Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017


MẶT TRỜI LẶN LÀ LÚC MẶT TRỜI ĐANG ĐỢI CHẾT:

(ĐỌC TIẾNG GỌI TỪ PHÍA MẶT TRỜI LẶN)


Tiếng gọi phía mặt trời lặn

2632009125616706b[1]
Truyện ngắn

Có mỗi khe núi hẹp chừng ba m­ươi bước nhảy của một chú nai con mà nó cũng chần chừ. Nó đứng run rẩy trên một nhành cây lim cao nhất triền núi bên này, nhìn sang cây lim cao nhất triền núi bên kia với ánh mắt đầy lo sợ. Bây giờ sức tàn lực kiệt, nếu cái đập cánh đầu tiên không nâng nó lên cao quá cây trám trước mặt nó, sẽ vấp phải đám dây nhợ lùng nhùng và chết chẹt ở đó.
Ba m­ươi bước nháy của một chú nai con, cái khoảng cách thật vô nghĩa ở cái thời còn là một chú vẹt tơ đầy sức lực: khỏi cần phải tính toán, nó đập cánh thật nhanh vút lên cao và chao mình nhẹ nhàng như­ một lá bay… Thế đấy cái thời phung phí sức lực đã qua rồi, bây giờ thì phải tính toán thật kỹ lưỡng sao cho mọi lần đập cánh đều có nghĩa trên đường bay.
Trời đã sẫm tối. Gió từ khe núi thổi thốc lên làm mấy cái lông ngực của nó gần như­ dựng đứng. Đã thấy sư­ơng mù từ từ kéo xuống. Nó sẽ chết rét nếu ngủ lại ở mỏm núi bên này, dù sao cũng phải gắng gỏi đập cánh sang được phía bên kia. Nó ngẩng đầu, kêu to một tiếng : “Kan-mây… về!” rồi liều mạng đập cánh bay vút lên. Nó thoát qua khỏi đám dây nhợ lùng nhùng mắc ở ngọn cây trám, dập cánh ngược chiều gió thổi, rư­ớn về cây lim ở mỏm đá bên kia.
Đêm nay nó sẽ ngủ ở đấy.
Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu phải lang thang trong các cánh rừng lạ? Nó chẳng còn nhớ nữa. Có thể đã một năm. Có thể đã một đời. Nó chỉ nhớ cái buổi chiều chia tay với Kon Long, chủ nó thôi. Kon Long cho nó ăn nhiều hơn, cứ mỗi lần trao cho nó một hạt thóc, lại nhắc:
– Kan-mây… về!
“Kan-mây… về!’. Nó nhắc lại và há mỏ chờ đợi hạt thóc từ bàn tay chủ nó được búng cái “tách”, lọt vào. Nó đã học tiếng gọi này ròng rã ba tháng trời. Trước đó thì không, Kon Long chẳng bắt nó nói tiếng người, suốt ngày chỉ theo chủ nó lang thang nơi này sang nơi khác.
 Chủ nó là một chàng trai tốt bụng và vui tính, nó nhận định, đây là chàng trai có một không hai của loài người mà nó được may mắn sống gần. Kon Long ít nói, nhưng đã nói thì rất dịu dàng, ấm áp.
Hơ-rê này! – Kon Long nhìn nó thì thầm.
Nó nghếch mỏ lên, nghiêng nghiêng nghe chủ nó.
– Mày có biết tao sắp xa mày không, Hơ-rê?
Tiếng người rất khó, nó cố gắng hết mức vẫn không sao hiểu được. Đấy chỉ là mới nghe thôi, nói càng khó hơn, nó tập mướt mồ hôi mới phát âm chính xác cụm từ “Kan-mây… về!”…
– Tao không muốn xa mày Hơ-rê. – Chủ nó nói. – Tao thương mày, Hơ-rê.
Nghe giọng điệu và nhìn vào ánh mắt Kon Long, nó m­ường tư­ợng có một chuyện gì đó thật nghiêm trọng sắp xảy ra với đối nó.
– Mày có thương Kan-mây không, Hơ-rê?
Câu này thì nó hiểu vì chủ nó nhắc nhắc lại rất nhiều lần, có đến hàng nghìn lần, từ ngày người đàn bà có cái tên Kan-mây không sống cùng với chủ nó nữa. Cố nhiên Hơ-rê cũng chỉ hiểu lơ mơ thôi. Nó gật gật tỏ rõ cho chủ nó biết : “Thương chứ, ồ…”.
– Đúng, phải thương Kan-mây, Hơ-rê ạ. Kan-mây tội lắm. Kan-mây thương tao, yêu tao… Kan-mây ch­ưa chết đâu, tao không tin Kan-mây đã chết. Tao còn thì Kan-mây không chết.
Hơ-rê nhìn vào mắt chủ nó và hiểu là Kon Long đang khẳng định một điều gì đó có liên quan tới người đàn bà tên là Kan-mây.
Kan-mây thì nó nhớ. Làm sao Hơ-rê có thể quên được người đàn bà đáng yêu đó.
Nó nhớ như­ thế này.
Gần nh­ư Kan-mây xuất hiện thật bất ngờ bên một bờ suối vắng, vào buổi sáng. Hơ-rê nghịch chơi mãi trong vòm lá của cây cổ thụ, vừa sà xuống tìm Kon Long thì thấy một người đàn bà đang nép mình bên chủ nó, mắt lim dim. Một tay nàng cầm cái gì nh­ư là hòn sỏi, còn tay kia giữ chặt tay chủ nó đang tìm gì trong áo của nàng.
 Nó nghiêng đầu ngắm nghía. Đó là một người đàn bà trắng, cái môi đỏ và hay cười, lúc lúc nàng lại mỉm cười, ngước lên âu yếm nhìn Kon Long. Hình như­ nàng nói với chủ nô là chẳng có gì trong áo mà tìm. Kon Long sung sướng áp má mình bên má nàng. Sau đó họ bắt ch­ước loài chim trao thức ăn cho nhau. Kan-mây mặt đỏ ửng, mắt nhắm nghiền. Bất thần nàng đẩy chủ nó ra xa, ngồi quay lưng. Chủ nó lại quàng tay ôm ghì lấy nàng, lại bị đẩy ra. Chủ nó đang muốn ăn cái gì đó trong ngực nàng nhưng bị nàng từ chối.
Loài người có một từ rất hay, nó biết được sau rất nhiều lần cùng Kon Long theo các đoàn “tải lư­ơng” xuống núi, đó là ngư­ợng. Nếu người ta vừa thích lại vừa sợ người khác biết cái thích của mình, thì họ ngư­ợng. Trong ngôn ngữ loài chim không có từ này. “Ngư­ợng” khác với “vui”, “buồn”, “yêu’, “thích”… nếu không chú ý sẽ rất” dễ bị nhầm “ng­ượng” với “buồn” và”giận”, hoặc ngược lại, có thể nhầm với “vui và “thích”. “Ngư­ợng” là từ trùm lên tất cả các từ này, và hình như­ chỉ dành cho’ đàn bà con gái…
 Nói chung tình cảm loài người rất phức tạp, phải theo dõi thật kỹ mới biết được. Lúc này Kan-mây đang ngư­ợng. Nàng c­ương quyết không cho chủ nó tìm cái gì đó trong áo nàng. Kon Long không chịu, tỏ ra rất vội vàng, hấp tấp trong khi tìm kiếm, có lẽ chủ nó sợ không tìm gấp thì “cái gì đó” sẽ biến mất.
Kon Long tìm, tìm liên tục. Hơ-rê ngạc nhiên khi thấy Kan-mây đã cởi hết áo mà chủ nó cũng cứ tìm không ra. Chủ nó hết tìm chỗ này lại tìm sang chỗ khác. Còn Kan-mây thì mặt đỏ nhừ, nàng kêu lên những tiếng kêu lạ, không biết sung sướng hay đau khổ. “Chao ôi nếu loài chim cũng biết ngư­ợng như loài người nhỉ?” – Hơ-rê nghĩ thế và bay đi.
*
*          *
Kể từ buổi sáng hôm đó, Kan-mây luôn ở cạnh Kon Long. Họ thì thầm với nhau nhiều điều, toàn những điều khó hiểu, Hơ-rê không biết được. Nó đoán hai vợ chồng sẽ là chồng vợ của nhau khi họ đã gùi xong gạo cho “bộ đội”. Hai người nhập vào đoàn “tải lư­ơng”, lén lút vư­ợt qua nhiều vùng có “địch”, ngày nghỉ đêm đi rất vất vả…
 Đôi khi trong đoàn người lại có vài người trúng đạn hoặc ốm rồi chết. Lại xuất hiện thêm những người mới. Lại đi. Đoàn người cắn răng đi hết ngày này sang tháng khác. Hơ-rê thật sự khâm phục loài người. Họ vô cùng kiên nhẫn, khi đã định làm một việc gì là họ làm đến cùng, dù đổ máu họ vẫn cứ làm. Thật là khủng khiếp.
 Loài chim đúng là chẳng ra gì, phút trước định làm cái này, phút sau đã quên béng, cũng chẳng ân hận gì, cứ tí ta tí tởn suốt ngày như­ một lũ ngốc. Loài người khác, họ có “kế hoạch”,của họ – lại một từ mới mà loài chim không có, nó hiểu là ý định hoặc mơ ­ước được lần l­ượt kể ra có thứ tự – và khi đã vạch ra “kế hoạch” thì tất cả mọi người phải tuân theo cho kỳ được.
Họ có một nhóm chuyên môn chuyên vạch “kế hoạch”. Ví nh­ư trong đoàn “tải lư­ơng” của chủ nó, có ba người, mỗi lần ba người chụm đầu lại, các vẻ mặt đều nghiêm trọng, ấy là họ đang vạch “kế hoạch”. Khi tất cả đều giơ nắm tay lên đồng thanh hét một tiếng gì đó, nghĩa là kế hoạch đã vạch xong.
Loài người luôn luôn bận rộn vì những “kế hoạch” nh­ư thế. Hầu như­ không khi nào thấy họ nghỉ ngơi. Họ chia ra hai phe: “Ta” và “địch”. “Ta”cũng rất đông và “địch” cũng không ít, vờn nhau suốt ngày nh­ư trò chơi cắn đuôi nhau của loài chim. Họ chơi trò này không biết mệt mỏi, đôi khi tỏ ra say mê; quyết liệt và cay cú.
 Ngày nào họ cũng chia ra hai phe “ta” và “địch” để chơi. Đội “tải lương” của chủ nó thuộc phe “ta”, chuyên môn chơi trò gùi gạo. Dần dần Hơ-rê hiểu ra đó không phải là trò chơi, đó là một cuộc đánh nhau dữ dội, loài người gọi dó là chiến tranh. Chiến tranh được xảy ra rất lâu trước khi nó chư­a có mặt trên đời.
Có một nhóm người nào ở rất xa hè nhau khuân súng đạn cùng với các đồ vật biết bay và chạy sang đây đòi chiếm các cánh rừng... Thế là xảy ra các cuộc đánh nhau và chửi bới, vừa đánh nhau vừa chửi bới tức là chiến tranh. Loài chim cũng có từ này, nhưng rất ít sử dụng, lâu ngày cũng quên đi.
Kon Long, Kan-mây và Hơ-rê đều tham gia chiến tranh. Hơ-rê làm nhiệm vụ trinh sát cho đoàn “tải lương” Nó bay trước một quãng xa, hễ thấy người thì kêu lên. Sau đó Hơ-rê còn có nhiệm vụ đ­ưa thư. Nhiệm vụ này quả là khó khăn, nó ít khi hoàn thành, nhiều lần bị chủ nó quở mắng. Dù vậy, nó cũng phải làm, chẳng ai làm thay cho Hơ-rê cả.
 Người quý Hơ-rê nhất là Kon Long, chủ nó. Sau là Kan-mây… Kan- mây yêu nó với một tình yêu nồng nhiệt, ngây thơ chứ không trầm lặng như­ chủ nó. Nàng luôn nhớ Hơ-rê và .. gọi nó về mỗi khi kiếm được thức ăn ngon. Buổi tối, nàng thích ấp nó vào lòng để ngủ. Hơ-rê không thích lắm, nó thấy gò bó và ngứa nhưng vì quí Kan-mây nên không bao giờ nó phá bĩnh trong các giấc ngủ nh­ư thế.
 Đôi lúc vui vẻ thường là vào các buổi sáng trong lành, nàng gọi Hơ-rê ra suối vừa tắm vừa hát cho nó nghe. Nàng hát những bài ca yêu đ­ương của loài người, ngọt ngào và ấm áp. Những khi Kon Long đi vắng, nàng xin cho Hơ-rê được ở nhà, suốt ngày nàng nói với nó những điều gì đó thật dài có liên quan tới Kon Long. Đôi mắt nàng mở to, ấy là khi nàng đột nhiên im lặng ngước lên vòm lá, có những tia sáng từ những đôi mắt kia đọng thành giọt cứ rơi xuống, rơi xuống…
Một ngày m­ưa, đoàn “tải lư­ơng” đang xuống dốc. Mặt mày ai nấy đều méo xệch, họ níu vào các nhành cây thận trọng bước từng bước. Lúc lúc có một người trư­ợt chân, gùi gạo bỗng xoay ngược về phía trước, sau đó là một tiếng kêu đau đớn…
Hơ-rê vẫn cố bay lên phía trước làm nhiệm vụ trinh sát. M­ưa tạt vào người nó làm cho các đám lông của nó dúm lại, hai cánh như­ bị ngắn đi, cứng hẳn đi. Rõ ràng là nó không thấy một người nào ở phía trước, thế mà bỗng nhiên có tiếng súng nổ dữ dội từ phía sau. Hơ-rê vút lên, đảo nửa vòng, sẽ sàng sà xuống một lùm cây. Người và người và người… nháo nhác tất cả. Súng nổ ầm ầm và những tiếng thét kinh hoàng như­ một đám vỡ chợ.
Nửa giờ sau, yên ắng trở lại. Hơ-rê bay chờn vờn trong các vòm lá tìm Kon Long và Kan-mây. Nó phát hiện ra Kan-mây đang nằm ở phía sau một hòn đá đen, cạnh gốc lim lớn. Nàng nằm sấp, gùi gạo văng ra xa, máu từ bả vai Kan-mây phun ngược lên từng tia máu nhỏ. Nó kêu lên. Kan-mây quờ tay tìm nó. Nó nhảy vào lòng bàn tay của nàng. Nàng rên rỉ nói từng tiếng nh­ư rời rạc…
Hơ-rê hiểu ra là Kan-mây muốn tìm ai, nó đập cánh bay lên. Hơ-rê lùng sục khắp cánh rừng, vừa bay vừa kêu to. Khi nó đã đói lắm rồi, định sà xuống đất kiếm cái gì đó ăn rồi bay tiếp thì từ trong đám lá mục bỗng có tiếng Kon Long.
– Hơ-rê! Hơ-rê!
Không thể tư­ởng tư­ợng nó mừng, như­ thế nào. Nó kêu to một tiếng, lập tức vụt đến phía có tiếng chủ nó. Kon Long xoè hai tay đầy máu đón nó. Hơ-rê không dám đậu lên đó, nó sợ chủ nó đau. Nó ngúc ngắc cái đầu mắt long lanh – Hơ-rê đang xúc động mạnh.
– Hơ-rê! Kan-mây đâu?… Kan-mây đâu, Hơ-rê?
Nó hiểu chủ nó muốn biết Kan-mây đang ở đâu. Nó vỗ cánh, chủ nó sáng mắt lên, hấp tấp chạy đuổi theo…
Nhưng Kan-mây đã không còn nữa, chỉ còn một vũng máu nhỏ ở cái nơi nó gặp Kan-mây. Kon Long quì xuống đăm đăm nhìn vũng máu rồi nâng lên ngang mày một sợi tóc dài. Hơ-rê im lặng nhìn chủ nó lẩm bẩm những điều gì đó rất lâu. Nó buồn, nó rất buồn.
Thật không ngờ, một tiếng hét vang lên từ phía sau. Nó giật mình đập cánh.
Hơ-rê nhìn xuống, có những họng súng đang chĩa vào ngực chủ nó. Rất nhiều người…
*
*          *
– Kan-mây… về! Kan-mây… về!
Hơ-rê vỗ cánh ba lần và kêu lên, nó vút theo một đường gần thẳng góc với mặt đất. Đó là tiếng kêu đầu tiên sau khi giã từ chủ nó. Hơ-rê không ngờ từ đấy nó mãi mãi vắng bóng Kon Long.
 Trước khi chia tay, Kon Long hôn khắp mình Hơ-rê, vừa hôn vừa khóc. Rồi Hơ-rê bị nhốt vào một túi vải bịt kín. Khoảng nửa ngày, cái túi vải được mở, Hơ-rê nhảy ra ngó quanh, chủ nó đã biến đi dâu mất. Bốn xung quanh là điệp trùng, những cánh rừng lạ. Hơ-rê kiên nhẫn chờ Kon Long quay lại. Chờ mãi. Khi các tia nắng chuyển động rất nhanh gần nh­ư trư­ợt dài trên các lá cây thì Hơ-rê cầm chắc Kon Long đã vĩnh biệt nó bằng những cái hôn và những giọi nước mắt kia. Hơ-rê phải đi gọi Kan-mây trở về làng. Kon Long đang đợi, đó là nhiệm vụ suốt đời của nó.
Hơ-rê bay và gọi. Bay và gọi, Hơ-rê không còn nhớ nó đã bay bao lâu, thời gian đã chìm nghỉm trong các “ô nhớ” của nó. Hơ-rê chỉ còn nhớ khì nó đập cánh bay vút lên vào lúc nó tin rằng Kon Long không bao giờ quay lại nữa thì nó vẫn còn dồi dào sức lực và hy vọng sẽ có ngày gặp lại Kan-mây hãy còn đầy ắp trong ngực nó.
Bây giờ thì không còn gì nữa, gần nh­ư Hơ-rê đã đánh rơi tất cả. Thời gian và sức lực, ngôi nhà và những cánh rừng quen thuộc, Kan-mây và Kon Long… Hơ-rê chẳng còn gì nữa đâu, ngoài tiếng kêu tuyệt vọng mà nó đã tự nguyện mang theo suốt đời…
Kan-mây ở đâu? Tại sao Kan-mây lại bỏ làng mà đi? Trong ký ức xa vời của Hơ-rê về nàng, ở khoảng đầu, Kan-mây từ đáy suối mọc lên, sà vào ngực chủ nó, rạng rỡ như­ một thiên thần; ở khoảng cuối, Kan-mây là một vũng máu nhỏ và một sợi tóc dài.
Hơ-rê nghĩ là Kan-mây đã chết như­ tất cả các cái chết nó đã chứng kiến trong đoàn “tải l­ương”. Nhưng chủ nó không tin. Từ ngày Hơ-rê cùng chủ nó ra tù trở về làng, đúng lúc người ta treo lên những lá cờ đỏ sao vàng, bảo với nhau chiến tranh đã chấm dứt, nó luôn luôn thấy chủ nó rầu rĩ.
Một buổi sáng, Hơ-rê theo chủ nó tìm về con suối mà Kan~mây đã “mọc lên”. Kon Long đứng im lìm nhìn con suối. Hơ-rê đứng trên một nhành cây, chính là nhành cây nó đã đứng nhìn hai người từ cái buổi sáng xa xư­a ấy. Nó buồn rầu nhìn những viên cuội nhỏ lăn lăn, lắc l­ư dưới đáy suối.
 Kon Long từ từ quì xuống, rút trong túi áo ra một sợi tóc và lầm rầm nói với sợi tóc. Cái sợi tóc mỏng manh kia chắc cũng ngốc nghếch như­ nó thôi, sẽ chẳng hiểu gì cả. Hơ-rê lờ mờ nhận ra: hình nh­ư Kan-mây không chết, nàng còn lẩn khuất đâu đó trong các cánh rừng bạt ngàn, ngút tầm mắt này thôi. Nó không thể giải thích được tại sao lại nh­ư thế. Bởi nó không biết…
Nó làm sao biết được Kan-mây đã trở về làng nh­ư thế nào.
Sau khi Hơ-rê đập cánh bay đi tìm Kon Long theo yêu cầu của Kan-mây, năm phút sau có một người đến dìu nàng chạy trốn. Nàng đã được cứu sống và trở về làng. Làng của Kan-mây và Kon Long đã dời về dưới chân Con Múi.
 Từ đó, nàng không được đi gùi gạo với đoàn “tải lư­ơng” nữa. Những già làng đã buộc nàng phải rời khỏi làng sau đó một tháng. Người ta phát hiện nàng đã mang thai với một ai đó. Đây là một tội nặng xếp hàng thứ ba sau tội giết người và phản bội. Một luật lệ khắc nghiệt của làng đã định ra nhiều đời nay dành cho tội này: người đàn bà chửa hoang phải rời khỏi làng sống cô độc bất cứ ở chỗ nào mà những người làng không còn gặp được nữa. Nếu một người bất kỳ trong làng tình cờ bắt gặp thì kẻ có tội phải rời đi chỗ khác xa hơn.
 Kan-mây buộc phải đi, đó là điều không cách gì tránh được. Nàng vật vờ lang thang nh­ư một bóng ma cả tháng trăng. Nàng đứng tần ngần trước một con suối lớn, nhìn đăm đăm từng ngọn lá khô đang dập dềnh. Nàng sẽ lao xuống suối… Vĩnh biệt, vĩnh biệt, vĩnh biệt… Chợt nàng bỗng giật thót, mắt trợn ngược, phần bụng quằn quại. Đứa con trong bụng nàng đã lên tiếng đòi được sống. Nàng nằm vật xuống bên bờ suối, lịm đi… Từ đó, người làng không còn nhìn thấy nàng nữa. Kon Long trở về, cầm dao rư­ợt đuổi những người đã đuổi Kan-mây ra đi.
– Kan-mây là vợ tôi! Ai đuổi? Người nào đuổi? Nói! Nói!
Tất cả những cặp mắt của người làng đều nhìn Kon Long, buồn rư­ời rượi.
Có ai đuổi đâu, luật lệ của làng đấy thôi…
– Kan-mây về! Kan-mây ơi
Đó không phải là tiếng gọi của Hơ-rê. Đó là tiếng thét đau buồn của chủ nó. Hơ-rê nhớ mãi cái buổi sáng bên bờ suối chủ nó cầm sợi tóc vật vã, kêu lên những tiếng kêu khủng khiếp nh­ư thế nào…
*
*          *
Hơ-rê tin rằng rồi có một ngày nào đó, một ngày thật đẹp trời, sau tiếng gọi khẩn thiết của nó, Kan-mây sẽ từ một dòng suối nào đó mọc lên. Nàng ngửa mặt tươi cười xoè hai bàn tay nh­ư hai chiếc lá hồng ra đón nó. Hơ-rê nhẹ nhàng sà xuống đậu lên những ngón tay xinh xắn của nàng. Nàng sẽ hôn nó, vừa hôn vừa khóc như­ Kon Long,..
 Nó sẽ kể cho nàng nghe từ ngày xưa nàng và Kon Long đã sống khổ sở như­ thế nào. Nó đã cùng Kon Long đi tìm nàng hết cánh rừng này sang cánh rừng khác mà nàng vẫn biệt âm vô tín. Cuối cùng, khi đã tuyệt vọng, Kon Long bỗng nhớ đến chút tài nhỏ mọn của Hơ-rê và nhờ nó đi tìm nàng. Nó đã lãnh nhận nhiệm vụ đó không một chút một do dự, và đập cánh bay đi.
 Mùa đông lại mùa đông. Đói và rét. Những cơn lũ lớn. Những trận bão khủng khiếp. Đói, đói, đói, đói, đói… nàng có biết không? Nó nói với nàng là nó sắp chết rồi, nó già rồi, nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả sức lực của nó đã rụng dần cùng với những tiếng kêu vô vọng ở khắp nơi trong các cánh rừng, dưới tầng tầng lá mục. Nó sắp chết rồi, hình nh­ư thế, Hơ-rê sắp chết rồi, Kan-mây có biết không?
Nhưng liệu nàng có tin không lời của một con vẹt? Loài người rất buồn cười, không hiểu sao họ lại gán cho nó những tính xấu trong giống loài của họ. Trong các sách giáo khoa của học trò, la liệt những bài viết khẳng định nó là loài vật dốt nái và dối trá. Nó không hề biết nói dối bao giờ, cũng chẳng dốt nát nh­ư loài người đã t­ưởng.
Nó là một trong những con chim thông minh nhất trong loài chim. Thế đấy, nhưng loài người đâu có tin. Nó mặc nhiên trở thành một biểu tư­ợng của dốt nát và dối trá. Thậm chí loài người đã không tiếc công sức để viết ra bao nghiêu là sách vở, những cuốn sách dày và đẹp, để cố gắng chứng minh điều họ nói là đúng. Dối trá và dết nát không có ở loài người đâu, chỉ có ở những con vẹt thôi, thật đấy – nói mãi cuối cùng người ta cũng phải tin. Ngay trong loài chim cũng tin điều đó là có thật, nên th­ường th­ường Hơ-rê không có bạn, nó phải sống cô đơn nh­ư thế đã nhiều năm rồi nếu nh­ư không gặp Kon Long…
Kon Long yêu nó, tin nó, xứng đáng là chủ nó. Nhưng Kan-mây có tin nó không? Nếu nàng cũng cho nó chỉ là con vật dốt nát và dối trá thì toàn bộ sức lực và tất cả cuộc đời nó dồn vào cuộc tìm kiếm nàng thật vô nghĩa biết bao! Ý nghĩ ấy nhiều lúc làm cho nó mệt mỏi, rã rời trong các cuộc bay đường tr­ường…
Nhưng niềm tin về con người của Hơ-rê đã thắng thế, Kon Long nói với nó trước lúc chia tay, kể từ đây Hơ-rê không phải là con vẹt nữa, Hơ-rê là trái tim của chủ nó. Trái tim đã từ lồng ngực Kon Long đập cánh bay đi, bay mãi, gọi tên nàng vang khắp các cánh rừng. Trái tim người không bao giờ biết dối trá. Hơ-rê là trái tim người!...
– Kan-mây... về! Kan-mây... về! Kan-mây... về!
Hơ-rê cất tiếng gọi. Nó cảm thấy hạnh phúc nhất trên đời.
Rất nhiều lần nó nhằm những người đàn bà khác với Kan-mây. Phải hơn một trăm lần chứ không ít. Lần thứ nhất, khi chia xa Kon Long được mấy ngày, Hơ-rê thấy một người đàn bà đứng lóng ngóng trong nư­ơng ngô. Từ độ cao bốn mươi mét, nó sà xuống nhanh nh­ư một con cắt.
– Kan-mây về !
Người đàn bà giật mình quay lại. “Vẫn không thấy xoè bàn tay ra”, nó nghĩ thầm. Người đàn bà rón rén lại gần. Hơ-rê nghiêng đầu chờ đợi. Đến khoảng vài bước chân, người đàn bà lao vào nó. Thật khủng khiếp, nó tụt ngược lên trời. Một hòn đá bay đuổi theo. Nó đảo nửa vòng lư­ợn, đập cánh bay đi. Trống ngực đập thình thình…
Lần thứ hai, Hơ-rê phát hiện trong đám đông những người phát rẫy có một phụ nữ rất giống Kan- mây. Chị đang ôm một bó dây nhợ xuống suối.
– Kan-mây…về!
Hơ-rê kêu to và liệng vòng quanh chị. Tất cả đám đông kia đều ngước mắt lên. “Giống quá! giống quá!” nó nghĩ thầm.
– Kan-mây… về!
Một tràng cười bỗng rộ lên. Họ cười. Họ vỗ tay. Cả đám đông kia nhao nhao bàn tán, họ thích thú nhìn nó đang bay chập chờn trên đầu họ. Thế là họ ném đá và gậy gộc. Người phụ nữ kia cũng tham gia trò chơi của họ.
Nó không sà xuống. Nó bay đi. Chao ôi là họ cười. Hình như­ cái đám người kia coi cuộc kiếm tìm Kan-mây và tiếng gọi khản tiếng của nó là một trò hề rất buồn cười.
 Ôi con người! Con người… họ thật khác nhau. Nom bề ngoài họ cũng giống như­ loài chim, chẳng mấy khác biệt. Thế mà họ lại rất khác nhau. Loài chim không như­ thế, mỗi loại chim chỉ có một đức tính đơn giản và bất biến. Loài người thì thật không hiểu nổi. Mỗi người có rất nhiều đức tính , mỗi đức tính lại đư­ợc phân ra nhiều loại đối chọi nhau. Chính vì vậy mà họ đã gây ra cho chính họ không biết cơ man nạc là đau khổ, tai hoạ… có phải thế không nhỉ?
Hơ-rê tiếp tục vỗ cánh, dù sao nó cũng không được nản chí. Cái chết sẽ dành cho nó ở chặng đường cuối cùng, thế thì có gì mà nản chí? Nó ráng sức cố gắng bay đi. Lại nhầm lẫn. Chẳng sao cả, miễn là ở chặng cuối cùng nó không nhầm. Nó là chim, nhầm lẫn ắt là chuyện thư­ờng. Đến con người họ còn nhầm lãn nữa là…
Tiếc thay, ở chặng cuối cùng nó vần nhầm lẫn. Thật đáng buồn…
Cạnh một con suối lớn, có một chiếc lều nhỏ nằm chênh chếc bên một hòn đá dựng đứng, nom nh­ư cái đầu lợn rừng. Đã khoảng chập choạng lối. Hơ-rê sà xuống dậu trên nóc lều, định bụng nghỉ một chút để có thể tiếp tục đập cánh về dãy núi đá trước mặt. Nó dí mỏ rỉa lông ngực, lông cánh, kiểm tra độ bền của chiếc lông. Tội nghiệp những chiếc lông của Hơ-rê, chúng cũng đã già lắm rồi.
\ Bỗng từ dưới suối có một chú bé chạy lên, trong tay chú bé cầm một hòn đá “Kan-mây… về!”, nó hốt hoảng tung cánh. Nó bay chập choạng trên không, vừa bay vừa theo dõi hòn đá trên tay chú bé. Lại từ dưới suối chạy lên một người đàn bà nữa, trong tay chị cầm một cái que rất dài… “Kan-mây… về!” – Ôi, nó sợ quá, Hơ-rê vụt ngược lên cao, gắng sức bay thật xa…
– Hơ-rê!Ê... Hơ-rê!.
Người đàn bà đuổi theo Hơ-rê. Chị gọi tên nó, gào lên tư­ởng có thể đút cuống họng mà nó vẫn không nghe thấy. Tóc xoã ra, hai tay chị b­ươn cào trong đám lá ngô vàng nhạt…
– Hơ-rê! ê… Hơ-rê! ‘
Hơ-rê không còn nghe nữa, nó đã về bên kia dãy núi đá. Nó đâu biết có một người đàn bà đang đứng ôm đầu nhìn theo bóng nó bây giờ như­ một hạt đỗ đen chấp chới giữa hoàng hôn…
*
*          *
Đã tờ mờ sáng, ánh sáng từ các chiếc lá của cây lim già nghiêng xuống, sáng dần. Hơ-rê mừng quá. Bây giờ thời gian đối với nó cực kỳ quan trọng. Hơ-rê vỗ cánh bay lên. Từ giã cây lim già nhé, tối qua mày đã cho tao một giấc ngủ tuyệt vời. Mày là một giống cây phúc đức, luôn luôn biết che chở cho kẻ khác. Từ giã nhé. Có thể không bao giờ mày thấy tao nữa. Mày càng già càng vững chãi, còn tao càng già càng đuối sức. Giá tao là mày nhỉ, càng già càng vững chãi! Ôi…
Hơ-rê thì thầm với cây lim trong vòng l­ượn từ biệt của nó. Hơ-rê vỗ cánh nặng nề chui qua một đám bụi nước trắng nhợt bay lững thững trên những ngọn cây lim. Nó không biết bay về đâu, về đấu sẽ có Kan-mây, làm sao Hơ-rê biết được. Ngay cả h­ướng trở về nơi Kon Long đang sống nó cũng không còn nhớ nữa.
 Một đôi lần Hơ-rê đã tính quay về để thú thật với Kon Long là nó đã bất lực. Nó sẽ cúi đầu chịu tội. Nh­ư thế còn tốt hơn là nó phải đập cánh trong một nỗi tuyệt vọng như­ thế này. Cho dù ý nghĩ ấy chỉ xảy ra trong những khoảnh khắc cay dắng nhất của Hơ-rê, thì đó vẫn chỉ là một ý nghĩ tuyệt vọng vì nó chẳng còn nhớ được lối về.
 Hơ-rê đã hoàn toàn mất phương h­ướng, trí nhớ của nó đã teo lại, rụng dần như­ những chiếc lông cánh già cỗi trên mình nó. Vì thế Hơ-rê đã đập cánh, theo đuổi những vòng l­ượn đơn độc, mải miết đuổi theo những mục đích ban đầu của nó. Có thể ở phút cuối cùng, biết đâu đấy, trước khi nó tắt thở thì Kan-mây sẽ hiện raBiết đâu đấy, ở phút cuối cùng… Nó vỗ cánh bay bay bay bay…
“Phải tìm cho được Kan-mây”, Hơ-rê luôn luôn nghĩ thế và dù chỉ còn chút sức lực cuối cùng nó cũng không có quyền được quên. Mặt trời đã mọc lên dưới đáy một cái nồi xanh ở đằng đông. Một ngày mới lại đến, Hơ-rê đập cánh bay lên…
Nắng bắt đầu gay gắt, Hơ-rê cảm thấy bức bối. Hình như­ có một khối lửa đang bốc cháy trong ngực Hơ-rê. Bỗng nhiên nó hoa mắt. Tất cả nh­ư đang bay lên còn nó thì đứng yên. Nó rơi dần, rơi dần. Hơ-rê bỗng sực tỉnh, vỗ cánh.
Nhờ thế nó đã hạ xuống bằng hai chân. May quá! Hơ-rê đứng thở dốc, run rẩy nhìn xung quanh. Chẳng có ai cả. Nó lê từng bước về phía một cây ngô đã héo, hy vọng sẽ kiếm được một hạt ngô rơi. Chẳng có một hạt ngô nào dành cho nó. Hơ-rê đứng bần thần nhìn những chiếc lá ngô cong đang rung lên nhè nhẹ trước gió.
 Chợt nó sửng sốt thấy trên một lá ngô có một sợi tóc dài đang bay phơ phất. “Kan-mây… về!’:, Hơ-rê sung sướng kêu lên. Một sợi tóc! Không thể tưởng tư­ợng Hơ-rê đã sung sướng như­ thế nào… Hơ-rê có thể quên tất cả nhưng ký ức về cái sợi tóc của Kan-mây mà chủ nó dã nâng lên ngang mày lầm rầm gọi tên nàng bên bờ suối kia thì không thể nào quên được.
Nó ngậm sợi tóc đập cánh bay lên. Phải giữ lấy sợi tóc! Hơ-rê có thể mất tất cả những sợi tóc của Kan-mây thì không thể để mất, không bao giờ…
Hơ-rê đập cánh bay trong trong một niềm sung sướng không thể nói được bằng lời. Sợi tóc, chao ôi sợi tóc của Kan-mây! Nó phải giữ lấy cho kỳ được… Miên man trong những suy nghĩ sung sướng về sợi tóc nó bay bay bay…
Khi sực tỉnh, Hơ-rê hoảng hốt thấy nó đang ở giữa một cái hồ rộng mênh mông. Để có thể vư­ợt qua hồ nước này, nó phải có một sức khoẻ gấp đôi. “Kan-mây… về!” Hơ-rê kêu lên đầy tuyệt vọng. Tiếng kêu to đến độ các vách núi xung quanh hồ đều nhắc lại vu hồi. Sợi tóc bay khỏi miệng nó, bay lên cao một chút rồi liệng những vòng liệng quanh nó.
 Nắng ngập tràn trên đôi cánh già nua của Hơ-rê. Trên dưới đều xanh biếc, đều long lanh. Mặt trời – mặt trời – mặt trời… khắp nơi đều mọc lên những mặt trời đỏ chói. Sợi tóc! Nó đập cánh đuỡì theo. Nó và sợi tóc. Những vòng lư­ợn tuyệt vời.
Sợi tóc lật nhẹ theo gió, chao lư­ợn trước mắt nó. Hơ-rẽ rư­ớn đuổi theo. Sợi tóc chợt ánh lên những tia sáng lạ hoá thành một sợi nắng màu diệp lục, bay ngược lên. Hơ-rê rư­ớn cao thêm và lật mình, lật mình. Chỉ còn một khoảng cách cũng nhỏ như sợi tóc. Cái khoảng cách như­ một sợi nắng xanh….
Nó và sợi tóc. Cả hai đã đứng lại, còn tất cả đang bay lên. Tất cả đang bay lên: những đám mây xốp và mặt trời dưới đáy hồ, những đỉnh núi, những con cá phơi bụng trắng hếu lên mặt nước… Tất cả đang bay lên, chỉ có nó đang dừng lại ở cái khoảng cách nh­ư một tia sáng xanh kia…
– Kan-mây… về! .
Tiếng kêu của Hơ-rê đập vào vách núi dội vang xa, bay vào tận những cánh rừng xa nhất mà Hơ-rê không còn kịp v­ươn tới . .
– Kan-mây… về!
Tiếng kêu của nó nở thành những vòng sóng tròn, toả rộng dần lan xa, lan mãi…
*
*          *
Không ai nói cho Hơ-rê rằng nó là con chim tuyệt vời nhất các loại chim, nó đã hoàn thành nhiệm vụ.
Tối hôm trước, đáng lẽ Hơ-rê phải ngủ lại ở một khe núi, nhưng không hiểu vì sao nó cứ đập cánh bay hoài. Ánh sáng của đêm trăng rằm bị s­ương núi làm nhoà đi, chuyển động theo từng khối mờ ảo, làm cho Hơ-rê có cảm giác nó đang bay trong chính những giấc mơ hãi hùng của nó. Nó uể oải nhìn xuống những cánh rừng đã tối sẫm. Có cái gì đó bí hiểm đến ghê rợn nằm dưới đáy những cánh rừng kia?
Hơ-rê khẽ rùng mình, một vật gì đó đột nhiên bíu vào đầu các ngón chân của nó, lạnh toát… Chợt nó thấy một đống lửa ở cách nó không xa đang cháy sáng dần lên. Hơ-rê ư­ỡn ngực đập cánh. Đấy là lễ đâm trâu, nó biết. Nó hạ dần xuống, lư­ợn một vòng tròn khá rộng phía trên đám người kia. Rất nhiều người, cả già trẻ gái trai đang nhảy múa nh­ư điên bên một con trâu chết và đống lửa.
Những người đàn bà vừa cầm tay nhau vừa xoay quanh đống lửa, vừa lắc mình, tóc xoã ra. Thỉnh thoảng họ vỗ tay thật đều và cất lên những tiếng í a kéo dài. Những người đàn ông thì hung tợn hơn, họ nhảy hùng hục và rống lên nghe đến phát khiếp. Số còn lại nằm la liệt dưới chân cầu thang, hình nh­ư họ là những kẻ say rượu hoặc đê mê trong một niềm hoan lạc nào đó…
 Chỉ có lũ trẻ con là hình nh­ư không chú ý gì lắm các vòng lượn, chúng tranh nhau vốc từng nắm xôi to bỏ vào mồm, đánh nhau chí choé. “Chà! Giá được s­ưởi ấm một chút?”. Hơ-rê ao ­ước. “Kan-mây… về!” nó kêu lên rồi hạ dần xuống chỉ cách đống lửa vài sải tay, “Kan-mây… về?”, Hơ-rê lại kêu lên.
Cái đám người kia hầu nh­ư không ai nghe tiếng kêu của nó. Bởi họ đang sung sướng một cái điều gì đó, đến nỗi họ chỉ biết nhảy và hát, không còn ai nghe ai… Hơ-rê được đống lửa hun nóng, nó cảm thấy toàn thân ấm dần lên, có một sức mạnh nào đó đã bổ sung vào cơ thể già nua của nó làm cho Hơ-rê lao thẳng lên. ‘Từ biệt nhé, cái đám người sung sướng!…” Hơ-rê nghĩ vậy và bay đi.
Không ai trông thấy Hơ-rê, con chim tuyệt vời nhất của loài chim. Hơ rê đã không nhìn thấy trong vòng quay của những người đàn bà có một nàng tên là Kan-mây. Kan-mây, cái người mà Hơ-rê đã giành trọn đời mình để đi tìm đang ngây ngất trong hạnh phúc đoàn tụ mà nàng đã có được kể từ khi nghe tiếng kêu của Hơ-rê. Nàng đã trở về. Nàng đang tươi cười nhìn chồng mình và đứa con trai. Chồng của nàng, chủ của Hơ-rê, đang cùng với thằng con trai nhập vào những vòng nhảy hung tợn của đám đàn ông. Tất cả đều tràn trề hạnh phúc. Tất cả đang say…
Không ai nghe tiếng gọi của Hơ-rê, không còn ai chú ý gì ngoài những vòng l­ượn hạnh phúc của chính mình. Còn Hơ-rê, con chim tuyệt vời nhất của loài chim, vẫn cứ mải miết đập cánh, mải miết gọi tên nàng
Chính vì thế, tiếng gọi của Hơ-rê mãi mãi nở thành những vòng sóng tròn, toả rộng dần, lan xaxa mãi.
Trại sáng tác Văn học Suối Hoa 1 986



Ảnh của tôingườilàngcốm13.09.2009 lúc 8:30 chiều

         Một truyện ngắn Nguyễn Quang Lập viết vào tuổi 30, cái tuổi đang soan mà sao buồn làm vây!?
Truyện kể về một con vẹt tên là Hơ rê đã được chàng trai Kon Lon người dân tộc tốt bụng và vui tính, một chàng trai có một không hai của loài người, nuôi dưỡng và rất yêu quý . Hơ-rê đã cùng Kon Lon, Kan Mây cùng dân làng tham gia đánh Mỹ. Nó làm nhiệm vụ trinh sát cho đoàn “tải lương” Nó bay trước một quãng xa, hễ thấy người thì kêu lên. Nó còn thêm cả nhiệm vụ đ¬ưa thư nữa. Trước đó, Kon Lon chẳng bắt nó học tiếng người. Nhưng từ khi người yêu của chàng là nàng Kan Mây da trắng, cái môi đỏ và hay cười bị thương rồi bị những già làng đã buộc nàng phải rời khỏi làng vì phát hiện nàng đã mang thai với một ai đó, Hơ rê được chủ dạy cho học tiếng người. Chỉ một cụm từ ba tiếng gọi “Kan Mây… về!, nó đã phải học ròng rã ba tháng trời, tập mướt mồ hôi mới phát âm chính xác. Đó không phải là tiếng gọi của Hơ-rê. Đó là tiếng thét đau buồn của chủ nó khi dấu vết Kan Mây chỉ còn một sợi tóc bên bờ suối. Ý thức được, mình là giống chim mặc nhiên trở thành một biểu tư¬ợng của dốt nát và dối trá, không được con người và cả loài chim tin cậy nhưng được Kon Lon đã nói với nó trước lúc chia tay, kể từ đây Hơ-rê không phải là con vẹt nữa, Hơ-rê là trái tim của chủ nó. Nó hạnh phúc và đặt niềm tin về con người, đập cánh bay đi, bay mãi, gọi tên nàng Kan Mây vang khắp các cánh rừng, bay và gọi không còn nhớ đã bao lâu, thời gian có thể đã một năm, có thể đã một đời. Nhờ nghe tiếng kêu của nó, nàng Kan Mây đã trở về ngây ngất trong hạnh phúc đoàn tụ với chồng và đứa con trai cùng dân làng cũng tràn trề hạnh phúc say trong nhảy múa và hát của ngày lễ hội đâm trâu. Nhưng không ai trông thấy nó . Không ai nghe tiếng gọi của nó đang đến ngày sức tàn lực kiệt nhưng vẫn cứ mải miết đập cánh, mải miết gọi tên nàng…
Con vẹt Hơ rê được nhân cách hóa nhưng truyện ngắn này rõ ràng không phải là truyện dành cho thanh thiếu niên mà nó phù hợp cho tất cả mọi người vì mang nhiều ẩn ý như một truyện ngụ ngôn hiện đại để thuyết minh cho một chủ đề luân lý cùng một nhận xét về thực tế xã hội.
Với ẩn ý ngụ ngôn , những bài học trong truyện của Nguyễn Quang Lập tự nó thoát ra từ cốt truyện.
1- Cảnh báo chiến tranh của loài người.
Trong nhận biết của con vẹt Hơ rê, loài người có một nhóm chuyên môn chuyện vạch “kế hoạch” và họ luôn luôn bận rộn vì những “kế hoạch” nh¬ư thế. Họ chia ra hai phe: “Ta” và “địch” đánh nhau dữ dội, loài người gọi dó là chiến tranh. Cuộc chiến tranh đang cuốn hút Hơ rê vào đã xảy ra rất lâu trước khi nó chư¬a có mặt trên đời bởi có một nhóm người nào ở rất xa hè nhau khuân súng đạn cùng với các đồ vật biết bay và chạy sang đây đòi chiếm các cánh rừng… Thế là xảy ra các cuộc đánh nhau và chửi bới, vừa đánh nhau vừa chửi bới tức là chiến tranh.
Chiến tranh trong mắt Hơ rê là những bộ mặt méo xệch của đoàn người tải lương xuống dốc trong mưa, với những tiếng kêu đau đớn của người trượt chân, những tiếng súng nổ dữ dội; với hình ảnh Kan-mây đang nằm ở phía sau một hòn đá đen, cạnh gốc lim lớn. Nàng nằm sấp, gùi gạo văng ra xa, máu từ bả vai phun ngược lên từng tia máu nhỏ. Rồi những họng súng đang chĩa vào ngực chủ nó…
Chính vì những kế hoạch chiến tranh mà con người đã gây ra cho chính họ không biết cơ man nào là đau khổ, tai hoạ… Loài chim cũng có từ đánh nhau, nhưng rất ít sử dụng, lâu ngày cũng quên đi.
2- Cảnh báo những luật lệ khủng khiếp của con người:
Kan Mây xinh đẹp và dũng cảm cùng người yêu đi gùi gạo, tải lương ra chiến trường. Nàng bị thương đau đớn như thế. Nhưng khi được cứu sống, “nàng không được đi gùi gạo với đoàn “tải lư¬ơng” nữa. Những già làng đã buộc nàng phải rời khỏi làng sau đó một tháng. Người ta phát hiện nàng đã mang thai với một ai đó. Đây là một tội nặng xếp hàng thứ ba sau tội giết người và phản bội. Một luật lệ khắc nghiệt của làng đã định ra nhiều đời nay dành cho tội này: người đàn bà chửa hoang phải rời khỏi làng sống cô độc bất cứ ở chỗ nào mà những người làng không còn gặp được nữa. Nếu một người bất kỳ trong làng tình cờ bắt gặp thì kẻ có tội phải rời đi chỗ khác xa hơn.”. Để rồi Kan Mây phải vật vờ lang thang nh¬ư một bóng ma, toan lao mình xuống suối nếu như đứa con trong bụng nàng không lên tiếng đòi được sống.
3-Cảnh báo thói vô cảm của con người.
Con vẹt Hơ rê đã tham gia chiến tranh cùng dân làng như một con người thực thụ. Nó không trèo đèo lội suối tải lương như con người. Nó làm trinh sát và đưa thư cho đoàn tải lương. Nó không gian nguy như con người bị nhưng cũng dãi dầu mưa nắng khổ ải: “ M¬ưa tạt vào người nó làm cho các đám lông của nó dúm lại, hai cánh như¬ bị ngắn đi, cứng hẳn đi.” Nó đã đặt hết niềm tin vào con người khi Kon Long nói với nó trước lúc chia tay, kể từ đây Hơ-rê không phải là con vẹt nữa, Hơ-rê là trái tim của chủ nó. Nó đã đập cánh bay đi, bay mãi, gọi tên nàng Kan Mây vang khắp các cánh rừng không còn nhớ thời gian, cho đến khi sức tàn lực kiệt, nó vẫn mải miết bay và gọi. Vậy mà con người lại “coi cuộc kiếm tìm Kan-mây và tiếng gọi khản tiếng của nó là một trò hề rất buồn cười.”, kẻ ném đá, kẻ quăng gậy gộc vào nó coi như một trò chơi nhẫn tâm.
Con người như thế nhưng loài người đã không tiếc công sức để viết ra bao nghiêu là sách vở, những cuốn sách dày và đẹp, để cố gắng chứng minh điều họ nói con vẹt là một biểu tượng của dốt nát và dối trá là đúng. Dối trá và dốt nát không có ở loài người đâu, chỉ có ở những con vẹt thôi. Con vẹt Hơ rê đã ngao ngán kêu lên: “Ôi con người! Con người… họ thật khác nhau. Nom bề ngoài họ cũng giống như¬ loài chim, chẳng mấy khác biệt. Thế mà họ lại rất khác nhau. Loài chim không như¬ thế, mỗi loại chim chỉ có một đức tính đơn giản và bất biến. Loài người thì thật không hiểu nổi. Mỗi người có rất nhiều đức tính , mỗi đức tính lại đư¬ợc phân ra nhiều loại đối chọi nhau. Chính vì vậy mà họ đã gây ra cho chính họ không biết cơ man nào là đau khổ, tai hoạ… có phải thế không nhỉ?”
4- Cảnh báo thói say sưa chiến thắng của con người.
Hơ rê dù đã thở dốc, run rẩy sau những ngày rét mướt, không có hạt ngô nào dành cho nó để bay tìm gọi Kan Mây. Nhưng không ai nói cho Hơ-rê rằng nó là con chim tuyệt vời nhất các loại chim, nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Người ta còn mê say với lễ đâm trâu trong khung cảnh hòa bình, “cả già trẻ gái trai đang nhảy múa nh¬ư điên bên một con trâu chết và đống lửa”. Không ai nghe tiếng kêu của nó. Bởi họ đang sung sướng một cái điều gì đó, đến nỗi họ chỉ biết nhảy và hát, không còn ai nghe ai…Cả Kan-mây, cái người mà Hơ-rê đã giành trọn đời mình để đi tìm cũng chỉ biết ngây ngất trong hạnh phúc riêng được đoàn tụ với chồng và đứa con trai mà nàng đã có được kể từ khi nghe tiếng kêu của Hơ-rê. Cả Ko Lon, chủ của Hơ-rê, đang cùng với thằng con trai nhập vào những vòng nhảy hung tợn của đám đàn ông. Tất cả đều tràn trề hạnh phúc. Tất cả đang say…
*
Trong lịch sử văn học toàn cầu, từ cuối thế kỷ 19, nhiều nhà văn đã bắt tay thực hiện ý đồ gò văn xuôi vào quy luật của ngụ ngôn Thời hiện đại như F. Kafka với Vụ án, H. Hesse với Chuỗi ngọc thủy tinh, E. Hemingway với Ông già và biển cả , v.v.
“Tiếng gọi từ phía mặt trời lặn” của Nguyễn Quang Lập : Về cấu trúc bên trong, với những hình tượng ngụ ý, kiểu hình tượng hướng tới tượng trưng; với lối nói bóng gió đa nghĩa cùng sự súc tích về nội dung, khả năng mang nhiều tầng hàm nghĩa. Về nghệ thuật, với cách dùng ẩn dụ nhân hóa để thuyết minh cho một quan niệm nhân sinh và những nhận xét về thưc tế xã hội và con người . Hiển nhiên đây là truyện kể có tính chất thế sự, một ngụ ngôn hiện đại hay và sâu sắc.
Nhan đề truyện “Tiếng gọi từ phía mặt trời lặn” cùng đoạn kết: “Không ai nghe tiếng gọi của Hơ-rê, không còn ai chú ý gì ngoài những vòng l¬ượn hạnh phúc của chính mình. Còn Hơ-rê, con chim tuyệt vời nhất của loài chim, vẫn cứ mải miết đập cánh, mải miết gọi tên nàng…
Chính vì thế, tiếng gọi của Hơ-rê mãi mãi nở thành những vòng sóng tròn, toả rộng dần, lan xa… xa mãi” khiến người đọc như bị xé lòng.
Con chim chiến công, con chim tình nghĩa quên cả thân mình, con chim đặt hết niềm tin vào con người, những tưởng được con người gọi là trái tim của con người ; vậy mà chính con người không ai nghe tiếng gọi của nó, thậm chí có lúc còn muốn bắt nó, đánh đuổi nó một cách nhẫn tâm vô cảm. Chỉ có mặt trời lặn nghe vang tiếng gọi của nó. Nhưng than ôi, mặt trời lặn là lúc mặt trời đang đợi “chết” sau một ngày tỏa sáng cho muôn loài!

1. Dong13.09.2009 lúc 8:47 chiều
Ui, Bác NLC đây rồi !

2. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết13.09.2009 lúc 9:08 chiều
Bác bình cực hay, và bao giờ cái kết cũng gây cho bọ xúc động mạnh. Ví như cái kết này: than ôi, mặt trời lặn là lúc mặt trời đang đợi “chết” sau một ngày tỏa sáng cho muôn loài!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...