Ngống ngỗng ngồng ngông
Xưa
nay chuyện chơi ngông không thời nào là không có. Chơi ngông kiểu gì
cũng xuất phát từ bệnh vĩ cuồng, hoắng huýt mà ra, lắm chuyện điên rồ
không ai hiểu nổi. Từ chính trị gia đến ông trọc phú, từ kẻ vô danh đến
văn nghệ sĩ thật lắm chuyện oái oăm, cười đến muốn chết.
Chơi ngông cũng có 5, 7 loại.
Nhiều nhất vẫn là loại giàu quá hoá cuồng. Ông Sapamurat Niyazovt, tổng
thống Turkmenistan, một đất nước 5 triêụ dân vừa có một cho xây dựng một
cung điện băng tuyết trong vùng núi ngoại ô thủ đô Ashgabat. Cung điện
mấy chục triệu đô chỉ chơi đúng một mùa rồi bỏ.
Cũng chưa ăn thua, thái tử một
đất nước chỉ 1 triệu dân, đất nước gom mãi không được một đội bóng đá
cho ra hồn, đem con gái sang Mỹ làm đám cưới, xây hẳn một cung điện ở
New York, cưới xong rồi bỏ hoang, khiến dân giàu có ở Mỹ cũng phải thè
lưỡi lác mắt.
So với xứ ta, mấy ông này bà nọ
làm nhà thờ, xây từ đường vài mươi tỉ, ngông thế cũng chỉ là thứ ngông
nhà quê thôi, hay ho gì đâu. Một đại gia nghệ sĩ hết thời ở nước ta mua
con Mercedes trị giá 185 nghìn đô có nội thất không thua gì xe của
nguyên thủ quốc gia cũng không bằng nghệ sĩ Kylie mua 100 hecta một hòn
đảo nước Úc xây cung điện để cưới chồng. Chẳng biết ông chồng này rồi
sống được bao lâu, có khi mai mốt lại mua trăm hecta khác xây cung điện
khác để cưới chồng khác cũng nên.
Mấy chuyện này nhiều lắm, thôi không nói nữa, bây giờ nói chuyện nghệ sĩ nước Nam ta chơi ngông.
Nghệ sĩ ta ít ai giàu như Kylie,
tung tiền chơi ngông cũng có nhưng không nhiều. Ví dụ có ông để làm một
cái video clip dám mua hai ô tô, đốt cháy đùng đùng, quay vèo vài mươi
gíây, tiền tỉ cháy vèo mà tiếng tăm chẳng thấy đâu. Hay có ông để được
đóng phim dám bán cả cái nhà, bắt vợ con ra ở gara ô tô để ông lấy tiền
góp vốn làm phim mới được một vai phụ. Phim ra, tiền vốn không thu về
được một xu, vai phụ của ông cũng lặn mất tăm cùng với phim hàng chợ.
Chơi ngông kiểu ấy tất nhiên ở ta
không nhiều, nhiều nhất cũng chỉ là những trò diễn khoe mẽ mà thôi.
Nghĩ cũng hay hay mấy ông nghệ sĩ đã nổi tiếng rồi, tiếng tăm thừa mứa
vẫn cứ luôn luôn tích cóp tiếng tăm, hễ chỗ nào có chút hương hoa dứt
khoát mò đến mua lấy tiếng thơm. Lên ti vi, ra sân khấu… bất kì chỗ nào
cũng giả đò khiêm tốn nói tôi đã dạy ông này… tôi đã thầy ông kia, chán
ốm.
Thế vẫn chưa đã, phải diễn trò
trước đám đông mới đã. Có ông ca sĩ một thời lừng danh, nhắc đến ai ai
cũng biết. Ra Hà Nội biểu diễn lúc nào cũng đi ô tô xịn, kè kè 4 ông vệ
sĩ. Chẳng hiểu ông sợ ai giết ông mà lắm vệ sĩ thế không biết.
Một hôm ông đến rạp Tháng 8 diễn,
ông xuống ô tô cái là 4 vệ sĩ lập tức nhào ra đứng chắn lối đi, tay
giăng rộng, mắt nhớn nhác, tạo hành lang cho ông đi. Cứ làm như nếu
không bảo vệ kiểu đó thì dân chúng nhào vô xin chữ kí đè bẹp chết ông
tức thì, hi hi. Thôi thì thời mới nổi, PR chút cho oách cũng cho là được
đi. Đến khi hết thời, cả tháng không được sô diễn nào, ra đường chẳng
ai thèm ngó, cũng 4 ông vệ sĩ cặp kè, rất chi là chướng mắt.
Một bà Việt kiều về nước đóng
phim, giữa chừng mót tiểu, phải như người ta thì chạy ào vô bụi tụt quần
xoẹt cái là xong. Nhưng ông đạo diễn không chịu, ông muốn chứng tỏ cho
bà Việt kiều dân ta giàu có văn hoá bằng ông cố nội dân tây, bèn thuê
ngay một xe vệ sinh- nhà vệ sinh dã ngoại- chạy đến cho bà tè một phát,
trả mấy triệu đồng lại kéo xe đi. Ông cũng chỉ diễn cho bà Việt kiều
thôi, chị em diễn viên quốc nội có đau bụng té re ông cũng thây kệ.
Có những khi giữa nghệ thuật và
chơi ngông chỉ cách nhau một sợi tóc, người hám chơi ngông nhân danh
nghệ thuật bày trò thiên thối không nói làm gì, kẻ không bíêt cũng a
dua, bày hết trò này sang trò khác vô cùng rởm đời.
Hội hoạ đến kì bế tắc mới phịa ra
mấy món sắp đặt, trình diễn, tung hô nghệ thuật thị giác, ta cũng như
tây nhiều người cũng kiếm đựơc kha khá thành công. Nhưng lắm kẻ thích
chơi ngông cứ thỉnh thoảng bày ra mấy trò ngố ngố ngông ngông rất chi là
tức cười.
Vô Sài Gòn thấy trên đường phố
có một đám đông túm tụm, không biết chuyện gì mới chấm chấm phẩy phẩy
tới xem, hoá ra mấy ông đang trình diễn món nghệ thuật đường phố. Góc
này mấy ông tô quét sơn đầy mình, kẻ đứng người ngồi giống mấy ông điên
ở chợ quê; góc kia mấy cô cũng sơn quét tùm lum, cứ hai cô một cột dính
lưng bịt mồm bịt miệng đứng trơ giữa nắng trời. Không màn mở đầu chẳng
màn kết thúc, cứ ra đó đứng, đứng chán khách hết thì bỏ về. Hi hi nghệ
thuật kiểu đó thì đám con nít chúng nó còn bày ra lắm trò còn quái đản
hơn nhiều.
Hoạ sĩ V., ông này có tranh bán
rất chạy, một hôm tới rủ đến xem một cuộc trình diễn của ông người Pháp
gốc Việt, nghe nói ông này nổi đình đám bên Pháp lắm. Nghe thế mới cất
công đi xem. Tới nơi thấy một bể lươn con nào con nấy bằng ngón tay dài
hai gang đều nhau tắm tắp. Riêng việc ông đi chọn lươn được mấy trăm con
lươn đều nhau như thế cũng đã phục lắm rồi.
Trên bể có một rổ to bánh mì ổ.
Mọi người chờ mỏi mắt, bây giờ mới thấy ông xuất hiện, cúi chào khán giả
rồi tụt quần nhảy vào bể lươn. Ông ngồi bắt từng con lươn nhét vào vào
bánh mì, nhét hết rổ bánh mì cũng hết luôn mấy trăm con lươn, ông nhảy
lên mặc quân, cúi chào khán giả. Chẳng biết đây là nghệ thuật thị giác
hay nghệ thuật tào lao nữa, giá phát cho mỗi người một con lươn về nhậu
còn thấy có ý nghĩa hơn.
Nhưng ông này còn chưa ngông bằng
cái ông Hàng Bài, là nói cuộc trình diễn ở Hàng Bài. Ông này chơi mới
thất kinh. Cái phòng rộng rinh rang chỉ có một ông ngồi chọc ngóc. Trên
bàn có mấy chục chai La vie. Bụng nghĩ không biết ông này trình diễn
cái gì, chỉ thấy lúc lúc ông bật nắp chai La vie ra uống.
Hồi lâu mới thấy một vũng nước
đái dưới chân ông. Té ra ông này uống nước La vie vào cho đầy bụng rồi
thải nước tiểu ra cả quần. Hi hi trên uống nước La vie dưới cứ thế đái
ướt quần gọi là nghệ thuật a?
Chợt nhớ những năm tám mươi ở
Rumania có cuộc triển lãm xilip phụ nữ. Ông này chẳng phải hoạ sĩ hoạ
siếc gì, ông chỉ là con trai của ông Nicolae Ceausescu, vua của Rumania
thơì đó. Bố làm vua bòn rút của cải của dân, con lấy tiền đi chơi gái.
Chơi cô nào xong thì lấy cái xilip về làm kỉ niệm, được mấy trăm cái thì
làm cuộc triển lãm chơi vui. Ngông thế là cùng, nhưng giả có đến xem
cũng còn chút gì đó thú vị chứ không phải bực mình điên tiết vì quá mất
thì giờ như đến với mấy cuộc trình diễn ngông kia.
Ôi ngống ngỗng ngồng ngông, nghĩ mà phát ớn
Advertisements
Với bọn vua chúa, chính trị gia hay trọc phú và cả đám văn nghệ sĩ nữa thì khoan trả lời. Nhưng với kẻ vô danh thì đây là một câu trả lời:
Phạm Thu Hường (35 tuổi), ở phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang được gọi là “Người Mỹ tiêu tiền”
Hường vốn là cán bộ Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ thuộc Sở GTVT tỉnh Tuyên Quang, nhưng lại thành lập Công ty Thái Xuân để hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Hường dùng tiền để đánh bạc, đánh đề, thậm chí vào cả casino để “tỉ thí”, mua quần áo hàng hiệu thay mỗi ngày một bộ, và vung vào các dịch vụ làm đẹp thịnh hành nhất ở Hà Nội để nâng mũi kiểu Hàn Quốc, sửa ngực, căng da…
Thấy người ta khen ôtô nào đẹp, tính năng hiện đại, mặc dù kiến thức về ôtô hoàn toàn… mù tịt, thế nhưng ngay lập tức, Hường phải tìm mua bằng được, chỉ để được người đời khen một câu và cốt làm sao khi bước lên ôtô, phải có vài chục đứa nhìn theo lác mắt. Nhưng vài hôm sau, nếu thấy chán, “người Mỹ tiêu tiền” này lại mang đi bán, chịu lỗ có khi cả trăm triệu đồng.
Hường còn nghĩ ra đủ các chiêu quái đản cho thỏa cơn thèm. Có lần, Hường cùng đám bạn đang ngồi nói chuyện, bỗng một cô chép miệng: “Háo thế này giá kể có bát bún ốc mà ăn nhỉ!”, tức thì Hường rút ngay di động gọi lái xe riêng đến đưa cả hội về Hà Nội ăn bún ốc.
Bún ốc thì ở đâu mà chẳng có, thế nhưng cứ nhất định phải là bún ốc phủ Tây Hồ, nơi mà người ta thường quảng cáo “ốc trăm năm tuổi, vớt lên từ Hồ Tây”, ăn ngọt nước và béo bùi, rồi rong chơi ca hát chán chê và chỉ quay lại Tuyên Quang khi đêm đã sắp chuyển sang ngày.
Đồ đạc trong nhà, chị ta sắm toàn đồ hiện đại, từ máy rửa, sấy bát đến thùng đựng gạo đa năng có nút ấn, theo đó gạo sẽ chảy ra 1 hay 2kg tùy ý, mà có lẽ ở ngay Hà Nội cũng rất ít người được diễm phúc nhìn thấy.
Đến khi bị CA bắt, người ta mới biết Hường đã lợi dụng ảnh hưởng của bố (một cán bộ có chức vụ khá cao trong ngành GTVT) để lừa đảo mọi người hàng chục ti đồng.
(Nguồn: Tin từ báo chí 2008)