Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018


 Nghiện thơ




Nguyễn Quang Lập

Bây giờ hình như anh em nhà thơ trẻ không nghiện đọc thơ như thời của mình và lớp đàn anh của mình nữa. Có thể thời này đời sống chảy xiết hơn, anh em ít có điều kiện đàn đúm. Thêm nữa việc in thơ dễ dàng, không có tiền in sách thì post lên blog một phát cả vạn người đọc,  nhu cầu truyền khẩu thơ cũng vì thế mà giảm sút chăng?
 Ngày xưa in được bài thơ khó lắm, anh nào một tháng có bài thơ in là mừng lắm rồi. Gửi thơ đi rồi, ngồi phấp phổng chờ cả tháng, thấy tên mình xuất hiện ở hộp thư càng phấp phổng tợn, nếu quen ai ở toà soạn gọi điện nói số tới đi bài ông đấy, tâm hồn lúc đó treo ngựơc cành cây. Mỗi tháng toà soạn nhận ngót nghét ngàn bài thơ, chỉ in chục bài, lọt vào cái top ten ấy không mừng sao đựơc.
            Người chăm gửi thơ nhất nước là Trần Hữu Nghiễm ở Cà Mau, cho đến nay chưa thấy ai hơn. Những năm tám mươi chín mươi tìm đọc hộp thư của bất kì tờ báo nào đều có tên Trần Hữu Nghiễm, anh thật tài, báo nào mới ra anh cũng biết. Một hôm mình nhận được tờ Đặc san Ngân hàng Quảng Trị, mình ở Quảng Trị mà không biết nó ra khi nào, thế mà anh ở tận Cà Mau đã  kịp có tên trong hộp thư rồi.  Đến cả tờ Vật lý Việt Nam cũng có tên anh trong hộp thư, thất kinh.
            In được bài thơ là vui chứ xưa nay chưa ai sống được bằng nhuận bút thơ cả. Cứ theo cách gửi thơ của Trần Hữu Nghiễm thì nhuận bút một bài  thơ không đủ tiền tem thư anh gửi thơ đi hàng tháng tháng.
            Làm ra bài thơ không ai đọc cho nghe cho thì khó chịu lắm, cứ bứt rứt không yên. Gửi thơ đi, chờ người ta in cho thì lâu lắm, thế là nhát định kiếm cớ đàn đúm để đọc thơ.  Xưa cuộc rượu nào có mấy anh nhà thơ nếu không có đọc thơ thì chưa ra cuộc rượu.
            Ngồi uống cứ nhấp nhổm chờ ai đó nhắc đến tên mình, nói ông có bài nào mới đọc cho anh em nghe đi, có người nghe vậy liền háo hức đọc ngay, có người thì giả đò khiêm tốn, nói cũng có nhưng sợ không hay, đợi người ta nèo thêm chút nữa, tóm lại rồi đọc cả.
            Vừa đọc vừa ngó liếc mặt người nghe, thấy người ta chăm chú thỉnh thoảng gật gật đã sướng, nếu ai đó chậc lưỡi, đập đùi khen câu này câu kia hay thì sướng muốn chết, lại tương bài khác ngay. Có người vì thế mà tương cả chục bài. Chiếu rượu thơ cũng giống blog, không khen được thì thôi chứ ít ai chê, gì chứ  đựơc khen thì nghe không biết chán, ít ai thấy khen sai, toàn thấy khen đúng không thôi, hi hi.
            Được khen, được hưởng ứng thì dễ nghiện ngập lắm, xưa mười anh làm thơ thì có 8, 9 anh nghiện đọc thơ. Nam Bộ có tục uống rượu vòng, một bát rượu truyền tay uống một vòng, rồi lại sang vòng khác, tục ấy được các áp dụng cho chiếu rượu thơ, rượu truyền tay thơ truyền miệng, rượu càng say thơ càng bốc, nhiều khi thâu đêm suốt sáng.
            Năm 1988 Phùng Quán vô u Huế chơi, anh đi đâu có chiếu rượu thơ ở đó, lại uống rượu vòng đọc thơ vòng. Rất nhiều lần tại nhà anh Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường) có chiếu rượu thơ, hầu hết là các nhà thơ khét tiếng ở Huế , rượu và thơ cứ thế tuôn ào ào.
 Anh Quán cầm còn dao phay đi vòng vòng quanh chiếu rượu, chỉ định người đọc thơ, nói đọc thơ dở là xử trảm. Người nào đọc thơ xong anh đều dơ dao lên phồng mang trợn mắt, nói trảm được không. Mọi người kêu lên, nói không không, thơ hay thơ hay. Tóm lại ai cũng được tha chém, lại còn được khen thơ hay, sướng củ tỉ.
            Năm 1989 Bình trị Thiên chia tỉnh, chia gì thì chia chứ văn nghệ chẳng bao giờ chia, một hôm các nhà thơ ba tỉnh tụ cả về thị xã Đồng Hới, được tỉnh uỷ đón tiếp rất trọng thị, anh Quán cũng có mặt hôm ấy. Bí thư tỉnh uỷ nói chuyện dài quá, anh em ngồi nghe hơi oải, anh Quán dơ tay vụt đứng lên, nói báo caó đồng chí Bí thư, rồi anh nhoẻn miệng cười gãi tai hạ giọng, nói anh em sèm đọc thơ quá rồi. Bí thư tỉnh uỷ cười to, nói vâng vâng, mời các đồng chí. Cuộc thơ hôm ấy anh Quán làm MC rất xôm trò, anh em được một bữa thơ đã đời.
             Tuy nhiên nhiều người nghiện ngập đọc thơ quá, hễ có thơ mới là xách xe chạy rong, quyết tìm người bày rượu đọc thơ cho kì được. Có anh vào cuộc rượu chẳng biết người ta đang nói chuyện gì, cứ ngửa cổ đọc thơ nói cười khơ khớ, vô duyên cực. Có anh chẳng cần chiếu rượu, gặp nhau hỏi thăm chiếu lệ, rồi bất kể đứng ngồi ở đâu, người ta có thích nghe hay không, khoa chân múa tay đọc liền mấy bài, chán ốm.
            Dần dà người ta đâm sợ chiếu rượu thơ, nhiều khi thấy vừa vô duyên vừa vô nghĩa. Ai gọi đi nhậu mà nghe nói có ông A ông B nghiện đọc thơ lắm thì thế nào cũng viện cớ từ chối. Thế cùng không chối được thì đến ngồi ké vào, đến giờ đọc thơ thì mắt trước mắt sau kiếm cớ chuồn liền thẳng.
            Còn nhớ năm 1988 ở Huế, mình với anh Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, và vài người nữa quên mất rồi, ngồi quán rượu chị Phước thì Lý Hoài Xuân ghé vào. Vừa ngồi xuống anh đã nói có mấy bài thơ mới làm, đọc cho anh em nghe nhé. Anh Tạo nói mày muốn đọc thơ thì bỏ tiền ra trả nhuận nghe cho tụi tao, một bài ba ngàn.
            Tưởng Lý Hoài Xuân tự ái, ai dè anh lẳng lặng bỏ ra ba ngàn, thản nhiên đọc một bài thơ. Anh em vừa cười vừa khen hay hay, Lý Hoài Xuân lại bỏ ra sáu ngàn đọc thêm hai bài nữa. Anh em lại khen hay hay- tất nhiên hi hi- anh Xuân sướng định đọc thêm nữa, anh Tạo nói thôi thôi, chừng đó tiền tụi tao uống nhoè rồi, mày không phải đọc thêm nữa. Thế mới biết ngay các nhà thơ cũng ngại nghe thơ nhau, đừng nói người ngoài.
            Cái gì cũng vậy, cứ quá đi là mất hay. Tình trạng nghiện thơ, nghiện đọc thơ, nghiện in thơ đang gia tăng đến mức báo động. Cứ nhìn vào danh sách đơn xin vào Hội nhà văn thì biết, có đến 90% là của các nhà thơ, hàng năm có đến mấy trăm nhà thơ xin vào hội. Kinh.
 Không biết có ai đó nói về tình trạng lạm phát thi ca, hình như là Nguyễn Huy Thiệp, nói đại ý ở đâu cờ bạc và thi ca phát triển ở đó nghèo đói là cái chắc. Anh Đỉnh ( Trung Trung Đỉnh) thì cười hì hì, nói kiểu này Hội nhà văn phải lập trại cai nghiện thơ, không thì chết, nguy lắm nguy lắm.


ngườilàngcốm
Dân ta rất thích được nghe bình văn, bình thơ. Bởi thế mới có cảnh đẹp như trong mơ ở Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục, phố Hàng Đào năm 1906:
“Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn khách tới như mưa”
Vậy mà giờ đây lại cám cảnh đến mức “ ngay các nhà thơ cũng ngại nghe thơ nhau, đừng nói người ngoài.”.
Ấy là vì, đồng ý với bọ: “Cái gì cũng vậy, cứ quá đà là mất hay.”. Nghiện thơ quá đà, nghiện đọc thơ quá đà, nghiện in thơ quá đà và cả duyệt cho in thơ quá đà, tổ chức ngày hội thơ khắp nơi nơi cũng quá đà nên mất hay bởi không có thơ hay.
Đúng là Nguyễn Huy Thiệp rất ác cảm với tình trạng lạm phát thi ca, lạm phát thi nhân ngày nay. Trong bài “Trò chuyện với hoa thủy tiên” gây tranh cãi xôn xao mấy năm trước, NH Thiệp đã nói, mà tự ông gọi là “trắng phớ” một sự thực “ tàn nhẫn”:
“Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó:
“Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…
Vợ tôi nửa dại nửa khôn
Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”
tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.”
Một nhận định có phần “tàn nhẫn” chỉ nên dành cho các nhà thơ không có thơ hay mà cứ thích quá đà chứ không nên cào bằng cho mọi nhà thơ.
Vậy thơ hay là thế nào?
Tôi nghĩ rất bình dị, THO HAY chẳng cần đòi hỏi ngôn từ ý tưởng cao siêu ghê gớm gì, chỉ cần nó qua được tai người nghe, lọt được mắt người đọc và ngấm vào lòng người ta, tựa như hạt thóc rất tầm thường nhưng muôn đời được người nông dân chắt chiu và muôn đời được mọi người coi gạo của hạt thóc là ngọc thực.
Nếu có được THƠ HAY, dù chỉ một bài, một khổ hay một câu , thì dù là nhà thơ hữu danh trong Hội Nhà văn VN hay nhà thơ vô danh đến vợ mình cũng không thừa nhận; dù là thơ in ở các nhà xuất bản sang trọng hay thơ chỉ đọc ra từ cửa miệng đều đáng được trân quý, chắt chiu nâng niu như hạt thóc!

  1. NGUYỄN QUANG LẬP Post author
    Tôi nghĩ rất bình dị, THO HAY chẳng cần đòi hỏi ngôn từ ý tưởng cao siêu ghê gớm gì, chỉ cần nó qua được tai người nghe, lọt được mắt người đọc và ngấm vào lòng người ta, tựa như hạt thóc rất tầm thường nhưng muôn đời được người nông dân chắt chiu và muôn đời được mọi người coi gạo của hạt thóc là ngọc thực.- phải lắm phải lắm, hi hi bác bình rất hay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...