Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017



CHỢ PHÂN VAI BÒ:

1348e24e665d4f5d8025eb8e5b309247

Bởi: ngườilàngcốm ngày 01.09.2009 
lúc 11:35 sáng

Đây là chợ phân tươi, hoàn toàn không có phân ủ (phân chín) không có phân xanh (phân làm từ các loại lá cây) hay phân hoá học ở các của hàng phân bón ngày nay. Cũng rất ít có phân chuồng, tức là phân lợn, phân gà hay phân trâu bò. Tất cả đều là phân người, dân vùng ngoại thành quanh quê tôi gọi là phân bắc. 

Chợ họp tại địa điểm có tên là Vai Bò ngay bên đường cái quan, chính giữa đoạn đường 1km từ ô Cầu Giấy về làng Vòng. Người dân làng Vòng từ xa xưa chủ yếu là cấy lúa trồng rau và hoa nổi tiếng với kinh thành là hoa lơ (Vòng Tiền và Vòng Trung), cải bắp và hoa huệ (Vòng Sở). Đặc biệt là ở Vòng Hậu có nghề làm cốm từ lâu đời, cốm Vòng được nhân dân đất thành Thăng Long và các vùng miền gần xa ưa chuộng. Nhưng những người bán phân tươi không phải người làng Vòng mà là người ở các làng khác có tập quán đi các nơi, nhất là vào nội thành lấy phân bắc đem về đây bán. Họ không phải là công nhân vệ sinh của nhà nước hay phu “đổi thùng” của nhà thầu Năm Diệm mà là người ở ngoại thành vào lấy trộm phân nên họ thường bị công nhân vệ sinh bắt quang sọt hoặc bị công an phạt tiền khốn khổ lắm. 

Chợ phân Vai Bò họp chừng một giờ đồng hồ từ 3 giờ sáng đến 4 giờ sáng. Người mua phân dùng một cái gắp phân bằng cật tre, trông hơi giống một cái đũa cả sục sâu vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên mũi ngửi để xem phân tốt hay phân xấu. Có sọt phân bị chê là chua, có sọt bị chê là nát nhoét, không đậm. Người bán phân cũng dùng cái gắp ấy ngoáy sục lại vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên ngang tầm mũi mình và cả mũi người mua mà rằng: “Phân ngon thế này mà còn chê à!”. Ngày nào, chợ cũng có đôi chỗ om sòm cãi chửi nhau vì phân giả do người bán tham trộn thêm bùn đất vào phân người.

“Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Phân (Bất kể là phân gì) quý như thế đấy! Chợ phân tươi xưa còn có phân chua, phân nhẽo, phân không đậm và cả phân giả nữa. Nhưng tất cả các loại phân ấy đều chỉ là phân xấu, nói theo những người bán phân tươi là “phân không ngon”, có mua phải thì về bón cũng không phá hại lúa má, hoa màu, cây cối của mình. Và để hơn thua thật giả, chửi bới nhau một lúc là xong. Còn phân dởm trong siêu thị phân ngày nay thì mua phải không những bị lừa mất tiền, không biết chửi nhau với ai mà còn bị coi là ngu vì đem về để phá ruộng của mình-  

Nhân chuyện Chợ phân Vai Bò, bỗng nghẹn ngào nhớ lại các chuyến đi thực tế của các nhà văn nhà thơ ở miền Bắc trước đây. Một trong những công việc chính của họ là đào hố phân rồi hằng ngày đi nhặt phân, từ phân người đến phân thú vật, về đổ vào các hố rồi nhặt lá cây bỏ vào, trộn đều, ủ lại cho chúng ngấu kết lại với nhau.

Theo lời kể của cụ Tô Hoài, mỗi buổi sáng, nhà thơ Phùng Quán ở trong xóm đi ra, “gánh đôi quang lồng một, hai thanh tre gắp phân đặt trên mặt sọt.” Một buổi chiều, gánh phân về, “Quán kể nông nỗi đi gắp phân như là đọc một mẩu chuyện trên báo. Các đường ngoắt ngoéo trong xóm trổ ra cổng đồng còn tối đất. Những con trâu con bò ra ruộng làm sớm, thói quen tự nhiên, tới rệ cỏ ven hào nước thì đứng lại ỉa. Đến khi sáng hẳn, trẻ con trong xóm mắt nhắm mắt mở lốc nhốc kéo ra ngồi bĩnh ở đấy. Hai thanh tre của Quán mở ra gắp lên sọt tuốt cả phân trâu phân người. Tìm ra những con đường phân này cũng chẳng phải tài giỏi riêng Quán, mà sáng nào cũng có người nhặt phân từ các ngõ xóm ra cổng đồng, đi muộn có khi hết.”

Nghe cụ Tô Hoài kể, không thể không chua chát nhớ đến câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông: “Trí thức là cục phân”!
   

Cám ơn bác vì cái còm hay. Ấn tượng quá bác NLC ơi! 
“Người mua phân dùng một cái gắp phân bằng cật tre, trông hơi giống một cái đũa cả sục sâu vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên mũi ngửi để xem phân tốt hay phân xấu. Có sọt phân bị chê là chua, có sọt bị chê là nát nhoét, không đậm. Người bán phân cũng dùng cái gắp ấy ngoáy sục lại vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên ngang tầm mũi mình và cả mũi người mua mà rằng: “Phân ngon thế này mà còn chê à!”.
Bởi: meogia ngày 01.09.2009 
lúc 12:28 chiều
 
Thuốc Bắc là thuốc kiểu Hàng Xóm, phân Bắc chắc cũng vậy he Bác NLC
Bởi: Dong ngày 01.09.2009 
lúc 12:53 chiều
 
Cái thứ phân bác NLC nói, theo tôi ủ kỹ bón cho hoa, rau xanh thì không gì sánh bắng (đặc biệt là hoa hồng). Ngày nay mấy anh hút hầm cầu cứ phải tìm cách lén xả xuống kênh, sông. Đầu óc kinh doanh của bà con đâu rồi nhỉ hay là xấu hổ?
o
Bởi: Hồng Chương ngày 01.09.2009 
lúc 1:22 chiều

 
@anh Hồng CHương: anh đặt câu hỏi đúng đấy, em cũng nghĩ tại sao các nhà khoa học của chúng ta không nghiên cứu tận dụng nguồn ni hè?
o
Bởi: Ha Linh ngày 01.09.2009 
lúc 2:04 chiều

  Bởi Nguyễn Quang Lập:
úa chầu cái chợ phân bác tả hay quá hè, tiếc ngày xưa bọ không biết để đi coi, vô cùng tiếc, nếu không sẽ có một entry thú vị rồi

TÁC GIẢ “To ĐLINH MẤY DÒNG”

Xã Cổ Nhuế (nay thuộc huyện Từ Liêm) xa xưa là làng Cổ Nhuế, tên Nôm là Kẻ Noi . Theo các nguồn tư liệu, lúc đầu, làng Noi ở khu vực Bệnh viên E hiện nay, tên là Cổ Nhuế Hoàng. Về sau, làng phát triển sang phía Đông, lập thêm ba làng mới là Cổ Nhuế Đống, Cổ Nhuế Trù và Cổ Nhuế Viên. Cổ Nhuế Hoàng cũng như các làng Cổ Nhuế khác đều là các làng nông nghiệp, có đồng ruộng rộng, bằng phẳng, màu mỡ. Nhân dân cần cù làm ăn, có kinh nghiệm thâm canh. Từ lâu, dân làng có tập quán đi các nơi, nhất là vào nội thành lấy phân bắc về ủ cho hoai để bón ruộng, nên lúa và hoa màu ở đây rất tốt. Xưa có câu: “ Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế “ là nói về nghề này.
Còn cái chợ phân thì ở bên đường từ Cầu Giấy đi Sơn Tây, giữa đoạn 1km từ Cầu Giấy về làng Vòng, có tên là Vai Bò. Bên trái đường là thôn Vòng Trung có nghề hàng xáo, bên phải là thôn Vòng Tiền có nghề trồng rau và hoa; đi gần 1km nữa thì mới tới thôn Vòng Hậu nổi tiếng cốm Vòng.
Chợ phân ở Vai Bò mới tiện cho những người đi lấy phân tươi từ thành phố về bán và cũng tiện cho dân các làng ở ô Cầu Giấy mua. 

Cảm ơn Đlinh đã có ý tìm hiểu
Bởi: ngườilàngcốm ngày 01.09.2009 
lúc 7:23 chiều

 
To bác Người Làng Cốm@…
“ Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế “
*****

Bác “ôn tập” lịch sử làng nghề Từ Liêm cho Đling@… là em nhớ kỷ niệm đi chơi chợ… phân năm cuối thập kỷ 1970s.
Hồi đó gần giáp Tết, sau ca trực đêm ở BV Saint Paul, em và bạn đạp xe ra mấy làng hoa ngoại thành ngắm hoa đào, hoa cải, vườn bắp su vào sáng sớm sương chưa tan. Trên đường ngược xuôi xe đạp thồ của bà con lao động chở rau, hoa vô các chợ nội thành và ngược lại cũng có những xe đạp thồ hai bên hai thùng nhôm (hoặc kẽm) chở phân về các cánh đồng rau, hoa….
Khi ra về, thằng bạn em nảy ra ý định đi chơi chợ… phân. Cứ ngược dòng các xe đạp thồ với hai thùng đậy kín là đến chợ…phân. Hồi này chợ phân dạt ra đường Láng Thượng khi sông Tô lịch mới nạo vét lần đầu.
Hồi đó, những phố cổ Hà Nội hay dọc phố Huế, Bà Triệu, Lò Đúc các gia đình thường có NVS bằng… thùng. Phân được thu gom đêm về sáng bỡi lực lượng “xe thồ chuyên nghiệp” và tập kết về chợ phân.
Vào “trung tâm” chợ… là em phải đeo khẩu trang… y tế (luôn có trong túi áo blouse). Khi bạn em hỏi một thanh niên đang ăn bữa sáng với ổ bánh mỹ bên cạnh chiếc xe… hàng của mình: hôm nay bao nhiêu một thùng đấy ?
- “Dạ bá cáo bác hai chục. Đảm bảo hàng của em nấy từ các phố Tây. Đặc quánh thế lày, mời bác xem lày…”
Em không dám vào gần, từ xa nhìn thấy tay thanh niên vừa khuấy thùng… cho bạn em xem vừa nói vừa nhai bánh mỳ… Kinh !
Sáng đó em nhường luôn tiêu chuẩn nửa ổ bánh mỳ sinh viên cho bạn em luôn !
He he…
….
Bây chừ các làng Rau dọc Láng Thượng, các “làng lúa làng hoa” ngoại vi Hà Nội,… chắc không còn nữa bác nhỉ ?

ABởi: ngườilàngcốm ngày 19.09.2009 
lúc 2:56 chiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...