MẤY Ý NHỎ VỀ 5 CHƯƠNG
CHƯƠNG 1
ngườilàngcốm15.10.2009 lúc 4:35 chiều
“ Cái rau được ba tôi nhanh chóng chôn vào bình rượu bốn lít với đôi mắt sáng ngời.
Nhờ nó mà ông có thể chạy bộ trên mười ki lô mét, gánh nặng trên năm mươi cân, ngồi họp trên bốn tiếng đồng hồ, làm tình trên ba mươi phút. Giời ơi, thế mà thơ ca khi nào cũng nức nở về nơi chôn rau cắt rốn của con ngươi”.
Chi tiết này không bịa đặt chút nào mà rất thật trong bối cảnh ở ta từ những năm cuối thập kỷ 50 thế kỷ trước. Nhưng cụ Nguyễn Gia Thiều đọc xong chắc sẽ buồn lòng vì hai câu thơ nổi tiếng trong “Cung oán ngâm khúc” của mình sẽ không còn mấy ai nhớ nữa:
“Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”.
1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết15.10.2009 lúc 4:56 chiều
hi hi cảm ơn bác, đọc còm bác lại nhớ cái bình rượu bác cho, đã đời, hay hè hay hè
CHƯƠNG 2
ngườilàngcốm20.10.2009 lúc 11:43 sáng
Chỉ thấy dân ta có tục làm lễ bán khoán con lên chùa để được Đức Ông che trở hay ăn chóng lớn ngoan ngoãn, ít ốm đau bệnh tật. Có việc gì cũng có thần linh theo đỡ cho
Nếu bán khoán lên chùa thì khi trẻ con 12 tuổi sẽ phải làm lễ chuộc về vì:
Sau 12 tuổi , thì hình như 12 Mụ Bà & 13 Đức Thầy không còn ” Chiếu Cố ” đến mình nữa.
Nguyễn Quang Lập không được bán khoán lên chùa mà lại bán khoán cho một ông thầy: Ông cu Nầy. Nhờ cái sự đặc biệt này, cu Lập hơn đời ngay từ cái tuổi lên hai lên ba: Được xem chim ông bọ nuôi mỗi khi qua ngõ dừng lại vén quần đái, một “ thứ chim to đen lông lá rậm rì”; lại còn được ông cho cầm chim ông nữa!
Nếu bán khoán lên chùa làm sao có cái đặc ân ấy! Và làm sao được thấy một giống chim lạ đến thế! Mà trường kỳ suốt 7, 8 năm cho đến khi chín mười tuổi, ông bọ nuôi mới cắt suất!
He he he!
1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết20.10.2009 lúc 4:26 chiều
Bác ạ, ở quê bọ không có nhà chùa, vô cùng ít nhà chùa có sư trụ trì ở QB, tỉnh QB chỉ nhiều nhà thờ thôi, do đó việc bán con chỉ là tục dân gian chứ không phải tục nhà chùa
CHƯƠNG 3
1. bênhoahuệ23.10.2009 lúc 2:27 chiều
“Cái thằng đầu bò có tên Nguyễn Quang Lập” ra đời trong một cái chuồng bò toàn rơm rác, cứt bò khô, ngập ngụa nước và một trời giông gió nhưng cũng hạnh phúc biết bao trong vòng tay và trong không gian đầy hơi thở ấm áp của những người ruột thịt:
“Giấc ngủ chìm đi mê mệt trong vòng tay ba tôi, sau đó trong vòng tay chị Nghĩa tôi, cuối cùng trong vòng tay mạ tôi. Bốn giờ sáng, tôi mở mắt và phát hiện ra mình đang nằm lọt thỏm giữa chị Nghĩa và mạ tôi. Anh Tường, anh Thắng đang quặp cổ nhau nằm phía dưới chân tôi, cạnh nồi khoai ăn dở.Tất cả những cái bóng đều biến mất.”
Tôi yêu đoạn văn này quá và tin rằng đó là một chuyện có thật, rất thật trong “NHỮNG CHUYỆN CÓ THẬT VÀ BỊA ĐẶT” của NQLẬP. Nhưng xin được hỏi bọ một câu:
– Đến tuổi đến trường, bọ có được học thuộc lòng, học trôi chảy như dòng nước bài ca dao cải biên theo định hướng này trong sách giáo khoa:
“Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Bác Hồ hơn mẹ hơn cha,
Công cao nghĩa rộng bao la biển trời.”
???
Thời “Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ “ của Tô Ngọc Vân chưa có bài ca dao này. Nhưng sang đời cháu nàng thì chúng được học ngay từ tuổi Mẫu giáo đấy!
1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết23.10.2009 lúc 6:11 chiều
Mấy câu ca đó bọ đều được học hết, sau lớn lên câu mô hay thì nhớ, câu mô dở thì bỏ đi
ngườilàngcốm23.10.2009 lúc 10:19 sáng
“Ba tôi nhoẻn miệng cười, hàm răng trắng đều tăm tắp, vẫn trắng đều tăm tắp như thế cho đến khi ông bảy mươi ba tuổi, năm ông từ giã cõi đời trong khi say sưa đọc xã luận báo Nhân dân loan tin đất nước đang vào kì đổi mới.
Khi đó đúng ba giờ chiều, ba tôi kêu ầm lên, nói mạ mi ơi Đảng ta đã đổi và rồi ông cấm khẩu ngay ở tiếng đổi, không còn cố thêm được nữa tiếng mới.”
“Trẻ sợ ma, già sợ chết”! – Đọc xong đoạn này, nhiều ông già ngoài bẩy chục bỗng nhiên rùng mình sợ hãi, không biết đời mình sẽ chấm hết ở cái từ nào trong bài xã luận báo Nhân dân?!
1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết23.10.2009 lúc 10:37 sáng
Đọc xong đoạn này, nhiều ông già ngoài bẩy chục bỗng nhiên rùng mình sợ hãi, không biết đời mình sẽ chấm hết ở cái từ nào trong bài xã luận báo Nhân dân?!- he he một ý nghĩ quá hay, cảm ơn bác NLC
ĐLinh23.10.2009 lúc 11:17 sáng
Em cũng rất thích đoạn văn này.Thật thương cho Ông chưa kịp đọc hết chữ đổi mới thì đã chết mất rồi.
CHƯƠNG 4
ngườlàngcốm30.10.2009 lúc 9:20 sáng
“Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi
Đến năm mười tám đôi mươi
Tôi ngủ dưới đất chồng lôi lê giương
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường gẫy một còn ba”
Cô gái quê trong bài ca dao trẻ trung và hiển nhiên là xinh đẹp (Không nhìn thấy mặt nhưng nghe giộng kể cũng thấy đẹp quá đi thôi!). Còn anh chồng hiển nhiên chỉ là một anh trai quê bình thường, rất bình thường nữa. Vậy mà phải mất ba năm nằm đất, cô bé mới được chồng lôi lên giường, một thương hai thương đến nỗi bốn chân giường gẫy một còn ba.
Bà Mạ trong truyện chỉ là một người “con gái nhan sắc tầm thường” lại thêm “có chín đứa em đói rách lầm than “, lại nữa hơn chồng hai tuổi. Mà ông chồng đâu phải tầm thường Ông có tới bốn cái, tất cả đàn ông trong huyện không ai sánh được: Một vẻ đẹp trời phú, một trí nhớ phi phàm, một giọng hát ấm áp và trong vắt, lại thêm một cái bằng diplome ở vị trí đầu bảng. Và thêm nữa, nhà lại giàu (Không giàu thật thì cũng giàu nhờ hơi của ông bác Vĩnh Tường). Vậy mà chỉ mất có ba mươi đêm, đến đêm thứ ba mươi mốt, bà Mạ đã được ông Ba vào buồng hợp cẩn. Một bên háo hức dâng hiến đến kiệt cùng, một bên chìm trong dàn dụa đê mê. Thế mà cái giường bốn chân vẫn nguyên vẹn.
Không biết ngòi bút của bọ còn non tay hay vì “chiếc giường gỗ lát bốn chân quì rộng rinh rang, chạm trổ tinh vi trong căn buồng thơm nức mùi gỗ pơ- mu” quá chắc chắn?!
Nhưng đoạn văn sau:
“Thế là quá đủ cho mạ tôi hạnh phúc. Hạnh phúc của mạ tôi giản đơn như cây cỏ, cứ ba năm hai lần vác cái bụng vượt mặt đi lại vênh vang giữa chợ phiên và hả hê chửi ba tôi như chửi chó mỗi lần vượt cạn.”
Thì ngòi bút của bọ lại rất già giơ!
1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết30.10.2009 lúc 9:39 sáng
he he bác bình hay quá, cảm ơn bác
2. Flan30.10.2009 lúc 2:09 chiều
Bốn chân giường còn nguyên vẹn là do nó được làm từ gỗ quý “tứ thiết” bác ạ. Nó mà là chõng tre thì nó “sụm bã chè ‘ ngay từ đêm đâu tiên… hihihi
ngườilàngcốm12.11.2009 lúc 4:02 chiều
CHƯƠNG 5
ngườilàngcốm08.11.2009 lúc 5:06 chiều
Chương 5 tiểu thuyết “Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi” viết về CCRĐ. Nhưng bút pháp của Nguyễn Quang Lập khác hẳn những tác phẩm viết về CCRĐ đã ra lò như Sắp cưới của Vũ Bão,Lá non của ngô Ngọc Bội, Bước qua lời nguyền, Lão Khổ, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Hoa của trời của Đỗ Minh Tuấn, Cỏ thiêng của Hồng Phi hay Dòng sông mía của Đào Thắng, Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường và đặc biệt Ba người khác, tiểu thuyết ấn tượng nhất của Tô Hoài.
Nguyễn Quang Lập không vẽ lại diện mạo của cuộc cải cách mà chỉ đi sâu vào một khía cạnh con – người của một nhân vật đã tham gia vào tấn kịch lịch sử CCRĐ, một ông đội trưởng của một đội quân “Nhất đội, nhì trời” của một thời kỳ lịch sử.
Ngòi bút của chủ nhân Quê choa cũng không lôi người đọc qua nhiều thế sự, nhiều công việc xoay quanh cácông đội như như bắt tay với các “rễ, chuỗi”, tìm cho đủ 5% địa chủ để đấu tố giết chóc, cùng ăn cùng ngủ, cùng làm với nông dân, đặc biệt là chuyện “cùng ngủ” với các nữ nông dân rễ chuỗi; qua đó lột tả sự tàn ác, ngu xuẩn, lén lút giả dối dâm ô của các ông đội. Nguyễn Quang Lập chỉ kể có mỗi một chuyên đội trưởng nghiện thuốc lào trong bối cảnh điếu cày và thuốc lào là một thứ thật khó kiếm ở nơi đây.
Nhưng chuyện “Luôn luôn trong tay Đội Trưởng là cái điếu cày kể cả khi đi xia.” Không đơn thuần là chuyện một anh nghiện thuốc lào nặng, kiểu “Ai sinh ra cái thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” mà đây là cái nghiện của một loại quan dạng thời CCRĐ. Bởi thế “Một phát biểu của Đội Trưởng luôn luôn được chia làm ba giai đoạn, luôn luôn như thế mỗi khi Đội Trưởng nói với quần chúng.” Gắn liền với cái điếu cày:
Đầu tiên là giai đoạn thông nõ. Kế đến là giai đoạn châm đóm. Cuối cùng là giai đoạn rít. Giai đoạn nào cũng làm cho quần chúng ngạt thở vì sự quan trọng hóa kết hợp với sự che dấu gian manh xảo quyệt bên trong cái đầu tàn ác mà ngu tối. Nhưng cuối cùng vẫn không che được sự thô tục “ông ngửa cổ khoan khoái để cho khói thuốc cuồn cuồn tuôn ra cho bằng hêt, súc ngụm nước, nhổ cái toẹt, nói rứa đo. Tiếng rứa đo chua lòm kết thúc ba giai đoạn thuốc lào của Đội trưởng”.
Chuyện nghiện thuốc lào nặng còn thể hiện tính cách hèn hạ của đội trưởng là luôn tìm cách hành người dưới quyền mình, ở đây là ông Chủ tịch thị trấn khiến ông này cứ hai ngày lại phải đạp xe vượt bốn chục cây số để mua thuốc lào bằng tiền túi của mình, lại phải mua đúng chỉ “hai lạng không hơn, nếu quá đi sẽ bị Đội Trưởng phê cho là làm lãng phí của cải của nhân dân.”. Thậm chí là tội thiếu trung thực có thể ngang với tội phản quốc.” Và nếu, “Chủ tịch thị trấn nhờ ai đó, ông sẽ bị Đội Trưởng cảnh cáo là lợi dụng quần chúng để tư lợi”
Việc thứ hai còn khốn nạn hơn việc thứ nhất, ấy là việc ông Chủ tịch thị trấn phải liên miên làm điếu cày cho Đội Trưởng. Ba tháng 90 ngày mà làm tới 59 cái, bình quân một ngày rưỡi một cái. Điếu cày làm bằng bẹ chuối hoặc quấn tạm bằng giấy báo cũng không không bị sớm phế bỏ đến thế. Sở dĩ như vậy vì đội trưởng một vài ngày đập vỡ một điếu cày, thậm chí có ngày Đội Trưởng điên tiết đập vỡ hai ba cái liền, nhất là thời kì xử bắn liên miên những tên phản động theo chính phát minh của đội trưởng: ra lệnh xử bắn bằng cách đập vỡ điếu cày, từ thời trung cổ đến giờ tuyệt không ai nghĩ ra
Đó là cách hành dân nói chung và cũng là cách trả thù lưu manh hiểm độc, nói riêng của những kẻ hèn hạ và ngu xuẩn được trao quyền lực, vì: cách đây chín năm chính bố Đội Trưởng là một trong sáu phu kiệu è cổ khiêng kẻ đỗ đầu diplome của Đế quốc Pháp bẩn thỉu đi bộ bốn chục cây số đường trường, từ thị xã Đồng Hới về thị trấn Ba Đồn, hai bên đường đầy những bọn ngu xuẩn chào đón. (Giờ là ông Chủ tịch Thị trấn)
Như con mồi bị ác thú vờn, sau ba tháng bị hành, người có thành tích làm năm mươi chín cái điếu cày cho Đội Trưởng “ bị chính Đội Trưởng xông vào nhà, ấn mặt bắt phải quì, nghe Đội Trưởng tuyên bố trọng tội làm gián điệp cho Quốc dân Đảng.” , một tổ chức ghê tởm nhưng chính đôi trưởng không hề biết chúng là ai, làm gì, ở đâu, vì sao mà ghê tởm mà chỉ cần biết tất nhiên là phải xử bắn chúng!!!
Hình ảnh và sự kiện này khiến ta dễ dàng lý giải vì sao Trong thời gian tiến hành giảm tô tiến đến CCRĐ, sáu xã tại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên đã được chọn làm thí điểm. Người đầu tiên bị mang ra xử bắn là bà Nguyễn Thị Năm. Bà còn được gọi là bà Cát Hanh Long, là người đã che giấu và nuôi dưỡng các lãnh đạo cộng sản như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản… trong thời gian ĐCS còn hoạt động bí mật. Hai con trai bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hanh đều theo Việt Minh từ trước 1945. Khi CCRĐ được phát động, ông Nguyễn Công đang làm chính uỷ trung đoàn và ông Nguyễn Hanh là đại đội phó bộ đội thông tin.
*Câu chuyện chắc còn tiếp ở chương sau, nhưng chỉ ngần ấy chữ nghĩa đã chứng tỏ: Ngòi bút Nguyễn Quang Lập đã kết hợp khéo léo và nhuần nhuyễn bút pháp đặc tả của văn học và cận cảnh của điện ảnh khi mô tả và trình chiếu nhân vật ông đội trưởng CCRĐ ở Thị trấn, một loại ốc sên không cánh mà bay, một loại sâu bọ được lên làm người! Giọng kể và lời văn của Nguyễn Quang Lập còn cuốn hút người đọc ở sự trào lộng, không đơn thuần hài hước mà cái cười rất sâu cay, cười ra nước mắt.
______________________________
NHƯNG: Ngày Chủ nhật tươi vui mà chủ nhân Quê choa cho bưng lên chiếu rượu nồi lẩu CCRĐ năm xưa khiến thực khách đắng cả mắt, cả miệng và cả lòng!
1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết08.11.2009 lúc 5:36 chiều
bất kì cái bình văn của bác cũng rất đáng đọc đi đọc lại nhiều lần, cảm ơn bác rất nhiều.
NHƯNG: Ngày Chủ nhật tươi vui mà chủ nhân Quê choa cho bưng lên chiếu rượu nồi lẩu CCRĐ năm xưa khiến thực khách đắng cả mắt, cả miệng và cả lòng!- he he lần sau bọ rút kinh nghiệm. Tuần này vì ốm, mãi mới post đựơc.
2. Thích Đủ Thứ08.11.2009 lúc 9:28 chiều
Cảm ơn Bác Cốm đã cho biết những thông tin bổ ích!
Còm của Bác hơi … dài nhưng hay lắm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét