NGƯỜI THỔI HỒN ĐỨC TRÍ
CHO HOA CỦA ĐẤT
( TẢN MẠN QUANH BÀI THƠ
“HẠNH PHÚC CỦA TÔI”
CỦA NHÀ GIÁO LÃO THÀNH ĐÀM LÊ ĐỨC )
Giữa những ngày “mưa xuân phơi phới bay” trên khắp đất trời miền Bắc ẩm ướt và lạnh xám thì tôi nhận được một món quà ấm áp tình người từ phương Nam nắng vàng rực nóng gửi ra. Đó là bài thơ “HẠNH PHÚC CỦA TÔI” của nhà giáo lão thành Đàm Lê Đức.
Nhà giáo lão thành Đàm Lê Đức năm nay đã vượt qua cái tuổi “cổ lai hy” một con giáp có lẻ nhưng không mấy ai gọi là bà hay cụ mà mọi người vẫn gọi là cô, không hẳn vì nhà giáo vẫn đang làm chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị trường THCS - THPT Đức Trí, và Phó Hiệu trưởng điều hành Cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng mà cái chính nhất là vì nhà giáo vẫn lên lớp dạy môn Đức dục, Trí Dục cho các em học sinh, vẫn chủ trì các cuộc họp của PHHS của trường, của CLB Thủ Á Khoa, CLB cha mẹ học sinh, họp mặt học sinh trường thi đỗ vào đại học hàng năm v.v …Các cháu học sinh gọi cụ Đức là cô và các bậc PHHS cũng ăn theo cách gọi thân kính ấy. Và vì nhẽ ấy, kẻ viết bài này cũng xin ăn theo một lần nữa cách gọi ấy nhưng sẽ có nhiều khi xin viết hoa tiếng Cô. Vâng “Cô Đức”!
Mở bài thơ, tự nhiên mắt tôi dừng lại rất lâu ở cái tên của nó: HẠNH PHÚC CỦA TÔI. Và rồi tôi vẩn vơ suy nghĩ tự hỏi: Hạnh phúc là gì? Một câu hỏi thật ngắn nhưng cũng không thật dễ để tôi tự trả lời. Rồi vẩn vơ nhớ lại trong cuộc sống bản thân, đã không ít lần tôi tự thốt lên “Ôi! hạnh phúc thật”: Thời bao cấp, được uống ly cà pha bằng cách cho bột cà phê vào một túi vải rồi đun sôi lấy nước, gọi là cà phê bít tất cũng: “ÔI! hạnh phúc thật!”, được phân phối chiếc đồng hồ Liên Xô 2 kim, được mua một cái phích vỏ tre cũng: “Ôi! Hạnh phúc thật!”. Xin đừng mơ hạnh phúc được mua phân phối một chiếc xe đạp nội Thống nhất, lại càng đừng ước muốn hạnh phúc được ở trong một căn hộ 15 mét vuông trong khu nhà tập thể 5 tầng như những cái hộp diêm chất đầy quần áo phơi lủng củng có cái phòng khách tí hon mà áo còn mặc được, mặc quần thì phải ngả người ra…Bây giờ, người ta nhìn hạnh phúc ở những thứ cao giá hơn như chạy được một ghế chức quyền, mua được một chiếc xe ô tô đời mới, xây được một ngôi nhà tráng lệ, lấy được một tấm bằng cử nhân hay tiến sĩ…
Chả nhẽ hạnh phúc của một nhà giáo lão thành được hàng ngàn học sinh và các bậc cha mẹ của các em mến mộ sẽ chỉ là hạnh phúc nhìn theo những khía cạnh thực tế trần trụi như thế hay sao? Không, không thể thế được.
Phải đọc bài thơ “HẠNH PHÚC CỦA TÔI” của Cô Đức ngay thôi. Vâng tôi đọc ngay, đọc thầm ngữ điệu trong lòng từng câu từng chữ và tôi thấy ngay hạnh phúc của Cô Đức là những hạnh phúc lớn lao có liên quan đến lý trí sáng suốt còn hạnh phúc của tôi và những thứ hạnh phúc tôi kể ra chỉ là những sung sướng bản năng nhỏ bé tầm thường.
Vậy, “HẠNH PHÚC CỦA TÔI” của Cô Đức là gì?
oOo
1. Tôi muốn nói lên lời cảm tạ
Những ân tình sâu nặng Mẹ Cha
Đấy là hai câu mở đầu bài thơ. Thì đấy, hạnh phúc đầu tiên của Cô Đức chính là được cha mẹ sinh thành, nuôi nấng với bao ân tình sâu nặng. Hai tiếng Mẹ Cha viết hoa tỏ rõ tấm lòng thờ mẹ kính cha vô cùng sâu nặng của Cô mà giờ đây Cô cũng chỉ có thể nói lên “mấy lời cảm tạ” trước công cha nghĩa mẹ dày như “ chín chữ cù lao”, cao như “kể mấy non cao cho vừa”.
Đó cũng là thứ hạnh phúc chung và bình dị nhất của mọi con người.
Cô Đức yêu Mẹ, một niềm yêu tha thiết “bao lời khôn tả”, một tình yêu ghi tạc trong lòng đến nỗi khi giờ đây đã sang tuổi hạc, đã đi gần hết đời người, Cô vần nhớ như in thuở nào:
Ấm vòng tay ngọt giọng ru hời
Mẹ Cô, cụ bà Lê Thị Phúc không chỉ đã mang nặng đẻ đau, đã “Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ” của cô, cho cô bú mớm nâng niu, nuôi cô ăn học khó nhọc tháng ngày mà còn là người thầy đầu tiên đã dạy cho cô biết bao điều quý báu để làm người, những điều cho đến hôm nay, khi Mẹ đã “mãi viễn khơi”, khi trong lòng cô vẫn nhói nỗi đau “âm dương cách biệt” , thì những lời mẹ dạy quý báu ấy vẫn da diết trong cô:
Hãy vào đời bằng trái tim yêu
Tâm hồn con sẽ đẹp bao nhiêu
Khi con biết mở lòng tha thứ…
Nhiều người được Cô Đức cho biết, từ nhỏ cô đã luôn được mẹ căn dặn, dạy bảo không chỉ chứa chan tình yêu thương sâu sắc, mà hơn hết, là những bài học ý nghĩa về cuộc sống và đạo lý làm người. Trong những lời Mẹ dạy quý báu ấy, có 2 câu Cô nhớ nhất là:
“Nhân vô xúc phạm, đạo quả nan thành”, đó là khi Người dạy Cô phải biết “NHẪN”, chữ “Nhẫn” có hình tượng một quả tim, một con dao, và những giọt máu, ý nói sống phải biết nhẫn nhịn dù cho dao đâm vào tim chảy máu thì vẫn phải nhẫn nhịn thì cơ sự mới lành. Chữ nhẫn còn hàm ý, ngoài sự chịu đựng điềm tĩnh còn cần phải có sự tha thứ, phải có từ – bi – hỷ – xả, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại . Đức Khổng Tử xưa đã nói: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Việc nhỏ mà không nhẫn được, thì việc lớn ắt sẽ hỏng). Cho nên, “Nhẫn” chính là thể hiện bản lĩnh của con người. Cô Đức suốt đời không quên lời Mẹ dạy nên Cô đã luôn luôn thấy thật là tuyệt sau mỗi khi mình “Nhẫn”.
Và câu nữa là “Con ơi, người ta thường nhắc tiên trách kỷ hậu trách nhân, nhưng mẹ dạy con, tiên trách kỷ hậu lại trách kỷ, đừng bao giờ trách ai cả, chỉ biết trách mình thôi”. Lời dạy sáng như gương ấy, dù nói theo sách thánh hiền hay nói theo lối nôm na dân dã, cũng đều gói gọn lại trong bốn tiếng: Yêu thương và vị tha, bốn tiếng mang cái gốc tu, mang cái cốt lõi của kể cả Phật giáo, Công giáo, hay Nho giáo, và cũng chính là một giá trị văn hóa lớn trong hệ giá trị làm người của dân tộc Việt Nam. Vì thế, từ khi được cắp sách đến trường, cô không bao giờ giận hay trách ai chứ đừng nói là xúc phạm con người. Câu nói đó cũng đã được cô truyền dạy lại cho hết thế hệ học trò này sang thế hệ học trò khác khiến họ xem cô như người mẹ hiền trên bục giảng.
Yêu kính người mẹ “bằng trời mang nặng đẻ đau” bao nhiêu thì cô Đức cũng biết ơn và tự hào về người cha của mình bấy nhiêu:
Tôi bước đi hành trang: quá khứ
Bên người Cha hào khí hiên ngang
Trong suốt cuộc đời mình, hành trang của cô không phải là tiền tài của cải cha mình để lại mà là quá khứ đầy hào khí hiên ngang của Người.
Cha Cô là cụ Đàm Quang Vinh, người gốc xã Tiền An, huyện Yên Hưng, Tỉnh Quảng Ninh, hậu duệ đời thứ 18 của Danh nhân xứ Bắc, Quan Tiết nghĩa Đàm Thận Huy (1463 – 1528) người làng Hương Mạc (tục gọi là làng Me), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, xuất thân từ dòng họ Đàm và một làng quê nổi tiếng hiếu học và khoa bảng. Cụ Đàm Thận Huy tên tự là Măc Hiên, thụy là Qủa Đạt, tứ thụy Trung Hiến, vốn thông minh, lại chăm chỉ, có chí tiến thủ theo con đường khoa hoạn. Năm 1490, khoa thi Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, cụ đỗ tiến sĩ và vinh quy về làng khi mới 27 tuổi. Năm năm sau (1495), được vua Lê Thánh Tông vời vào Hội Tao Đàn nhị thập bát tú do đích thân nhà vua làm chủ soái. Là một nhà thơ có tài, với thi phẩm “Mặc Trai thi tập” đã được nhà vua ca ngợi và đánh giá: “Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân” (Nhà thơ đứng đầu trong sách sử). Không chỉ là một nhà thơ, cụ Đàm Thận Huy còn là một bậc quan đại thần, trải nhiều chức vụ quan trọng, một tấm gương lẫm liệt về lòng trung quân và ý chí đấu tranh đến cùng chống lại sự tiếm quyền của nhà Mạc, bảo vệ triều đình của nhà Lê, được truy phong là “Tiết nghĩa Đại vương” thượng đẳng phúc thần, và cho lập “Tiết nghĩa từ” để thờ tại quê nhà. ( Tiết Nghĩa Từ đã được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử danh nhân văn hoá năm 1988. Ở thành phố Bắc Giang, đoạn đường chạy từ đầu cầu sông Thương đến Cầu Chui (thuộc phường Trần Phú) được vinh dự mang tên Đàm Thận Huy ). Ở TPHCM cũng có tên đường Đàm Thận Huy ngay quận Tân Phú. Nhưng không chỉ có vậy, cụ còn là một nhà giáo, nhà sư phạm tài năng và mẫu mực, người đào tạo đủ mặt tam khôi: Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh; Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn; Thám hoa Nguyễn Hữu Nguyên góp phần đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước
Trước Cách mạng Tháng Tám, cụ Đàm Quang Vinh, thân phụ của Cô Đức là Bố chính tỉnh Lạng Sơn, rồi lên làm Tuần phủ tỉnh Lào Cai. Nhật đảo chính Pháp (tháng 3-1945), trở thành tỉnh trưởng Lào Cai. Lào Cai là một ải địa đầu mà trong Cách mạng tháng Tám không có khởi nghĩa giành chính quyền. Vì vậy, khi đất nước được độc lập, cụ đảm nhiệm giữ gìn an ninh trong bối cảnh ở Lào Cai chưa có chính quyền cách mạng cấp tỉnh, tình hình diễn biến phức tạp, khi quân đội Trung Hoa Dân Quốc và bè lũ tay sai phản động của chúng núp sau nhập Việt, giải giáp quân đội Nhật Bản, họ lấy Lào Cai làm đồn trú đầu tiên do Tư lệnh Lý Du Sinh chỉ huy. Tỉnh trưởng Lao Cai họ Đàm đã phải rất mưu lược khôn khéo tìm mọi cách để ngăn chặn dã tâm và lòng tham vô hạn của họ Lý và bọn tay sai để đồng bào trong tỉnh giảm được nhiều nỗi bị hà hiếp cực khổ. Sau đó, cụ gửi điện về Hà Nội bày tỏ lòng trung thành với chính quyền cách mạng do Cụ Hồ lãnh đạo, rồi chờ chính quyền cách mạng cử người từ Trung ương lên bàn giao. Sau này, Chính phủ nhiều lần mời cụ ra giữ những chức vụ khá quan trọng, song cụ đều từ chối để sống cuộc đời thanh nhã của một người dân, thể hiện nhân cách quân tử của một nhà Nho trong nhân sinh hành vi ở nhân quần xã hội, xuất thế hay nhập thế, vô vi hay hữu vi!
Là một người trí thức Nho học, hiểu đạo lý của thánh hiền, đã một thời đem tài đức ra giúp dân, giúp nước và bảo ban người dân cư xử cho phải đạo, hiển nhiên cụ Đàm Quang Vinh đã rất coi trọng việc giáo dục con cái trong gia đình. Trong hàng trăm điều hay Cha dạy, Cô Đức nhớ nhất câu “Các con ạ, mỗi người có một năng khiếu, cha không yêu cầu các con phải giỏi hơn ai, nhưng các con phải nhất với chính mình”. Nhất với chính mình là phải thông minh, hiểu biết, tài khéo khôn ngoan. Đó chính là chữ “Trí” gồm hai chữ, trên là chữ “Tri” dưới là chữ “Nhật”.
Vậy là, lời dạy của Mẹ là đi vào chữ “ĐỨC”, còn lời dạy của Cha đi vào chữ “TRÍ”. Chính vì thấm nhuần lời dạy của Cha nên suốt những năm học tiểu học cô bé Đàm Lê Đức không bao giờ đứng thứ nhì và những năm sau này, khi học Trung học, khi học Đại học và cả khi làm cô giáo, Cô Đức đã không ngừng học hỏi, suốt đời không quay đầu về bờ trong bể học mênh mông!
2. Sau niềm hạnh phúc được hưởng cái ơn sinh thành sâu nặng của cha mẹ, Cô Đức lại có thêm:
Những ấm êm bên Anh cùng Chị
Những tháng ngày hạnh phúc chan hòa
Thật đúng với câu tục ngữ của dân ta: "Anh thuận em hoà là nhà có phúc". Trong gia đình họ Đàm danh giá của Cô Đức có 4 chị em: Đàm Thị Lộc, Đàm Quang Mậu, Đàm Lê Đức và Đàm Thị Thái, thì tất cả đều rất hiếu học và thương yêu đùm bọc lẫn nhau từ tấm bé đến suốt cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đặc biệt người chị lớn, chị Cả Bùi Khoát nhũ danh Đàm Thị Lộc là một tích tụ của sự uyên bác Đông Tây, một tấm gương đức hạnh lớn nhưng hết sức bình dị, gần gũi với mọi người.
Trong một bài thơ gần đây nhất, Cô Đức đã viết về người chị tôn kính ấy bằng những câu thơ giản dị mà khó có thể tìm cách nói khác hay đẹp hơn: Một bà tiên thật tuyệt vời/ Ngôn – Hạnh -Công - Dung vẹn mọi điều/ Chăm sóc đàn em như mẹ hiền, và rồi cô bày tỏ nỗi lòng mình với Chị:
Em rất mừng vui rất tự hào
Lòng kính yêu chị ngút trời cao…
Người chị cả ấy năm nay đã 92 tuổi và người em gái là Cô Đức cũng đã 83, vậy mà bên chị Cả, Cô Đức vẫn:
Em tưởng như còn tuổi thiếu niên”
Lúc ở gần, khi ở xa, Chị Cả luôn luôn là một cây to bóng mát che chở cho các em, các cháu. Năm 1985 theo nguyện vọng của nhiều thành viên trong gia tộc và thân hữu là những nhà giáo, Chị Cả cùng các em mở lớp dạy kèm cả “Lễ” và “Văn”. Nay, thì cả 4 chị em bà, dù người ít tuổi nhất cũng đã gần 80, song đều làm việc hết sức hăng say. Các ông bà sống quây quần đầm ấm dưới một mái nhà mà người đời gọi là Đàm gia trang, chung tay làm việc quản lý, tự soạn giáo án, tự lên lớp dạy học trò, ngày ngày làm việc với một tình yêu cuộc sống đến tha thiết, cháy bỏng là rèn luyện đức trí song hành cho các cháu học sinh. Không chỉ thế, khi biết nơi làng quê mình sinh ra, xã Tiền An, Yên Hưng, Quảng Ninh đang có khó khăn về kinh phí xây dựng một ngôi trường, bà đã nghĩ tới song thân xưa kia luôn đốc thúc các em, con cháu, bà con chăm lo chuyện học hành, nên để tri ân các đấng sinh thành ra mình và cũng để làm gương cho con em trong gia tộc, bà đã xin được tặng xã nhà 10 tỷ đồng để xây một trường học cho trẻ nhỏ có điều k iện học hành đến nơi đến chốn.
Một người em họ, nhà giáo nhà thơ Đinh Thế Vinh, trong một buổi gia đình hội ngộ đã cảm hứng reo lên:
Đây chị, đây anh và chúng em
Qua rồi sóng gió đã bao phen
Giờ đây nâng chén vui đoàn tụ
Hoa lại hồng môi, má rậy men.
3. Với niềm hạnh phúc lớn lao có một bậc từ mẫu dày đức độ và một vị phụ thân chói sáng hào khí lại thêm có anh chị em ruột thịt gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau như thế, Cô Đức đã “ Lo sao cho bõ những ngày ước ao”, tìm cách trả ơn các đấng sinh thành ra mình bằng một tâm nguyện như một lời thề son sắt:
Và nguyện sống đẹp lòng Cha Mẹ
Mà cách “sống đẹp lòng Cha mẹ” của Cô chỉ rất giản đơn là:
Đổ mồ hôi vì đàn con trẻ
Dâng cuộc đời cho nghiệp trồng người
Nhưng muốn “Dâng cuộc đời cho nghiệp trồng người” đâu có dễ.
Sinh ra trong một gia đình truyền thống khoa cử, Nhị tiểu thư Đàm Lê Đức mang trong mình tính ham học từ khi còn tấm bé. Năm 13 tuổi, Nhị tiểu thư thi đỗ vào lớp Đệ thất trường nữ học Đồng Khánh, trường học danh giá dành riêng cho nữ sinh người Việt duy nhất ở Hà Nội thời đó. Cuối năm học, cô bé được phần thưởng hạng nhất về môn Toán. Nhưng rồi cùng với những biến động của xã hội, gia đình vọng tộc của cô cũng biến đổi theo nên học mới xong lớp Đệ thất thì cô nữ sinh Đàm Lê Đức phải tạm gác lại giấc mơ đèn sách để phụ giúp gia đình trong việc hái dâu nuôi tằm, dệt vải.
Trong một số công việc liên quan tới nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam ngày trước, việc hái dâu, nuôi tằm hầu như chỉ dành cho lớp người phụ nữ nghèo khổ bình dân trong xã hội. Bởi thế mới có lời cô gái hái dâu trong ca dao:
Chàng chê em bé em đen
Em người đất bãi em quen chăn tằm
Chăn tằm rồi lại hái dâu
Dầm mưa dãi nắng lấy đâu bằng chàng
Cái việc luôn phải “ ăn cơm đứng” ấy vừa nặng nhọc đối với một cô bé mới 13, 14 tuổi lại vừa rất bận rộn:
Tằm em ăn rỗi hôm nay
Hái dâu em bận suốt ngày hôm qua - (Nguyễn Bính)
Ấy vậy mà ngọn lửa ham học trong cô bé Đàm Lê Đức vẫn hề không bị thổi tắt. Hằng đêm hằng đêm, cô vẫn không rời những cuốn sách. Ngày ấy, tìm trong tủ sách gia đình không có 1 quyển sách Toán nào mà cô bé Đàm Lê Đức chỉ có mê Toán thôi. Vậy học gì đây? May làm sao, trong tủ sách ấy, còn tìm được 8 quyển dạy chữ Nho. Thế là, từ đó đêm đêm cô bé mải mê học chữ Nho vậy.
Sau 5 năm trời sống ở nông thôn như thế, được chị Cả giúp đỡ, cô Đàm Lê Đức ra Hà Nội học nghề thợ may ở trường Quang Minh là trường nổi tiếng dạy may ở Hà Nội thời ấy. Các thầy cô biết cô là nữ sinh Đồng Khánh, do hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học nên thương lắm, dạy cho đủ bí quyết nhà nghề. Sau đó cô về Quảng Yên mở tiệm may lấy tên là Liên Tỉnh (biệt hiệu của người Cha kính yêu). Giờ thì cô lại cần phải khéo tay, kỹ thuật, mỹ thuật, cần cù và sáng tạo cho từng tấm áo:
Áo dài áo ngắn tùy người
Áo dày áo mỏng tùy thời mà may
Tài hoa của cô thợ may trẻ Đàm Lê Đức vang xa, được đông đảo khách hàng tín nhiệm tìm đến. Nhưng đường kim mũi chỉ làm ấm đẹp cho người không phải là ước mơ lớn của cô. Ước nguyện lớn của cô vẫn là việc học hành để có đủ kiến thức:
Dâng cuộc đời cho nghiệp trồng người
Góp phàn làm Đất Việt xanh tươi
Trời không cho ai tất cả nhưng cũng không lấy đi hết cả của ai. Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, những người ở các vùng tạm chiếm được tạo điều kiện cho lên Hà Nội để tiếp tục đi học lại. Cô thợ may Đàm Lê Đức xin cha mẹ cho mình ngừng việc đường kim mũi chỉ, khăn gói gió đưa lên Hà Nội học. Năm ấy cô đã 23 tuổi, đã qua cái thời “quả mai ba bẩy còn tơ”, đã qua cái tuổi mực tím ngây thơ rồi! Và con đường học tập không bao giờ là con đường bằng phẳng, nói như nhà văn Nguyễn Bá Học (1857-1921), một trong những cây bút đầu tiên viết truyện ngắn hiện đại bằng chữ quốc ngữ trong văn học Việt Nam, thì : “không khó vì ngăn sông cách núi” thì cũng: “khó vì lòng người ngại núi e sông”
Với số tiền để dành ăn học chỉ đủ trong hai năm, cô đành “học nhảy cấp” lên lớp 11 để kịp thi vào Đại học. Vì thế, cô phải nhờ người em trai kèm cấp tốc môn toán từ lớp 6 đến lớp 11 trong 5 tháng “học nước rút”, rồi đứng đầu toán 11 toàn trường và được chuyển thẳng lên học lớp 12. Vì học quá sức, ăn uống lại kham khổ nên nhiều lần Đàm Lê Đức bị ngất xỉu, phải vào viện chữa bệnh nên hết tiền đóng học phí. Đang sắp phải nghỉ học thì thầy chủ nhiệm và các bạn lớp 12 biết được hoàn cảnh của cô học trò nghèo Đàm Lê Đức nên thầy đến nhà động viên, cho tiền học phí, còn các bạn cùng nhau góp gạo cho cô bạn hiếu học.
Và thế là, năm 1954, Đàm Lê Đức đóng cửa thợ may thì năm 1956 cô thi đậu Tú tài Toán rồi thi đậu khoa Toán trường ĐH Tổng hợp, nghĩa là cô “nhảy” 2 năm xong hai cấp 2 và cấp 3 rồi vào giảng đường Đại học. Năm ấy, cô đã 25 tuổi mà bảng ghi tên chỉ có một mình cô là nữ còn toàn nam giới. May quá sau này có thêm cô Bùi Thị Tý đậu tổng hợp Lý đổi với một bạn tổng hợp Toán. Thế là tổng hợp Toán đầu tiên toàn miền Bắc có 2 nữ sinh viên.
4. Tốt nghiệp Đại học Toán năm 1959, Đàm Lê Đức đi theo ngành sư phạm. Bây giờ thì, cô đã có thể:
Biến ước mơ trở thành hiện thực
Và cô đã làm đúng với những điều lòng đã nhủ lòng: “Đổ mồ hôi vì đàn con trẻ”.
Trong suốt 30 năm, khi về dạy tại các trường cấp 3 Ngô Quyền, Thái Phiên, Đại học tại chức ở thành phố Hải Phòng miền Bắc hay khi vào phương Nam giảng dạy tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cô giáo Đàm Lê Đức luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người. Các giờ học toán của cô luôn sống động và hào hứng. Cô truyền cảm hứng cho các học trò bằng phong cách giảng dạy rất riêng, vui tươi và sáng tạo. Không chỉ là một giáo viên giỏi, cái tên Đàm Lê Đức còn in đậm trong trái tim học trò vì tấm lòng yêu thương học sinh của cô.
Có những mẩu chuyện về Cô giáo Đàm Lê Đức nghe ngỡ như chuyện cổ cuối thế kỷ 20.
Năm học 1963-1964, vào một ngày bão biển, xe ô tô đi Đồ Sơn không thể chạy được mà có một lớp học gần ba chục học sinh ở làng muối Bàng La đang đợi cô ra giảng bài. Bất chấp mưa gió bịt bùng, cô Đức đã mượn xe đạp gò mình trên con đường mịt mù vắng ngắt . Và hạnh phúc không ngờ, trong cơn bão tố ấy, các em học sinh của cô cũng đội áo tơi, cầm đèn pin đi ngược về phía Thành phố để đón cô. Cô trò gặp nhau, nước mắt vui mừng chan hòa trong nước mưa lạnh lẽo.
Khoảng năm 1978, khi ấy cô Đức giảng dạy tại trường Đại học Tại chức Hải phòng. Cô vừa lo việc trường vừa lo việc chăm sóc mẹ già và nuôi dạy đứa cháu ruột, con trai của ông anh trong một căn hộ chật hẹp tầng 2 khu tập thể 5 tầng ở ven nội.
Năm ấy, thời bao cấp đang đầy khốn khó. Bữa cơm ở nhà ăn tập thể, gạo trộn ngô hay hạt bo bo cho vào bát sắt tráng men xếp trong bếp lò cho chín. Thức ăn, thì đây bát canh tập thể:
Bát canh tập thể nước trong veo
Vài miếng su hào bé tẻo teo
Váng mỡ theo làn hơi gợn tí
Lá hành trước gió khẽ đưa vèo
Bữa cơm trong các gia đình cũng không hơn gì . Quanh đi quẩn lại, rau muống luộc vẫn là món chính kèm với cà muối mặn cổ truyền dân tộc, thêm khi chút lạc rang, khi chút tép rang, cũng chỉ là rang muối... Mỗi tháng được vài ba bữa có ít thịt, trứng, cá tàu hay đậu phụ, thành quả sau cả buổi xếp lốt mua theo tem phiếu. Vậy mà, khi thấy một em học sinh học cùng lớp với cháu mình có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất ở lớp 8 trường cấp 3 Ngô quyền, cô Đức đã đề nghị thầy giáo chủ nhiệm và Ban PHHS miễn học phí cho em ấy trong suốt 3 năm học. Sau đó, cô nói với bố mẹ em, đưa em về ở nhà cô để tiện học nhóm cùng với cháu mình và tiện cho cô phụ đạo môn toán cho cả hai em. Cô giáo Đức đã sống đúng như lời thơ của cô :
Không lùi trước thử thách chông gai
Mắt luôn nhìn thẳng tới tương lai
Tương lai không phải chính cho cô mà là tương lai của các lớp con cháu.
Sống đúng như lời Mẹ dặn: “Hãy vào đời bằng trái tim yêu”, cô giáo Đức rất thương học trò nghèo. Đích thân cô đến từng nhà những học trò có hoàn cảnh khó khăn để động viên, giúp đỡ họ tiếp tục con đường học vấn. Nhờ vậy, học sinh của cô không ai bỏ học giữa chừng, tỷ lệ đậu tốt nghiệp luôn đạt 100%. Sau này nhiều người đã thành danh trong xã hội.
5. Năm 1989, cô giáo Đức nghỉ hưu. Những người có chức có quyền, có cái ghế ngồi hái ra bổng lộc thường rất sợ phải nghỉ hưu. Cô cũng sợ nghỉ hưu nhưng là sợ cách khác: Cô sợ sẽ trống vắng những lớp học sinh trong những năm nắng chiều bóng xế của cuộc đời mình, sợ phải nhớ phấn bảng và như thế có nghĩa là cô không còn được “dâng cuộc đời cho nghiệp trồng người” nữa trong khi ngọn lửa sống cao cả đó vẫn đang rực cháy trong trái tim cô.
"Ngũ thập nhi tri thiên-mệnh", cô đã tới cái tuổi có thể hiểu được mệnh của trời. Nhưng là một người có căn bản vững vàng về giáo dục, kiến văn, và kinh nghiệm sống lại là một ngưới suốt đời tạc dạ ghi lòng lời Mẹ dặn: Hãy biết “Nhẫn” và sống yêu thương, vị tha; suốt đời quẩy trên lưng cái hành trang đầy hào khí của Cha, cô Đức quyết không, không thể để những năm nghỉ hưu sẽ trở thành những tháng ngày “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng” được. Cần phải tìm cho mình một hướng đi mới đê dâng hiến trọn đọn đời cho lý tưởng sống mà cô đã chọn.
Được người chị Cả luôn luôn thương yêu hết mực các em, luôn làm một ngôi sao dẫn đường cho các em động viên, khích lệ; năm 1985, trước tuổi nghỉ hưu 4 năm, cô giáo Đức nhận trách nhiệm tiên phong cùng anh chị em mở Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, TPHCM. Những ngày đầu cô vừa là giáo viên chủ lực giảng dạy môn toán, vừa là người quản lý lớp học chỉ có mấy chục học sinh hầu hết là con em quyến thuộc và thân hữu, nhưng lại thuộc đủ mọi trình độ, mọi cấp lớp và yêu cầu được học nhiều môn khác nhau: Bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, ôn thi đại học, ôn chuyển cấp...Nhưng rồi, được cô giáo Đức cùng các cộng sự là các nhà giáo về hưu có thời gian, đủ trình độ và tình yêu thương con trẻ dìu dắt, bảo ban, lớp học ngày càng đông phụ huynh ở TP HCM và các tỉnh lân cận đưa con đến gửi gắm. Đến nay, trường Bồi dưỡng văn hoá ngoài giờ 218 Lý Tự Trọng của chị em cô Đức đã phát triển thành một trung tâm bồi dưỡng có quy mô cả chục ngàn học sinh. Hàng năm trường đã có hàng học sinh đỗ đại học với cả trăm tân khoa đạt điểm cao từ 24-29,5 điểm; nhiều em đạt học bổng toàn phần (từ 30.000 - 50.000USD/năm) của nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Nhật Bản…
Không chỉ dừng lại ở Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, năm 2010, cô Đàm Lê Đức cùng với anh chị em trong nhà và bạn bè tâm huyết sáng lập trường THCS – THPT Đức Trí nhằm mục tiêu đào tạo học sinh phát triển toàn diện, với quan điểm giáo dục nhất quán “Đức – Trí song hành”
Là giáo viên Toán, nhưng cô giáo Đàm Lê Đức có nhiều trăn trở với việc dạy học trò làm người, nên mặc dù tuổi đã cao, cô đã cùng BGH dốc hết tâm can biên soạn các bài dạy về đạo đức mà cô đã kỳ vọng cả đời, tập trung vào các đề tài: Hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô, thân ái với bè bạn; Văn hóa ứng xử của học sinh trong gia đình, nhà trường và xã hội; Tiên học lễ , hậu học văn, song hành với các bài về trí dục để dạy các cháu phương pháp học, cách thức tự học để các cháu hiểu được tự học qua cách học ở thầy, ở bạn, ở sách ra sao. Và chính cô đã nhận phần lên lớp hàng tuần, truyền cho học sinh những bài học đạo đức bằng những lời dạy không quá cầu kỳ, không mang tính giáo huấn, khuyên răn mà là những điều rất giản dị, đời thường trong cuộc sống nhưng không phải ai ai cũng nhận ra. Hiện nay, có một sự việc vừa lạ vừa đẹp vừa lý thú ở trường Đức Trí là cứ đầu tuần, thứ 2 hàng tuần, sau buổi chào cờ, BGH dành riêng cho “cụ giáo Đức” 20 phút để kể chuyện kèm với đọc thơ cho cả trường nghe. Đó chính là những bài học đạo đức mà học sinh nhớ lâu nhất.
Đó là một hạnh phúc lớn lao cho “Cụ giáo Đức”, một niềm hạnh phúc đã thành thơ ngân lên trong lòng một nhà giáo lão thành nhưng vẫn được mọi người trân trọng trìu mến gọi là “Cô”:
Tám mươi ba tuổi có chi già
Tấm lòng giáo dục chẳng phôi pha
Luyện trò tri thức, rèm nhân cách
Thành những tài nguyên quý Quốc gia.
6. Giờ thì ta đã có thể trả lời gọn lại “HẠNH PHÚC CỦA TÔI” của Cô Đàm Lê Đức là gì:
Là Hạnh phúc được sinh ra và nuôi dạy trong một danh gia vọng tộc có nhiều danh nhân lịch sử, được hưởng “Những ân tình sâu nặng Mẹ Cha”, một người mẹ hiền đức sáng ngời, một người cha “hào khí hiên ngang “ cộng thêm hạnh phúc của “những ấm êm bên anh cùng chị” trong cái gia đình có truyền thống Nho giáo và hiếu học.
Là Hạnh phúc vì đã “sống đẹp lòng Cha Mẹ” với lý tưởng:
Đổ mồ hôi vì đàn con trẻ
Dâng cuộc đời cho nghiệp trồng người
“ Nghiệp trồng người” của Cô Đàm Lê Đức đã đi qua 55 năm bao gồm 2 thời kỳ: 30 năm trồng người ăn lương của Nhà nước và 30 năm trồng người ăn cơm gạo của PHHS gửi con em theo học cô đóng góp.
Nhưng nếu chỉ có 30 năm trồng người ăn lương của Nhà nước thì cô Đức sẽ được nhìn nhận trong mắt người đời ra sao?
30 năm ấy biết bao nhiêu tình, lúc dạy học sinh Phổ thông, lúc dạy học trò Đại học, khi ở miền Bắc, lúc vào miền Nam, cô giáo Đức đã thực sự “Đổ mồ hôi vì đàn con trẻ”, nhưng chỉ dừng lại ở đấy để rồi cầm cái sổ hưu, (cái sổ hưu mà một ông đại tá Phó giáo sư, tiến sĩ nào đó đã nói rằng: bảo vệ CNHX để bảo vệ …sổ hưu) về sống tuổi già, nhàn nhã lặng ngắm tháng ngày dần qua, thì xét cho cùng cô giáo Đức cũng chỉ hơn hàng ngàn hàng vạn giáo viên khác, bất quá ở cái danh hiệu giáo viên tiên tiến, giáo viên giỏi cấp Thành, cấp Bộ…Ví von như dân gian thì cũng chỉ như một con gà của cả đàn gà trong khu vườn Giáo dục, hơn nhiều con khác ở mấy cái lông lấm chấm đỏ vàng trên bộ cánh.
Và chỉ có thế thì không thể có bài thơ “ HẠNH PHÚC CỦA TÔI” hôm nay.
Phải là 30 năm sau của sự nghiệp trồng người, với ý chí vượt qua những thói thường của người đời như : Trẻ đeo hoa, già đeo tật/ Trẻ khôn ra, già lú lại hay “gái góa lo việc triều đình”…, cô giáo Đức đã tìm cho mình một con đường sáng để dâng hiến trọn đời cho nghiệp trồng người, nhờ đó hạnh phúc của cô mới được tròn đầy, mặc dù cô khiêm tốn nói rằng “Dù mới được bấy nhiêu”. Không có 30 năm này, con gà lấm chấm vài sắc lông đẹp ở bộ cánh năm xưa không thể “Thay lông đổi cánh hóa ra Phượng hoàng” được.
Và có thế mới có bài thơ “HẠNH PHÚC CỦA TÔI” này!
Niềm hạnh phúc to lớn ấy là sự tổng hòa của bao niềm hạnh phúc nhỏ hơn mà cô có được khi kiên định vượt qua những trở ngại khó khăn trên các nẻo đường đời, vượt qua những trở ngại trong chính lòng mình, nên cô nói:
Xin cảm ơn khó khăn
Đã giúp rèn ý chí
Xin cảm ơn trở ngại
Làm nghị lực thêm tăng
Xin cảm ơn tình yêu
Đã cho đời vị ngọt
Và cao cả hơn khi cô luôn giữ trong tâm hồn mình tình yêu thiết tha đối với sự nghiệp mà mình đã chọn xuất phát từ tình yêu thương và vị tha theo lời Mẹ dặn:
Khi yêu thương được muôn người
Thì ta đã có một đời dệt thêu
Chính vì vậy,
Trong bối cảnh, Ngành giáo dục nước nhà đã qua ba lần cải cách nhưng chưa giải quyết được các yếu kém trong hàng chục năm qua bởi vẫn chưa đổi mới phương pháp dạy và học một cách thực thụ mà người đứng đầu ngành vừa đây đã thừa nhận: “Kiến thức học nặng về hàn lâm, không gắn với yêu cầu thực tế của cuộc sống khiến học sinh và nhà trường quá tải, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội cho giáo dục” và cũng chính ông ấy thốt lên: “ngành giáo dục cần một cuộc đại phẫu toàn diện”, thì trường BDVH 218LTT được thành lập xuất phát từ cái tâm, từ lòng yêu nghề, yêu trẻ của những người sáng lập chỉ muốn hiến dâng cả cuộc đời còn lại cho mục tiêu và lý tưởng cao vời vợi: sự nghiệp trồng người và coi LỢI NHUẬN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ LÀ “NHÂN CÁCH VÀ SỰ HIỂU BIẾT CỦA HỌC SINH”. Rồi lại thêm trường THCS –THPH Đức Trí với mục tiêu đào tạo học sinh phát triển toàn diện, với quan điểm giáo dục nhất quán “Đức – Trí song hành”. Học sinh được rèn luyện, học tập trong môi trường các phòng học, chức năng được trang bị đầy đủ các phương tiện dạy và học hiện đại chẳng những giúp học sinh khám phá bản thân, phát triển toàn diện, tự tin thi vào các trường chuyên, trường đại học, cao đẳng uy tín mà còn tạo sự an tâm nơi phụ huynh khi gửi gắm con em mình.
Trong bối cảnh cả nước nạn dạy thêm học thêm tràn lan, chỉ gây tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thời gian tự học, nghiên cứu thì ở trường cô Đức đã hai năm nay, mặc cho cơn bão giá thị trường, nhà trường đã không tăng học phí mà lại miễn giảm học phí cho học sinh nghèo và thành lập quỹ học bổng của trường để giúp các em. Nhờ nguồn quỹ này, nhiều em đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, kể cả khi đã học lên đại học. Trong những học sinh được Trường Cô Đức giúp đỡ, nhiều người nay là tiến sĩ, kỹ sư, chuyên gia kinh tế, giám đốc công ty, nhớ ơn cô khi có điều kiện đều quay trở lại cùng cô giúp đỡ cho các em học sinh nghèo lớp sau để có các học bổng khuyến khích tài năng hay học bổng huynh đệ.
Trong bối cảnh xã hội đang có lệch lạc của những quy chuẩn đạo đức, đã diễn ra không ít vụ bạo hành trường học khiến dư luận rất bất bình, xót xa kiểu như: thầy cô giáo đánh đập, làm nhục học sinh, học trò chém giết nhau, cháu chửi rủa bà trên Facebook…, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 có nội dung nhạy cảm, không phù hợp với mục tiêu giáo dục, nhất là giáo dục Ðạo đức- Giáo dục công dân; sách giáo khoa đụng tới là sai tới đó, không khoa học, không ai chịu trách nhiệm…, thì ở trường cô Đưc có biết bao cái hay cái lạ như: Cô giáo 82 tuổi và tiết học khiến trò 'rơi nước mắt', Bà giáo 83 tuổi lập lớp học cho... phụ huynh, Buổi học lấy nước mắt phụ huynh…Đó là những tiết học về Đức dục, Trí dục cho học sinh bằng giáo án Cô Đức tự soạn, những buổi trao đổi làm cha làm mẹ dành cho phụ huynh được tổ chức 3 tháng một buổi sinh hoạt với những chủ đề gắn việc giáo dục con cái của Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh do Cô thành lập tại ngôi trường dạy thêm của Cô, nơi hiện nay đã có 7 câu lạc bộ để tùy theo năng khiếu các cháu muốn tham gia CLB nào, như CLB thông tin, mỹ thuật, võ thuật, bóng bàn, bóng đá, tiếng Anh, tiếng Nhật và sắp tới đây sẽ có thêm những CLB mới như CLB Âm nhạc dân tộc, dân ca ba miền hay CLB yêu tiếng Việt… Những CLB này, theo Cô Đức là “ cần lắm để phát triển những năng khiếu riêng của các cháu.”!
Tôi nói, con gà với mấy sắc lông đẹp ở bộ cánh trong khu vườn Giáo dục chật hẹp 30 năm xưa giờ đã thành Phượng hoàng trên đỉnh núi là vì nhẽ ấy!
7. Cô Đức coi việc “Dâng cuộc đời cho nnghiệp trồng người” như là số phận của mình mà:
Số phận này tôi yêu mến lạ
Và không ngần ngại nói ra rất chân thật:
Nếu cho tôi làm lại từ đầu
Nếu cho tôi được sống kiếp sau
Tôi vẫn chọn làm mình kiếp trước
Những câu thơ thật xúc động lòng người. “Kiếp trước” ở trong lời cô chính là kiếp người cô đang sống, cái kiếp mà người đời vẫn hay gọi là kiếp phù thế hay kiếp phù sinh, ý nói cuộc đời con người ví như bèo bọt trôi nổi trong bể trần ai, vật vờ nơi bến mê, hư ảo và rất ngắn ngủi:
Kiếp phù thế nhân sinh thấm thoắt
Vì chữ bần nên ngát chữ duyên
Đó là lời than thở của gái nghèo trong “Bần nữ thán”. Ta có thể đồng cảm và mủi lòng thương người con gái đó, sợ kiếp phù thế và trách số phận vì nghèo túng mà thua thiệt không lấy được người chồng sang cả.
Ta cũng có thể ngậm ngùi thay cho nhà thơ Cao Bá Nhạ sợ kiếp phù sinh sau khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do chú ruột của ông là Cao Bá Quát lãnh đạo thất bại, dòng họ Cao chịu hình phạt tru di tam tộc khiến ông phải cải dạng đổi tên chạy trốn khắp nơi và đã phải lo sợ:
"Phù sinh thôi thế thì thôi,
Dẫu thân chuộc lại cũng đời bỏ đi."
(Tự tình khúc)
Nhưng một người như Nguyễn Gia Thiều, xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, được phong tước hầu thời vua Lê Hiển Tông mà cũng mượn lời người cung nữ để oán kiếp phù sinh:
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bổ khổ, bèo đầu bến mê.
(Cung oán ngâm khúc)
Thì kiếp phù thế thật là đáng sợ.
Và đây Nguyễn Công Trứ, một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại, ngay từ thuở còn hàn vi đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp:
Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Vậy mà sau những thăng trầm trong cuộc đời, nói về kiếp sau cũng là để nói về kiếp này bằng những lời thật chua chát:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Xem vậy càng thêm mến trọng nhà giáo Đàm Lê Đức khi nếu có được sống kiếp sau thì “ vẫn chọn làm mình kiếp trước”, cái kiếp mà từ một tiểu thư khuê các bỗng rơi xuống thành cô gái hái dâu chăn tằm, rồi cô thợ may; cái kiếp mà một cô gái ham học nhưng phải đứt đoạn cả chục năm mới lại được đi học lại khi tuổi thanh xuân đã “vèo trông lá rụng ngoài sân” mấy mùa với những ngày thiếu đói đén ngất xỉu; cái kiếp mà cả cuộc đời của Cô dành chọn cho công việc “Góp phần làm Đất Việt xanh tươi” ! Cái kiếp ấy hôm nay và nếu có mai sau tuy có biết bao đau khổ, biết bao gian khó nhưng đã cho cô được sống:
An hòa với những người chung sống
Với:
Bạn bè tôi luôn mãi thương tôi
…
Thầy cô tôi chiến hữu của tôi
Đã cho tôi cảm nhận cuộc đời
Đầy ý nghiã và bừng lửa sống
Những thứ tình người, cái tình yêu thương vị tha cô đã học từ Mẹ và làm theo lời mẹ dặn, cái tình của những người yêu mến tận tình giúp đỡ cô, cái tình của bao lớp đàn con trẻ cô đã đổ mồ hôi vì chúng. Những thứ được yêu thương người và được người yêu thương đền đáp không có thứ ”tiền nào mua được”.
Đó là “HẠNH PHÚC CỦA TÔI”, như cô nói; hạnh phúc là được sống và tận tụy làm việc để hướng tới những giá trị đạo đức cao cả mà mình luôn tin tưởng một cách mãnh liệt, vững chắc.
8. Cô Đàm Lê Đức không phải là thi nhân, nữ sĩ . Cô là một nhà giáo có đôi lúc làm thơ, nói đúng hơn là mượn thơ để diễn tả cô đúc tâm hồn mình về cuộc sống và công việc của đời mình, đặc biệt là lúc tuổi đời của Cô đã cao. Dù vậy, qua những bức tranh tâm hồn được chạm bằng ngôn từ đầy cảm xúc chân thât của nhà giáo làm thơ Đàm Lê Đức, ta thấy Cô thật không hổ danh là hậu duệ đời tứ 19 của “Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân” Đàm Thận Huy.
Bài thơ “HẠNH PHÚC CỦA TÔI” là bài ca bình dị của một nhà giáo đã phấn đấu suốt đời đi theo lý tưởng sống cao đẹp của đời mình với những tiếng ca rất hồn nhiên trong sáng và rất trẻ trung, khi thì 4 câu 3 vần, khi thì 7 tiếng tự do, khi thì lục bát dân giã, khi thì ngũ ngôn cô đọng. Có khi cắt nhịp câu thơ thành một điệp khúc mạnh mẽ, kiên định hào hùng:
Và tôi sống…
Sống không hối tiếc
Những tiếng ca ấy cứ tự sự, như kể chuyện, có sao kể vậy, không hoa lá, thêm thắt gì, những hình ảnh và ngôn ngữ rất đỗi quen thuộc đời thường dựng lên một bức chân dung sống thực, một cuộc đời thực về một nhà giáo lão thành phong phú những vẻ đẹp tinh thần của con người.
Có thể nói, từ khi Cô Đức rời gia đình và nhà trường, có một nơi không bao giờ phụ cô, lúc nào cũng thúc giục cô, an ủi cô và vực cô dậy. Đó là nghiệp trồng người. Không có nghiệp ấy thì không còn có cánh cửa nào mở ra để cho cô được thể hiện tâm nguyện của mình:
Dạy tri thức trên nền đạo đức
Biến ước mơ trở thành hiện thực
Và từ đó Cô đã tự tìm được những hạnh phúc lớn lao cho minh trong cuộc sống.
2500 năm trước, Khổng Tử sáng lập ra trường học tư ở Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của nhà nước. Khổng Tử đã thu nhận nhiều đồ đệ, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại. Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời) và coi ông là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc.
Ở Việt Nam ngày nay, không thiếu các nhà giáo đã và đang thu nhận học trò để dạy thêm và cũng không ít các trường tư đã được mở ra. Nhà giáo Đàm Lê Đức với lớp Trung tâm BDVH ngoài giờ 218 LTT và Trường tư thục Trí Đức không phải là người đi đầu theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nhưng trong khi, dạy thêm, học thêm nở rộ từ nhà đến hẻm gây bức xúc trong dư luận và không ít trường tư thục vì lợi nhuận trước mắt đã thu nhận học sinh một cách bừa bãi, đầu tư cho giảng dạy ít nên kết quả đào tạo các trường này thấp kém đến mức nhiều nơi đã phải lên tiếng cần xử lý nghiêm dạy thêm, học thêm không đúng quy định và siết chặt quản lý các trường tư thục, thì trường lớp của Cô Đức trở thành một hiện tượng kỳ lạ khiến những bậc cha mẹ nào quan tâm đến việc học hành của con em mình đều muốn đem con đến gửi học Trường “bà giáo Đức” .
Một nhà giáo lão thành hôm nay đã sang tuổi cụ nhưng vẫn được học sinh và PHHS trân trọng trìu mến gọi là “Cô Đức”. Một nhà giáo suốt đời coi nghề dạy học là thiêng liêng cao cả, 83 tuổi vẫn lên lớp hàng tuần dạy những bài học Đức dục cho học sinh và nói rằng, mình còn khỏe, còn làm được rất nhiều việc và lạc quan nói rằng, sẽ đứng trên bục giảng đến lúc mình nhắm mắt xuôi tay, an lòng bước sang kiếp khác…lại là một nhà giáo không một danh hiệu Nhà giáo ưu tú hay Nhà giáo nhân dân.
Mà danh hiệu để làm gì, khi mà một người như nhà văn Nguyễn Khải, một cây bút ở vị trí hàng đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam, khi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2, đã giãi thật lòng mình: “Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng”
Bia mộ sang trọng, nhưng có bia mộ nào sẽ không bị cỏ che mưa xóa, có bia mộ nào không bị bào mòn bởi thời gian? Danh hiệu gì cho Cô Đức bằng hàng chục nghìn học sinh đã được cô và các cộng sự dạy bảo để như một đàn chim lớn đã được nâng cánh vào các trường đại học và trở thành nhân tài của xã hôi. Danh hiệu nào cho Cô Đức bằng sự tri ân sâu sắc của những người học trò đã được cô dìu dắt:
Em đi bao suốt, bao miền
Con sông nhiều khúc con thuyền đầy vơi
Bây giờ gặp lại Cô ơi !
Xin cô hãy nhận một lời tri ân.
(Trần Tích Cảnh –Tiến sĩ, Học sinh khóa 60 – 63)
“Em tìm thấy ở cô một người giáo viên chân chất, đáng để em tôn thờ. Cuộc đời em, ngoài cha mẹ ra, em còn có một người mẹ thứ hai,đó là cô Đàm Lê Đức.” ( Nguyễn Đoàn Mai Trang - Hiện dạy học ở Mỹ )
Và danh hiệu nào cao quý hơn những giọt nước mắt của học trò khi nghe Cô Đức giảng bài đạo đức và cả những giọt nước mắt của phụ huynh học sinh khi họ nhận được những tình cảm tốt đẹp của con họ sau khi chúng được nghe Cô Đức giảng bài và khiến họ nhận ra thiếu sót của mình trong việc dạy dỗ con cái. Đó không chỉ là những giọt lệ mà là những viên ngọc lệ.
Hạnh phúc “Dù mới được bấy nhiêu”, như Cô Đàm Lê Đức nói. Nhưng bấy nhiêu cũng quá đủ rồi, thưa Cô Đức!
oOo
Nghiệp trồng người mà cô Đức muốn dâng hiến cả cuộc đời, nói theo Quản Trọng một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu từ hơn 2000 năm trước là: “Chung thân chi kế mạc như thụ nhân”; nói theo cụ Hồ, người luôn lo lắng đến tương lai lâu dài của đất nước Việt Nam là: “Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người”. Nhưng gần gũi dung dị hơn song thăm thẳm chiều sâu triết lý ẩn kín lại chính là câu tục ngữ quen thuộc của dân ta: “NGƯỜI TA LÀ HOA CỦA ĐẤT”, một câu nói ví von giàu hình tượng và thấm đẫm chất nhân văn.
Hoa của đất chính là con người. Nhưng muốn cho con người là một sinh vật hoàn hảo của vũ trụ, con người ra con người thì ngoài hình thể bản năng cần phải có song song hai điều lớn nhất là Đạo đức và Trí tuệ.
Phải chăng Cô Đàm Lê Đức, một đời như trong một bài thơ khác của Cô đã nói:
Nguyện thân tằm dâu xanh nghiền ngấu
Nguyện đời ong nung nấu trăm hoa
Và suốt đời đã rất coi trọng ‘’TRÍ ĐỨC SONG HÀNH”, suốt đời dạy “TRÍ ĐỨC SONG HÀNH” cho con trẻ là vì nhẽ ấy?
Và cũng vì nhẽ ấy, tôi đã ăn theo các cháu học sinh gọi Nhà giáo lão thành Đàm Lê Đức là “Cô Đức” một cách gần gụi thân kính, giờ xin gọi bậc nữ trưởng lão ấy, người trọn kiếp “Dâng cuộc đời cho nghiệp trồng người” là:
NGƯỜI THỔI HỒN ĐỨC TRÍ CHO HOA CỦA ĐẤT!
Hải Phòng, ngày mưa xuân 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét