ƯỚC VỌNG CỦA CHÚ BÉ TRONG
TRUYỆN SÓT LẠI Ở THUNG LŨNG CHỚP RI
Truyện ngắn
Buổi chiều, đáng lý thằng Chơn
phải đi thăm bẫy nhím và đặt bẫy gà ri nhưng nó không đi. Nó nằm gác
chân lên cái bàn con đặt ở đầu giường (đúng hơn là một tấm ván rộng tám
tấc) hai tay buông thõng xuống đất, toàn thân bất động.
Như thế là nó đang buồn. Những
lúc như vậy không bao giờ tôi dại dột đến cà kê bên nó. Nó sẵn sàng đạp
tôi một cái văng tận cối xay, rồi mặc cho lôi mếu máo khóc, vẫn ở tư
thế “chết giả” ấy, nó nằm cho đến khi cô ‘Thương đi dạy học về mới lật
đật nhẩy xuống kéo tay tôi, nịnh:
– Ra suối tao nướng cá cho mà ăn, mau!
Dĩ nhiên là tôi theo nó. Không
phải tôi thích cá nướng, mà tôi khoái nó. Đối với tôi, nó là một anh
hùng. Nó khỏe lắm, vạm vỡ như một ông thợ sơn tràng cự phách thu nhỏ
lại. Chân tay nó cứng như đinh, chạm vào đâu cũng “lưng tưng” chứ không
mềm nhũn như tôi, mặc dù tôi với nó bằng tuổi nhau, mới chín tuổi chứ
mấy.
Thằng Chơn chỉ có một điểm yếu
là học dốt, còn mọi chuyện khác nó đều tài giỏi, hơn người. Nó thông
thạo tất cả các loại bẫy thú và có thể giảng giải hàng giờ liền cho tôi
nghe ưu nhược điểm của các loài bẫy đó. Nhìn một bãi phân lợn rừng, nó
có thể nói chắc bắp rằng con lợn đó vừa qua đây khoảng mấy tiếng và sẽ
đi về hướng nào. Nó tỏ ra thần đồng trong việc bẫy gà ri và nhím.
Tất cả những đứa người Chứt ở đây
đã mấy đời săn thú. Thế mà nó là người miền xuôi. Tôi cũng vậy, tôi
cũng là người miền xuôi. Chúng tôi cùng lên thung lũng Chớp Ri vào thời
gian ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cả hai chúng
tôi đều là con nuôi của cô Thương. Cứ biết thế đã, còn vì sao thì tôi sẽ
kể tỉ mỉ ở vào khoảng giữa chuyện.
Bao giờ thằng Chơn buồn, mặt nó
cũng thảm hại như một kẻ thất cơ lỡ vận. Khi tôi chạy xộc vào nhà để
nhắc nó đã đến giờ vào rừng, đã thấy mặt nó như vậy. Tôi lặng lẽ đến
góc học tập của mình tìm sách đọc. Tôi cúi gầm vào trang sách nhưng
chẳng nhìn thấy một chữ nào.
Tâm trí tôi đang hướng về mấy
cái bẫy nhím thằng Chơn đặt chiều hôm qua ở trước rẫy sắn tím của cụ
Thoong. Chắc chắn sẽ có con mắc bẫy vì lần này thằng Chơn đã dò được vệt
đi mới của lũ nhím và cam đoan với tôi: “Chúng nó chạy đến hà bá thiên
vương cũng không thoát”.
Chà, cái lũ nhím ấy cứ sa bẫy là
cuống quít lên như ruồi sa mạng nhện. Chúng co rúm mình rồi ngay lập
tức bắn toàn thân ra phía trước, hàng chục cái lông nhọn hoắt văng ra
rơi lả tả. Bẫy càng ngoặt chặt chúng càng giẫy mạnh. Cho đến lúc trên
mình chỉ còn vài chục cái lông non trắng ợt thì chúng nằm run rẩy như kẻ
bị cảm lạnh… Những cái lỗ chân lông sâu hoắm, thâm tím, dần rúm lại.
Hai con mắt chúng mở to đầy kinh ngạc và khiếp sợ.
Chúng tôi tóm cổ lôi lên, chúng
giẫy giây một cách yếu ớt, đôi mắt trợn ngược, tuyệt vọng, rồi từ từ
khép lại. Chúng nằm cứng ngắc trên tay chúng tôi. Chốc chốc như sực nhớ
ra đã sắp đến giờ chết, chúng giẫy được mấy cái liền, lớp da nhăn nhúm
cứ giật giật…
Cô Thương rất thích ăn thịt nhím.
Mỗi khi chúng tôi xách được vài con chạy ù về nhà, cô hớn hở như người
bắt được vàng, cười cười nói nói, vui lắm. Tôi nhắm mắt tưởng tượng ra
cái cảnh chiều nay đi thăm bẫy “trúng số” như thế nào, rồi ngồi cười
một mình.
– Chú Dũng vừa gửi thư về !
Thằng Chơn bật dậy nhanh như sóc, hai tay chống thẳng xuống thành giường, ngước lên nhìn tôi nói. Tôi quay lại:
– Thế à? Lại thắng thêm một trận nữa chứ?
– Đúng, một ép-bốn-hát, một ép-một-linh-năm.
– Tuyệt! Ha ha!…
Hai tay tôi đánh rụp xuống mặt
bàn, cười khoái chí. Thằng Chơn cười theo, nhưng nhìn kỹ thì thấy có một
phần mếu trong miệng cười của nó. Một lát sau, mặt nó nhăn lại, làu
bàu.
-Chú Dũng vẫn không nói chi đến chuyện súng lục!
-À… ờ nhỉ!
Nó và tôi nhìn nhau bần thần. Chú
Dũng đã hứa vào trung tuần tháng tám này sẽ gửi theo đường bưu điện cho
chúng tôi một khẩu súng lục. Rứa mà đã qua tháng chín, vẫn chẳng thấy
tăm hơi súng xiếc ở đâu.
– Chú Dũng rứa mà tệ nhỉ, mày nhỉ?
Tôi than thở với nó. Nó lặng lẽ nhìn tôi, buồn rầu đáp:
-Có thể chú Dũng sợ bị phê bình
nên lờ tịt luôn. “Trẻ con không được nghịch súng”, hôm qua tao nghe đài
họ nói… Đài nói thì chú Dũng phải sợ, chắc chắn là như vậy.
Thằng Chơn rất bênh chú Dũng. Mặc
dù rất bực mình vì chú thất hứa nhưng hê tôi mở mồm trách chú là nó
“đính chính” ngay. Nó thương chú Dũng nhất trần đời, cả cô Thương nữa.
Chuyện thế này…
Chú Dũng là người yêu của cô
Thương – mẹ nuôi của chúng tôi. Trước, hai người học cùng một trường sư
phạm l0+2 và yêu nhau. Ra trường chú Dũng đi bộ đội cô Thương nhận lệnh
lên thung lũng Chớp Ri dạy cấp một. Khi chúng tôi đã trở thành những
đứa con nuôi của cô Thương thì hai người đã yêu nhau được hai năm.
Bây giờ tôi không còn nhớ dạo đó,
thời chúng tôi chín mười tuổi, tôi và thằng Chơn đã quan niệm tình yêu
như thế nào. Chỉ nhớ là chúng tôi coi như dã hiểu sâu sắc và đầy đủ về
chuyện đó và hồi hộp theo dõi mối tình của hai người qua các bức thư.
Thằng Chơn tỏ ra bậc đàn anh khi
giảng giải cho tôi nghe như thế nào là tình yêu, như thế nào là vợ
chồng và không phải như thế…
– Mày đứng cách tao một bước.- Nó
bắt đầu giải thích cho tôi về tình yêu. – Mày phải ngoảnh mặt vào tao
và nhìn tao thật chăm chú…
Tôi làm theo, không hiểu nó định làm cái trò gì. Nó sửa các tư thế ở chân, tay cho tôi và hỏi:
– Bây giờ mày nói: “Li-li-a, anh yêu em!” Nói đi!
– Nhưng để làm gì? – Tôi ngơ ngác.
– Cứ nói đi! Nó trợn mắt.
“Li-li-a, anh yêu em” – Tôi nói và cảm thấy ngượng khủng khiếp.
Nó nghẹo đầu, đưa ngón tay trỏ vào miệng, thân đung đưa:
– “An-đờ-rây, làm sao em có thể lin điều đó là sự thật”…
– Ha ha! Mày làm cái trò gì thế. – Tôi cười toáng lên.
Nó vẫn thản nhiên:
– Bây giờ mày tiến lại nắm lấy tay tao và đưa lên mồm: Sau đó mày phải nói nhỏ, thật nhỏ kia: “ Ôi, đó là tiếng gọi con tim của anh…”. Nào, làm đi.
– Nhưng tại sao lại đưa tay mày lên mồm tao?
– Làm đi! – Nó quát.
Tôi mím môi tiến một bước, cầm tay nó đưa lên miệng của mình. Chợt tôi phát hiện tay nó thơm mùi cá kho.
– A! Thằng này ăn vụng cá kho của mẹ! – Tôi kêu lên – Tao sẽ mách mẹ Thương!
– Im đi! Mày ngu bỏ cha… Tao ăn vụng cá kho khi nào? – Nó chống chế bằng việc quát nạt giọng đầy vẻ dọa dẫm.
Tôi nín thinh, lẹ làng, cầm bàn tay sặc mùi cá kho của nó đưa lên miệng mình:
– “Ôi đó là tiêng gọi của con tim anh …”
– Tôi thì thào. Nó nhoẻn miệng cười và sà vào ngực tôi. Nhưng vì tôi
đứng thẳng quá, nó thì nặng hơn và sà quá mạnh vào tôi, thế là ngã chỏng
khoèo cả hai đứa. Nó đứng dậy, phủi đít quần, trịnh trọng tuyên bố:
Tình yêu là như vậy đó. Tao đã thấy mẹ. Thương và chú Dũng nói với nhau
như vậy.
Tất nhiên là nó bốc phét. Bởi vì
trước đó chúng tôi chưa hề biết chú Dũng vuông tròn ra sao. Chỉ biết chú
đang đóng quân ở cửa Gianh, chú là bộ đội pháo năm – bảy – li. Đứng
trong thung lũng không thể nhìn thấy cửa Gianh. Muốn nhìn được, phải
men theo suối Roóc đi ngược lên đầu nguồn. Đến chân núi Chớp Ri thì dừng
lại, ở đó có một cây hồng leo rất cao, đó là “Trạm theo dõi tiền tiêu”
của chúng tôi. Cứ chiều chiều, vào những ngày có nắng, chúng tôi leo lên
ngọn hồng leo, ngồi vắt vẻo ở chạc năm, ngó về cửa Gianh.
Cửa Gianh trước mắt chúng tôi là
một vệt xanh thẫm, tua tủa những cọc đen mọc ngược lên chọc vào những
dám mây màu tro. Chúng tôi ngồi đợi chú Dũng đánh nhau với giặc Mỹ ở nơi
có cái vệt xanh thẫm ấy, và tranh thủ nhai luôn những quả hồng leo đầy
nhựa. Khi nào ở trên những đám mây màu tro ấy xuất hiện những đám mây
trắng nhỏ xíu như những quả trứng gà thì chúng tôi đứng cả dậy.
-Đánh nhau to rồi ! Có tám chiếc: ép-bốn-hát và mười sáu chiếc ép-một-linh-năm!
Thằng Chơn bắt đầu thuyết minh,
mặc dù cũng như tôi, nó chẳng nhìn thấy gì cả. Chỉ thấy những đốm bông
trắng nhỏ xíu và tiếng lục bục rất nhỏ, không rõ là tiếng gì.
-Chú Dũng đã phất cờ!- Nó hét lên- Hai loạt, bốn loạt. Cháy! Một ép-bốn-hát đi toi… Hoan hô! – Nó rống lên.
– Oánh mạnh vào chú Dũng ơi !- Tôi bắc loa tay gọi.
– Chú Dũng ra lệnh hai khẩu pháo
di chuyển sang bên trái. Một loạt bom… Chú Dũng không việc gì. Hoan hô !
– Nó vừa vỗ tay bem bép vừa nhổ cái hạt đầy nhựa của quả hồng leo văng
cả vào mặt tôi.
– Hoan hô!
– Hoan hô! Oanh mạnh vào chú Dũng ơi!
– Oánh mạnh và-à-ào!
Chúng tôi rung cành hét khản tiếng. Sung sướng chảy nước mắt.
Thời đó ở thung lũng Chớp Ri trẻ
con đứa nào cũng căm thù giặc Mỹ, tất nhiên, nhưng không có đứa nào căm
thù ghê gớm như thằng Chơn. Ở đây hình như không có chiến tranh. Thỉnh
thoảng có hàng đoàn máy bay Mỹ liệng qua thôi, không thả bom. Trừ thằng
Chơn, không có đứa nào cha mẹ bị chết vì bom đạn cả, tôi cũng thế.
Thằng Chơn thì khác. Quê nó ở
Quảng Thuận cách cửa Gianh chín cây số, một quả bom dội trúng hầm, nhà
nó chín người chết tám, chỉ mình nó sống sót.
Dạo đó nó mới năm tuổi. Sau trận
bom, người ta chạy đến. Tan tác tất cả. Thằng Chơn đang cựa quậy dưới
bụng- mẹ nó. Người ta lôi nó lên. Nó ngơ ngác nhìn cha mẹ anh em… nằm
ngổn ngang trên mặt đất. Không ai còn trọn vẹn, mặt ai cũng nhăn nhó,
thâm tím, hình như rất đau đớn.
Thấy một chân của mẹ rời ra, nó
chạy đến, kéo cái chân rời tới gần, hí hoáy lắp vào cho mẹ. Nhiều người
trông thấy, đứng ôm mặt khóc rú lên. Còn nó không để ý đến ai nữa,
nghiến răng cố lắp chân mẹ cho bằng được. Cho đến khi hoàn toàn bất lực,
nó gục đầu vào bụng mẹ òa khóc. Nó lăn xả vào ôm hết người này lay gọi,
lại người kia… Toàn thân dây đầy máu những người đã khuất…
Nó theo cô Thương lên thung lũng Chớp Ri và trở thành con của cô từ dạo đó.
Lên đây, càng lớn nó càng khao
khát trở thành bộ đội. Nó có một cái ba-lô rách, không biết nhặt ở đâu
về được cô Thương giặt thật sạch, vá lại, treo ở góc học tập. Áo quần,
giày dép, những hòn đá hình thù kỳ quái, những thành sắt nhọn, và rất
nhiều quả lựu đạn rỗng… chất đầy cứng ba lô.
Đó là chiếc ba-lô: “Đi đánh thằng đế quốc Mỹ” của nó. Nó sắp sẵn đấy và rỉ tai tôi:
– Chú Dũng lên thăm mẹ Thương là tao xin mẹ, tao đi:
-Xì! Mày bé thế, ai cho mày vào bộ đội? Mẹ Thương cũng không cho mày đi đâu!
Nó nhìn tôi, mặt nhơn nhơn: “Mày thì biết quái gì, đồ con nít!”
– Mà chú Dũng cũng đừng hòng lên đây, chú đang bận đánh Mỹ – Tôi cãi.
Nó cười oang oang, cái cổ giật giật:
-Mày ngu ơi là ngu… Bốn cái thư của chú Dũng gửi cho mẹ Thương đều nói “Sẽ có ngày anh lên thăm em” đấy nhé!…
Thế rồi chú Dũng lên thật. Chú
lên vào một buổi chiều tháng tư. Khi chúng tôi đang ngồi vắt vẻo lên
chạc năm cây hồng leo vừa nhai quả hồng leo vừa hét toáng lên “Oánh mạnh
vào chú Dũng ơi!”‘ thì chú đã có mặt ở thung lũng Chớp Ri. Trời đất ơi,
thật không ngờ.
Từ đầu ngõ, thằng Nhơn thấy thấp thoáng một chú bộ đội trong nhà, nó nhẩy câng lên:
-Chú Dũng? Chú Dũng đây rồi!
Chúng tôi lao vào nhà. Chú Dũng
bước ra dang rộng tay đón chúng tôi. Thằng Nhơn vọt vào trước.Ngay lập
tức nó nhảy tót lên ngực chú ôm chặt. Còn tôi chịu thiệt thòi, đành túm
áo chú, lăng xăng quanh chân chú.
-Tao đã nói mà… – Thằng Nhơn cúi xuống nhìn tôi- Chú Dũng răng rồi cũng lên đây. Tao đã nói mà…
Cô Thương đứng nép vào thanh gỗ
chống giàn bầu tủm tỉm cười. Mặt cô đỏ tươi, thỉnh thoảng cô lại sửa
tóc. Chú Dũng nhìn cô, nói vui:
– Em thật may, sinh đôi được hai đứa con trai thật ngoan…
Cô lườm chú, không nói gì, đầu cúi cúi.
– Chú Dũng lên đây cưới mẹ cháu à?
Thằng Nhơn hỏi, mặt nó hoàn toàn nghiêm túc. Chú cười vang nhà. Cô Thương chạy tới véo vào mông nó:
– Nói bậy nào! Nói bậy nhá!…
Nó nhăn răng cười:
– Mẹ không tin thì thôi, chú Dũng
lên cưới mẹ đó. Chú Dũng viết thư rồi, “chúng ta sẽ là vợ chồng của
nhau trong một thời gian không xa”, đó! Đúng chưa?
– Ha ha ha!…
Tất cả cùng cười, chỉ có cò
Thương là mặt đỏ rực lên. Cô phát vào mông thằng Chơn mấy phát rồi chạy
thẳng vào bếp. Nó thì thầm với chú:
– Mẹ cháu nhớ chú lắm? Đêm mô cũng ngồi viết thư cho chú, viết đầy cả cuốn sổ tay.
– Đôi khi mẹ cháu khóc, kêu tên chú nữa. – Tôi mách thêm.
Chú xoa đầu chúng tôi, kéo chúng
tôi ngồi xuống giường. Từ đó cho đến tối, thằng Chơn lục vấn chú đủ
điều, toàn là chuyện chiến đấu. Chú kể cho chúng tôi nghe đơn vị chú đã
đánh bao nhiêu trận. Những cuộc hành quân gian khổ. Những trận thắng
giòn giã. Chúng tôi sướng run người, nổi cả da gà.
Thằng Chơn tót đến góc học tập, khệ nệ xách ba-lô “Đi đánh thằng đế quốc Mỹ ”
của nó, đặt trước mặt. Nó chưa dám nói với chú Dũng chuyện quan trọng
số một mà nó đã dự định gần một năm nay. Nó len lén nhìn cô Thương, đợi
cô chạy vào đun lửa, nó chồm lên bá cổ chú, rỉ tai rất lâu. Tôi thừa
biết nó nói chuyện gì.
Chú Dũng cười, không nói gì. Nó ngồi bệt xuống thừ người.
Đến tối, cả nhà quây quần bên đống lửa. Thằng Chơn nói liến thoắng, không cho ai chen vào:
– Bọn cháu leo lên cây hồng leo,
thấy rất rõ các chú. Bọn cháu gào to: “Oánh mạnh vào chú Dũng ơi”. Chú
có nghe không? Không à?… Bọn cháu thấy máy bay cháy nữa, toàn ép-bốn-hát
với ép-một-linh-năm… sướng lắm!
Trong khi thằng Chơn liến thoắng
như thế, tôi thấy chú Dũng và cô Thương đưa mắt nhìn nhau. Các đôi mắt
đều cười. Chú nắm tay cô: Cô cúi đầu, mắt chớp chớp. “Li-li-a anh yêu em”… Nắm tay đưa lên mồm… “An-đờ-rây, làm sao có thể tin điều đó là sự thật”… Nói thật nhỏ “Ôi, đó là tiếng gọi con tim của anh“. Tôi len lén nhìn hai người và so sánh các bài giảng về tình yêu của thằng Chơn, thấy sai bét cả.
Chú Dũng ra đi vào lúc hai giờ
sáng, đi bộ. Chú cương quyết không cho thằng Chơn đi mặc dù nó đã không
hề chợp mắt, ngoắc sẵn quai ba-lô lên vai, lừ lừ nhìn mọi người.
– Muốn đánh thằng đế quốc Mỹ, phải học cho giỏi. Học giỏi thì nhất định sẽ cho đi theo. – Chú Dũng khuyên răn nó.
– Nhưng cháu học giỏi rồi, học kỳ một vừa rồi cháu không bị điểm hai nào?- Nó phụng phịu.
Chú Dũng giảng giải, rất lâu các
lý do nó chưa thể theo chú được. Nó rú lên khóc như cha chết và níu áo
chú Dũng chặt đến nỗi chú không cách gì đứng dậy được.
– Thôi được. – Cô Thương nói. – Anh nhớ gửi cho Chơn một cái súng lục thật, nghe!
– A, đúng rồi! Chú sẽ gửi cho Chơn ngay lập tức một cái súng lục. – Chú Dũng khẳng định thêm.
Biết không thể nào theo chú Dũng được, thằng Chơn đành buông áo. mếu máo:
– Nhưng ai sẽ đưa lên cho cháu?
– Chú sẽ gửi bằng bưu điện, khoảng trung tuần tháng tám là cháu sẽ có.
Chú Dũng nói xong thì bế xốc thằng Chơn lên, ra lệnh cả nhà:
– Ta đi thôi…
Cô Thương khoác ba-lô của chú
Dũng, cả nhà theo con đường đá sỏi chạy thẳng tới chân núi Chớp Ri. Đi
được một quãng rất xa, đến bên này bờ suối Róc thì dừng lại. Khi đó ở
trong xóm đã nghe gà gáy le te. Khuya lắm rồi mà chúng tôi chẳng buồn
ngủ gì cả. Chú Dũng ôm cô Thương nói gì rất lâu. Tôi và thằng Chơn đứng ở
gốc cây chò, căng tai hết cỡ vẫn không nghe rõ. Thằng Chơn bấm tôi thì
thào: “Li-li-a, anh yêu em”. Chúng tôi cười khúc khích.
*
* *
Vào lúc thằng Chơn báo tin có thư chú Dũng thì phía đỉnh Chớp Ri cầu vồng xuất hiện…
Một chiếc cầu vồng cực lớn, màu
lá mạ viền màu tím sẫm mọc từ đầu nguồn suối Roóc, uốn một đường lượn
tuyệt vời vươn tới đỉnh Chớp Ri. Nền trời màu tím than, lơ thơ vài đám
mây màu tro. Phía đỉnh cầu vồng, một đám mây hình con cá trắm rất lớn,
xuất hiện chỉ cách cầu vồng một gang tay.
Bao giờ có cầu vồng cũng có đám
mây hình con cá trắm. Đầu tiên cầu vồng mới lờ mờ một đường viền tím,
“con cá trắm” còn khuất sau đỉnh Chớp Ri, chỉ nhô cái đầu đen của nó lên
một chút xíu. Rồi cầu vồng bỗng nhiên rực rỡ như một cái cổng chào
hình cánh cung sáng lấp lánh đủ thứ đèn màu thì “con cá trắm” nổi hẳn
lên, nằm lặng lẽ giữa nền trời màu tím than. Phía dưới bụng nó có một
vệt sáng, như là một lân tinh của nước biển. Lấp lánh, lấp lánh…
khoảng một giờ sau, gió bắt đầu
nổi lên “con cá trắm” từ từ quay đầu về phía biển. Cầu vồng bỗng đỏ chói
lạ thường. Các đám mây lơ thơ quanh đó dần chụm lại thành những tảng
mây lớn. “Con cá trắm” bắt đầu chuyển động về phía biển. Nó “bơi” một
cách thư thả, hờ hững với xung quanh. Khi nó đã trôi cánh cầu vồng quãng
khá xa thì cầu vồng dịu lại, mờ dần và tan biến. “Con cá trắm” trôi tận
cửa Gianh, nhỏ xíu như ngón tay út, từ phía thung lũng gió nổi lên ầm
ầm, mưa lớn.
Đó là chuyện xảy ra thường xuyên ở thung lũng Chớp Ri vào cuối mùa hạ.
Thằng Chơn rất khoái cái cầu vồng
và “con cá trắm”. Rất nhiều lần nó cầm quả thủ pháo trong tay (thực ra
là một quả thủ pháo rỗng), chỉ về phía cầu vồng:
– Tao mà có phép tiên, tao trèo
lên cầu vồng. Xong, tao nhảy lên ngồi trên “con cá trắm”. Xong, máy bay
Mỹ đi qua, tao thả quả thủ pháo xuống đầu thằng phi công. Hấp, máy bay
cháy! Ha ha… Xong, tao theo “con cá trắm” về cửa Gianh với chú Dũng.
Nó nói xong, đưa lưỡi liếm quanh vành môi, trông ngon lành như vừa chén xong một bữa thịt nhím xào.
Nhưng bây giờ không kể chuyện cầu vồng với “con cá trắm” nữa, sắp mưa lớn đến nơi, phải vào rừng thăm bẫy nhím ngay lập tức.
Thằng Chơn khoát tay : – “Tiến!”
và ôm cái súng gỗ chạy lom khom. Tôi ôm cái túi, cúi gập người chạy theo
sau. Chúng tôi nghiêng người men theo suối Roóc, rón rén bước qua từng
tảng đá.
– Nằm xuống! – Thằng Chơn quát khẽ.
– Nhưng chỗ này có nước!- Tôi ngước lên thì thào.
– Suýt! Nằm xuống...
Cả hai nằm sấp. Nín thở. Mười
phút trôi qua căng thẳng. Nước suối chảy róc rách, tràn qua mồm, tràn cả
vào ngực mát rượi. Tay tôi cầm hòn cuội, liếc sang thằng Chơn. Nó đang
dán mắt vào một hốc tối của rừng dẻ.
– Trườn!
Thằng Chơn hạ lệnh. Chúng tôi bắt đầu rướn mình qua từng tảng đá, lặng lẽ, lặng lẽ…
– Rẽ trái, tiến!
Chúng tôi nhảy vọt lên bờ, chui qua một đám gai lùng nhùng. Thằng Chơn chổng mông lên cao, thò tay vào túi lấy cái còi.
– Toe! Toe! Xung phong!…
Chúng tôi lao lên phía trước đầy
quả cảm. Thằng Chơn mặt đỏ bừng, giờ phút “lâm chung” đã tới. Nó rút quả
thủ pháo ra ném cực mạnh.
– Hù… oàng!
– Xung phong!
Tôi xách quần rượt theo thằng
Chơn. Trận chiến đấu không có đối phương kết thúc thắng lợi khi chúng
tôi đến rẫy sắn tím của cụ Thoong.
Có tám bẫy nhím đặt quanh rẫy sắn
tím của cụ Thoong thì sập sáu chiếc, ba chiếc có nhím. Chúng tôi tống
cổ lũ nhím tù binh vào túi, lục tục ra về, không đặt thêm bẫy gà ri vì
sợ mưa lớn, nước suối Róc dâng cao, không qua được. Lội qua suối Roóc,
tôi hỏi thằng Nhơn:
– Mẹ đưa thư chú Dũng cho mày đọc à?
Thằng Nhơn quay lại, gật gật.
– Có. Lúc trưa, tao lại phàn nàn tại sao ba tháng rồi chú Dũng vẫn không gởi thư lên. . .
– Mẹ bảo sao?
– Im để tao kể đã nào!- Thằng
Nhơn nhăn nhó. – Lúc đầu mẹ bảo: “Cũng không rõ tại sao, có lẽ chú Dũng
chuyển đơn vị”. Tao bảo: “Chuyển đơn vị thì cũng phải gửi thư cho mẹ
chứ?” Mẹ: “Ờ…” rồi nói lảng sang chuyện khác. Đến xế chiều, lúc mày đi
họp ban chỉ huy liên đội ấy, mẹ đi họp hội đồng về, đưa thư chú Dũng
cho tao. Thư chú viết dài, toàn kể chuyện thắng Mỹ chứ không nhắc chi
chuyện súng xiếc cả.
– Có thể chú Dũng quên.
– Quên thế nào được! Chú Dũng mà quên à…
Nói đến đây nó đứng lại, dáng mệt mỏi. Tôi cảm giác nó không thể bước thêm một bước nào nữa. Nó ngồi sụp xuống, lăn ra vệ cỏ.
– Mày xách nhím về trước cho mẹ làm. Tao về sau…
– Thôi mà… Về cho rồi! Sắp có mưa lớn rồi đó.
– Tao không về!
Bỗng nhiên nó hét lên. Tôi ngồi
xuống bên nó. Trời đã sẩm tối, đám mây hình con cá trắm đã trôi về phía
cửa Gianh. Thằng Nhơn nằm sấp, hai tay cào cào đám cỏ.
– Về nhà bây giờ… Lại gặp thầy Hoài cho mà coi.
– Kệ thầy chớ, ơ cái thằng này! – Tôi nói.
– Tao không thích cái đồ trốn bộ đội. – Thằng Nhơn dấm dẳn. Nó “hầy” một tiếng giống đúc như tiếng người lớn. Và thở dài…
Đối với nó, ở thung lũng Chớp Ri
này chỉ có hai loại người. Một loại người tốt, rất tốt, đó là những
người đi bộ đội hoặc sẵn sàng xung phong đi bộ đội. Loại thứ hai, cực kỳ
xấu, đó là những người trốn nghĩa vụ quân sự. Loại thứ nhất, rất đông,
nghĩa là tất cả thung lũng Chớp Ri này. Loại thứ hai, chỉ mỗi thầy Hoài.
Thầy Hoài người Thổ Khanh, dạy
lớp 4C, cao lớn vạm vỡ như một đô vật thế giới. Trước, thầy dạy ở Thổ
Khanh, dạy giỏi hẳn hoi. Thầy có giấy báo đi bộ đội được một ngày thì
chuồn đi Thanh Hóa chơi với ông anh ruột. Người ta lên đường nhập ngũ
được mười ngày thầy mới bò về. Dĩ nhiên thầy bị kỷ luật: cắt sổ gạo,
buộc thôi dạy. Rồi không rõ vì sao, một năm sau người ta thấy thầy về
dạy học ở thung lũng Chớp Ri. Chuyện thầy trốn nghĩa vụ quân sự cả
trường đều biết. Đứa nào cũng ghét thầy, mặc dù thầy luôn luôn ngọt ngào
với học trò, không bao giờ thầy quở mắng ai. Thằng Chơn ghét thầy ra
mặt. Chưa bao giờ gặp thầy mà nó chào. Hoặc nó cắm đầu chạy ù qua, hoặc
nó vòng sang một lối khác, coi như không thấy. Đôi khi bất ngờ gặp
thầy sát mặt, không kịp tránh, nó ngoảnh mặt rống to:
– Em… dạ thưa… th… ầy!
Mặt nó vênh lên như mặt thằng ăn
cướp. Thầy Hoài không nói gì, cười cười, đủng đỉnh đi. Người ta bảo số
thầy là số sướng vì bao giờ cũng đủng đỉnh.
Thầy Hoài vẫn đến thăm cô Thương
luôn luôn. Ấy là chuyện thường. Hễ thầy lấp ló ở đầu ngõ là thằng Chơn
nháy tôi tếch ra cửa sau chuồn đi chơi. Dạo này thầy hay đến chơi vào
buổi chiều, lại ngồi chơi rất lâu tôi và thằng Chơn sốt ruột phát điên
lên, thầy vẫn cười nói như không.
Thằng Chơn nằm thẳng đuột trên vệ
cỏ, mắt nhắm nghiền. Nó lại buồn. Tôi bó gối ngồi cạnh, ngó về xóm Thằn
Lằn. Thực ra xóm của chúng tôi không có tên. Nó ở góc cuối của thung
lũng Chớp Ri. Đứng từ lưng chừng đỉnh Chớp Ri, nhóng cổ nhìn xuống,
thấy buồn cười ghê gớm: nó giống cái đuôi con thằn lằn bị đứt không thể
tả. Vào những buổi chiều sương mù từ đáy suối Roóc dâng lên kẻo qua xóm
từng đợt, cái xóm dài ngoằn ngoèo ấy như đang ngúng nguẩy trên một thảm
lụa xanh. Tôi và thằng Chơn sau một cuộc hội ý chớp nhoáng, quyết định
đặt cho nó cái tên chưa từng có trong lịch sử loài người: “XÓM THẰN
LẰN”.
Sương mù đã dâng lên, kéo qua
xóm. Xóm Thằn Lằn đang ngúng nguẩy. Nhà chúng tôi ở cuối xóm, tức là cô
Thương đang đứng ở đầu mút đuôi thằn lằn mải miết nhìn về chân núi Chớp
Ri, ngóng chúng tôi trở về.
Nói rằng cô Thương là mẹ nuôi hay mẹ đích thực của thằng Chơn đều đúng cả.
Bởi vì thằng Chơn còn có ai để
gọi mẹ nữa đâu, ngoài cô Thương. Cô là mẹ duy nhất của nó. Cô chăm sóc
nó, nuôi nấng nó cho đến khi nó lớn phổng lên, trở thành một đàn ông
thực sự, cô sẽ hỏi vợ cho nó. Rồi khi vợ nó đẻ ra một nhóc con, thì cô
lại tiếp tục bồng bế nuôi dạy con cái của nó nên người. Dài ơi là dài…
nhưng đại khái như vậy.
Tôi thì khác, tuy “mẹ con” với cô
và sự thực tôi thương cô như mẹ mình, nhưng tôi còn có mẹ ở thị trấn
Ba Đồn và ba ở Hà Nội. Cơ quan ba tôi sơ tán lên Chớp Ri, tôi lên theo.
Năm ngoái ba tôi phải đi học chính trị hai năm ở Hà Nội. Đáng lẽ tôi trở
về thị trấn Ba Đồn, nhưng vì khoái chơi với thằng Chơn, tôi xin ba tôi ở
với cô, đợi ba tôi về. Ba tôi và cô đồng ý. Thế là tôi trở thành con
của mẹ Thương.
Vậy là tôi sướng hơn tháng Chơn:
có hai mẹ. Còn thằng Chơn chỉ có hai người để bấu víu: Mẹ Thương và chú
Dũng. Nó không thể tưởng tượng sẽ sống như thế nào khi vắng bóng mẹ. Có
lẽ vì thế mà mọi nỗi vui buồn, hy vọng của nó đều có liên quan đến hai
người này.
Hơn một tháng nay cô Thương bỗng trở nên thất thường. Biểu hiện đầu tiên là cô không kể chuyện “Giăng Van-giăng”[1]
cho chúng tôi nghe nữa. Trước đó không bao giờ cô quên. Khoảng chín giờ
đêm, trời bắt đầu trở lạnh, ba mẹ con chui vào màn. Thằng Chơn gác cả
hai chân lên người cô, đầu kê lên cái gối mây, vểnh tai lên nghe. Tôi
nằm co quắp ở bên trái, vừa nghe vừa sờ cái cục thịt thừa ở tai cô. Tôi
rất sợ thằng Gia-ve và thằng Tê-nac-đi-ê, khi nào chúng nó xuất hiện,
tôi đều ôm chặt lấy cô. Thằng Chơn tỏ ra dũng cảm hơn, nó hét lên: “Phải
tay con thì coi chừng!”… Cái mũi nó khịt khịt.
Giờ cô không kể nữa. Buổi tối, cô
soạn bài qua quít rồi lên giường nằm. Đôi khi cô thức rất khuya, ngồi
lịm trong một góc tối. Rồi cô bất thần chạy ra ngõ, đứng chơ vơ trong
sương đặc, hai tay cô cào trong không khí như một người điên… Một đêm,
tôi bò dậy đi tiểu thì thấy giường vắng tanh. Cô Thương và thằng Chơn?
Tôi lò dò ra vườn, thấy thằng Chơn đang cầm đuốc đứng ngóng ra ngõ.
– Mẹ đi đâu rồi mày ạ!
– Đi lúc nào?
– Tao không biết. Tao ra đây thì không thấy nữa. Tao kêu mà mày như thằng điếc…
Chúng tôi bủa đi tìm. Tìm mãi mới thấy cô ngồi bên suối Roóc thơ thẩn ném từng viên sỏi xuống nước…
Nói chung không phải lúc nào cũng vậy, nhưng thỉnh thoảng cô lại làm cho chúng tôi ngơ ngác, không hiểu ra làm sao.
Có lẽ cô bắt đầu trở nên thất
thường từ ngày đau ruột thừa. Buổi chiều cô kêu đau bụng. Dầu cù là hết,
chúng tôi chạy cuống lên tìm dầu, mới thấy một tí xíu ở đáy lọ, mừng
rơn. Thằng Chơn ngồi bóp bụng cho cô, hỏi đi hỏi lại: “Mẹ! Mẹ! Mẹ có
muốn ị không?” khiến cô bực mình quát nó: “Đừng có hỏi bậy!”. Nó im re.
Tôi bịt mồm cười khục khục. Đến khoảng chín giờ tối, cô ôm bụng quằn
quại, rên rỉ: “Ối trời đất ơi! Sao thân tôi cơ cực thế này!”.
– Phải đưa mẹ đi trạm xá!
Thằng Chơn quyết định. Chúng tôi
lao đi gọi người lớn. Chạy nhà nào cũng vắng hoe, toàn thấy con nít.
Chúng lôi vắt chân lên cổ chạy sang xóm khác: Lại chẳng thấy bóng ai. Kỳ
lạ quá! Chúng tôi đạp phăng hàng rào, đá luôn những con chó láo xược
muốn chặn đường, cố tìm cho được một người. Giá như ở thành phố, không
cần, ở thị trấn Ba Đồn thôi, thì chỉ khoảng một phút sau là mọi việc sẽ
giải quyết xong xuôi. Đằng này, cái thung lũng quái quỷ này mỗi nhà cách
nhau hàng trăm mét, chưa tối đã đóng cửa ngáy pho pho, nên hơn một giờ
sau chúng tôi mới biết tin này: Toàn bộ người lớn đã kéo nhau đi mít
tinh chào mừng chiến thắng gì đó ở đầu thung lũng. Từ đây đến đó ba
ki-lô-mét. Thằng Chơn ra lệnh:
– Mày chạy về nhà với mẹ. Tao đi gọi!…
Nói rồi nó vù đi. Tôi lao về nhà.
Xộc vào buồng, tôi đứng khựng lại, rụng rời chân tay. Cô Thương đã
không ở nhà nữa. Tôi đốt đuốc chạy như điên khắp xóm, lùng sục cả hai bờ
suối Roóc vẫn không thấy cô đâu. Điên ruột, tôi vứt đuốc chạy về nhà,
vừa chạy vừa khóc. Đến ngõ đã thấy ba bốn người đứng lố nhố ở đó. Thằng
Chơn lao đến túm áo tôi, hỏi:
– Mẹ đâu?
Toàn thân tôi run bắn, miệng lắp bắp:
– Tao không biết. Tao về…
Bốp! Nó tát tôi một cái nảy đom đóm. Tôi ôm mặt lăn quay xuống đất, nghẹn ngào…
– Thôi, đừng đánh nhau! – Một người túm cổ áo tôi lôi dậy. – Có lẽ có người đã đưa mẹ đi trạm xá rồi.
Chúng tôi cùng nhau đến trạm xá.
Quả nhiên đúng. Cô Thương đã lên bàn mổ. Ngoài phòng mổ có một người cao
lớn đnag hút thuốc, đó là thầy Hoài.
Chúng tôi không thèm chào thầy,
đi vòng qua một lối hẹp đến cửa sổ buồng mổ nhón chân nhìn vào. Cửa sổ
bị chắn bởi một tấm rèm, không nhìn thấy gì cả. Chỉ nghe tiếng lách cách
vang lên đều đặn, thỉnh thoảng nghe “xoảng” một cái cực to và tiếng
người quát khẽ: “Từ từ”.
– Mẹ chắc đau lắm. – Thằng Chơn vẫn không thôi nhìn dán vào cửa sổ.
– Có thuốc tê… – Tôi thì thầm. – Chỉ như con kiến cắn thôi.
– Mẹ mổ ruột thừa. – Thằng Chơn nói. – Tao và mày cũng có ruột thừa, mẹ nói vậy.
– Tởm, mày nhỉ?
Thầy Hoài đến bên, hai tay đặt vào vai hai đứa.
– Đừng lo, mẹ sẽ khỏi.
– Lo gì! – Thằng Chơn trả lời, mắt vẫn dán vào cửa sổ.
– Các em về thấy mẹ đi vắng chắc hoảng lắm nhỉ!- Thầy Hoài tỏ ra xởi lởi, muốn bắt chuyện.
– Hoảng gì!- Thằng Chơn vẫn đáp lại cộc lốc.
Thầy Hoài quay lưng, mặt sầm sầm. Đi một quãng thấy văng một tiếng tức tối: “Nhóc con!”.
– Có thầy nhóc con ấy!
Thằng Chơn ngoái cổ nói vuốt đuôi một câu, cái mồm rộng của nó trề ra trông rất tức cười. May là thầy không nghe thấy…
*
* *
Hôm sau cô Thương bắt đầu ăn được
cơm. Chúng tôi mừng rú. Một cuộc săn tìm gà ri từ sáng đến tối. Số bẫy
gà ri lên đến con số kỷ lục: ba mươi tám cái. Kết quả là ngày nào chúng
tôi cũng có thịt gà, đôi khi cả trứng gà nữa cho mẹ của chúng tôi bồi
dưỡng. Cô Thương tỉnh táo dần, khỏe dần. Nhưng thằng Chơn bắt đầu cáu
kỉnh, tức tối. Đối khi nó quát tôi rất vô lý. Đó là vì thầy Hoài đến
thăm cô Thương luôn luôn, nhiều hơn cả chúng tôi nữa. Số lượng chuối,
cam, trứng gà thầy mang đến đựng chật tủ, chất lên cả trên mặt tủ cũng
không hết. Có hôm, chúng tôi vừa lấp ló ở đầu nhà trạm xá thì thấy thầy
Hoài ngồi hẳn trên giường đang đưa chuối đút cho cô Thương. Cô Thương
lắc đầu lấy tay chặn lại, thầy Hoài vẫn cứ dứ dứ quả chuối ở miệng cô.
Tháng Chơn mặt đỏ phừng phừng, nó nhảy vào nói như hét:
– Có cơm đây mẹ, đừng ăn chuối!
Thầy Hoài cười xuề xòa, đưa tay
xoa đầu nó: “Thương mẹ ghê nhỉ!”. Nó hất tay thầy ra, lúi húi xới cơm.
Nó xới một bát cơm đầy thịt gà ri đưa cho cô Thương:
– Mẹ gắng mà ăn cơm mẹ ạ, ăn chuối làm gì, không khỏe đâu.
Cô Thương tươi cười đỡ lấy bát
cơm, ăn ngon lành. Vừa ăn cô vừa hỏi chuyện chúng tôi sống ở nhà như thế
nào. Cô hỏi thật tỉ mỉ, cứ làm như cô xa nhà hàng năm trời. Cô đưa
mắt nhìn thầy Hoài ra hiệu gì đó.
Thầy Hoài gật gật và đi thẳng. Thằng Chơn nói:
– Mẹ thèm gì không mẹ? Mẹ đã hỏi bác sĩ xem đã ăn thịt nhím được chưa?
Cô Thương kéo tôi và thằng Chơn đến gần, xoa lưng, vuốt tóc chúng tôi hoài:
– Mẹ chỉ thèm các con ngoan, học giỏi thôi… .
– Mẹ đừng chơi với thầy Hoài nữa mẹ ạ. – Thằng Chơn đột nhiên đề nghị.
Cô Thương nhìn nó. Nhìn rất lâu. Từ trong khoé mắt của cô từng giọt nước mắt tứa ra chảy ngoằn ngoèo, kéo thành vệt trên má…
– Ừ mẹ sẽ không chơi với thầy Hoài nữa.
– Mẹ hứa đi. – Thằng Chơn không hiểu sao cũng nước mắt đầm đìa. Nó cầm tay cô lắc lắc.
Cô kéo nó áp sát vào ngực mình, thì thầm:
– Nhưng… mẹ đã lỡ chơi với thầy rồi!
– Tại sao mẹ lại lỡ chơi?
– Là vì, mẹ gần gũi thầy quá…
– Tại sao mẹ lại gần gũi? Mẹ không được gần gũi mới đúng?
Cô Thương bập cả hai bàn tay vào má nó. Thằng Chơn nhìn cô với một vẻ vừa ngạc nhiên, vừa giận dỗi:
– Mẹ không được gần gũi mới đúng – Thằng Chơn khẳng định lại lần nữa.
Cô Thương lắc đầu:
– Là.vì mẹ thấy mẹ cô độc quá… mẹ… không biết…
– Tại sao mẹ lại cô độc hả mẹ? Mẹ có các con, có chú Dũng nữa!
– Các con thì bé quá, không hiểu được lòng mẹ. Chú Dũng thì xa quá, quá xa, xa lắm rồi các con ơi…
Và cô oà khóc. Khóc rất to. Thằng
Chơn khóc theo. Tôi cũng mếu máo. Lát sau, cô Thương gạt nước mắt xoa
dầu hai đứa tôi và bỗng nhiên hứa:
– Ừ mẹ hứa!
Nó cười. Thằng Chơn cười. Cái mặt thằng Chơn khi đang đầy nước mắt lại toét miệng cười trông giống như cái bình thủy tinh rạn.
Tôi cho rằng điểm khác nhau cơ
bản giữa trẻ con và người lớn là ở chỗ trẻ con không được phép nói dối,
người lớn thì tha hồ. Trẻ con nếu nói dối sẽ bị quở mắng, phạt giam,
hoặc tệ hơn, vài chục roi vào đít. Còn người lớn thì họ chẳng việc gì
cả. Khi đã lỡ mồm hứa hoặc thề thốt điều gì rồi không thực hiện thì họ
chỉ “à” và cười xòa một cái. Thế là xong. Làm người lớn thật sướng.
Cô Thương không đến nỗi tệ như
thế nhưng rõ ràng cô đã thực hiện sai lời hứa với thằng Chơn. Từ lúc cô
ra viện, thầy Hoài đến chơi luôn luôn, cô vẫn tiếp đón niềm nở. Thậm chí
cô còn cho thầy ăn cháo hầm thịt nhím nữa… Thằng Chơn buồn vô cùng, nó
không hiểu ra làm sao cả. Chưa lần nào nó dám trách cô Thương. Đối với
nó, cô Thương làm cái gì cũng đúng, nghĩ cái gì cũng hay. Chỉ có nó là
luôn luôn sai bét. Thế là nó dồn sự căm phẫn của nó vào thầy Hoài…
Bây giờ nó nằm vậy không nhúc
nhích, tôi không dám giục nó về, mặc dù tôi đã thấy vài tia chớp đỏ hằn
lên nền trời đen kịt ở phía tây thung lũng. Tôi nằm xuống cạnh nó, đầu
óc hướng về nơi “con cá trắm” tìm về đó là cửa Gianh – nơi chú Dũng
đang chiến đấu. Nếu chú Dũng quay lên thung lũng lần nữa, lần nữa thôi
thì thằng Chơn sẽ sướng không tả được, vì cô Thương cũng chẳng chơi với
thầy Hoài nữa đâu. Cô sẽ cùng chúng tôi ngồi quanh bếp lửa chơi với chú
Dũng suốt đêm, như hôm nọ.
*
* *
Chú Dũng đã gửi súng lục lên!
Đó là sự kiện long trời lở đất đối với chúng tôi.
Buổi trưa chúng tôi đi học về, cô Thương cầm cái bọc giấy báo chờ sẵn ở ngõ:
– Cái gì đây, mẹ đố các con…
Như đã được báo trước, bằng Chơn lao tới chộp lấy gói giấy báo.
– Súng lục! A ha ha!…
Thằng Chơn cầm súng lục nhảy cẫng. Nó tung khẩu súng lên xuống mấy lần liền:
– Tao đã bảo mà! Chú Dũng đời nào quên…
Nó xoay xoay khẩu sng ngắm nghía, miệng chép chép, hai tai đỏ rực. Đó không phải là súng thật, đó chỉ
là thứ đồ chơi của trẻ con nhưng nó giống súng thật không chê vào đâu
được. To gần bằng súng lục thật, nhẹ hơn một chút và không có chỗ lắp
đạn, nhưng bóp cò thì cò nhảy và nghe “tách, tách”, đầu nòng tóe lửa. Cả
thung lũng Chớp Ri này đố thằng nào có khấu súng như thế này. Chỉ có
chúng tôi mới có, bởi vì chúng tôi có chú Dũng.
Thằng Chơn giơ súng lên cao, bắn
liên tục mấy phát liền rồi trao cho tôi. Tôi vuốt ve khẩu súng một chập
rồi chĩa ra phía núi Chớp Ri bóp cò. Đã quá !...
Thằng Chơn giật lấy khẩu súng giắt vào thắt lưng, nó khệnh khạng như một lão tướng bụng phệ, tiến tới cái ba-lô “Đi đánh thằng đế quốc Mỹ”
của nó nghiêm trang đặt khấu súng vào một góc đã bố trí sẵn. Nó đã có
vũ khí quan trọng số một trong chiếc ba-lô. Nhưng sau đó một phút nó lại
rút khẩu súng lục ra, giắt vào lưng quần.
Mấy ngày sau đó nó không hề rời
khẩu súng một chút nào. Tôi nì nài mãi nó mới động lòng cho tôi bắn mấy
phát. Toàn thể bọn con nít ở thung lũng nhìn chúng tôi sử dụng thành
thạo khẩu súng với những cặp mắt thèm khát bốc cháy. Ít lâu sau xuất
hiện hàng loạt khẩu súng gỗ bôi đen bằng mực Cửu Long. Cũng công nhận có
giống nhưng làm sao có thể bóp cò “tách tách” và toé lửa như khẩu súng
chúng tôi được! Xì .
Chúng tôi quyết định viết thư cho chú Dũng sau cái ngày học xong bài “Tập viết thư”.
– Tưởng gì, chứ viết thư… dễ ợt!
Thằng Chơn vênh mặt nói với tôi như vậy rồi giục:
– Lấy giấy bút ra, tao đọc mày chép. Bọn mình phải viết thư thật tuyệt vào, nhé!
Tôi cầm bút sẵn sàng. Nó mở vở học, mắt nheo nheo có vẻ “nghiên cứu’ tợn.
– Bắt đầu… “Ngày tháng năm”.
Tôi đề: “Ngày 21 tháng 8 năm 1967”. Thằng Chơn thấy tôi đề xong, lại xướng:
– Bây giờ… “Tuỳ theo đối tượng gửi thư (là anh, em, bạn bè, bố mẹ…)
Nó kêu to… Sau không có chú, chú bộ đội? Chúng tôi nghĩ ngợi rất lâu.
Bậy thật, bài giảng gì mà chú bộ đội lại không có trong đối tượng gửi
thư. Bí quá, thằng Chơn quả quyết.
– Chắc là họ ghi sót, mày ghi vào thư đi: “Kính gửi chú Dũng!”. Rồi chưa? Rồi à? Bây giờ là “Phần mở đầu bức thư: Ghi lý do gửi thư… Mày chép đi:
“Lý do gửi thư: Chúng cháu rất nhớ chú, lại vừa nhận được thư và khẩu súng lục của chú”. Xong chưa?
– Xong.
– Bây giờ đến “Nội dung bức thư” mới gay đây… Cần kể lại sức khoẻ, học tập, tình hình địa phương (hoặc gia đình). Ghi thế nào mày nhỉ?
– Mày đọc cho tao chép kia nào?
– Thôi được – Nó gãi đầu – Chép đi: “Tình
hình sức khoẻ: mẹ Thương vừa mới cắt ruột thừa. Tình hình học tập: cả
hai đứa cháu đều học giỏi. Tình hình gia đình: mẹ Thương gầy hơn dạo chú
đến thơi. Tình hình địa phương: bọn cháu không biết”. Xong chưa?
– Xong.
– Từ từ… Để tao nghiên cứu cái phần “Kết luận bức thư (cuối thư)” cái đã…
Cô Thương bước vào nhà khi thằng Nhơn đang chúi mũi vào cái phần “kết luận bức thư”. Cô nom thấy bức thư, cười vang:
– Cha mẹ ơi , viết thư thế này à?…
Tôi và thằng Chơn nhìn nhau: “Tại
sao mẹ lại cười nhỉ?”. Hai đứa nhìn bức thư vẻn vẹn có mấy dòng,
ngượng quá, thằng Nhơn vò nhúm lại, xé luôn. Nó nói:
– Mẹ viết thư cho chú Dũng đi. Lâu quá rồi mẹ chẳng viết gì cho chú Dũng cả.
Cô Thương đang tươi tỉnh, nghe thằng Nhơn nhắc, thốt nhiên mặt cô cứng lại, biến sắc:
– Ờ để tối mẹ viết.
– Không! Mẹ viết bây giờ chứ! Mẹ viết… các con xem… các con học chớ!
Nói rồi nó lúi húi lục cặp sách lấy bút và một lô giấy pơ-luya chìa ra trước mặt cô.
– Mẹ ngồi xuống đi, viết đi. Mẹ!
Thằng Nhơn kéo áo cô, năn nỉ. Cô ngôi xuống, cầm lấy bút viết.
– Ờ thì mẹ viết…
– A, hoan hô… mẹ viết đi.- Thằng Nhơn cười tít mắt.
Chúng tôi chằm bẳm nhìn xuống
trang giấy. Cô Thương nắn nót ghi một dòng chữ thật to, thật đẹp: “ANH
THÂN YÊU CỦA EM”. Thằng Chơn trông thấy dòng chữ ấy mắt sáng lên. Nó hấp
háy mắt, nháy tôi “Tao đã bảo mà, mẹ không đời nào quên chú Dũng đâu!”
Cô Thương dừng bút, ngồi đờ đẫn, mắt cô trân trối nhìn mãi cái lọ mực.
Rồi, hình như mọi ý nghĩ đều từ cái lọ mực ấy tuôn ra , chảy tràn trề
trên trang giấy: “Anh thân yêu của em ơi! Anh Dũng ơi! Anh có nghe
em gọi không? Anh ơi, đêm nào em cũng nhớ anh. Đêm nào em cũng nhớ anh.
Đêm nào em cũng nhớ anh. Đêm nào em chũng nhớ anh…”.
Chúng tôi há hốc mồm nhìn hàng
trăm dòng giống nhau như thế cứ liên tiếp hiện ra nhanh đến mức không
còn theo dõi kíp. Một lát, cô Thương bỗng ngẩng phắt đầu, mắt đỏ rực. Cô
vứt bút ra xa, gục xuống bàn, bật òa một tiếng khóc đau đớn, tủi nhục…
Tôi và thằng Nhơn giật mình thảng thốt.
*
* *
Hình như có một kẻ nào đó ngồi
trong trán của tôi. Nó thì thầm: “Hãy xem lại bức thư! Hãy xem lại bức
thư?”. Mấy ngày sau tôi cảm giác như là mình đang gặp một chuyện gì
đó, một chuyện gì thật khủng khiếp. Kẻ ngồi trong trán tôi luôn nhắc nhở
hãy xem lại bức thư chú Dũng gửi lên dù tôi đã đọc quá nhiều lần. Tôi
đứng ngồi không yên vì ý nghĩ kỳ quặc đó. “Xem lại bức thư”, xem làm
gì? Thế mà kẻ ngồi trong trán tôi vẫn cứ kiên trì nhắc nhở…
Tôi đã xem, vâng, đúng như vậy.
Mặc dù tôi tin cái thằng trong trán nó nói bậy. Tôi lục ba-lô thằng
Chơn, bức thư đã nhàu nhưng vẫn còn rất rõ nét. Vẫn chẳng biết thêm gì
ngoài những gì chú Dũng đã kể. Tôi định nhét trả lại bức thư vào chỗ cũ
thì bắt gặp chữ ký của chú Dũng. Bỗng nhiên ngực tôi như có một mũi kim
châm. Tôi dán mắt nhìn và nhận ra: đây là chữ ký giả... Trong tất cả bức thư chú Dũng gửi lên trước khi chú lên thăm ba mẹ con chúng tôi, cái
chữ “g” cuối cùng bao giờ cũng đánh một nét uốn cong rất đẹp về phía
trên. Thế mà ở đây, cái nét uốn cong này được chấp nối ba lần! Không
biết trời xui đất khiến thế nào tôi lại thông minh đến như vậy. Tôi xem
lại toàn bức thư và ngơ ngác nhận ra: hoàn toàn không giống một chút
nào nét chữ của chú Dũng. Chữ v, chữ k, chữ r… chú Dũng không bao giờ
viết vậy. Mắt tôi hoa lên, đứng lặng ngắt. Rồi tôi chạy ào xuống bếp. Cô
Thương đang thái rau lợn.
– Mẹ, đây không phải chữ chú Dũng! Không phải thư chú Dũng! Ai đã viết mạo.
Cô Thương trợn mắt nhìn tôi, quát:
– Im!
Tôi giật lùi một bước, nhìn. Cô bươn đến, kéo tôi vào lòng, nói run run:
– Con đừng nói với Chơn! Đừng nói… mẹ lạy con! Chú Dũng… đã hy sinh rồi!
Tôi không khóc. Mười tám năm rồi
tôi vẫn nhớ đinh ninh rằng, lúc đó tôi không khóc. Tôi đứng run rẩy
như một người sốt rét ác tính lên cơn. Tôi nghĩ về thằng Chơn, cái
thằng bạn khốn khổ ấy nó vẫn không hay biết gì cả!
Cái thằng khốn khổ ấy, từ ngày có khẩu súng, suốt ngày liến thoắng như một thằng ngốc:
– Con xông lên mẹ ạ. Con xông
lên! Ba thằng Mỹ chỉ cách con một gang tay. Con đứng dậy, chống nạnh
đàng hoàng, con bắn. Con chỉ bắn một phát thôi mẹ nhá, chúng nó chết lăn
quay. Sạch sành sanh…
Cái thằng khốn khổ ấy, nó vẫn
đinh ninh rằng chính chú Dũng đã gửi thư và khẩu súng lên. Chú Dũng của
nó không thể chết, không đời nào chết, dù bom đạn bằng trời. Chao ôi,
tôi thương nó quá?
Chỉ đến chiều tôi đã khẳng định
chắc chắn chú Dũng đã không có trên đời này nữa. Khi cô Thương lên lớp
tôi lục trong giáo án, tìm thấy một bức thư viết dở của cô gửi cho H.
nào đó mãi sau này tôi mới biết là thầy Hoài. Tôi đọc hàng trăm lần vì
bức thư viết rất khó hiểu:
Tất cả là vì thằng Chơn. Tôi
không thể chết vì thằng Chơn cần có tôi. Chính vì thế tôi đã phải sống.
Tôi sống được là nhờ anh, anh là cái nạng đỡ của tôi. Đầu tiên tôi nghĩ
thế, cho là thế. Nhưng giờ thì tôi thấy hình như không phải thế. Bên
cạnh anh tôi càng chết dần thêm. Nhưng anh lại như một ma lực quái quỷ
làm cho tôi không thể trốn chạy khỏi anh được. Anh Dũng đã hy sinh, còn
anh thì không thay thế được. Ngày mai khi biết tin này thằng Chơn sẽ ra
sao? Trời ơi, nó có thể chết vì anh không bao giờ thay thế được người đã
khuất. Vậy phải làm sao, H? Phải làm sao?
Trời ơi, thế là chú Dũng hy sinh thật rồi!
Buổi tối, cô Thương đang chong
đèn soạn bài, tôi nằm ôm lưng thằng Chơn. Tôi sờ lưng nó, sờ chân tay
tóc, mũi, mồm, sờ cả chim nó. Sờ mãi mà không biết chán, Không hiểu sao
tôi nằm cạnh nó mà tôi nhớ nó quá. Còn nó thì cứ ẩy tôi ra.
– Đừng! Nhột tao! Tao đá một phát văng ra ngoài suối Roóc bây giờ!
*
* *
Thằng Chơn đã cầm cái chùm bẫy gà
ri lên rồi, lại ngột bệt xuống ngạch cửa. Nó đăm đăm nhìn về đỉnh núi
Chớp Ri. Chiều nay cầu vồng lại xuất hiện. Nó hiện ra lặng lẽ, tự sáng
dần lên, rõ dần lên một vẻ đẹp dịu dàng. Trên đỉnh cầu vồng cách một
gang tay là đám mây hình con cá trắm. Nó vẫn như thường lệ, từ phía sau
đỉnh núi Chớp Ri nổi lên, nằm lờ đờ, bình thản như một con cá no nước.
Tôi ngồi cạnh thằng Chơn, không biết nói gì, làm gì. Chúng tôi ngồi rất
lâu, tưởng không bao giờ đứng dậy nữa.
Tối hôm qua có một chuyện xảy ra đã làm cho chúng tôi choáng váng.
Khi đó không rõ là mấy giờ nhưng
khuya lắm. Thằng Chơn đã nằm nói mớ oang oang và nghiến răng ken két.
Tôi không ngủ được, nằm chập chờn với những ý nghĩ quái đản và ghê rợn.
Cô Thương cũng chưa ngủ, tôi biết, dù cô cố thở thật đều. Rồi tôi nghe
có tiếng gõ cửa, gõ rất nhẹ. Tiếng một người đàn ông lào thào:
– Thương! Thương ơi!…
– …
– Thương!
– …
– Thương ơi!
Cô Thương trở dậy, không thắp
đèn, rón rén đi ra mở cửa. Họ thì thầm gì đó rất lâu rồi rời ngạch cửa
đi rất khẽ ra ngõ. Tôi đập đập thằng Chơn. Nó choàng dậy.
– Gì vậy?
– Mẹ đi rồi.
– Đi đâu?
– Tao không biết, đi rồi…
Chúng tôi lao ra ngõ, lén đuổi theo. Họ đang đi xuống suối. Một người đàn ông cao hơn, đi lệch vai, nép sát bên cô Thương.
– Thầy Hoài! – Thằng Chơn rít lên.
Tôi bịt miệng nó. Hai người đang
khoác tay nhau. Thỉnh thoảng thầy Hoài lại cúi thấp xuống. Mỗi lần vậy,
cô Thương đứng lại. Một lát, cô đẩy thầy ra. Họ hôn nhau! Trời đất ơi,
chú Dũng ơi, họ hôn nhau! Suýt nữa thì tôi kêu toáng lên. Thằng Chơn
đứng thừ người không chịu bước thêm một bước nào nữa. Rất lâu sau, nó
cúi xuống tìm một hòn đá cực to, ôm chặt. Hai người đi về phía suối
Roóc. Chúng tôi bám sát chỉ cách hơn mười bước chân. Đến bờ suối họ ngồi
bên nhau thì thầm, thì thầm…
Chúng tôi nằm sát xuống. Thằng
Chơn định rướn thẳng người ném đá. Tôi ôm chặt nó. Nó ẩy ra ra, tôi
nghiến răng ôm chặt nó. Thằng Chơn cắn tay tôi đau điếng.
Trong khi đó, ở bờ suối đã diễn
ra một cảnh tượng làm cho tôi bàng hoàng. Họ vật nhau, vật thực sự. Tôi
không thể tưởng tượng được trong khi yêu nhau người ta lại vật nhau
khủng khiếp như vậy. Thằng Chơn buông rơi hòn đá, nó cũng bàng hoàng…
Hai cái bóng đen cứ dày xéo nhau, lăn lăn tới gần mép nước thì dừng lại.
Họ ngồi dậy, lại thì thầm, thì thầm…
Thằng Chơn úp mặt xuỗng cỏ, nấc lên đau đớn.
Chúng tôi quay lui. Không nói với
nhau một câu nào, lảo đảo trở về nhà như những kẻ mất hồn. Thằng Chơn
nhào lên giường, cuốn hết chăn vào người. Nó nằm bất động chừng mười
phút thì vùng dậy thắp đèn. Nó hối hả tìm bức thư chú Dũng. Và nó nhìn
mãi vào bức thư. Thật là khủng khiếp, thì ra trong trán nó cũng có một
thằng người!
Tôi tưởng nó sẽ rú lên. Nhưng
không. Sau khi đã nhận ra lá thư ấy là lá thư giả nó vuột thật thẳng lá
thư, rồi cẩn thận đặt vào chỗ cũ. Nó không hỏi tôi, lặng lẽ lên giường.
Nó nằm sấp, hai tay duỗi thẳng. Những lúc như vậy không bao giờ tôi dám
nói với nó một câu gì…
Cô Thương từ ngoài ngõ chạy ào
vào nhà. Đến sát giường cô khựng lại, thở hổn hển. Cô lui dần từng bước
một cho tôi tới sát góc học tập của chúng tôi thì dừng lại. Chúng tôi
xoay người nằm im, ngủ (!). Lát sau Cô Thương từ từ bước ra, lên giường
ôm thằng Chơn khóc rưng rức.
Thằng Chơn bỗng biến thành một
thằng câm. Nó không nói một câu nào, một tiếng nào. Nó nằm trên giường
cho đến trưa. Cô Thương hỏi có phải nó ốm không? Có phải buồn không? Có
phải giận mẹ không? Nhất nhất nó câm như hến. Nó trở dậy khi trời đã xế
chiều, lẳng lặng làm thêm mấy cái bẫy gà ri. Nó vào vào, ra ra…vật vờ
như một cái bóng. Cô Thương hoảng sợ trước thái độ của nó. Cô ôm nó lay
tay:
– Con nói đi chứ? Con nói một tiếng thôi… Nói đi con, Chơn…
Mặc, nó vẫn im lặng. Nó đưa mắt
ra hiệu bảo tôi ra rừng. Tôi theo nó. Chúng tôi lại lên rẫy sắn của cụ
Thoong thăm bẫy nhím và đặt bẫy gà ri. Có hai con sập bẫy. Mọi lần hễ
thấy bẫy có nhím là nó lại reo lên:
– Đấy, tao đã bảo mà…
Nhưng giờ thì không. Nó nhét vào
túi dết trao cho tôi rồi cắm cúi đi thăm bẫy khác. Hết bẫy, như lệ
thường, chúng tôi lại tìm đến cây hồng leo, chỗ chạc năm, ngồi ngóng về
của Gianh. Của Gianh vẫn chỉ một vệt xanh thẳm, tua tủa những cọc đen
mọc ngước lên chọc vào những đám mây màu tro.
Thằng Chơn ngồi bíu chặt vào
nhành cây lớn chăm chú nhìn về phía đó. Nó hồi hộp chờ đợi những đám mây
nhỏ xíu như những quả trứng gà xuất hiện. Tôi biết nó sợ những đám mây
sẽ không bao giờ trở lại nữa. Hai thái dương nó có những giọt mồ hôi lấm
tấm, thần kinh nó chắc căng thẳng đến tột độ. Rồi, khi nó vùa thấy một
đốm nhỏ hiện trên cái vệt xan thẳm ấy, nó rú lên sung sướng.
– Trời ơi, lại đánh nhau! Lại đánh nhau! Chú Dũng đang nã pháo! Chú Dũng…
Nó đứng dậy cuống quýt, suýt nữa thì đâm nhào xuống đất.
-Oánh mạnh vào chú Dũng ơi! Oánh mạnh vào chú Dũng ơi…!
Tôi lặng lẽ nhìn nó quay cuồng trên nhành cây. Tôi không còn sức lực nào mà hét cùng với nó nữa.
-Oánh mạnh vào chú Dũng ơi! Oánh mạnh vào…
Nó quay lại, mắt nó đầm nước mắt, nghiến răng quát tôi.
-Hét đi chứ! Đồ ngu!
Tôi quay lại, lẳng lặng ngồi tụt
xuống đất. Tôi không thể nói gì với nó được. Chính nó cũng đã biết chú
Dũng đã hy sinh. Nhưng nó không thể tin vào điều đó có thể xảy ra. Tôi
nhắc lại sự thật ấy thì lập tức nó sẽ đạp tôi một cái ngã quay lơ. Bởi
vì nó sợ sự thật ấy được khẳng định.
Chúng tôi quay về khi “con cá
trắm” đã quay đầu về phía biển. Thằng Chơn ném hai con nhím chô cô
Thương đương chẻ củi trong bếp rồi lủi thủi quay ra ngồi ở ngạch của.
Tôi lại ngồi cạnh nó. Cầu vồng vẫn chưa tắt, ” con cá trắm” đã dịch xa
khỏi đỉnh núi Chớp Ri nhưng vẫn còn rất lớn. Thằng Chơn lại câm lặng. Nó
ngồi như chết, nhìn trân trân về đỉnh núi Chớp Ri. Thỉnh thoảng nó lại
ngó ra ngõ, vẻ như chờ ai. Chờ ai nữa, đã hơn một tháng nay giờ này chỉ
có thầy Hoài đến. Trước đó hễ thầy đến là chúng tôi tếch đi ngay. Nhưng
bây giờ thì không, hình như thằng Chơn quên mất cái giờ cần phải ” tếch”
đi chơi. Nó ngồi lì, chờ đợi…
Té ra nó chờ thầy Hoài thật. Và khi thấy thầy đến đã xảy ra một chuyện khủng khiếp….
Thấy thầy Hoài vừa bước vào ngõ thằng Chơn vùng dậy.
-Thầy không được vào đây!
Nó dạng chân đứng chắn đường. Thầy Hoài vẫn tươi cười đủng đỉnh bước:
-Cho thầy vào một chút, rồi thầy đi ngay.
-Không được!
Nó tỏ ra rất cương quyết, ngăn
chặn thầy. Thầy Hoài sững lại, hơi ngạc nhiên. Cả tháng nay, cứ buổi
chiều là thầy đến chơi có thấy nói gì đâu?
Nhưng tại sao…
Thầy Hoài hỏi và ẩy nhẹ nó ra, tiến vao. Nó túm áo thầy lại.
Không được ! thầy không được lấy mẹ em!
-À
Thầy cười to, đưa tay vuốt tóc nó. Tất nhiên là nó hất ra. Thầy lại cười.
-Mẹ em đã có chú Dũng! Thầy không được!…
-À
Thầy Hoài gật gật đầu.
– Đúng như vậy?… Nhưng thầy đã lấy mẹ của em đâu?
– Lấy rồi! Thầy không được vào nhà…Đứng lại!
Thằng Chơn luống cuống khi thấy
thầy Hoài đã bước đến ngạch cửa. Nó nhảy vào nhà ẩy thầy ra. Đến đây thì
thầy không chịu được nữa. Thầy nhăn mặt quát:
– Này, đừng có hỗn!
– Cút đi!
Thầy Hoài mở to mắt nhìn nó rồi bật cười. Một tiếng cười đầy khinh bỉ và giễu cợt.
– Tôi nói cho em biết… em không
có quyền cấm tôi. Tôi không cướp không mẹ của em… Hừ, chú Dũng. Em không
biết chú Dũng đã chết rồi à?
Một cái lọ mực ném thẳng vào mũi thầy cùng với tiếng thét đến lạc giọng của thằng Chơn:
– Nói láo!
Thầy Hoài ôm mặt đầy mực Cửu Long
cúi gục xuống. Một lát, thầy ngẩng lên, nghiến răng. Bốp! Một cái tát
nảy lửa giáng xuống mặt thằng bé chín tuổi! Đến lúc này, dù là cái thằng
vốn hèn nhát, tôi đã nhảy bổ vào thầy. Chúng tôi điên dại ôm lấy thầy,
cắn xé.
Cô Thương chạy ra, kêu lên:
– Trời đất ơi!…
Chúng tôi bị cô giằng ra khỏi thầy Hoài. Cô ôm chặt chúng tôi, ngó chằm chằm vào thầy Hoài.
– Tại chúng nó…hỗn quá!- Thầy Hoài lúng túng nhìn cô, vừa chùi mặt vừa nói.
Cô Thương chúi xuóng lau mặt cho thằng Chơn, lau mãi…và công ngẩng lên hỏi một câu lạnh tanh:
– Thế à?
Thầy Hoài cười khẩy một cái rồi
quay lui. Cô Thương thả chúng tôi ở đấy, thần thờ đi vào buồng. Tôi lấy
dầu xoa cho thằng Chơn. Nó tỏ ra bình thản lạ thường. Đáng lẽ khi thầy
Hoài quay lưng nó phải oà lên khóc mới đúng. Thế mà nó chẳng khóc gì cả.
Nó quay vào góc học tập ngồi chống cằm, mắt nhìn ra cửa sổ. Một lát, nó
lục ba-lô, lấy ra “bức thư của chú Dũng” và khẩu súng vứt ra ngoài cửa
sổ. Đó là những sản phẩm của thầy Hoài, nó tin chắc như vậy. Tôi chạy
vào. Bỗng nhiên nó nhào đến ôm tôi rất chặt. Tôi quàng lấy người nó riết
mạnh.
Đó là lần đầu tiên tôi và nó ôm
nhau. Hơn một năm sống với nó, tôi luôn luôn bị nó quát nạt, đá đít. Chỉ
lần ấy, cũng là lần cuối cùng, chúng tôi áp mạnh vào ngực nhau khi cơn
mưa đã ập xuống thung lũng Chớp Ri.
Tối hôm đó nó bỏ nhà ra đi cùng với chiếc ba-lô “Đi đánh thắng đế quốc Mỹ” của nó. Đi đâu không biết, mười tám năm rồi tôi vẫn không biết nó đi đâu.
Cô Thương đã tìm nó khắp nơi. Cô
xin nghỉ dạy không ăn lương một năm trời để tìm nó, vẫn không thấy. Có
lẽ nó đi vào lúc rạng sáng. Bời vì vào khoảng bốn giờ sáng tôi choàng
tỉnh. Trên giường không còn ai. Tôi chạy ra: cô Thương đang cầm đuốc
chạy bời bời khắp xóm. Tôi chạy theo cô. Tôi và cô lùng sục tất cả những
nơi mà nó vẫn thường lui tới nhưng vô hiệu.
Cô Thương đã ngất đi sau đó một
ngày. Người ta đưa cô đi trạm xá. Còn lại một mình tôi ôm cột nhà ri rỉ
khóc gọi tên thằng Chơn. Gọi từ chiều này sang chiều khác mà nó chẳng
về. Khi đã tuyệt vọng tôi sực nhớ buổi chiều trước lúc nó đi, ở đỉnh
Chớp Ri cầu vồng đã xuất hiện cùng với đám mây hình “con cá trắm” . Khi
đó trong tôi bồng hừng hực một niềm tin: nó đã khoác ba-lô “Đi đánh thắng đế quốc Mỹ”
leo lên cầu vồng, bước tới đám mây hình “con cá trắm”. Nó nằm ôm quả
thủ pháo trên tay, phục kích máy bay Mỹ… Để rồi sau đó nó theo “con cá
trắm” xuôi về phía cửa Gianh, nơi có chú Dũng đang chờ…
Thị trấn Ba Đồn – Huế – 1986
[1] Tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Vichto Huygô (Pháp)
1. ngườilàngcốm27.09.2009 lúc 12:08 chiều
Một truyện ngắn cực hay của Nguyễn Quang Lập. Một câu chuyện đậm đặc những nỗi buồn cao cả!
BAO TRÙM LÊN TÁC PHẨM LÀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH.
Số phận con người trong chiến tranh như con sâu cái kiến. Chỉ một quả bom Mỹ giội trúng hầm, nhà thằng Chơn chín người chết tám, “cha mẹ anh em… nằm ngổn ngang trên mặt đất. Không ai còn trọn vẹn, mặt ai cũng nhăn nhó, thâm tím, hình như rất đau đớn…” Những tưởng người chết thiệt thân đau đớn làm vậy, ai ngờ người sống còn phải mang nặng biết bao nỗi đau trần thế mà người gánh chịu lớn nhất là những người lính, phụ nữ và trẻ em.
Những người lính như chú Dũng, từ những chàng trai đầy nhiệt huyết, lý tưởng, có tri thức và kỷ luật đã lên đường ra trận theo tiếng gọi hờn căm của núi sông, làm nên một đội quân cách mạng, một đội quân văn hóa, đã hy sinh ngoài chiến địa. Họ đã không biết đến ngày về; không phải một ngày về “công hầu khanh tướng” như thơ cổ mà ngay cả ngày về “trên đôi nạng gỗ” hay ngày trở về khi tất cả đã đổi thay, dòng sông, con đường làng, góc phố ngày nào giờ chỉ còn trong kí ức như ca dao:
“Ngày đi trúc chửa mọc măng
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
Ngày đi lúa chửa chia vè
Ngày về lúa đã vàng hoe ngoài đồng”
Hoặc ngày trở về trong nỗi cô đơn, mất mát đầy nỗi niềm xót xa vì một tình yêu hằng ôm ấp trong trái tim đã tan vỡ:
“Ngày đi em chửa có chồng
Ngày về em đã con bồng con mang”
Chiến tranh tàn khốc không có ngày về cho những người như chú Dũng mà chỉ có cõi vĩnh hằng đón họ trở về với cát bụi hư vô!
Biết bao cô gái như cô giáo Thương, vì chiến tranh không giữ được người yêu ở lại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ hơn nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp. Thương không có được cả cái ngày “lấy chồng thời chiến chinh” trong cảnh đơn sơ giản dị như cô gái yêu màu hoa sim tím: “Ngày hợp hôn/ Nàng không đòi may áo mới”, với nụ cười xinh xinh đứng bên cạnh anh chồng “ mặc đồ hành quân”, “đi đôi giày đinh”; dẫu rằng “cưới nhau xong rồi đi!” nhưng cũng đã có được một ngày hạnh phúc nhất đời! Thương chỉ có những ngày đêm sống trong nỗi “ nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời”, đêm mô cũng ngồi viết thư ,viết đầy cả cuốn sổ tay, chỉ còn biết khóc và gọi tên người yêu dấu! Vậy mà nỗi nhớ nhung buồn nhưng đẹp ấy, những bức thư tình chỉ biết cất dấu trong sổ tay ấy cũng không còn được viết nữa vì người yêu dấu của cô, chú Dũng đã hy sinh ở cửa Gianh , biến cô thành một kẻ mất hồn điên dại: “Cô Thương dừng bút, ngồi đờ đẫn, mắt cô trân trối nhìn mãi cái lọ mực. Rồi, hình như mọi ý nghĩ đều từ cái lọ mực ấy tuôn ra, chảy tràn trề trên trang giấy: “Anh thân yêu của em ơi! Anh Dũng ơi! Anh có nghe em gọi không? Anh ơi, đêm nào em cũng nhớ anh. Đêm nào em cũng nhớ anh. Đêm nào em cũng nhớ anh. Đêm nào em cũng nhớ anh…”. và hàng trăm dòng giống nhau như thế cứ liên tiếp hiện ra nhanh đến mức không còn theo dõi kịp. Một lát, cô Thương bỗng ngẩng phắt đầu, mắt đỏ rực. Cô vứt bút ra xa, gục xuống bàn, bật òa một tiếng khóc đau đớn, tủi nhục…”.
Nếu như không có thằng Chơn, có thể cô Thương đã tìm đến cái chết. Nhưng cô không thể chết vì thằng Chơn cần có cô. Chính vì thế cô đã phải sống và chấp nhận phải đi bên cạnh một con người làm cô càng chết dần thêm nhưng là một con người như một ma lực quái quỷ làm cho cô không thể trốn chạy khỏi được là thầy Hoài. Cảm động thay cảnh cô Thương cùng thằng bé “Tôi” đi tìm thằng Chơn trong đêm tối: “Cô Thương đã tìm nó khắp nơi. Cô xin nghỉ dạy không ăn lương một năm trời để tìm nó, vẫn không thấy. Có lẽ nó đi vào lúc rạng sáng. Bởi vì vào khoảng bốn giờ sáng tôi choàng tỉnh. Trên giường không còn ai. Tôi chạy ra: cô Thương đang cầm đuốc chạy bời bời khắp xóm. Tôi chạy theo cô. Tôi và cô lùng sục tất cả những nơi mà nó vẫn thường lui tới nhưng vô hiệu. Cô Thương đã ngất đi sau đó một ngày.”
Hàng loạt trẻ em đã chết vì chiến tranh. Những em may còn sống thì cũng bị đầy đọa trong cảnh điêu linh. Thằng bé “Tôi” may mắn còn có mẹ và ba nhưng cũng phái xa mẹ theo ba sơ tán lên thung lũng Chớp Ri. Thằng Chơn , nhà nó chín người chết tám, chỉ mình nó sống sót. Người đọc khó cầm được nước mắt trước cảnh thằng bé mới năm tuổi, sau trận bom, người ta chạy đến, được người ta lôi lên từ dưới bụng mẹ : “Nó ngơ ngác nhìn cha mẹ anh em… nằm ngổn ngang trên mặt đất. Không ai còn trọn vẹn, mặt ai cũng nhăn nhó, thâm tím, hình như rất đau đớn. Thấy một chân của mẹ rời ra, nó chạy đến, kéo cái chân rời tới gần, hí hoáy lắp vào cho mẹ. Nhiều người trông thấy, đứng ôm mặt khóc rú lên. Còn nó nó không để ý đến ai nữa, nghiến răng cố lắp chân mẹ cho bằng được. Cho đến khi hoàn toàn bất lực, nó gục đầu vào bụng mẹ òa khóc. Nó lăn xả vào ôm hết người này lay gọi, lại người kia… Toàn thân thấm đầy máu những người đã khuất…”
NHƯNG VẤN ĐỀ CHÍNH, VẤN ĐỀ CHỦ YẾU của “Truyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri” không phải là nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm đặt ra môt vấn đề lớn, liên quan đến vận mệnh của trẻ thơ, do đó đã tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ vĩnh hằng sâu xa ở người đọc mọi thế hệ, dù câu chuyện khi Nguy ễn Quang Lập kể đã cách xa 18 năm và cách xa người đọc hôm nay thêm 23 năm nữa. Đó là vấn đề Ước vọng của trẻ thơ..
Xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh Chơn, đứa bé sống sót sau tội ác quả bom Mỹ giội trúng hầm làm nhà nó chín người thì chết tám. V ì th ế hi ển nhiên trong tr ái tim nh ỏ bé của nó hằn lên một nỗi c ăm hờn giặc Mỹ gh ê gớm h ơn b ất kỳ một đứa trẻ nào. Thằng Chơn được cô giáo Thương chăm sóc, nuôi nấng. Nó còn có ai để gọi mẹ nữa đâu, ngoài cô. Cô là mẹ duy nhất của nó. Tình yêu thương như mẹ của cô Thương đã xoa dịu vết thương chiến tranh trong tâm hồn thằng Chơn. Nó tìm lại được tình yêu cuộc sống ở thung lũng Chớp Ri nên hi ển nhi ên niềm yêu thương lớn nhất trong lòng nó là tình yêu mẹ Thương!
Ước vọng của thằng Chơn không nhiều và không có gì to lớn. Nó không ước mơ học giỏi, mai sau thành người này người nọ; nó cũng không ước mơ có nhà cao cửa rộng, có nhiều của nả. Nó chỉ mong có được hai điều: Yêu mẹ Thương nhất trần đời và khát khao trở thành bộ đội đi đánh thằng đế quốc Mỹ.
Vì yêu mẹ Thương nhất trần đời nên biết mẹ thích ăn thịt nhím, thằng Chơn đã tìm hiểu và thông thạo các loại bẫy thú và tỏ ra thần đồng và trong việc bẫy nhím, gà ri ở thung lũng Chớp Ri. V ì y êu m ẹ Th ư ơng, th ằng Ch ơn cũng y êu luôn cả chú Dũng, người yêu của mẹ. Vì yêu chú Dũng nên chưa hề biết chú vuông tròn ra sao, nó đã tưởng như nghe thấy những lời tỏ tình của mẹ Thương và chú Dũng nói với nhau y hệt như những lời của hai nhân vật Li-li-a và An-đơ-rây trong phim ảnh. Chỉ biết chú Dũng là bộ đội pháo pháo năm – bảy – li vậy mà mỗi lần thấy bộ đội ta đánh nhau với tàu bay Mỹ ở Cửa Gianh xa tít, nó như nhìn thấy từng hình ảnh, từng động tác của chú Dũng: “Chú Dũng đã phất cờ!. Chú Dũng ra lệnh hai khẩu pháo di chuyển sang bên trái. Chú Dũng không việc gì! Và rồi: “ Hoan hô! Oánh mạnh vào chú Dũng ơi!” Đến khi chú Dũng lên thung lũng thăm cô Thương, thằng Chơn đã vô c ùng sung sướng, c ất lời nghiêm túc hỏi chú: Chú Dũng lên đây cưới mẹ cháu à? ‘ và nhăn răng cười với mẹ: “Mẹ không tin thì thôi, chú Dũng lên cưới mẹ đó”.
Quả bom tàn nhẫn vô hình của thầy Hoài tuy cũng không giết chết thằng Chơn nhưng đã giết chết một tình yêu nhất trần đời trong tâm hồn trẻ thơ của nó. Vì vậy, thầy Hoài không chỉ còn là một người đàn ông đáng ghét mà là kẻ thù trước mặt nó. Một cái lọ mực ném thẳng vào mũi thầy cùng với tiếng thét đến lạc giọng của thằng Chơn: “ Nói láo!” Rồi nó cùng thằng bé “Tôi” điên dại ôm lấy thầy, cắn xé.Bởi yêu mẹ Thương và chú Dũng nhất trần đời nên khi thấy thầy Hoài, một người trốn nghĩa vụ quân sự tìm cách tán tỉnh mẹ Thương, thằng Chơn không cần che dấu sự khinh ghét thầy.Nó như phát điên lên, nó bảo mẹ: “Mẹ đừng chơi với thầy Hoài nữa mẹ ạ.” rồi cầm tay mẹ, nước mắt đầm đìa: “Mẹ hứa đi!”. Nó đâu biết đến câu ca “mẹ đi lấy chồng con ở với ai” nhưng nó biết thầy Hoài là người xấu, không xứng với mẹ Thương của nó. Thế rồi thấy cô Thương không giữ được lời hứa, vẫn tiếp đón thầy Hoài niềm nở, thậm chí còn cho thầy ăn cháo hầm thịt nhím nữa… Thằng Chơn buồn vô cùng, nó không hiểu ra làm sao cả. Nó không dám trách cô Thương vì với nó, cô Thương làm cái gì cũng đúng, nghĩ cái gì cũng hay. Thế là nó dồn hết sự căm phẫn của mình vào thầy Hoài. Khi hiểu ra sự lừa dối của thầy Hoài, nó không cho thầy vào nhà, nói thẳng vào mặt thầy: “- Không được! Thầy không được lấy mẹ em!” và khi thầy Hoài nói: “Em không biết chú Dũng đã chết rồi à?” thì chẳng khác gì thầy giội một quả bom tàn nhẫn vô hình vào trái tim nó. Quả bom tàn bạo có hình của Mỹ đã giết chết tám người ruột thịt của Chơn nhưng không giết được nó.
Mất niềm tin ở mẹ Thương, mất điều ước vọng đẹp đẽ nhât lại thêm căm giận thầy Hoài như kẻ thù, thằng Chơn chỉ còn biết hướng về niềm ước vọng thứ hai là đánh thằng đế quốc Mỹ, kẻ thù của gia đình nó, kẻ thù của chú Dũng và suy cho cùng cả của cô Thương. Ngay tối hôm đó nó bỏ nhà ra đi cùng với chiếc ba-lô “Đi đánh thằng đế quốc Mỹ” của nó dù nó mới có chục tuổi đầu. Đi đâu không biết. Nhưng chắc chắn nó đi ra mặt trận như chú bé Gavroche dũng cảm như con chim tung cánh bay ra ngoài chiến lũy trong chuyện Giăng Van Giăng cô Thương đã hằng kể cho nó. Nó đi để thực hiện bằng được niềm khao khát cháy bỏng đã bao năm trong lòng nó : “Tao mà có phép tiên, tao trèo lên cầu vồng. Xong, tao nhảy lên ngồi trên “con cá trắm”. Xong, máy bay Mỹ đi qua, tao thả quả thủ pháo xuống đầu thằng phi công. Hấp, máy bay cháy! Ha ha… Xong, tao theo “con cá trắm” về cửa Gianh với chú Dũng.”
Thằng Chơn “ Đi đâu không biết, mười tám năm rồi tôi vẫn không biết nó đi đâu.” Một cái kết mở gợi bao thương cảm xót xa cho người đọc. Có thể nó sẽ như chú Dũng “một đi không trở lại” nhưng hình ảnh nó cũng như hình ảnh chú Dũng không bao giờ chết trong tâm trí người đọc!
VỚI DUNG LƯỢNG TRÊN MỘT VẠN CHỮ, “Truyện sót lại ở thung lũng Chớp ri” không chỉ ngồn ngộn những tình tiết hay mà còn có nhiều dòng tả cảnh tả tình rất đặc săc và sinh động. Người đọc như được sống thật sự ở một vùng thung lũng với cảnh bẫy nhím kỳ thú : “lũ nhím ấy cứ sa vào bẫy là cuống quýt lên như ruồi sa mạng nhện. Chúng co rúm mình rồi ngay lập tức bắn toàn thân ra phía trước, hàng chục cái lông nhọn hoắt văng ra rơi lả tả.”. Người đọc cũng như được chính mắt chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên thung lũng thật là tráng lệ với chiếc cầu vông cực lớn ban đầu mầu lá mạ viền mầu tím sẫm, khi gió nổi thì đỏ chói lạ thường. phía đỉnh là một đám mây hình con cá trắm đầu đen, bụng sáng vệt lân tinh lấp lánh bơi thư thả hờ hững trôi tận của Gianh làm thung lũng nổi lên ầm ầm, mưa gió.
Ngòi bút tả tình của Nguyễn Quang Lập không dài dòng nhưng rất đượm. Đây là cảnh cuộc chia tay của ba mẹ con cô Thương với chú Dũng: “Cô Thương khoác ba-lô của chú Dũng, cả nhà theo con đường đá sỏi chạy thẳng tới chân núi Chớp Ri. Đi được một quãng rất xa, đến bên này bờ suối Roóc thì dừng lại. Khi đó ở trong xóm đã nghe gà gáy le te. Khuya lắm rồi mà chúng tôi chẳng buồn ngủ gì cả. Chú Dũng ôm cô Thương nói gì rất lâu. Tôi và thằng Chơn đứng ở gốc cây chò, căng tai hết cỡ vẫn không nghe rõ. Thằng Chơn bấm tôi thì thào: “Li-li-a, anh yêu em!”. Chúng tôi cười khúc khích.”
Một cảnh chia ly thời chiến tranh hiện đại có ba lô, có tiếng gà gáy, có vòng tay ôm người yêu, có cả sự tưởng tượng theo phim ảnh. Nhưng không thể thiếu cái bịn rịn của muôn đời như muôn ngàn cảnh chia ly của chinh phu chinh phụ mấy trăm năm về trước:
“Nhủ rồi tay lại cầm tay
Bước đi một bước dây dây lại dừng.”
Thủ pháp nghệ thuật tương phản cũng được Nguyễn Quang Lập thể hiện rất thành công. Điển hình nhất là hình ảnh tương phản giữa chú Dũng và thầy Hoài.
Trước cảnh khói lửa bừng khắp núi sông, Chú Dũng đã xử sự như một “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung”; thì thầy Hoài tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự. Thầy bị kỷ luật: cắt sổ gạo, buộc thôi dạy. Rồi không rõ vì sao, một năm sau người ta thấy thầy về dạy học ở thung lũng Chớp Ri. Khỏi nói thì ai cũng biết, thầy đã được sự chở che nhờ ô dù của ai đó !
Cảnh chú Dũng lên thăm cô Thương thật đàng hoàng diễm lệ bao nhiêu thì cảnh thầy Hoài tìm đến cô Thương lại lén lút thô tục bấy nhiêu. Đây là cảnh Dũng –Thương: “Chú Dũng và cô Thương đưa mắt nhìn nhau. Các đôi mắt đều cười. Chú nắm tay cô. Cô cúi đầu, mắt chớp chớp”. Còn đây là cảnh Hoài-Thương: “ Một người đàn ông cao hơn, đi lệch vai, nép sát bên cô Thương”. Đặc biết cảnh thầy Hoài “yêu” cô Thương: “ Họ vật nhau, vật thực sự. Tôi không thể tưởng tượng được trong khi yêu nhau người ta lại vật nhau khủng khiếp như vậy… Hai cái bóng đen cứ giày xéo nhau, lăn lăn tới gần mép nước thì dừng lại. Họ ngồi dậy, lại thì thầm, thì thầm”. Một pha cưỡng tình để “yêu” bằng được chứ đâu phải là một cảnh làm tình vì được yêu nhau!
CÁI NHAN ĐỀ “Truyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri” cũng gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc.
Đúng là một chuyện còn thiếu trong muôn vàn chuyện ở cái thung lũng nhỏ bé heo hút, cái thung lũng quái quỷ, mỗi nhà cách nhau hàng trăm mét, chưa tối đã đóng cửa ngáy pho pho. Người ta đã kể, đã biết muôn vàn chuyện ở thung lũng Chớp Ri, có thể do sơ ý hoặc vô tình đã bỏ quên để sót chuyện này; nhưng nó chỉ sót lại chứ không hề bị thời gian phủ lấp như bao chuyện khác. Nó sẽ được kể lại và phải được kể lại vì mãi mãi nó là bản án chiến tranh tàn bạo, nhưng trên hết nó là tiếng gọi nhân văn cao cả: Hãy nâng niu quý trọng những ước vọng tuổi thơ của các em! Người có sứ mệnh kể lại không ai ngoài thằng bé “Tôi”- Nguyễn Quang Lập!
Trẻ em hạnh phúc khi chúng có những ước mơ đẹp và chỉ hạnh phúc khi có điều kiện để thực hiện những ước mơ đó. Làm mất đi ước vọng của chúng là đánh thuốc độc vào tâm hồn chúng, giết chết không chỉ những ước mơ mà còn có thể giết chết luôn cả chúng!
1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết27.09.2009 lúc 2:51 chiều
cái còm đầy tâm huyết và sâu sắc, đã chỉ đích đáng những gì tác phẩm muốn thể hiệnƯ. Đúng như bác nói: “uớc vọng của thằng Chơn không nhiều và không có gì to lớn. Nó không ước mơ học giỏi, mai sau thành người này người nọ; nó cũng không ước mơ có nhà cao cửa rộng, có nhiều của nả. Nó chỉ mong có được hai điều: Yêu mẹ Thương nhất trần đời và khát khao trở thành bộ đội đi đánh thằng đế quốc Mỹ.” -cũng có nghĩa là nó chỉ muốn yêu nước thôi chứ không hề có mưu đồ gì cả hi hi, thế mà cũng khó quá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét