Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

 ngườilàngcốm
14.01.2010 @ 18:47

TẢN MẠN VỀ HAI TIẾNG “ĐI TÂY”



Hai tiếng “Đi Tây” có từ bao giờ? Có bạn nói, có lẽ Hoàng tử Cảnh là người đầu tiên “Đi Tây”. Nếu đúng thế thì hai tiếng này có từ 1783, vì mùa hạ năm đó Nguyễn Phúc Ánh nhờ Giám mục Bá Đa Lộc, tục gọi là Cha Cả sang Pháp cầu viện, Hoàng tử Cảnh (khi đó mới 3 tuổi) theo làm con tin. Nhưng mọi sử sách không nói chuyện này là “đi Tây” mà nói là sang Pháp.
Bắt đầu từ thế kỉ XVI-XVII, những nhà truyền giáo mang theo đồ trang sức, pha lê, vũ
khí … đổi lấy hàng đặc sản như trầm hương, đá quí, yến sào, ngà voi, sừng tê, đồi mồi và các gia vị quí (hạt tiêu) … tạo ra”con đường hồ tiêu”(từ Địa Trung Hải đến Đông Nam Á). Từ những thập niên đầu thế kỷ 16 đức tin Công giáo đã được truyền bá bí mật tại Việt Nam. Đầu tiên, linh mục Ignatio lén vào giảng đạo ở vùng Nam Định. Sau đó các giáo sĩ Bồ và Tây Ban Nha kế tiếp, đi dọc các tỉnh ven biển miền Trung.Đến năm 1578, các tu sĩ Dòng Franciscan đến Việt Nam và đến năm 1615 các tu sĩ Dòng Tên (Jesuit) được cử đến để giảng đạo tại cả Đàng Ngoài và Đàng Trong. Rồi nhà truyền giáo và nhà tư bản liên kết với nhau vươn cánh tay tới phương Đông, truyền đạo và tìm hiểu thị trường, buôn bán. Chúa Trịnh, vua Lê, chúa Nguyễn đều sẵn lòng giúp đỡ họ để tranh thủ lực lượng trợ giúp mình củng cố quyền lực.
Thời kỳ ấy, dân ta gọi các nước Bồ và Tây Ban Nha là các nước phương Tây, gọi những nhà truyền giáo là các giáo sĩ phương Tây và các thương nhân là người phương Tây hoặc các nước Tây Dương hay người Tây Dương. Sau này người Bồ và Tây Ban Nha nhường chân cho người Pháp, ta gọi nước Pháp là nước Phú Lãng sa, người Pháp là dân Phú Lãng sa.
Khi Pháp xâm lược nước ta, các nhà nho gọi bọn Pháp xâm lược là là bạch quỉ, bạch man; nhưng dân chúng thì gọi nôm gọn hơn là “quân Tây”. Bài thơ dùng chữ “Tây” đầu tiên có lẽ là bài “Chạy giặc” của cụ Đồ Chiểu:
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay”
Và sau này hàng loạt thơ văn khác:
“Quân Tây nó nhiều bề ác độc
Người ta càng lắm lúc nguy nan”
Pháp đàn ông gọi là “thằng tây”, đàn bà gọi là “con đầm”; đàn bà Việt có chồng Pháp gọi là me Tây, con của hai dòng máu Pháp việt gọi là Tây lai, đầm lai. Mọi thứ của người Pháp đều gọi là đồ tây: nhà tây, súng tây, bánh tây, ô tây, thậm chí cái bao cao su tây dùng chơi gái cũng gọi là b…tây.
Tuy vậy, việc người Việt đi Pháp chưa thấy gọi là “đi tây” mà gọi là sang Pháp. Ví dụ:
Năm 30 tuổi (1858), Nguyễn Trường Tộ được giám mục Gauthier đưa qua Hương Cảng, Singapore, Thuỵ Sĩ. Trên đường đi ông có ghé Roma yết kiến Giáo hoàng rồi cuối cùng sang Pháp theo học trong gần 2 năm.
Chữ Tây lần đầu xuất hiện với ý nghĩa “đi tây” trên báo chí trong hai tiếng “Như Tây” trong “ Như Tây hành trình” của Trương Minh Ký vào năm 1888. Trương Minh Ký là học trò của Trương Vĩnh Ký. Ông thông Hán và giỏi Pháp văn, làm thông ngôn cho nhà cầm quyền Pháp, cộng tác với Trương Vĩnh Ký trên tờ Gia Định báo, Thông Loại Khóa Trình cũng như viết sách dạy Pháp văn. “ Như Tây nhựt trình” là một cuốn du ký bắng thơ gồm 2000 câu song thất lục bát, được đăng ở Gia Định báo, kể về hành trình qua Châu Âu và Bắc Phi của Trương Minh Ký khi ông dẫn đoàn du học người Việt sang Anger du học năm 1880 với những ấn tượng sâu sắc về phong tục, nếp sống xa lạ của người dân bản xứ.
Đến tận năm 1922, Phạm Quỳnh ghi lại những điều mình trải qua trong chuyến đi dài 6 tháng sang Pháp dự hội chợ đấu xảo Marseille năm 1922. Ông vừa viết (từ Pháp), vừa gửi về Việt Nam đăng liên tục 42 kỳ trên tờ Nam Phong, giống như cách một đặc phái viên thông tấn ngày nay tác nghiệp và tường thuật từ nước ngoài. Tác phẩm này vẫn gọi tên là “Pháp du hành trình nhật ký”.
Xem vậy, hai tiếng “đi Tây” vẫn còn xa lạ.
Có lẽ Nguyễn Công Hoan là người đầu tiên đã đưa hai tiếng “Đi Tây” vào tác phẩm văn học. Ấy là khi ông cho in truyện ngắn “Thế là mợ nó đi Tây” trên An Nam tạp chí số 43; 1932. “Đi Tây” với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ đó, hai tiếng “Đi Tây” bắt đầu được dùng nhiều trên báo chí và phổ biến trong lời nói hàng ngày của dân ta.
Vì vậy, năm 1935, Nhất Linh cho ra cả một tác phẩm với nhan đề “Đi Tây” ghi lại những điều mắt thấy tai nghe của ông trong chuyến du học Pháp từ năm 1927 đến 1930.
Trong cuộc Âu chiến, Thực dân Pháp bắt một số trai tráng người Việt sang Pháp đánh nhau để bảo vệ nước mẹ. Việc đi lính ấy cũng gọi là “Đi Tây”. Tố Hữu viết bài thơ “Đi Tây” có khổ thơ:
“Đi Tây, đi lính, là đi… chết!
Ai biết rồi đây, cuối xóm xa,
Ly biệt hôm nay thành vĩnh biệt
Đôi hàng sùi sụt, gọi chồng… ma! “
*
Những chuyện “Đi Tây” Nguyễn Quang Lập kể là chuyện “Đi Tây” hiện đại, không còn nghĩa hẹp là sang Pháp. Không chỉ nước pháp là nước Tây, người Pháp là người Tây mà từ Nga, Đức, Hung, Tiệp…đều là Tây hết. Ông Lê Lựu sang Mỹ cũng là “Đi Tây”. Đi Tây đồng nghĩa với đi buôn, đi hái lộc trời, đi chơi, đi hội thảo, đi để đùa nước Tây tí cho vui, đi vì khát danh đến tâm thần!, đi để về bốc phét…
Hàng loạt cô gái lấy chồng ngoại kể từ Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Úc…đến Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật bản…tuốt tuột đều là lấy chồng Tây hết. Cũng là đi Tây để đổi đời!
Nhưng sang Trung Quốc, lấy chồng Trung Quốc không ai gọi là đi Tây, lấy Tây cả mà vẫn gọi là sang Tàu, lấy Tàu. Thế mới biết cái uy của nước lớn!
*
Kẻ còm này một đời không có số Đi Tây. Ngay cái nước Tàu sát mắt cũng không có tiền đi chơi một chuyến. Ngậm ngùi mà ngâm rằng:
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta…SANG TÀU!

Rate This
NGUYỄN QUANG LẬP
14.01.2010 @ 19:07
ua chầu, bài viết cực công phu về lịch sử đi tây hi hi, cảm ơn bác

Rate This
hoangdung
14.01.2010 @ 22:14
To nguoilangcom & Lạc Dân
Trích
“Hai tiếng “Đi Tây” có từ bao giờ? Có bạn nói, có lẽ Hoàng tử Cảnh là người đầu tiên “Đi Tây”.
Cám ơn Bác đã cho biết nhiều tài liệu về 2 chữ “đi Tây”.Trong chiều hướng suy tầm 2 chữ này,có thể khoanh vùng trong:người đi Tây,công việc đi,và tài liệu để lại hậu thế qua lịch sử.Lịch sử ngoại giao và văn học sử đều có ghi lại,nhưng có lẽ chữ “đi Tây”này được hình thành và thông dụng sau bài thơ tứ tuyệt của Phạm Phú Thứ :
Từ ngày đi sứ tới Tây kinh
Thấy việc Âu châu phải giựt mình
Thức tỉnh đồng bào mau kịp bước.
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.
Phạm Phú Thứ (1820 – 1883) năm 1863,đi sứ cùng phái bộ,gồm 60 người,đi tàu thủy mượn của Pháp,do Phan Thanh Giản làm trưởng đoàn qua Pháp năm 1863 ,nhằm chuộc lại 3 tỉnh miền đông Nam kỳ.
Ông có 2 tác phẩm viết về “đi Tây”là:
Tây hành nhật ký
Tây phù thi thảo.
Cùng nhiều sách khác do kiến thức về văn minh phương Tây,thu nhận được từ chuyến “đi Tây”này
Đọc thêm tiểu sử Phạm Phú Thứ tại link:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Ph%C3%BA_Th%E1%BB%A9http://diendan.songhuong.com.vn/showthread.php?t=5694
Xin lưu ý thêm là :
1.-Cái ý tưởng “Thức tỉnh đồng bào mau kịp bước”có giá trị lịch sử rất cao.
2.-hiện nay,các tài liệu trên internet và sách vở,đều ghi nhầm tác giả bài thơ tứ tuyệt này là của Phan Thanh Giản (1796-1867);thậm chí là Bùi Viện (1839 – 1878 nữa.

Rate This
ngườilàngcốm
15.01.2010 @ 09:40
Cảm ơn Hoàng Dung đã chỉnh lý và bổ sung một đôi điều trong còm của NLC, nhắc NLC tìm hiểu thêm về Phạm Phú Thứ và tập tài liệu “Tây hành nhật ký”, dưới danh nghĩa là nhật ký của chung sứ bộ Phan Thanh Giản, nhưng trên thực tế do chính Tả Tham tri Lại bộ, Phó sứ Phạm Phú Thứ soạn thảo.
Tiện đây cũng xin chuyển tới bọ Lập một câu:
Đọc Tây hành nhật ký, sẽ thấy cách nay hơn 140 năm, nước Pháp đã có lệnh cấm hút thuốc trong rạp hát: “…trong nhà hát thì có lệnh cấm không hút thuốc lá….(Người phương Tây rất trọng phụ nữ, mà tính phụ nữ không thích hút thuốc, ngay khi ở nhà, người chồng nghiện thuốc mỗi khi muốn hút cũng phải tránh sang phòng bên, còn lúc ở trong phòng hát, hay ở trên xe, và lúc giắt (sic) tay dạo phố, cũng đều không giám (sic) hút cả…”! 

Rate This
Zhivago
15.01.2010 @ 09:14
“Nhưng sang Trung Quốc, lấy chồng Trung Quốc không ai gọi là đi Tây, lấy Tây cả mà vẫn gọi là sang Tàu, lấy Tàu. Thế mới biết cái uy của nước lớn!”
theo em không hẳn vậy bác ạ, vì việc “đi Tàu” nó có từ xửa xưa rồi, trước việc đi Tây nhiều lắm, chứ không hẳn vì tàu lớn. Hồi xưa đi Tàu thì gọi là đi Tàu, đến lúc tiếp xúc với Tây thì gọi là đi… Tây, thế thôi!

Rate This
ngườilàngcốm
15.01.2010 @ 10:56
Cảm ơn Zhivago đã trao đổi mấy ý rất hay. Xin bạn đọc lời NLC đã trao đổi với bạn Nhật Lệ. Còn NLC nói “Nhưng sang Trung Quốc, lấy chồng Trung Quốc không ai gọi là đi Tây, lấy Tây cả mà vẫn gọi là sang Tàu, lấy Tàu. Thế mới biết cái uy của nước lớn!”, đúng là không hẳn vì Tàu lớn. NLC cũng chỉ là vuốt gió “ râu hùm” tý thôi!
Bởi: ngườilàngcốm ngày 30.11.2009 
lúc 12:23 chiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...