưng đọc còm của bác em lại thèm cốm. Nghe đâu nghề cốm ở HN đang mai một, buồn quá là buồn.
      **********************
      Zhivago nói y chang miềng nghĩ, cảm ơn bạn hỉ ? Chừ Bác Người Làng Cốm mời nải chuối cau vàng ươm đó BD và bạn cùng xơi tạm, ngon tuyệt trần đời đó nghe
      Hi Hi Hi
    2. ngườilàngcốm
      Cốm nói chung và Cốm làng Vòng quê mình nói riêng, giờ bị làm giả cả rồi, giả nhất là nhuộm màu bằng hóa chất làm mất đi cái lành của cái màu xanh tươi như ngọc thạch ngàn xưa. Nhưng mình không thể nói gian rằng: “Tôi không phải ngườilàngcốm!”
  2. mrxuanloc
    Trả ngọc chàng lệ như mưa
    Giận sao không gặp khi xưa có chồng”
    Có lẽ câu này phải là:
    Giận sao không gặp khi chưa có chồng.Thì đúng hơn?
    Người làng gốm thật nhiều chữ nghĩa, công phu và tinh tế quá.Ngày nay cái yếm đào đi cặp với chiếc quần jean trông hay ra phết đấy.Đông tây kết hợp thật tuyệt.Có điều người làng cốm bảo bọ làm phim đời yếm thì hơi bị khó cho bọ rồi…Cát thì muôn đời vẫn là cát,thủy chung son sắt ,còn yếm thì…giống họ nhà bướm vậy,thiên hình vạn trạng,thay đổi khó lường,làm xong chưa kịp chiếu thì có khi lại depor mốt mất rồi…hu hu
    Chúc mừng cái yếm hồi sinh.,
    Chúc da thịt chị em mình trắng thơm
    Ba góc thư thái tâm hồn
    Cho người làng cốm vấn vương xế chiều.
    Ngày đầu tuần làm việc hiệu quả.
    1. ngườilàngcốm
      Đúng là “khi chưa có chồng” tựa như câu ca của ta “ những ngày em còn không”. Cảm ơn mrxuanloc đã đính chính cái sai do mình gõ nhầm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...