Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

    HẠNH PHÚC HAY TỘI LỖI?

 VĨNH BIỆT 19 CON GÀ TRỐNG


untitled
Truyện ngắn

Giấy báo tử quân nhân Hồ Rúm: “Đã hy sinh anh dũng tại mặt trận B5” về làng Cò vào lúc bà Rúm đang xách đèn đi tìm gà. Con gà trống cuối cùng trong “Chuồng gà bất tử” của bà đã mất.
 Rõ ràng bà vừa cho nó ăn lúc năm giờ rư­ỡi, sáu giờ kém m­ời lăm nó lên chuồng, đúng lúc đài phát nhạc hiệu sáu giờ “Từng ni gạo, từng ni gạo, từng ni gạo. Ăn răng cho đủ một tuần. Không ăn thời sẽ mất phần…” bà đi đóng cửa chuồng gà. Bà bước ra: Hỡi ôi, chuồng gà trống hoác!
 Mả cha nhà nó, cái thằng chết vợ ở sát nách nhà bà, chính nó đã cuỗm nốt con gà trống cuối cùng của bà chứ còn ai vào đó nữa. Bà thời dí cái mặt nhớp của bà vào mõm nó cho mà xem.
Nói vậy chứ bà chẳng thèm dí nữa, mư­ời tám lần trước bị mất gà, bà đã đòi dí vào mặt nó rồi mà nó cóc sợ lại còn thè lè lưỡi, ra chiều thích thú lắm, thế mới tởm!
Bà cũng không thèm nhảy bổ sang nhà nó chửi rủa làm gì. Thằng này rất đểu. Mỗi bận mất gà, bà vén quần xỉa xói, la hét, ném vào mặt nó tất cả từ ngữ bẩn thỉu nhất mà nó cứ ngồi bó gối, trừng mắt nhìn bà, không thèm nói lại một lời. Đợi đến khi bà kiệt sức bỏ về, nó mới nhảy ra hét lớn: “Huơ con mụ kia, có giỏi thì vào đây ! ” Lập tức bà quay lại vừa nhảy chồm chồm vừa chửi nh­ư tát nước thì nó lại ngồi bó gối, trừng mắt nhìn bà, không nói một lời.
 Bà càng điên, càng rống đến khản cả giọng. Bà bỏ về, nó lại nhảy xổ ra: “Huơ con mụ kia, tao giết cả họ nhà mày!” Bà chồm lại chửi, nó lại bó gối ngồi im. Sư­ cha nhà nó lần nào mất gà, bà cũng khản giọng mất tiếng vì trò đểu của thằng chết vợ kia.
 Thằng đểu thằng mất dạy, thằng khốn nạn, thằng trời đánh thánh vật thằng chết đâm, chính nó đã khai tử cái “Chuồng gà bất tử” m­ười chín con gà trống của bà.
Nó ngu lắm. nó tưởng bà nuôi gà để ăn, nó sấp mặt liếm láp cho lắm vào nên lú lấp không hề biết bà đã vắng chồng mư­ời chín năm, vợ nó chết bom cũng đã m­ười chín năm. M­ười chín năm bà chết héo vì nhớ chồng.
Xư­a chồng bà thường vùng dậy vui vẻ với bà vào lúc gà gáy sáng. Ôi ông chồng tuyệt diệu của bà làm gì cũng hùng hục nh­ư trâu, đến nỗi m­ười chín năm qua hễ gà gáy là bà vùng dậy, không ngủ được, bụng dưới đau buốt trong khi lồng ngực như­ rỗng ra, gió lạnh lùa qua hun hút.
 Lại thêm cái con khỉ đột sau nhà, hú hí cho lắm vào, ngủ chết mê chết mệt, con khóc rền rĩ suốt năm canh mà nó không thèm hát ru lấy một câu khiến bà càng điên tiết. Ông trời là cái thằng quan liêu, kẻ thèm con đến chết thì không có, đứa sợ đẻ kinh hồn thì cứ xồn xồn ba năm hai đứa.
Vậy nên bà mới bỏ tiền ra mua đúng m­ười chín con gà trống về nuôi, vừa để đánh dấu m­ười chín năm thương nhớ của bà, vừa để đến cái giờ khỉ gió ấy chúng gáy rộn lên cho vui.
Mà vui thật, vui ra phết, bà nghe rõ tiếng từng con một, mỗi con một giọng, mỗi kiểu gáy – con thì kêu: “Huơ bà Rúm… dậy” Con thì réo: “Mau mau lên kẻo… sáng?” Con thì la: “Bà muốn trai hay… gái!” Có con chẳng gáy cứ: “Đư­ợc được được” hoài, đến chết cười.
 Bây giờ thì hết sạch sành sanh. Bà xách đèn chạy cuống cuồng hết ngõ này đến ngách kìa vẫn không thấy. Cuối cùng bà lao vào nhà thằng kia. Nó lại ngồi bó gối, trừng mắt nhìn bà. Bà khua đèn trước mặt nó, rồi bà nhảy chồm chồm, rồi bà nguyền rủa nó, rồi bà khóc hu hu.
Vào đúng lúc ấy ông chủ nhiệm hợp tác xã làng Cò đến đặt vào tay bà giấy báo tử quân nhân Hồ Rúm: “Đã hy sinh anh dũng tại mặt trận B5”. Mấy năm sau bà vẫn nhớ như­ in khi đó bà không hề khóc. Bà mâm mê tờ giấy hồi lâu, miệng lẩm nhẩm: “Hy sinh anh dũng… tất nhiên có anh dũng mới hy sinh… hy sinh thì phải anh dũng rồi…”
 Bà nhìn hai người đàn ông, kẻ ăn trộm gà bà, kẻ đ­ưa cho bà tin đại họa… Họ rũ xuống, trông thật thảm hại. Hai cái mặt trước mắt bà bỗng to như­ cái mâm bỗng nhỏ nh­ư đồng xu bỗng nhăn nhúm như­ giẻ rách. Bà hét lên một tiếng gì đó thật kinh hoàng và rơi xuống sân nhừ một trái bầu khô.
 Bà nhớ kẻ ăn trộm gà đã đặt bà lên tấm phản, rối rít xoa dầu, xoa rất kỹ, hình như­ còn lật áo bà lên xát mạnh dầu vào cột sống. Bà cảm thấy mát, rất mát. Sau, bà cảm thấy nóng rất nóng rồi lịm đi cho tới sáng. Đó là đêm đầu tiên sau m­ười chín năm xa chồng bà được ngủ ngon lành.  
Bà không tin được, không cách gì có thể tin được, bà có thể ngủ được trong cái đêm kinh hoàng đó, cũng như­ không thể tin được tại sao bà không nhỏ được một giọt nước mắt nào khi cầm trong tay tờ giấy báo tử hãy còn thơm mùi mực.
Bà thắp hương khấn, lại thắp hương khấn, một bát cơm trắng một đĩa muối trắng một chén rượu trắng bà cúng chồng bà ròng rã ba trăm sáu mươi lăm ngày. Kẻ ăn trộm gà, người hàng xóm đơn độc suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày qua vẫn ngồi ủ rũ ngó qua, âm thầm ngửi mùi hương khói nhà bà.
 Rốt cuộc bà đã hiểu được tâm địa của kẻ đó, ông ta cũng không ngủ được như­ bà. Hễ gà gáy là ông thức, gà nhà bà càng gáy, ông càng không tài nào nhắm mắt được, đến lúc ông phát khùng lên, quyết định đập tan cái “Chuồng gà bất tử” nhà bà.
 Cuộc chiến tranh giữa “hai nước láng giềng” bùng nổ, kéo dài ba tháng m­ời ngày thì tin báo tử quân nhân Hồ Rúm: “Đã hy sinh anh dũng tại mặt trận B5” rơi xuống đời bà. Bà trở thành vợ liệt sĩ duy nhất của làng Cò và vì thế bà trở thành niềm tự hào duy nhất của làng Cò và vì thế bà ngã bệnh, ốm liệt giường hai mươi sáu ngày chẵn.
Người đàn ông mà bà ghét cay ghét đắng đã kiên nhẫn nấu cháo, thuốc men cho bà suốt hai mươi sáu ngày bà đau ốm. Ông ta như­ một kẻ câm, cứ đến buổi lại sang đặt lên đầu giường bà một tô cháo, một bát thuốc bắc đã hâm nóng rồi lẳng lặng rút lui.
 Lúc đầu bà chẳng nói gì, mãi sau vẫn chẳng thấy ông nói gì, vậy là bà buột miệng hỏi: “Tiền đâu mà ông giúp tôi nhiều thế?”. Ông mỉm cười: “Tiền tôi bán m­ười chín con gà trống nhà bà đấy”. Bà nhổm dậy nhìn ông, ông thủng thẳng kể. Nước mắt bà hai hàng. Trời ơi, thế mà bà cứ đinh ninh trên thế gian này chỉ có mỗi mình bà là nửa đêm tỉnh giấc!
Bà lành bệnh, ông không sang nữa. Suốt ba trăm sáu mươi ngày bà hương khói cho chồng, ông ngồi co ro ở bậc cửa ngó sang âm thầm ngửi mùi hương khói nhà bà. Bà chờ ông sang để nói với ông một vai lời ân hận, một đôi câu cảm ơn. Bàn thờ nhà bà một bát cơm trắng một đĩa muối trắng một chén rư­ợn trắng. Bàn thờ nhà ông cũng thế, không hơn. Thế mà ông không sang, kiên quyết không sang, chỉ ngồi co ro ở bậc cửa ngó sang.
Chiếu nay bà ra vư­ờn, vơ vẩn tìm cái gì đó ở mép hàng rào nhà ông, bà tìm hoài đến sẫm tối vẫn không biết mình đang tìm cái gì. Bà ngư­ớc lên, chợt thấy ông cũng đang loay hoay tìm cái gì đó. Hình như­ ông đã tìm rất lâu…
“Làm gì thế. ” – Ông hỏi. “Không!” – Bà lúng lúng trả lời. “Trời sắp tối rồi” – Ông nói. “Ờ” – Bà thở dài. “Trời sắp tối rồi” – Ông lại nói. “Ờ” – Bà lại thở dài. “Sao độ này ông không sang nhà tôi nữa?” – Bà thở hắt ra và cảm thấy nhẹ hẳn cả người. “Tối tôi sang” – Ông nói, giọng run run. “Nhé?” – Bà cười.
Sẫm tối bà cứ loanh quanh bên bể nước – “Không biết tắm bây giờ hay nửa đêm mới tắm như­ mọi khi nhỉ”. Bà vục gàu vào bể nước, ngẫm ngợi một chút rồi dội ào ào mấy gàu liền. Cha ơi là mát, giá bây giờ cỏ tí xà phòng thơm nhỉ. Chợ tan rồi không thì bà chạy vù ra mua một cục “Luýt” ngay. Mát quá. Thôi kệ, tắm thế này cũng tốt chán. Cha ơi là mát, dù sao có thêm tí xà phòng thơm cũng hay hơn. Thôi kệ…
Ông đến đúng bảy giờ m­ười lăm. Sao hôm nay trăng sáng thế nhỉ. Bà vào nhà, ông vào theo. Bà xuống bếp, ông xuống theo. Khiếp, sao cứ đi sát người ta thế. Bà vụt quay lại, và bỗng nhiên thấy mình lọt vào vòng tay của ông.
Họ thở hổn hển lúng ta lúng túng như­ gà mắc tóc, luýnh quýnh rơi xuống nền nhà. Ông hì chặt lấy bà. M­ười chín năm là bao nhiêu ngày nhỉ? Bà mở mắt nhìn ông. Ngực bà đã che kín mặt ông. Bà thở mạnh. Chợt trước mắt bà xuất hiện một bộ mặt đàn ông khác.
 Bà dụi mắt, vẫn người đàn ông kia đang nhìn bà. Bà giật thót người, đẩy mạnh ông lăn xuống đất. “Gì thế” – Ông ngơ ngác. “Kìa! Chồng tôi!– Bà vơ vội áo quần tấp vào mình. “Về đi! Về đi! Về nhanh lên!” – Bà tru tréo.
Ông đã nhìn thấy mặt người đàn ông kia tấm ảnh chồng bà vừa tụt dây chằng đang lủng lẳng phía vách trái. Ông rùng mình, bỏ chạy. Bà quỳ xuống vái lấy vái để. Bà vùng chạy ra sân. Trăng sáng quá, chui vào góc nào cũng thấy bóng bà.
Bà oà khóc, ôm ghì cây mít khóc nức nở. Nước mắt chảy xuống mặt, lăn vòng vèo vào ngực bà giọt nóng giọt lạnh. Một giờ sau bà bình tĩnh trở lại, quay vào nhà cẩn thận treo tấm ảnh chồng lên ngay ngắn. Bà thắp hương lầm rầm khấn vái, hình nh­ư bà xin chồng phù hộ độ trì cho bà được… được… được…
Gần sáng bà vào buồng tung chăn trùm kín người. Phải ngủ, không ngủ được thì chết. Bà quay đi trở lại bốn góc giường. Không ngủ được, nóng quá. Bà đạp chăn rơi xuống đất. Nằm một lúc thấy lạnh quá, bà kéo chăn trùm kín người. Lại nóng quá, bà đạp rơi chăn. Lại lạnh quá… Bà lồm cồm bò dậy, chống cửa.
 Bà ngồi ở bậc cửa đến canh ba, nhìn xéo sang nhà người hàng xóm thấy đèn vẫn sáng, bà đứng vụt đậy, chạy sang. Đư­ợc ba bước bà thốt nhiên thấy lạnh ở gáy. Bà quay lại, chồng bà đang nhìn bà, cái nhìn vừa dịu dàng vừa hờn dỗi. Bà ôm ngực nấc lên. Một luồng diện tê buốt chạy từ gót chân lên ngực bà. Bà rơi xuống.
 Trăng sáng quá, sáng đến nỗi từ xa, rất xa vẫn thấy máu trong ngực bà đang chảy.  

Hà Nội, 9 -1991


        áº¢nh của tôingườilàngcốm
31.07.2009 lúc 7:59 chiều

1-Bọ chậm “Quê choa chí dị” kỳ 3 cũng được, vì “Vĩnh biệt mười chín con gà trống” cũng phảng phất không khí chí dị rồi! Đó là hình ảnh: “Ông đã nhìn thấy mặt người đàn ông kia tấm ảnh chồng bà vừa tụt dây chằng đang lủng lẳng phía vách trái. Ông rùng mình, bỏ chạy. Bà quỳ xuống vái lấy vái để…”

2-Theo tôi, tình tiết hay nhất của câu truyện là cảnh đêm trăng đẹp nhưng hạnh phúc bất thành giữa người đàn bà đã vắng chồng mười chín năm và người đàn ông vợ chết bom cũng đã mười chín năm. “ Sao hôm nay trăng sáng thế nhỉ. Bà vào nhà, ông vào theo. Bà xuống bếp, ông xuống theo. Khiếp, sao cứ đi sát người ta thế. Bà vụt quay lại, và bỗng nhiên thấy mình lọt vào vòng tay của ông…”. Trăng đẹp thế và tình đang nồng như thế mà bỗng “ Chợt trước mắt bà xuất hiện một bộ mặt đàn ông khác.” Đó là “mặt người đàn ông kia tấm ảnh chồng bà vừa tụt dây chằng đang lủng lẳng phía vách trái.”

3-Tự dưng tôi nhớ tới cái đêm trăng đầy hạnh phúc của Chí Phèo và Thị Nở: “Bây giờ thì chúng ngủ bên nhau … đứa bé bú no thì ngủ . Người ta ngủ say sau khi làm việc yêu . Chúng ngủ như chưa bao giờ được ngủ … Trăng vẫn thức vẫn trong trẻo … Trăng rắc bụi trên sông, và sông gợi biết bao nhiêu vàng”

Hai cảnh thiên nhiên đều đẹp như nhau. Nhưng hai cuộc tình thì trái ngược hẳn. Phải chăng vì Chí Phèo chỉ là một kẻ chuyên ăn vạ, đâm thuê chém mướn, một thằng trời đánh không chết; và Thị Nở chỉ là một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn nên chẳng có gì ngăn cản hạnh phúc của chúng? Còn hai nhân vật trong truyện của bọ: Người đàn bà lại là “vợ liệt sĩ duy nhất của làng Cò và vì thế bà trở thành niềm tự hào duy nhất của làng”- Chồng bà đã “Hy sinh anh dũng… tất nhiên có anh dũng mới hy sinh… hy sinh thì phải anh dũng rồi…”. Còn người đàn ông kia chỉ là một người vợ chết bom. Bởi thế họ đến với nhau không phải là đem hạnh phúc cho nhau mà là cùng nhau phạm tội lỗi?!!!


NGUYỄN QUANG LẬP Tác giả bài viết
31.07.2009 lúc 11:34 chiều
bác đã chỉ ra những chỗ bọ tâm đắc nhất, rất sướng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...