Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018


LỐI ĐI VỀ
VẪN CÒN Y NHƯNG SAO LÒNG BẤT ỔN



*
LỐI ĐI VỀ

Vẫn bao năm cỏ tàn rồi cỏ mọc
Lối đi về đường đất vẫn còn y
Trời vẫn xanh, mây trắng vẫn bay bay
Chỉ có người mới là điều kỳ lạ

Bước xa quê tìm thị thành, phố xá
Có kẻ về và cũng có kẻ không
Không như mây, cây cỏ suốt năm ròng
Lối..cũng thế vẫn trung thành mãi mãi

Có nhiều đêm trở trăn ta khoắc khoải
Lòng lao chao và bất ổn thế nào
Rằng! Lại thua vầng mây trắng trên cao
Và hèn mọn hơn những loài cây cỏ

Mong qua đêm chờ ngày vươn sáng tỏ
Ta thấy mình thua thật, thật là thua
Lối đi về ngày lại tiếp.. lưa thưa
Chỉ có cỏ, đất, trời là tồn tại.
*.
20 tháng 04.2017
THỦY ĐIÊN
LỜI BÌNH:
Lối đi về là một hình ảnh quen thuộc trong thi ca Việt Nam, từ văn
  
học dân gian đến văn chương bác học và âm nhạc. Đó là Đường làng em lắm cát dễ đi, mà hai tiếng làng em có thể đổi thành một cái tên riêng khi ai đó nói về đường làng của mình: Đường Hiệp Hòa lắm cát dễ đi, Đường chợ Bưởi lắm cát dễ đi và giàu có sang trọng hơn như cái làng ở ven Kinh kỳ: Đường Yên Thái gạch lát dễ đi. Đó là lối đi về trong Truyện Kiều bất hủ: Đi về này những lối này năm xưa. Và Lối em đi về trời không có mây trong nhạc Trịnh.
Tháng Tư này có thêm một Lối đi về trong thơ Thủy Điền, một cây bút đang sống tại Cộng hòa liên bang Đức. Không phải lối đi về lắm cát hay gạch lát mà là “Lối đi về đường đất” ở một làng quê nhỏ bé và cách xa thành thị.
Cảnh vật đầu tiên hiện lên trong mắt người khách đã ly hương trở về hôm nay là sự nguyên sơ của con đường đất ấy:
Vẫn bao năm cỏ tàn rồi cỏ mọc
Lối đi về đường đất vẫn còn y
Bao năm rồi, theo dòng thời gian, xuân sinh hạ trưởng, thu thu đông tàng, nhưng cỏ bên đường “cỏ tàn rồi cỏ mọc” đúng như câu ca dao: “Đất tháng Giêng tự nhiên cây cỏ mọc” để giữ nguyển hình ảnh đơn sơ và sự sống trường tồn cho cái lối đi về quen thuộc ấy. Và không chỉ lối đi về ấy vẫn còn y mà ngẩng đầu lên:
Trời vẫn xanh, mây trắng vẫn bay bay
Hình ảnh trời xanh mây trắng không thể không gợi nhớ trong lòng người trên lối đi về ấy một vẻ đẹp hiền hòa và đầy thân thương từ nghìn đời nay trên bầu trời quê hương:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Bao năm xa quê, nay trên lối đi về vẫn y nguyên ấy với bầu trời vẫn đẹp như xưa ấy khiến người về nhận ra:
như mây, cây cỏ suốt năm ròng
Lối…cũng thế vẫn trung thành mãi mãi
Thật khác hẳn “phong cảnh, nay đà khác xưa” khi chàng Kim trong Truyện Kiều không thể quên lời hẹn thề với người quốc sắc nên khi làm tròn chữ hiếu chàng đã lặn lội trở lại ngay vườn Thúy để gặp nàng. Nhưng buồn thay: Vườn tược thì hoang phế , nhà cửa thì tiêu điều, những song cửa không có người đóng để mặc cho ánh trăng quạnh quẽ chiếu vào.., mọi cảnh vật Chung quanh nặng ngắt như tờ u ám thiếu sinh khí ấy đã khiến cõi lòng chàng Kim như chết lặng trong một niềm đau đầy thất vọng không biết nói cùng ai, hỏi với ai:
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
Sự thay đổi tang thương của cảnh vật lại thêm không tìm thấy người yêu xưa đã bật lên trong lòng chàng Kim một tiếng lòng xiết bao đau đớn, tuyệt vọng như trên là điều dễ hiểu.
Vậy người về trong bài thơ của Thủy Điền “Lối đi về đường đất vẫn còn y”, vẫn “cỏ tàn rồi cỏ mọc” và “trời vẫn xanh mây trắng vẫn bay bay”, hẳn tâm trạng sẽ rất vui? Người đọc nghĩ thế nhưng hoàn toàn không phải thế mà tâm trạng khách về trong thơ Thủy Điền lại là: 
trở trăn ta khoắc khoải
Lòng lao chao và bất ổn thế nào
Sao lại khắc khoải không yên lòng và phải suy nghĩ nhiều? Sao lại lao chao, mất thăng bằng và bất ổn trong lòng như vậy?
Lối đi về vẫn còn y làm cho khách về nhận ra:
Chỉ có người mới là điều kỳ lạ.
Kỳ lạ ở chỗ người đã không còn được y như cảnh vật mà đã đổi thay nhiều. Đó là những người đã ly hương:
Bước xa quê tìm thị thành, phố xá
Để tìm kiếm sự mưu sinh mới. Nhưng đến nay:
Có kẻ về và cũng có kẻ không.
Kẻ về là ta, là người về trước ta và mai mốt sẽ còn người về sau ta nữa. Tất cả họ, trong lòng vẫn còn nhớ lối đi về ở quê nhà; trong lòng họ bao năm ròng ly hương vẫn còn in nhớ câu ca dao mẹ:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Kẻ không (về) trong đó có người đã chết không bao giờ còn thể về được nhưng cũng có người đang còn sống nhưng hẳn đã quên lối đi về hoặc không bao giờ nghĩ tới lối đi về nữa; trong lòng họ đã nguội tắt lời ca:
Đi mô cũng nhớ quê mình
Và quên đi hẳn lời mẹ ngày xưa hay nói: 
Trâu ta ăn cỏ đồng ta.
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm
Trong khi ròng rã ngần ấy năm, con đường đất lối đi về vẫn y nguyên, cây cỏ dẫu trải qua bao ngày mưa nắng, bão giông vẫn tàn rồi lại mọc trời
vẫn xanh, mây trắng vẫn bay bay.
 Thế thì con người so với thiên nhiên chẳng phải là đã: 
Lại thua vầng mây trắng trên cao
Và hèn mọn hơn những loài cây cỏ
Không chỉ thua mà chua xót hơn, còn hèn mọn hơn thiên nhiên nữa. Nghĩ thế làm sao mà lòng không khắc khoải, chao lao mà lòng không bất ổn.
Xấu hổ vì thua và hèn mọn hơn cỏ cây, mây trời, khách ly hương trên lối đi về cũ hôm nay chỉ còn biết khao khát:
Mong qua đêm chờ ngày vươn sáng tỏ
Và trên nỗi niềm khao khát ấy, thêm một lần nữa người về đắng cay nhận ra rằng mình như là không còn tồn tại với quê hương:
Ta thấy mình thua thật, thật là thua
Lối đi về ngày lại tiếp.. lưa thưa
Chỉ có cỏ, đất, trời là tồn tại.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ, người lưu giữ hồn quê trong thơ có câu:
Tới đường làng gặp những người quen
Nhưng trong bài thơ Lối đi về của Thủy Điền, ta tịnh không thấy bóng dáng một ai trên lối đi về ấy nên người khách ly hương về thăm quê chỉ thấy mấy nét thiên nhiên quen thuộc y thuở ngày xưa. Và chỉ ngần ấy thôi đã khiến lòng khách thấy mình thua cây cỏ, thua mây trời và dường như không thấy mình tồn tại với quê nhà nữa. Nếu “gặp những người quen” không biết lòng khách sẽ còn lao chao bất ổn ra sao nữa?
Nhà thơ Thủy Điền gọi Người  khách ly hương đang bước chân trên lối đi về thăm quê nhà hôm nay là người đã:
Bước xa quê tìm thị thành phố xá
Nhưng tôi không nghĩ  những người đã ly hương ấy chỉ gồm một số người xa quê đi tìm thị thành phố xá mà họ còn là hàng triệu người Việt khác đã phải dời bỏ quê hương đất nước để tìm đến những chân trời rất xa lạ nữa.
Đó là hàng trăm ngàn người đã phải  bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ mồ mả ông bà di tản ra nước ngoài trong ngày 30/04/1975 và hàng trăm ngàn người chậm chân trong giai đoạn Di Tản trên đã phải vượt biên vào những năm sau. Đó là những người trong những năm gần đây bao gồm những người dân có hoàn cảnh nghèo khó thì được ra nước ngoài dù trong thân phận xuất khẩu lao động, làm ô sin hay cô dâu bất đắc dĩ… vẫn lấy đó là một giấc mơ đổi đời và họ sẵn sàng chớp lấy một khi có cơ hội dù phải đánh đổi bất chấp thứ gì như những đồng bào của họ từng dám liều chết hơn 40 năm trước đây khi đặt chân lên thuyền hướng ra biển cả. Có ai đâu muốn phải ly hương nhưng "Tại sao dân mình cứ mãi ly hương?" như thế? Bởi những lý do cụ thể như trên và hàng chục lý do khác trong đó có cả lý do từ trời đất:
Trời làm một trận lăng nhăng      
Ông hóa ra thằng thằng hóa ra ông
Vì vậy rất trân trọng cảm giác thành thật đau đớn xót xa và xấu hổ đến độ cảm thấy mình không còn tồn tại của ly khách trong thơ Thủy Điền khi thấy mình thua cái lối đi về, thua cỏ cây, mây trời vì mình không có lòng thủy chung như thiên nhiên ở quê nhà.
Nhưng tôi nghĩ, cũng không nên trách cứ người khách về ấy hôm nay hay những người đã về và sẽ về ngày mai và cả những kẻ không về nữa. Vì Cuộc đời vẫn thế, mỗi người mỗi việc - Lại vì thời cuộc đổi thay. Nên hãy tôn trọng công việc của mình và người khác. Hãy trân trọng những gì đang có, coi nó là cảm hứng, đừng coi việc đã ly hương là gánh nặng. Ca dao mẹ có câu:
Tiếng anh ăn học cao cường
Anh về đếm cỏ ngoài vườn mấy cây
Nếu có lòng với quê hương gia đình sau khi học được một sàng khôn, mong những người đã phải ly hương cố gắng trở về đếm cỏ ngoài vườn mấy cây cho dù đó chẳng phải là việc dễ làm:
Em về đổ đít lư hương
Đếm tro bao nhiêu hạt (thì) cỏ ngoài vườn bấy cây
Trong  “Cố hương”, một đoản thiên trứ danh của văn hào Lỗ Tấn, khi được trở về nhà, ông nhận ra làng quê của mình đang trì trệ, chậm phát triển, loay hoay trong một con đường cũ kì, dường như là không có lối thoát với nhiều hủ tục vô cùng nặng nề. Quê hương ông cần có “con đường” mới để có thể đổi mới, để có thể phát triển hơn nữa, không còn như bây giờ.
Có lẽ con đường mà Lỗ Tấn muốn nhắc đến chính là con đường tự do, con đường hạnh phúc, con đường có niềm vui và hi vọng. Con đường đó không phải do một người tạo nên mà do nhiều người cùng góp phần xây dựng nên: “trên đời vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.Một sự khẳng định chắc nịch rằng không có con đường nào tự nó sinh ra và tự nó mất đi được. Do con người đi nhiều, đi mãi thì sẽ thành đường mà thôi. Sự khẳng định này cũng chính là tin vào sự xuất hiện một con đường mới do chính con người tạo ra. Con đường ấy sẽ là một cuộc sống mới, một xã hội mới với nhiều điều tiến bộ và văn minh hơn hết. 
Vì vậy, hỡi người khách ly hương trong Lối đi về của nhà thơ Thủy Điền, nói riêng và mọi khách ly hương đang ở những chân trời thẳm xa nước Việt, nói chung ơi! Lối đi về hôm nay, sau bao năm ròng vẫn còn y. Nhưng không vì thế mà không mong mỏi có thêm nhiều lối đi về nữa. Bởi lẽ, quê hương ta cần có thêm nhiều “lối đi về” mới để có thể  mở ra rất nhiều bầu trời mới với nhiều mây trời mới trong sáng đẹp mới hơn nhiều nữa!
*
Sài Gòn, 26 Tháng Tư 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...