HÀ NỘI TRONG TÔI
Mười tám tuổi bạn đến Hà Nội. Mười tám tuổi tôi phải đi khỏi Hà Nội. Kể từ bấy đến nay, bạn loanh quanh đi về và sống cùng Hà Nội. Kể từ bấy đến nay, tôi lang bạt hết khu Việt Bắc đến khu tự trị Thái Mèo rồi về miền biển.
Khi bạn ngồi với người yêu dưới những hàng cây hoa sữa hồ Thiền Quang thì ở nơi tha hương, tôi nhớ về cái hồ đó, nơi tôi và bè bạn thưở hoa niên đã bơi lội những chiều hè…
Đã nhiều năm bạn “thấy Hà Nội quá gần gũi với quê nhà”, “ đi trong lòng Hà Nội lòng thư thái như đi trong vườn nhà mình..”. Đã nhiều năm tôi sợ phải về Hà Nội, sợ gặp lại những mái trường xưa, những người bạn cũ, sợ gặp lại câu ca dao “Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”
Chiều nay bạn buồn, “ ngồi nhìn qua cửa sổ ngóng xuống hồ Linh Đàm, thốt nhiên câu nói Trần Dần văng vẳng bên tai, rưng rưng muốn khóc, lẳng lặng ngồi vào bàn viết. Viết xong trời đã tối mịt, bèn in ra rồi cầm bài viết này lết lên gác thượng tầng 15 khu nhà tôi ở, thả những tâm tư này xuống lòng đất như thả vào lòng Hà Nội của riêng” bạn.
Chiều nay, bỗng dưng nhặt được những tâm tư của bạn thả xuống lòng đất, tôi cũng buồn rưng rưng muốn khóc, lẳng lặng bấm vào đĩa nhạc nghe lại câu hát: “Tôi xa Hà Nội năm tôi mười tám”, nhớ về Hà Nội của riêng tôi một thời. Trong tôi cũng dâng lên một nổi gì không nói được.
Cảm ơn bạn đã cho tôi một nỗi buồn thật đẹp chiều nay!
danchoa
28.01.2010 @ 20:18
Đọc dòng tâm sự của Bác NLC mà em bồi hồi. Em chép lại tặng Bác bài NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI, bài này phải là giọng ca sĩ Thái Thanh mới tuyệt.
Nỗi lòng người đi
Tôi xa Hà Nôị năm lên mười tám khi lòng biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp tan theo thành khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ?
Ai đứng trông ai bên hồ khua nước trong như ngày xưa
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian, em đong thật đầy.
Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng.
Nay khóc tơ duyên lìa tan.
Giờ biết ngày nào gặp nhau?
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu.
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi.
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi…
ngườilàngcốm
29.01.2010 @ 08:30
Cảm ơn Dân choa đã chép tặng NLC lời bài hát “Nỗi lòng người đi” của nhạc sĩ Anh Bằng. Đúng là Thái thanh hát rất tuyệt. Sau có Hương Lan hát cũng rất hay. Một thời đã qua, một số bạn bè mình ở Hà Nội đã khốn đốn vì chép truyền tay nhau lời bài hát đẹp xé tim này.
Nhưng theo mình nhớ thì hình như có đôi chữ khác với bản của Dân choa, chép để bạn xem:
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu (DC: lòng biết yêu)
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy (DC: thiếu hai tiếng “tình ái”)
Một lần nữa, cảm ơn bạn đã bồi hồi với đôi dòng tình cảm của mình ăn theo những tâm tư của bọ Lập thả xuống lòng đất như thả vào lòng Hà Nội của riêng bọ!
NGUYỄN QUANG LẬP
29.01.2010 @ 00:05
HN của bác NLC buồn quá,m nhưng đọc còm thì biết bác rất yêu HN
ngườilàngcốm
04.02.2010 @ 20:50
THƯƠNG NHỚ NGHÌN NĂM
Tôi nghĩ, Nguyễn Quang Lập chỉ biết thương nhớ Hà Nội nghìn năm xưa, không phải vì “tâm hồn cổ lỗ” như ông nói mà vì mọi vẻ đẹp xưa đều là những bức tranh thủy mạc mang tính cách nhân loại không hẳn của một nước nào hay của một dân tộc nào. Cái cảm giác thương nhớ ấy không chỉ ở riêng tâm hồn nhà văn Nguyễn Quang Lập mà là cảm giác chung của mọi tâm hồn biết yêu vẻ đẹp đích thực từ thiên vạn cổ, đặc biệt là tâm hồn những nghệ sĩ đích thực.
Không có nỗi buồn của người lữ thứ, không biết yêu hình ảnh con ngựa bên non, không thể có những câu tuyệt bút trong bài thơ “Đẹp xưa” của Huy Cận:
“Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon…
Đi rồi, khuất nẻo sau non
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu…”
Không biết yêu vẻ đẹp diễm kiều nhưng nền nã thanh lịch của các cô gái Hà Nội, thì không thể có bức danh họa ngang tầm thế giới của danh họa Tô Ngọc Vân “Thiếu nữ bên hoa huệ” – Một bức tranh có thể đem treo ở một phòng khách lớn, cái phòng tiếp cả người thân lẫn người sơ.
Và không thể có những người lính trẻ thủ đô hào hoa như nhà thơ Quang Dũng, dù ở nơi “ Rải rác biên cương mồ viễn xứ” và biết chắc mười mươi “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh /áo bào thay chiếu anh về đất” mà vẫn mơ mộng với câu thơ để đời:
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Không có những kỉ niệm,những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác,tiếc nuối bâng khuâng như một dự báo tất yếu về sự đổi thay và biến mất của các phố cổ Hà Nội thì không thể có những bức sơn dầu lừng danh của danh họa Bùi Xuân Phái được quần chúng mến mộ gọi chung là Phố Phái.
Vì có tấm lòng trân trọng vẻ đẹp của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng và có một tâm hồn đồng điệu với Hà Nội cổ kính, ngàn năm văn hiến, tinh tế và thanh lịch đến nhã nhặn, thanh tao, nhà văn Thạch Lam mới viết nên thiên tùy bút nức danh “Hà Nội băm sáu phố phường” lưu giữ muôn đời trong những lời văn đẹp những hình ảnh đẹp của Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, những chợ hoa, chợ rau, cả những hàng nước ven đường đến những cô gái làng Vòng gánh cốm bán rong trên phố. Thạch Lam mất đến nay đã nửa thế kỷ. Sau ông đã có rất nhiều sách viết về Hà Nội nhưng không dễ gì tìm ra một cuốn đặt ngang hàng với “Hà Nội băm sáu phố phường “ . Không dễ gì kiếm thêm một cuốn sách để cho người ta đọc xong yêu mến Hà nội hơn như đọc xong những trang viết của Thạch Lam.
Khi Hà Nội mất đi vẻ đẹp cổ kính, văn hiến, tinh tế đến nhã nhặn thanh tao, những tâm hồn yêu Hà Nội đích thực như nhà thơ Phan Vũ không thể không buồn, nghe lòng mình thì thầm những lời yêu thương “Em ơi! Hà Nội phố…” và nuối tiếc da diết những nét đẹp thân quen của Hà Nội còn lại trong lòng mình , Hà Nội với mùi hoàng lan,”Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ” hay “phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô”, với em “Tóc cắt ngang xõa xõa bờ vai”, “đôi mắt buồn”…, với cả trăm hình ảnh luôn làm xao động con tim những ngừơi yêu Hà Nội. Để giờ đây:
“Người nghệ sĩ lang thang
Hoài,
Trên phố.
Bống thấy mình không nhớ nổi con đường.”
Nếu gọi tâm hồn yêu Hà Nội như thế là những tâm hồn cổ lỗ, thì có lẽ tâm hồn tôi cũng rất cổ lỗ. Bởi, tôi chỉ yêu cái phố Hàng Đào như câu ca dao cổ còn ghi:
“Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người”
Cái phố Hàng Đào bắt đầu đi vào sử Việt Nam từ thế kỷ thứ 15 với những cư dân chuyên làm nghề nhuộm vải. Thời bấy giờ họ chỉ nhuộm tuyền những màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào… tên gọi “Hàng Đào” cũng từ ấy mà nên. Mà tôi dửng dưng với cái phố Hàng Đào giờ đây là khu thương mại bán buôn và bán lẻ quần áo thời trang (chủ yếu từ Trung Quốc) cùng nhiều mặt hàng khác: vàng bạc, đá quý, đồng hồ…, có tiệm lớn nhất Hà Nội với ồn ào lòe loẹt những biển hiệu phô bầy quảng cáo .
*
Vì hiểu sâu sắc tiếng ngân đích thực từ trái tim của nhà văn Nguyễn Quang Lập: “Tôi chỉ biết thương nhớ Hà Nội nghìn năm xưa, nơi hồn Việt chất đầy thơm thảo.”, nên thư viện cất giấu những áng văn thơ, hội họa đẹp về Hà Nội trong tâm tưởng của riêng tôi, hôm nay xin cất giấu thêm bài tùy bút “Thương nhớ nghìn năm”!
NGUYỄN QUANG LẬP
04.02.2010 @ 21:23
Lời bình như một tuỳ bút về Hà Nội rất hay và cảm động, cảm ơn bác NLC
danchoa
04.02.2010 @ 22:46
Cảm ơn bác NLC. Bác viết rất hay và đã nhắc lại những chàng trai Hà Nội hào hoa ra đi cứu nước trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng, một chàng trai, một nhà thơ Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét