LAN MAN LẦN CUỐI VỀ CHUYỆN BÌNH LUẬN
THƠ VĂN
*
Kính các bác!
Tôi tách riêng những dòng viết này ra chỉ để thưa riêng
với mấy bác mà tôi thấy rất thân thiết và rất cảm mến dù đã được gặp gỡ ở ngoài
đời hay chỉ được gặp nhau
trên mạng.
1.
Thư cho tôi, anh Phạm Đức Nhì viết: “Một trong những nhiệm vụ
của việc bình thơ là nâng tầm thưởng thức của người đọc
thơ. Có tý hiểu biết về kỹ thuật, kinh nghiệm bếp núc, các tiêu chí thẩm định
giá trị thơ ca”
Anh Nhì nói rất đúng. Không nói một bài thơ, lại là một
bài thơ hay mà chỉ nói một câu thơ hay thôi cũng là cả một lao động nghệ thuật
đáng khâm phục của nhà thơ.
Chẳng hạn như bài Nguyệt
Cầm của Xuân Diệu (lúc đầu
đặt tên là Đàn trong trăng
sáng). Trước khi trở thành một thi phẩm tuyệt tác mà ta đều biết, trong một
cuốn vở mà Xuân Diệu giữ lại được, bài thơ đã trải qua nhiều bản nháp, dập dập
xoá xoá, viết đi, viết lại, trong đó có những câu còn rất thô sơ vụng về. Chỉ riêng câu kết, có tơi bốn lần nháp khác nhau: … Đàn ơi, người đẹp đến tê
mê … / Thôi mà! âm nhạc giết tôi đi! …/ Dịu dàng âm nhạc giết tôi đi!… / Đàn
ơi! Âm nhạc giết ta đi! Cuối
cùng mới tới được câu kết tuyệt vời này:Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê. Nay có thêm
người bình đúng và hay nữa thì quả thật là vô cùng tốt cho người đọc.
Nhưng tôi nghĩ, cái việc bình thơ là việc của các nhà chuyên môn thôi,
nếu nó có nâng tầm thưởng thức cho người đọc thì người đọc đó cũng phải là
người “có dân trí”, tất nhiên trước hết phải là người yêu thơ!
Dân ta , nhiều người thích nghe bình thơ văn lắm. Bởi thế
đầu thế kỷ 20 mới có câu:
Kỳ bình văn khách tới như mưa"
Theo các tài liệu,năm 1924, Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức
lễ kỷ niệm Nguyễn Du vào dịp giỗ mồng mười tháng tám ta (8-9-1924). Hội gửi hơn
một nghìn giấy mời đến khắp cả hội viên; còn thông báo cho nhân dân biết. Tối
hôm ấy, tám giờ, cửa hội mới mở được vài phút, đã có đến hơn hai nghìn người
vào chật khắp trong sân, ngoài vườn, dưới nhà, trên gác, đâu đâu cũng chật ních
những người. Hội viên các tỉnh về dự cũng đông. Các bà, các cô trong thành phố
Hà Nội đến cũng nhiều. Hội viên là người Pháp và các bà vợ ước chừng ba bốn
chục người. Có cả mấy bà giáo mới ở Pháp sang, cứ khẩn khoản xin được dự để tận
mắt thấy “người An Nam tôn
trọng một bậc danh sĩ trong nước thế nào”
Trong buổi lễ, cụ Phạm Quỳnh đọc hai bài diễn văn. Một
tiếng ta, một tiếng Pháp. Rồi cụ Trần Trọng Kim “diễn thuyết về lịch sử Cụ Tiên
Điền và văn chương TruyệnKiều”. Kế đó là phần biểu diễn của kép
Thịnh và đào Tuất, thuộc rạp Sán Nhiên Đài, nổi tiếng đương thời là người kể Truyện Kiều hay. Cuối cùng là một cô đào
đứng hát Bài ca kỷ niệm do Nguyễn Đôn Phục soạn.
Giờ, ta thử điểm xem, khách
đến như mưa hôm ấy có bác
nông phu, có anh thợ mỏ, có anh xe kéo, có u già, con sen, thằng ở…nào đến nghe
và xem. Có không?Cho nên khi anh Nhì nói “nếu
chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì sẽ như chị giúp
việc suốt đời“tự sướng”. sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga
những vần thơ “cả đẩn” mà mắt cứ sáng long lanh, mặt rạng rỡ như đóa hoa xuân”, thì xin thưa thật lòng, tôi thích cách
đọc thơ, yêu thơ “cả đẫn” ấy. Vì nó chân chất như hạt thóc củ khoai được sinh
ra từ đồng đất.
Ấy là kiểu yêu thơ của các bà các chị nhà quê trong đó có
người mẹ thuở thiếu thời của tôi. Các bà các chị không biết chữ, ngồi bệt ngay
đầu hè, lấy gấu quần quệt những giọt mồ hôi để chờ con cháu hay ai đó biết chữ
đọc cho nghe những truyện Thạch Sanh, Hoàng Trừu, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải
Ngọc Hoa…bán rất rẻ của Nhà xuất bản Cây Thông ở phố Hàng Gai. Họ im lặng nghe
và đôi lúc lại lấy gấu quần lau vài ba giọt nước mắt rồi ngậm ngùi nói: Trời
ơi! Sao nàng Cúc Hoa lại khổ thế, sao thằng Lý Thông nó ác thế, sao mà thương
nàng Ngọc Hoa thế…
Tôi được gia đình gửi tiền gửi gạo cho ra tỉnh học. Nghỉ
hè thường về quê khoảng hai tuần. Một hôm, đọc xong cuốn Đoạn Tuyệt, tôi buồn
buồn ngâm khẽ 4 câu thơ mở đầu “Giây
phút chạnh lòng” :
Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong xum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?
U tôi đang sàng gạo dưới nhà ngang nghe thấy liền hỏi
vọng lên, truyện gì mà thơ hay thế hả con? Tôi xuống bên u, kể lại mối tình của
Loan và Dũng cho bà nghe và nói về bài thơ của ông Thế Lữ tặng ông Nhất Linh
tác giả Đoạn Tuyệt. U tôi bảo, buồn thật đấy nhưng phải dứt khoát đi cho nó nhẹ
lòng, còn hơn là dở đục
dở trong / Lờ lờ nước hến.
Đừng nghĩ, những người như các bà các chị dân quê trong
đó có u tôi chỉ thích những truyện thơ nôm khuyết danh; họ cũng rất yêu thích
Truyện Kiều bác học mặc dù họ mù ngay cả chữ Quốc ngữ chứ đừng nói tới chữ Hán
chữ Nôm. Không cần biết Mộng Liên đường chủ nhân là ai và ông ta viết về Truyện
Kiều ra sao, không được nghe các bài Vịnh
Kiều của các danh nho như
Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh…Và nếu còn được sống trên cõi
hồng trần cho đến hôm nay, họ cũng chẳng cần biết đến Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử viết ăn theo theo
sự triển khai hệ thống lý thuyết của trường phải thi pháp học Xô viết qua các
tác giả lớn như Likhachov và Baktin ở tận nước Nga của ông Lê Nin…, họ vẫn
thuộc làu làu Truyện Kiều dù chỉ nghe lỏm hoặc được con cháu đọc cho
nghe.
Thơ, như Xuân Diệu nói: “Thơ
– cám dỗ của mơ màng ” Thơ
càng hay thì sự cám dỗ càng lớn. Cũng Xuân Diệu nói: “Cái gì rồi cũng qua đi. Đế
quốc Lamã, đế quốc Charlemagne. Nhưng cái chết không diệt được cái gì không
phải là vật chất. Mà cái đầu tiên không phải là vật chất chẳng phải là thơ sao? . Đúng vậy, thơ hay không cần ai bình
cũng vẫn sẽ sống mãi với đời, sống mãi trong tâm hồn người yêu thơ.
Còn những lời bình dù hay đến đâu, giỏi lắm cũng nằm im
trong một cuốn sách nào đó trên giá sách thư viện, chỉ khi ai đó cần dùng mới
mượn xuống. Chính vì thế, khi biết nhà văn Nguyên Hồng cũng chết một cách đột ngột giống nhà phê bình Như Phong, Xuân
Diệu bảo: -“Không, Nguyên Hồng chết rồi, nhưng cái văn của anh ấy vẫn còn rên rỉ. Còn
Như Phong, chết là không còn dấu vết gì nữa. Mấy bài phê bình, ai đọc!”.
Thử xem lại Mấy
bài phê bình, ai đọc của Như
Phong nó “nâng tầm thưởng thức
của người đọc” như anh Nhì nói ra
sao?
Năm 1957, Phong Lê còn đang ngồi trên ghế Đại học viết về
cuốn tiểu thuyết Mười Năm của
Tô Hoài, bài văn viết ra rất thật nhưng “gặp” ngay bài phê bình của Như Phong
trên báo Nhân Dân quất cho Mười Năm một roi đau điếng. Những gì
Phong Lê khen được nhiều người cho
là đúng đều bị Như Phong “đả”, chỗ đả đau nhất là đoạn Tô Hoài tả Lạp gặp lại
người yêu sau mấy năm xa cách. Lúc này, nạn đói khủng khiếp năm 1945 đang diễn
ra ở các làng quê xứ Bắc trong đó có cái làng Hạ thợ dệt của Lạp. Người yêu của
Lạp nằm lả đợi chết. Lạp về, cũng đang đói vàng mắt, nhưng may thay, ngoài
những đường lối chính sách cách mạng mà anh đã được giác ngộ trong đầu, vai anh
còn vác theo vài ki-lô gạo. Anh vội lấy gạo ra nấu cháo bón cho người yêu từng
miếng, rồi khi đã hơi hồi sức, họ say đắm nhìn nhau cho thỏa nỗi nhớ mong trong
bấy nhiêu năm biệt tích. Và rồi không kìm nổi chuyện đòi hỏi ái ân vụt bật lên,
họ ghì lấy nhau , để ngay sau đó, phần vì cú “sốc” yêu đương quá mạnh, phần vì
sức đã lụi, người yêu của Lạp lịm đi mà chết. Như Phong nghiêm khắc phê phán
đấy là chỗ ngòi bút tác giả sa vào tự nhiên chủ nghĩa, trong khi Phong Lê khen
rằng Tô Hoài đã phản ánh đúng một cao trào tình cảm thực sự có tính chất
“người”.
2.
Thơ Xuân Diệu sau 1945, phải gọi là rất dở, gò gẫm và giả
tạo mà người viết cố làm cho bằng được, ai
cũng thấy thật không xứng đáng với tầm vóc con người đã viết những Nguyệt cầm, Thơ duyên, Lời kỹ nữ. Rất khó lọc ra từ Thơ Xuân Diệu sau
1945 được mấy câu tự nhiên hồn hậu chứ đừng nói đến những câu Thơ – Cám dỗ của mơ màng. Có lần Tế Hanh hỏi:
- Diệu ơi! Sao anh làm những Tặng làng Còng, với Bà
cụ mù loà, lục cục thế?
Thì Xuân Diệu đáp:
- Tế Hanh phải có lúc nghĩ tới những người trả lương cho
mình nữa chứ!
Sau kháng chiến chống Pháp, về Hà Nội, Xuân Diệu còn là
một người rất say bình thơ mà nếu nhà nước có danh hiệu chắc chắn sẽ được phong
tặng là Nghệ sĩ Nhân dân. Ngày ba
buổi nói chuyện thơ với ông không phải là quá. Ở những chỗ ông chưa nói chuyện
bao giờ, mà chỉ bố trí ngày có hai lần là ông giận.
Ông chăm chỉ đi nói chuyện thơ như thế, một phần vì như
ông nói: “Phải khẩntrương khai thác mình đi chứ!”, một phần để được đãi đằng ăn uống
sinh hoạt. Nguyễn Đăng Mạnh kể: “Hồi khoa văn Đại học sư phạm Việt Bắc
đưa sinh viên về Hà Nội (đóng ở Cổ Nhuế) để mời các nhà văn đến nói chuyện, tôi
có được nhờ tiếp khách hộ.Tôi thấy Xuân Diệu rất thích uống bia và húp trứng
sống. Anh còn nói, tối nào, cần viết một cái gì thì buổi chiều thế nào cũng
phải mua ba lạng thịt chó để bồi dưỡng. Có thế mới có sức viết”; và một lý do
nữa là chấp nhận sự nhẫn nhịn ở Xuân Diệu. Cái nhẫn nhịn vốn bình thường thì
rất đáng quý nhưng nhiều khi Xuân Diệu đã đẩy nó đi quá xa, biến thành một cách
sống cầu an, chiều đời, tự hạ thấp nhu cầu nghệ thuật và chất lượng sáng tác
của mình khi chấp nhận những buổi bình
thơ Tố Hữu, Thơ Hồ Chủ tịch…
Sau này, không khí chính trị có một chút gió mới, Xuân
Diệu đã nói thẳng và gay gắt với Nguyễn Đăng Mạnh, khi Mạnh được nhờ mời ông tới dự một cuộc hội
thảo về giảng thơ Hồ Chủ Tịch do Hoàng Dung tổ chức: “Còn có gì mà nói nữa về thơ Cụ Hồ?
Mình không đi đâu! Bây giờ mà còn bình với giảng về thơ Cụ Hồ là nhảm nhí! nhảm
nhí!”
Nhẫn nhịn, nên có một thời, Xuân Diệu nói, không muốn nói chuyện
Thơ mới:Mệt – Ngại lắm. Hãy dồn tinh lực cho hiện tại, làm thơ chống Mỹ. Nhưng rồi có dịp ông lại nói sôi nổi
về Thơ mới và ông rất tự hào vì người ta vẫn chép thơ của ông. Ông hớn hở khoe,
đi bơm xe đạp, có một anh bơm cho rất kỹ, rồi gạ chép Thơ Thơ.
Không tính đến vô số lời bình thơ của các lãnh tụ như Chế Lan Viên
bình bốc thơm thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) mà chỉ điểm riêng một Xuân Diệu bình
thơ trong mấy chục năm ở miền Bắc, Miền Bắc thiên
đường của các con tôi như thơ ông Tố
Hữu, liệu ta có tin những lời bình của Xuân Diệu hay và thật được bao nhiêu
phần?
Nay Xuân Diệu cũng đã về dưới kia cùng với Như Phong mà
ông đãnói: -“CònNhư Phong, chết là không còn dấu vết gì nữa. Mấy bài phê bình, ai đọc.”.
Xuân Diệu nói đúng, sẽ không ai đọc Như Phong nhưng Xuân
Diệu chưa nói ra được rằng, cũng không mấy ai còn đọc những bình thơ của chính
ông. Ngay ngày hôm nay, hàng triệu người, kể cả những người trẻ tuổi bằng cấp
đầy mình, chưa từng được biết mặt những
cuốn tiểu luận như Hồ Xuân
Hương bà chúa thơ Nôm(1961), Thơ Trần Tế Xương (1970) , Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971)… của Xuân Diệu,
họ cũng đã biết và thuộc thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến! Và
trước họ, khi Xuân Diệu chưa viết những tập tiểu luận ấy, cha anh họ cũng đã
yêu thích thuộc nhiều thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến!
Nhưng, rất
may cho Xuân Diệu là ông không chỉ có những buổi nói chuyện thơ và những tập
tiểu luận rất xa cách với người đọc bình dân ấy mà ông còn có thơ, không phải
là thơ sau 1945 mà là Thơ Thơ xuất bản năm 1938.
Người yêu thơ Xuân Diệu sẽ không bao giờ trách ông khi
ông bình thơ vì những lý do kể trên, bởi con người ông, như Tô Hoài nói: “Mỗi khi nhớ, chuyện về Xuân Diệu
buồn thương, buồn cười và đáng yêu, chỉ đáng yêu…” (Cát bụi chân ai)
3.
Anh Hoàng Đức Doanh nói: ”Tôi rất ngạc nhiên Phạm
Đức Nhì sinh trưởng trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà sao rất giống những nhà
Bình thơ ăn lương cộng sản?”
Tôi không dám nói anh Doanh đúng hay chưa đúng nhưng câu
nói của anh Doanh làm tôi nhớ ra câu vè được truyền tụng một thời ở cái nước
mình: "Mồm Phạm Hổ, cổ
Hoài Thanh, nanh Đức Phúc".
Đức Phúc tức Vũ Đức Phúc là một nhà lý luận, phê bình
văn học, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1971), hội viên Hội
Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (nay là Tạp
chí Nghiên cứu văn học) giai đoạn 1970-1984; học hàm Phó Giáo sư ngữ văn (từ
1980); đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuân
Diệu từng gắn cho nhà phê bình này cái nhãn “xe
tăng mù”! Lại Nguyên Ân cho
rằng Vũ Đức Phúc từng có giai đoạn là người mà chất tuyên huấn vượt trội chất
nghiên cứu.
Vũ Đức Phúc đã từng gào lên rằng "văn học dân gian là phản
động"!
Và nói về Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân thì thế này: “Sao lại kêu “thiếu quê hương”! Lại
còn đòi đi Mỹ theo đám múa Xuân Phả và định cho em đi lính thợ sang Tây. Yêu
nước gì Nguyễn Tuân! Nguyễn Tuân là absence d‘humanisme. Ghét gia đình. Đối với
những đàn bà hiền dịu lại ghét. Không thương vợ con. Chơi bời như thế nhất định
làm khổ vợ con. Nói Nguyễn Tuân kênh kiệu chưa đủ. Phải nói là không nhân đạo,
không yêu nước gì cả. Còn vì sao ông ấy đi theo Cách mạng thì là vấn đề phải
suy xét. Vang bóng một thời tả Huế, mỹ hoá bọn bịp bợm
trên Sông Hương. Bọn ấy là lũ bóc lột, lừa đảo, truỵ lạc, không đẹp, không tao
nhã như Nguyễn Tuân viết đâu.”
Đồng thời lên án tác giả Giông tố và Số
đỏ: ” Vũ Trọng Phụng là
chống cộng, là phản động. Còn Chủ nghĩa duy vật của Vũ là duy vật hưởng lạc, là
Freud”.
Vậy thì, như anh Phạm Đức Nhì nói: “ việc bình thơ là nâng tầm thưởng thức của người đọc
thơ. Có tý hiểu biết về kỹ thuật, kinh nghiệm bếp núc, các tiêu chí thẩm định
giá trị thơ ca, người đọc sẽ không còn ù ù cạc cạc khi nghe hoặc ngâm nga những
vần thơ ưa thích như chị giúp việc kia mà sẽ tự tin hơn, sảng khoái hơn khi thả
hồn vào dòng thơ”.
Nếu đọc Vũ Đức Phúc, cái “ù ù cạc cạc” kia sẽ được khai
trí đến đâu và sẽ được dẫn dắt đến tầm cao nào? Với anh Nhì, anh có tự tin hơn, sảng khoái hơn?
Khi Hoàng Cầm chê tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu là thiếu chất sống thực tế,
hời hợt nhạt nhẽo và không đột phá vào được một khía cạnh nào của tâm hồn thì
Nguyễn Đình Thi cùng với Hoài Thanh ,Hoàng Trung Thông ca ngợi Việt Bắc hết
lời.
Sau đó, khi Hoàng Cầm cùng tất cả những người trong vụ
Nhân Văn - Giai Phẩm đều bị cất bút, nằm tù hoặc bị cải tạo lao động ở các nông
trường hoặc công trường thì Nguyễn Đình Thi thở thành một ông quan lớn
"văn nghệ đỏ, hàng ngày đều dặn đi xe hơi đến nhà riêng Tố Hữu nhận kế
hoạch "trấn áp tư tưởng "lũ" văn nghệ sỹ chống đảng.
Chỉ đến khi tác giả Vỡ
Bờ bị thầy trò Vũ Đức Phúc –
Phong Lê ra sức “dìm hàng” thì ông tổng thư ký Nguyễn Đình Thi mới ngán ngẩm
kêu lên: “nhà văn đưa ra một
con ngựa thanh thú, sao nhà phê bình lại đòi nó phải có cặp sừng hùng dũng của
con trâu? “
Xem ra phê bình văn học nói chung và bình tán thơ nói
riêng ở cái nước mình là phải tùy theo vai vế của người sáng tác mà phán cho
đúng với tư tưởng của đảng. Với cấp trên thì chỉ có một lối phê bình của một
thằng nịnh bợ như câu thơ Xuân Sách:
Vị nghệ thuật nửa đời người
Nửa đời còn lại vị người cấp trên.
4.
Để kết thúc những dòng lan man về bình luận thơ văn ở cái
nước mình, tôi xin mời các bác đọc lại một đoạn viết của Vương Trí Nhàn về cái
tình người trong hàng ngũ văn nghệ sĩ nước ta:
Năm đó, đã là 1985, cái năm về sau sẽ được xem là năm
cuối cùng trong cuộc đời Xuân Diệu, nhưng hình như cả ông, cả chúng tôi, đều
không ai tính tới chuyện đó. Xảy ra việc làm tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1985,
loại sách giống như một thứ “chiếu giữa làng” nên đã biến thành chỗ xếp hạng,
cũng là chỗ mặc cả rất quyết liệt: Ai
sẽ được vào, câu hỏi đó đặt ra với đông đảo mọi người chưa giải quyết xong, thì ai sẽ được lấy sáu bài, ai bốn bài, ai
hai bài lại được đặt ra và câu
hỏi này mới thật khó phân xử vì toàn động chạm tới các “đầu lĩnh” cỡ lớn trong
giới!...
Đứng về mặt số lượng bài đưa vào trong tập thì Xuân Diệu
đã thuộc loại nhất, tức là được chọn sáu bài. Tuy nhiên, lúc xem cả tập thì
Xuân Diệu vẫn không bằng lòng. Câu hỏi của ông nằm ở sự so sánh: tại sao Xuân
Diệu sáu bài, mà loại như người này được những bốn bài, loại người kia được ba
bài?!
Theo Xuân Diệu, hình như những người soạn tuyển tập đã
quên mất rằng: chỉ sau Tố Hữu thôi, chứ ông đứng ở một thế cao vòi vọi, không
một nhà thơ lớp sau nào dám so sánh.
Nói tới người nọ người kia, song lần ấy mũi nhọn công
kích của Xuân Diệu tập trung dồn về Xuân Quỳnh, người phụ nữ được in bốn bài.
Nhưng những người giống nhau lại hay kỵ nhau. Trong nghề
làm thơ, Xuân Quỳnh tìm tòi học nghề ở Chế Lan Viên chứ không ở Xuân Diệu.
Ngược lại, Xuân Diệu thấy loại như Phạm Tiến Duật là lạ, chứ Xuân Quỳnh không
lạ. Sự không bằng lòng nhau ngấm ngầm đã có từ lâu, đến lúc này mới có dịp bùng
nổ.
Cậy tuổi già, Xuân Diệu đi khắp nơi rêu rao, cho là Xuân
Quỳnh không đáng như thế, chẳng qua đây là một nhà thơ phụ nữ xinh đẹp, nên chài được
mọi người (chữ chài là của Xuân Diệu) khiến cho tuyển thơ
chẳng còn thể thống gì nữa.
Xuân Quỳnh cũng chẳng phải người vừa. Thấy Xuân Diệu công
khai nói mình ngay cả trong các buổi họp mà bản thân mình không dự, Xuân Quỳnh
cho là bị xúc phạm, và nghĩ chuyện trả thù bằng cách viết thư thẳng cho Xuân
Diệu.
Lịch sử đã biết tới nhiều ca “điên” của phụ nữ, câu
chuyện tôi kể ở đây, chẳng qua là con sóng vỗ trong cái cốc nhỏ, nhưng nó không
phải là không ghê gớm. Trong thư gửi Xuân Diệu, Xuân Quỳnh dùng tới những lời
lẽ đáo để nhất, cốt có thể làm cho Xuân Diệu đau đến chết điếng đi, mà không
sao cự lại nổi. Xuân Quỳnh nhắc đến quá khứ của Xuân Diệu. Xuân Quỳnh đặt câu
hỏi về những thay đổi trong mấy chục năm cuối đời của Xuân Diệu và tự trả lời:
Chẳng qua Xuân Diệu chỉ muốn xây dựng uy tín riêng cho mình. Chứ thực ra Xuân
Diệu không tài cán gì, thơ Xuân Diệu đã hỏng hẳn rồi, mất hết sự sinh động và
tự nhiên rồi.
Đi đến cùng trên con đường triệt hạ nhà thơ lớp trước đã
nói xấu mình, chê bai làm nhục mình, Xuân Quỳnh nói tới tình trạng đơn độc của
Xuân Diệu và cho rằng chỉ những người thất đức mới bị trời đày như vậy.
Bức thư như một mũi tên tẩm thuốc độc, chắc chắn làm cho
Xuân Diệu giãy giụa trong đau đớn. Nhưng còn một việc nữa làm cho Xuân Diệu
chết đi sống lại - tôi đoán thế - do một ác ý, mà nhiều bạn bè của Xuân Quỳnh,
trong đó có người viết bài này, xúi bẩy Xuân Quỳnh làm: Đó là không chỉ gửi
riêng lá thư cho Xuân Diệu, vì làm thế, có thể tạo cơ hội cho Xuân Diệu tránh
đòn tức là giấu biệt thư đi không cho ai biết. Mà, muốn để Xuân Diệu thảm bại,
Xuân Diệu gục ngã ngay trước mặt mọi người, Xuân Quỳnh sao lá thư này làm vài
ba bản, gửi đi vài ba nơi cần thiết.
Không cần phải nói, cũng có thể đoán Xuân Diệu đã đau đớn
như thế nào!
Đọc mẩu chuyện trên, người ta không khỏi không nhớ ra:
Hoài Thanh đã tự phủ nhận Thi nhân Việt Nam
(Nhìn lại phong trào Thơ mới và cuốn Thi nhân Việt Nam) đến
mức Trần Huy Liệu cho là quá đáng, và Tố Hữu thì nói: “Hoài Thanhđã tát mình đau quá”
Và câu chuyện tiếu lâm "thời sự" về Nhà Năm Tầng khi những ngôi nhà cao tầng đầu
tiên được xây dựng ở Hà Nội (trước 1975)
Nhà Năm Tầng kể rằng :"Ngôi nhà 5 tầng đầu tiên sau
khi hoàn thành, bộ trưởng kiến trúc cùng giám đốc sở kiến trúc Hà-nội và kỹ sư
trưởng của công trình tổ chức họp báo và giới thiệu về tòa nhà. Sau khi tham
quan xong, chủ khách trà nước, thuốc lá, bánh kẹo lai rai, các nhà báo đều thắc
mắc rằng : tòa nhà rất đẹp nhưng mọi người không hiểu sao cả 5 tầng đều không
có nhà vệ sinh. Viên kỹ sư trưởng đứng dậy trả lời đại ý : theo chủ trương của
bộ và sở…
Không nhắc lại về các tầng 1,2,3 vì sợ mất thì giờ. Về tầng 4 được kỹ sư trưởng
giải thích như sau:
Tầng bốn giành cho văn nghệ sỹ. Mà văn nghệ sỹ vốn từ khi
có vụ đàn áp "bọn" Nhân Văn - Giai Phẩm, có thói quen "ỉa vào
mồm của nhau" nên cũng không cần nhà vệ sinh.
Nhưng rất may là, không chỉ có những chuyện đau đớn xót
xa hay tiếu lâm nực cười đó mà vẫn còn sót lại những chuyện rất cảm động:
Ấy là chuyện về nhà thơ Tú Mỡ. Năm 1934, Tú Mỡ cho ra đời
tập thơ Giòng Nước Ngược với lời đề tặng Nhất Linh rất trân
trọng:
Ít lời lẽ ngang phè
Mấy vần thơ lỗ mỗ
Tặng anh Nguyễn Tường Tam
Đáp tấm ơn tri ngộ
Sau Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Công Hoan nói về Tú Mỡ:
“ Giữa đám người cầm bút đông đảo "đa ngôn đa
sự", ông có vẻ như sống riêng ra, lấy sự siêng năng cần mẫn làm trọng, lấy
cảnh gia đình yên ấm làm vui, không phiêu lưu không mơ tưởng hão huyền, tin
rằng thiên đường chỉ có ở trên trần thế, được sống khỏe mạnh, lại có công việc
ưa thích đã là tiên cảnh lắm rồi, còn như có gì khó chịu trước sự đời, thì đã
có nụ cười hóa giải giúp!"
Năm 1975, lúc Tú Mỡ nằm dưỡng bệnh "chờ chết" ở
Quảng Bá (Hà Nội) khi nghe tin trên đài báo "Miền Nam đã hoàn toàn được
giải phóng" đã nói với mọi người rằng "Nhờ
Nhất Linh và anh em trong Tự Lực Văn Đoàn mà trở thành nhà thơ trào phúng" và thường buồn bã kể lại những kỷ niệm
đẹp của thời sống với Tự Lực Văn Đoàn v.v..., không thèm hé răng nói gì đến Bác
Hồ với đảng hoặc cái Hội Nhà Văn Việt Nam do Nguyễn Đình Thi làm tổng thư ký!
VĂN CHƯƠNG LÀ THẾ BỞI ĐỜI LÀ THẾ!
*.
LAN MAN THÊM
VỀ CHUYỆN
BÌNH LUẬN THƠ
VĂN
*
Gửi
cho 5 người bạn mà tôi đã nói rất rõ: Tôi tách riêng những dòng viết này ra chỉ
để thưa riêng với mấy bác mà tôi thấy rất thân thiết và rất cảm mến dù đã được
gặp gỡ ở ngoài đời hay chỉ được gặp nhau trên mạng. Trong năm người bạn
nêu trên có nhà thơ Phạm Đức Nhì. Bác Nhì đã có lời phản hồi trên http://lexuanquang.org/post/11419/
Những
tưởng thế là xong cái lan man lần cuối với bè bạn. Không ngờ, hôm nay tôi lại nhận được mail: BÌNH THƠ VÀ
THƯỞNG
THỨC THƠ của bác Phạm Đức Nhì từ Mỹ gửi về.
Bài viết này, bác Nhì đã gửi đăng trên mấy trang mạng. Phải nói là cái mail của
nhà thơ Phạm Đức Nhì đã tải một bài viết đầy công phu và uyên bác về Bình Thơ
và Thưởng Thức Thơ với 18 trang 8600 chữ. Tiếc cho bác quá, cố thêm hơn 1 nghìn chữ nữa sẽ thành VẠN NGÔN THƯ BÌNH THƠ VÀ THƯỞNG THỨC THƠ.
|
Tôi đọc bài trên mail bác Nhì gửi cho, với cái tuổi đang chạng vạng già nua, mất gần nửa buổi sáng mới xong, mệt nên đầu óc chưa có ý định gì. Hôm nay lại nhận mail bác Nhì báo: “Theo lời khuyên của nhà phê bình Châu Thạch tôi "cắt" bài viết Bình Thơ Và Thưởng Thức Thơ làm 4 bài ngắn Xin gởi đến quý vị để đọc chơi và tùy nghi sử dụng”. Lướt qua, tôi thấy bác Nhì nói không thật, nghĩa là không cắt bài hôm qua thành 4 bài mà có sự sắp xếp đầu đuôi lại rồi mới cắt thành 4 bài.
Nếu
chỉ thế thì tôi cũng sẽ riêng đọc để hiểu biết thêm nhưng theo bác Nhì cho biết
cũng đã gửi đến mail của một số bạn đọc chung trên mạng. Bác nào nhận được 2 mail này hẳn sẽ
nhận ra ngay nó là thế.
Và
vì có dính tới các bạn chung trên mạng, nên cực chẳng đã, tôi lại phải thưa
cùng bác Nhì và các bác mấy lời, xin gọi là Lan
Man Thêm… Chữ Thêm này là tôi bắt chước một ông bạn trà lá vỉa hè thân
quen ở ngoài Bắc. Hai vợ chồng ông ấy lấy nhau, 7 năm sinh liền 4 đứa con. Thời
bao cấp đói hoa mắt, thấy cần phải cai đẻ để nuôi các con cho tốt, họ đặt tên
cho đứa thứ tư, con trai là Út - Thằng Út, ý nhắc nhở nhau thế là thôi nhé! Ai
ngờ chưa đầy 3 năm sau, bà vợ lại tòi ra đứa thư năm, con gái. Không lẽ lại
cũng gọi nó là Út: Con Út? Ông bạn vỉa hè của tôi nghĩ ra ngay cái chữ Thêm để
đặt tên cho con bé - cái Thêm!
Còn
tôi, như đã nói trước, giờ xin:
LAN
MAN THÊM VỀ CHUYỆN BÌNH LUẬN THƠ VĂN
Với
18 trang 8600 chữ, nhà thơ Phạm Đức Nhì đưa lên khá nhiều thơ, từ những câu thơ
mà ông gọi là sến, cải lương đến những câu thơ của các nhà thơ cổ kim nổi danh
hoặc chưa thành danh có những người đã chết và cả những người đang còn sống và
không quên đưa cả thơ của chính Phạm Đức Nhì để làm rõ việc bình thơ và thưởng
thức thơ. Nhưng xem xong cũng đỡ ái ngại cho người viết vì đây hầu hết là sao
lục và tóm lược lại có bổ sung các ý các lời trong một loạt bài đã viết của
Phạm Đức Nhì đã đăng tải trên hàng loạt các trang Web trong những năm gần đây.
Sau
khi dành hơn 15 trang để trích dẫn, bình luận , lý luận về BÌNH THƠ VÀ THƯỞNG THỨC THƠ, thậm chí là cả Tiến Trình Nâng Cấp cảm nhận thơ cho người đọc, nhà
phê bình kiêm nhà thơ Phạm Đức Nhì để lại hơn 2 trang cuối bài cho mục:
Đến
Câu Chuyện Thưởng Thức Thơ Của Bác Nguyễn Bàng
Và
đây mới là cái đích mũi tên của cây cung cần phải nhắm tới. Nhưng nếu cũng chỉ
nói câu chuyện thưởng thức thơ của riêng tôi, một người không biết làm thơ như
trăm vạn người bình thường khác thì, chỗ nào được khen tôi sẽ sung sướng đón
nhận, chỗ nào bị chê, tôi sẽ ngậm ngùi tiếp thu và xem có thể nâng cấp cảm nhận
lên cho tốt được không. Nhưng cây cung của nhà phê bình còn lắp kép thêm một
mũi tên nữa nhằm bắn vào cô
giúp việc bên nhà ông bạn hàng xóm của tôi.
Sau
khi giảng giải: “Bởi thế nếu
không “bắt” được tứ thơ, không hiểu được nét đẹp của văn chương chữ nghĩa mà
chỉ “mang máng” rồi “nghe hơi bắc nồi chõ” thì làm sao cảm được hồn thơ”,
nhà phê bình Phạm Đức Nhì viết: “Còn
nói như chị giúp việc: “Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có
điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay,
thích lắm!” thì cái thích ấy, cái
sướng ấy chỉ là “cái tự sướng” của những kẻ “ngu si hưởng thái bình”.
Tuy
chê bai cô giúp việc (có thể cả tôi nữa) là “ngu si hưởng thái bình” nhưng nhà
phê bình tỏ ra rất độ lượng: “Chúng
ta không trách gì chị giúp việc ấy và hàng vô số những người thưởng thức thơ
như chị” . Rồi tỏ ra rất
thương hại: “Trong thế giới
thi ca họ là những kẻ tội nghiệp, đáng thương. Chúng ta thương họ vì do hoàn
cảnh, tầm hiểu biết của họ chỉ có thế.”
Thấy
nhà phê bình khóc mướn thương vay cô giúp việc nhà ông bạn hàng xóm của tôi não
lòng như thế nên lại cực chẳng đã, hôm nay tôi tạt sang nhà ông ấy, mong sẽ
chuyện đôi câu với cô giúp việc kia thêm một lần. Và rất may, cô giúp việc đang
lau cửa sổ phòng khách.
Sau
khi thưởng thức chén chè mộc Thái Nguyên từ ông bạn mời, tôi hướng về khung
cửa cô giúp việc đang lau và cất tiếng:
-
Chị Mận này (tên cô giúp việc là Mận), có một ông Việt Kiều ở Mỹ rất tội nghiệp
cho cô đấy!
Cô
Mận hơi giật mình, ngừng tay lau và hướng mặt về phía tôi và ông chủ của cô:
-
Ông lại đùa cháu rồi! Cháu mà có người thương là Việt Kiều Mỹ thì tội gì cháu
phải làm thân Ô sin.
Tôi
khẽ cười:
-
Đây, cô nghe lời ông ta viết về cô qua mail gửi cho tôi nhé!
Nói
xong, tôi đọc lại mấy lời trên của nhà thơ Phạm Đức Nhì khiến cô Mận bật cười
vì hiểu ra sự việc:
-
Cháu nhận mình là rất ngu si nhưng cháu không dám nhận lời thương của ông ấy
đâu ạ! Nếu ông ấy thương cháu phải bỏ quê quán, xa chồng con để đi làm Ô sin mà
gửi cho cháu vài đồng Ô Ba ma chưa chắc cháu đã nhận huống hồ là thương một
người đàn bà ít học không biết thưởng thức thơ như ông ấy.
Rồi
không hiểu, vì nỗi đau phận ngu si hay được khơi nguồn tâm sự cùng với sự dễ tính
của ông chủ, Mận vừa lau cửa vừa rành rọt nói:
-
Hôm lâu, nghe đài cháu thấy lùm xùm gì đó về chuyện ăn cắp thơ mà lại được giải
nhất do Hội nhà văn Hà Nội trao. Cô nhà thơ này lúc đầu nói đã
gửi in bài thơ đó trên mấy tạp chí danh giá ở hải ngoại. (xem: http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2015/10/seo-oc-lap-tap-tho-viet-theo-truong.html) Sau không chối được đành xin lỗi
bà nhà thơ có thơ bị đạo và xin
chính thức tiêu hủy bài thơ ấy trong các lần ấn bản, tái bản sau. Còn Ban
tổ chức Giải thưởng Văn học 2015 Hội Nhà Văn Hà Nội thì thu hồi lại giải thưởng. Eo
ôi, toàn các ông danh giá, có ông đầu bạc trắng, một đời chỉ đọc thơ văn để
trao giải hay không trao giải mà cũng chẳng biết thơ nào ra thơ nào, thế thì
tội nghiệp đứa đàn bà ngu si như cháu không biết thưởng thức thơ để làm gì,
thật phí hoài tấm lòng tốt của ông Phạm Đức Nhì!
Thấy
tôi ngồi im còn ông chủ nhà chỉ mủm mỉm cười, Mận lại tiếp:
-
Cháu không hiểu phê bình thơ là gì nhưng nói như cái ông bên Mỹ mail cho ông
thì cháu nghĩ ra rằng, nhà phê bình thơ đầu đời của cháu chính là cô giáo dạy
cháu ở Trường Mầm Non. Không nhớ hồi đó cháu học lớp Mầm, Chồi hay Lá, một hôm
cô giáo bảo cả lớp, hôm nay cô đọc cho các cháu nhe bài thơ Ảnh Bác nhé. Rồi cô
đọc và giảng giải, đây là bài thơ của một Thần đồng thơ mà cô bảo là chỉ lớn
hơn chúng cháu chừng 10 tuổi. Anh Thần đồng thơ này học giỏi, có cả trăm bài
thơ rất hay. Sau đó cô vừa hỏi vừa giảng từng câu cho chúng cháu nghe, đại để
như: Ảnh Bác Hồ treo bên trên lá cờ đỏ tươi thật là trang trọng và đẹp phải
không?/ Ngày ngày Bác mỉm cười là thế nào?/ Cháu nào thuộc lời dạy của Bác nhắc
lại cho cô và các bạn nghe xem nào…Cuối cùng cô dặn dò, các cháu hãy học tập
Thần đồng thơ, về treo ảnh Bác ở nhà nhé!
Hôm
ấy, đi học về, cháu kể lại chuyện được cô dạy
bài thơ Ảnh Bác và bắt bố mẹ cháu phải treo ngay ảnh Bác trong nhà. Bố cháu
bảo, nhà mình như cái ổ chuột, bàn thờ tổ tiên không có, phải thờ cúng ông bà
trên cái giá bằng tre, cái ống bơ sữa bò Liên Xô thay cho bình hương, ảnh ông
bà cũng không có thì treo ảnh Bác ở đâu bây giờ? Nghe thế cháu lăn ra khóc ăn
vạ. Mẹ cháu phải cõng ra bờ ao dỗ dành mãi cháu mới nín.
Dường
như quên phận mình đang là người giúp việc, Mận vừa chuyển sang ô cửa sổ bên
vừa nói tiếp:
-
Còn chuyện ông chú của cháu nữa. Năm ấy chú cháu đang học cuối cấp 2. Một hôm,
đi học về, chú khoe với bố cháu, hôm nay thày giáo dạy chúng em bài thơ “Đồng chí” hay lắm anh ạ. Cuối
giờ thày đọc thêm bài thơ “Đường
ra mặt trận”. Không ngờ đường ra mặt trận lại vui thế nhưng em chỉ kịp nhớ
có 2 câu đầu:
Những
buổi vui sao, cả nước lên đường,
Xao
xuyến bờ tre, từng hồi trống giục
Năm
sau làng ta tuyển quân, em sẽ xung phong đi bộ đôi.
Cầu
được ước thấy, qua Tết huyện về làng tuyển quân, chú cháu đi khám sức khỏe,
được A2 và trúng tuyển. Nhưng buổi tối trước hôm lên đường, tự nhiên cháu thấy
mặt chú cháu buồn thiu, ăn vội lưng cơm xong rồi đi đâu đó suốt đêm. Sáng sau,
cháu hỏi thì chú bảo đi chơi với cô Nụ, người yêu của chú. Hôm đó, cả làng tiễn
chân tân binh, có từng hồi trống giục nhưng mặt ai cũng buồn so và nhiều dòng
nước mắt chảy trên má những bà mẹ và cả nhiều cô gái trong đó có cô Nụ. Năm
sau, ông bà nội cháu nhận được giấy báo tử của chú. Nửa năm ròng, bà cháu âm
thầm khóc một mình rồi lại
cùng cô Nụ khóc thêm mỗi khi cô sang với bà. Mấy năm sau cô Nụ mới lấy chồng,
một anh nông dân không được lên đường ra mặt trận vì chân tập tễnh bẩm sinh.
Bấy giờ bà cháu mới chép miệng bảo, may cho cái Nụ, nếu chú mày và nó đã cưới
nhau thì giờ đây khổ thân khổ đời nó phải lỡ làng! Ấy, chuyện cháu được học thơ
và chú cháu được giảng thơ là thế
Sợ
Mận sẽ bị cuốn chìm vào những ký ức không vui, tôi lôi Mận sang lối khác:
-
Mà này, cô đã bao giờ nghe câu ca này chưa: Như
nước mắm nhĩ chấm lòng lợn thiu?
-
Dạ, ai nói thế hả ông. Ở quê nhà cháu chỉ thấy nói Như nước mắm thối chấm lòng lợn
thiu chứ chưa ai nói như nước
mắm nhĩ cả. Mà người ngoài Bắc có ai gọi là mắm nhĩ đâu ạ, người ta gọi là nước
mắm cốt. Vào miền Nam, theo bà đi chợ cháu mới nghe cái tên nước mắm nhĩ, đôi khi còn gọi là mắm nhỉ nữa cơ! Mà câu ca dao
đó giờ xưa rồi chứ ạ. Giờ
không chỉ nhiều bà nạ dòng thích vớ được trai tơ mà ối chàng trai tơ muốn được
lái máy bay bà già nữa chứ!
-
Cô có thể đọc cho chúng tôi mấy câu thơ mà cô thích nhất không?
-
Dạ, cháu loanh quanh cũng thuộc được ít bài nhưng cháu thích nhất mấy bài thơ
của hai ông Đoàn Văn Cừ và Nguyễn Bính. Không phải vì hai ông là người Nam Định
quê cháu mà là vì thơ của
hai ông rất nông dân, rất làng quê hợp với tâm hồn cháu. Cháu thuộc hết bài “Đường về quê mẹ” và thích nhất bài này trong thơ ông
Đoàn Văn cừ. Hồi nhỏ chị em cháu năm nào cũng được mẹ cho về quê ngoại. Mẹ cháu
không đẹp như bà mẹ ông Cừ:
Thúng
cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên
vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông
u chẳng khác thời con gái
Mắt
sáng, môi hồng, má đỏ au.
Nhưng
mẹ cháu cũng thảo hiền như bà mẹ ông Cừ:
Tới
đường làng gặp những người quen.
Ai
cũng khen u nết thảo hiền,
Dẫu
phải theo chồng thân phận gái
Đường
về quê mẹ vẫn không quên.
Thơ
ông Nguyễn Bính cháu cũng thuộc kha khá nhưng thích nhất hai câu:
Nhà
nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách
nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.
Chả
là vì nhà chồng cháu cũng có một cái giậu mồng tơi. Hồi chúng cháu mới phải
lòng nhau, mỗi bận cháu sang nhà anh ấy, hai đứa thường ngồi bên cái giậu ấy nỉ
non chuyện trời biển. Từ khi lấy nhau, nhà cửa xây sửa lại mấy lần nhưng anh ấy
vẫn giữ nguyên cái giậu mồng tơi, vừa có nắm rau bòn hái vừa cất những kỷ niệm
yêu đương một thuở. Nếu không vì phải kiếm tiền nuôi hai đứa con học đại học,
chúng cháu chẳng chịu chia xa nhau một ngày đâu ạ.
Bỗng
Mận nói rất nhanh:
-
Mà thôi, cháu xin phép hai ông cháu xuống nhà giúp bà cháu lo cơm nước đây!
Bây
giờ ông bạn hàng xóm mới nói với tôi:
-
Cái cách yêu thích thơ của một người phụ nữ quê như cái Mận thật đơn giản nhưng
không phải là không có tiêu chuẩn. Trong làng thơ cũng như làng đọc thơ, thiết
tưởng không cần phải chiếu trên chiếu dưới, không cần chỉ đâu là chỗ cho cho kẻ “ngu si hưởng thái bình” và đâu
là chỗ cho người biết “nội
công thâm hậu”. Ông Phạm Đức Nhì đã nói quá đáng!
Tôi
hỏi ông bạn:
-
Khi tôi nói: “Nhà thơ cũng
vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho các nhà này nọ mang
cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường
kia.” Thì ông Phạm Đức Nhì
đáp lại: “Nghĩa là bác không cần phân tích xem cách nhìn
của người này, người nọ đúng sai thế nào mà lại dè bỉu, chê trách chính công
việc phê bình. Theo tôi, câu cuối phải viết: “Nhà thơ, làm ra thơ để ai
thích đọc thì đọc và ai thích phê bình thì cứ việc phê bình” mới hợp lý lẽ và
thực tế. Như vậy, đoạn văn trên của bác Bàng hơi bị sai. Không! Phải nói là sai
hơi bị nhiều mới đúng. Mà lại là cái sai lớn, cái sai căn bản trong việc đối
thoại văn chương mới đáng tiếc.”. Bác
thấy thế nào về hai lời đối đáp trên?
-
Ông Nhì có cái đúng khi đưa ra câu cuối phải viết nhưng ông Nhì hiểu chưa hết ý
bác. Bác đâu có dè bỉu, chê trách công việc bình thơ mà chỉ ngỏ ý không cần sự
mổ xẻ thơ theo ý của nhà này nhà nọ.
-
Bác cũng là một người hay đọc thơ và yêu thơ. Vậy trước khi mua một tập thơ hay
đọc một bài thơ, bác có cần phải tìm những sách báo viết về bài thơ đó không?
-
Không! Tôi coi thơ là sản phẩm tinh thần, khi được in ra trên báo hay thành
sách, nó trở thành một thứ hàng hóa giống như của giữa chợ. Đã là của giữa chợ
thì có thể bán rẻ, bán đắt, bán ế và ai thấy cần thấy thích thì mua, không cần
nghe những lời quảng cáo như kiểu điểm thơ, vài suy nghĩ khi đọc …Hồi mới lớn,
tôi rất thích Thơ Mới. Nhưng khi ấy Thơ Mới bị coi là đồi trụy là phản động nên
được ai đọc cho nghe bài nào câu nào thì tôi chép lại vì thế cũng thuộc ít
nhiều Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Tôi có nghe tiếng tăm cuốn Thi nhân Việt Nam của cụ Hoài Thanh, muốn đọc để xem cụ
viết ra sao nhưng ai cho bán mà mua, vào thư viện ai cho mượn mà đọc. Ít lâu
sau, nghe tin cụ Hoài Thanh chối bỏ đứa con tinh thần ấy đến mức Trần Huy Liệu
cho là quá đáng và Tố Hữu thì nói: “Hoài
Thanh đã tát mình đau quá” thì tôi hiểu cụ Hoài Thanh cũng chẳng còn yêu
thương gì những lời bình thơ của cụ đã viết trong cuốn sách ấy. Thế rồi sau đó
lại thấy Chế Lan Viên, nhà thơ với cùng
với nỗi niềm hoài cổ qua những
tháp Chàm "điêu tàn" bỗng quay ra ca ngợi thơ của Sóng Hồng (Trường
Chinh) với cả những câu như: “ Sắt
chạm sắt, lóe lửa/ Tiếng chạm tiếng đinh tai…”,
thì tôi mất lòng tin ở các nhà phê bình chỉ “Vị
nghệ thuật nửa đời người” như
cụ Hoài và các nhà phê bình bốc thơm người ngồi trên như ông họ Chế .
Hai
ông phê bình nổi danh còn thế thì những nhà phê bình trong thời Kinh tế thị
trường ngày nay như thế nào ông thừa biết đấy. Như cái Mận nó cũng biết, cả một
hội đồng xét giải thơ của Hà Nội nghìn năm văn vật mà có lúc sướng như lê đồng,
có lúc lại như quáng gà và có lúc thì mù lòa hẳn khi nhìn đọc một bài thơ rồi
trao giải. Ở Nghệ An mấy năm trước, một
ông phó bí thư thường trực Tỉnh ủy vừa nổi hứng cho in một tập thơ, lập tức có
ngay một nhà phê bình kiểu cái rắm thơm thở ra như thế này: ““Ta vẫn là ta thôi là kết quả của
những chiêm nghiệm của một người sống có trách nhiệm với mình và với đời. Thế
thái nhân tình được đặt ra sau những con chữ ngắn gọn bằng một thủ pháp tuy
không mới nhưng rất phù hợp với giọng thơ Phương Việt: Thủ pháp đối lập. Điều
này khiến cho thơ Phương Việt kiệm lời…". Thủ pháp và cách kiệm lời
cho là phù hợp ấy được chứng minh bằng những câu: Còn mẹ ru em/ Đung đưa vành nôi hoặc Phòng
điều hòa/ Xe nôi Nhật/
Ngược
lại, nếu nhà thơ không phải là quan lớn, không phải là đại gia lắm của nhiều
tiền hay nhà thơ bị thù ghét thì có ngay nhà phê bình kiểu bác sĩ Trần mạnh
Khảo trong Kịch Mổ của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là một tay
thợ giết- mổ văn thơ không nghề nghiệp. Không chỉ là nhân vật trong kịch như
Trần Mạnh Khảo mà là nhân vật ngoài đời như nhà thơ Xuân Sách đã khắc họa:
……
Bao
giờ mày say rượu
Bao
giờ thì ra tay?...
-
Phê bình thì như thế, còn người làm thơ bây giờ thì sao?
-
Thì ai cũng thấy nhà nhà làm
thơ, người người làm thơ đấy
thôi. Thật không dễ thống kê hết số lượng các tập thơ được phát hành và các bài
thơ được công bố trên báo chí, kể cả báo mạng, trong một năm. Tôi không dám nói
như Nguyễn Huy Thiệp:“Nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm
hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn
chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu
ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể
nói là vứt đi cả”. Nhưng quả thực tôi không còn muốn đọc thơ ngày nay nữa,
nhất là các loại thơ đủ kiểu của cái gọi là cách tân. Cũng nói thật với bác,
tôi chán đọc thơ từ hơn ba chục năm nay rồi, từ cái lúc tôi được nghe chuyện hôm bế mạc Đại hội
Hội nhà văn lần thứ 3 nhóm họp năm 1983, được cấp kinh phí để truyền hình trực tiếp;
Nguyễn Đình Thi nhà thơ đa tài được bầu làm Tổng thư ký lên bục giõng dạc đọc
diễn văn, có đoạn: “Chúng ta
là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh của Đảng…” Lúc này, ở chợ Bắc Qua, có một chị
buôn gà từ Bắc Ninh sang, rãnh rỗi chị ta ghé qua cửa sổ một nhà giáo để xem
nhờ ti vi. Nghe Nguyễn Đình Thi đọc đến đoạn này, chị buôn gà liền văng luôn: “Cậu đéo lào (nào) mà lịnh (nịnh)
ác thế”… Thơ của những hạt bụi lấp lánh ấy thì để cho đảng đọc chứ mình đọc
làm gì.
Thấy
lan man cũng đã lâu, tôi toan ngỏ lời tạm biệt thì ông bạn hàng xóm cười có vẻ
khoái trá:
-
Cái ông Phạm Đức Nhì ở Mỹ xem ra cũng rất công bằng khi có người cho rằng mấy
câu thơ tục ông ấy được nghe từ miệng anh lái đò trên sông suối chùa Hương chỉ
là vè. Không thể gọi là thơ. Về chỗ này, ông ấy cãi rất được: “không còn là những câu vè tục tằn
vui chơi, mà đã thành những
câu thơ hay, ý nhị, độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, mang đến cho người
nghe, người đọc một thông điệp về thơ rõ ràng, sinh động”. Nhưng ông Nhì ấy mà muốn bình mấy câu
thơ ấy chắc lại phải cân đong ngữ pháp, soi rọi thi pháp, tìm cho ra các thủ
pháp rồi đếm từng động từ tính từ…Ôi, khổ công lắm cho dù ông ấy rất “nội công thâm hậu” và “lý sự dung thông”. Ấy, cứ ngu si như cái Mận và cả tôi
nữa, đọc lên thấy sướng thì cười rung bụng là xong.
Mà
sao cũng lạ, cả một cái gần Vạn Ngôn BÌNH
THƠ VÀ THƯỞNG THỨC THƠ như
thế mà chính ông Phạm Đức Nhì ấy lại coi là:
“những
lời bình nhăng tán cuội”???
*.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét