MẤY CẢM NGHĨ BAN ĐẦU SAU 6 KỲ ĐỌC
“NHỮNG CHUYỆN CÓ THẬT VÀ BỊA ĐẶT CỦA TÔI”
“ Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi”, như tác giả cho biết sẽ post lên mạng thành 25 kỳ. Còn vài ba tháng nữa, người đọc mới thấy đầy đủ hình hài đứa con tinh thần này của Nguyễn Quang Lập. Nhưng qua 6 kỳ đọc, ta đã thấy hiện ra khá rõ nét cái khuôn mặt của nó. Một khuôn mặt tiểu thuyết khác lạ hẳn với các tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và cũng khác hẳn mấy tiểu thuyết trước đây của chính Nguyễn Quang Lập như “Những mảnh đời đen trắng”, “Tình cát”.
1 – Cái lạ trước hết ở chính cái tên của tác phẩm: “Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi” (Dưới đây, xin viết tắt là “NCCT&BĐCT”), một cái tên thể hiện sự ứng đối linh lợi của tác giả: Ai đó bảo chuyện này thật, chuyện kia không thật thì đã bảo rồi mà: chuyện này thật vì nó là thật, chuyện kia không thật vì nó là bịa đặt!
Cô Tấm trong chuyện cổ bị bị mẹ Cám trộn một đấu gạo với một đấu thóc bắt ở nhà nhặt cho xong mới được đi dự hội không phải là việc khó mà chỉ tón công tốn thì giờ thôi bởi hạt gạo vẫn nguyên hạt gạo, hạt thóc vẫn nguyên hạt thóc. Vì vậy khi Bụt cho đàn chim sẻ nhặt giúp Tấm, thì chỉ nháy mắt là xong. Còn người đọc “NCCT&BĐCT”, dù kỹ tính, dù muốn vạch lá tìm sâu xem đâu là thật, đâu là bịa đặt cũng khó mà phân định rõ ràng vì thật và bịa đã được hòa trộn nhau rất khéo, trong thật có giả, trong giả có thật.
Chẳng hạn, nếu ai đó bảo: đứa bé còn nằm trong bào thai làm sao lại vanh vanh biết chuyện bà mạ sinh nở nó khó như thế nào, làm sao có thể: “Từ trong khe hẹp, tôi mở mắt nhìn ra Đời, tức là cái chuồng bò. Lúc đầu tôi không nhìn thấy gì ngoài cái háng bà đỡ đang dạng ra choán cả tầm mắt”. Nhưng sự thật trăm phần trăm đã diễn ra như thế: Một ca đẻ khó do một mụ vườn đỡ cách đây trên nửa thế kỷ. Một mụ vườn có cái háng to bè, đũng quần vá đã đứt tung chỉ đang khó nhọc dạng háng ra để cúi xuống săm soi chờ lúc xộc vũ khí đầy mồ hôi tay vào âm đạo người mẹ, kẹp lấy hai thái dương của thai nhi để lôi nó ra với Đời!
Hay, có đúng là hình bóng Ái Vân trong giấc ngủ chập chờn đã đánh dấu anh sinh viên 17 tuổi trở thành chàng trai sau “ rùng mình hai ba lần và phóng phụt trong một niềm cảm khoái vô biên”? Chuyện “ma ăn cỗ” còn có thể nhìn thấy qua dấu vết trên mâm cỗ, còn chuyện này của Nguyễn Quang Lập thì Ái Vân cũng chịu mà Trời cũng chịu. Nhưng trăm phần trăm các cậu mới lớn đều đã trở thành chàng trai y như thế…
2 – Cái lạ thứ hai là Nguyễn Quang Lập đã đem chuyện của gần như tất cả mọi người trong nhà mình ra mà kể và bịa đặt cho thiên hạ nghe, có cả một số người họ hàng thân thuộc: Từ ông ba, bà mạ đến chị Nghĩa, anh Huy, anh Tường, anh Mỹ, chị Liên, anh Thắng, bác Vĩnh Tường…(Có thể các chương tiếp sẽ có thêm thằng em út Vinh?)
Trong văn học VN hiện đại mới có Nguyễn Khải nổi danh về tài đem chuyện những người thân thuộc ra mà viết, điển hình như trong “Một cuộc gặp gỡ cuối năm”, “Hà Nội trong mắt tôi”. Qua giọng văn trần thuật nhẹ nhàng xen những lời phân tích, bình luận sắc sảo, xác đáng, những suy ngẫm, chiêm nghiệm của người từng trải, hình ảnh những người thân của nhà văn như ông bố, bà mẹ, chị Đại, chị Bơ, cô Hiền…là những nét truyền thần trăm phần trăm khiến người đọc vừa thưởng thức vừa chiêm nghiệm sâu sắc về họ, về cuộc đời và cả về bản thân mình.
Tuy nhiên, những người được Nguyễn Khải đem ra kể thường nổi lên những nét đẹp của con người, kể cả bố ông, một người không mấy tình phụ tử với ông từ bé, luôn coi ông là chỉ là kết quả của cảnh “vợ lẽ con thêm”.
Nguyễn quang Lập có khác. Chuyện của ông thì từ ông ba, bà mạ, bên những vẻ đẹp cũng đầy ắp những thói tật xấu. Mạ, theo lời kể thì, khuôn mặt rám nắng đã không có gì hấp dẫn lại còn lẫn một chút đần độn quê mùa nhưng lại là người nữ ngồn ngộn chất phồn thực bên trong và đặc biệt là “Với năng khiếu ân ái thiên bẩm, mạ tôi là người đàn bà duy nhất tạo cho ba tôi có được niềm kiêu hãnh của đàn ông bất kì lúc nào ông lâm trận. Mỗi lần ngập vào mạ tôi, ba tôi chìm trong dàn dụa đê mê, tựa hồ đang bơi lội trong bể tình không bến bờ nhiều bất ngờ thú vị. Dường như sau mỗi lần sinh nở, bể tình ấy lại đầy thêm, phủ một lớp sương”. Ba, có vẻ đẹp trời phú, trí nhớ phi phàm, giọng hát ấm và trong vắt, có bằng diplome đầu bảng, hai mốt tuổi đã là huyện ủy viên, chủ tịch Thị trấn, tất cả đàn ông trong huyện không ai sánh được. Nhưng ông không phải là người yêu vợ mà liên miên chìm đắm vào tình ái với những người đàn bà khác. Một tài trai như ông nhưng trong CCRĐ, ông không có một chút xíu nào người hùng mà nhẫn nhục đến hèn hạ trước ông “trời con” đội trưởng như một con cua rúm hết chân cẳng trước một đại vương ếch.
Nhưng cũng đúng thôi “Gặp thời thế, thế thời phải thế”!
3 – “NCT&BĐCTN” không kể theo trình tự thời gian, hết chuyện này rồi mới đến chuyện khác. Tác giả hóa thân vào mọi nhân vật, cùng có mặt với họ trong bất cứ thời gian nào. Kỳ 1 đang chuyện thằng bé đầu quá to lại có ngạnh nhô ra hai bên như hai cái sừng bò khó nhọc từ trong bụng mạ ra chào đời. Kỳ 2 đã chuyện nó thành chàng trai trong cái đêm giấc ngủ chập chờn hình bóng Ái Vân rồi cuộc làm tình đầu đời với cô giáo dạy môn xác suất. Kỳ 3 lại trở về trong lòng mẹ trong cái chuồng bò đêm mưa gió, mở mắt nhìn những người thân yêu, những cái bóng đói lay lắt đang ăn khoai mà ấn tượng nhất là cái bóng của Ba vừa ăn những đụn khoai đụt nhỏ xíu còn sót lại trong nồi vừa để những giọt nước mắt lăn trên má. Kỳ 4 dẫn người đọc trở lại đám cưới mười mấy năm xưa của Ba Mạ rồi cảnh hạnh phúc của một gia đình đông con, cảnh ân ái của Ba Mạ: “Lộc trời của mạ tôi là ba tôi nhưng chỉ về ban đêm, giờ gà gáy canh ba bà mới sẵn sàng hưởng lộc.” Rồi bất ngờ, từ một trận mây mưa rất người: ông Ba đang như con thú điên dại chiếm đoạt, bà Mạ mê đi, gần như mất trí thì bọn sai nha CCRĐ bốn bề xôn xao ập vào bắt Ba về tội phản động! Và kỳ 6 là một cuộc hành hình bất thành vì lòng trời và vì lòng người không thuận.Trong đó có tấm lòng con trẻ của anh Huy mới 9 tuổi được diễn tả như một tấn bi hài kịch “bỗng nhảy ra, tuột quần, chĩa chim trước mặt Đội Trưởng và chị Hiên, nói bắt cái con cặc tau đây nì.” làm dơ mặt lũ con trời và rễ chuỗi của nó, đồng thời cũng làm hởi lòng hởi dạ những người lương thiện!
4 –Tiểu thuyết “NCCT&BĐCT” được kể theo lối văn khẩu ngữ, một thế mạnh mà hiện giờ chỉ có trên bàn phím của Nguyễn Quang Lập.
Người đọc khó tìm thấy những đoạn tả người tả cảnh theo đúng lớp lang miêu tả. Nguyễn Quang Lập đã kết hợp khéo léo và nhuần nhuyễn bút pháp đặc tả của văn học và cận cảnh của điện ảnh khi mô tả và trình chiếu các nhân vật và các sự việc. Ngồn ngộn trong các trang là những đoạn đặc tả như: Cảnh sinh nở đúng với nghĩa “ Người chửa cửa mả”, các cảnh làm tình đầy tính phồn thực và chất người, cảnh sống dưới đáy của một gia đình bị vu oan giá họa trong cái chuồng bò cũ, cảnh ông Đội trưởng nghiện thuốc lào nặng, cảnh hành hình phi luật, phi nhân và phi luân của đội CCRĐ…Tác phẩm không lôi người đọc đi từ đầu đến cuối một thế sự, một nhân vật nào nhưng luôn luôn đong đầy những chi tiết cuốn hút, đan xen nhau. Loại kể này không dễ, chỉ có những đầu óc giàu chuyện đời và giàu lời kể có duyên mới làm được.
Giọng kể và lời văn của Nguyễn Quang Lập còn cuốn hút người đọc ở sự trào lộng rất gần với các truyện cười dân gian. Điển hình như chuyện nghiện thuốc lào nặng của Đội trưởng khiến ta nhớ đến chuyện xưa có một ông Quan khoái cái lông voi để xỉa răng đến nỗi khi đi coi phu đắp đê, bỏ quên ở nhà, bắt một thằng lính, về bảo bà quan đưa cho. Lại phải anh lính ngớ ngẫn, đi đường quên mất, không nhớ là lông gì, chỉ nhớ lông không mà thôi nên về đến nhà, bẩm bà xin bà một cái lông cho Quan khiến bà lớn tưởng ông lớn muốn có một cái của mình để cho đở nhớ chăng , vội vàng vào trong buồng, luồn tay nhổ một cái và gói vào mãnh giấy tử tế,mang ra đưa cho thằng lính mà dặn nó rằng:” Mày phải giữ cho cẩn thận, đừng có giở ra xem gió bay mất thì mày chết.” …
Nhưng giọng kể và lời văn của Nguyễn Quang Lập không dừng ở cái cười hài hước đơn thuần như chuyện ông lớn nghiện cái tăm voi: Giữa đường, thằng lính tò mò mở ra xem , chẳng may gió bay mất cái lông. Nó sợ quá. Song nó đã biết là lông gì rồi, cho nên vội vàng chạy về nhà, nói chuyện đầu đuôi với mẹ, và xin mẹ một cái lông khác để thế vào , rồi về trình Quan.Quan giở ra, trông thấy và giận lắm quát lên rằng:
– Lông gì thế này?
– Dạ,…bẩm…bẩm…lông…lông….
– Lông! lông! lông! lông…lồn mẹ mày ấy à!
– Dạ, bẩm quan lớn, Ngài minh lắm
Mà là cái cười trào lộng rất sâu cay, cười ra nước mắt:
Mỗi khi hút một điếu phải qua ba giai đoạn: thông nõ, châm đóm và rít. Cái thời cách đây trên nửa thế kỷ, chẳng đã vô khối kẻ hễ mở mồm nói về cái gì cũng phải qua 3 giai đoạn : Cầm cự, phòng ngự và phản công y như lời trong sách”Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”? Từ xưa đến nay thời nào cũng đầy những kẻ “hay chữ lỏng”, mở mồm là triết lý theo kiểu Tam đoạn luận đó sao! Mặt khác sự nghiện thuốc lào nặng của đội trưởng còn nói lên tính cách quan dạng, sự trả thù ngấm ngầm hèn hạ bỉ ổi của y, một loại ốc sên không cánh mà bay, một loại sâu bọ mới được lên làm người!
*
Với 6 kỳ đã trình làng, “NCCT&BĐCT” cho ta thấy, đây là một cuốn tiểu thuyết pha trộn cả tự truyện lẫn hồi ức viết theo lối khẩu văn đặc sắc. Tác giả đã khéo léo hòa hai trong một cái thật và cái bịa, không còn tách chia ra được để tái hiện hàng loạt cuộc đời của những con người trong những bối cảnh khác nhau từ lúc tác giả còn trong bụng mẹ cho đến khi thôi không kể nữa. Qua đó, ta nghe thấy tiếng cười tiếng khóc, nhìn thấy cái được cái mất của những con người trong cuộc đời “bãi bể nương dâu” trên nửa thế kỷ đã qua.
Những nhận định ban đầu này có thể chưa đủ căn cứ nhưng cứ mạnh dạn nói lên để bà con vừa đón đợi những kỳ sau vừa thêm suy nghĩ!
1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết12.11.2009 lúc 4:39 chiều
tuyệt vơi! Cảm ơn bác đã đọc bọ quá kĩ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét