Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018


KHÔNG DƯNG NHỚ TỚI ÔNG VUA
THUỘC NHỚ TRUYỆN KIỀU
CỦA NGÀY XƯA

*
Đọc bài “NHÀ VĂN VIỆT NAM LÀM NHỤC TIỀN NHÂN GIỮA SÂN VĂN MIẾU HÀ NỘI” trên trang Tễu blog 11.2.17, thấy có mấy dòng: “Câu thơ nổi tiếng:“Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đến ông Tây mũi lõ còn thuộc, mà bị ghi thành: “Đời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Kèm theo lời bình của chủ trang: “Đúng là muôn đời sau đít con trâu, không ngẩng mặt lên với đời được Lại nhớ câu Đỗ Chu bảo: Ăn mày lại gặp ăn mày”.
Tôi không có vinh hạnh được dự Ngày thơ Việt Nam 2017 nên không

được biết cảnh Ăn mày lại gặp ăn mày. Nhưng sự việc trên làm tôi nhớ tới một người đã thuộc về ngày xưa. Tôi không rõ danh tính của ông mà chỉ nghe nói là một cựu thủ thư của Thư viện Quốc gia Việt Nam ở phố Tràng Thi, Hà Nội và được nhiều người dân thán phục gọi là Ông Vua thuộc nhớ Truyện Kiều
Ấy là mấy năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, cụ cử Tử An Trần Lê Nhân (1888-1975) người làng Bát Tràng đồng soạn giả Cổ học tinh hoa, từng làm quan đốc học tỉnh Hưng Yên có mở một lớp học Hán văn miễn phí tại đền Ngọc Sơn và tôi ghi tên xin học. Nhiều buổi học xong, tôi la cà bên hồ Gươm và thường thấy một ông già tầm ngoài sáu mươi tuổi ngồi gần cầu Thê Húc, lối vào đền Ngọc Sơn, bên cạnh ông là một cái tráp trên đặt một quyển Truyện Kiều đã cũ nhàu, xung quanh vây túm chừng vài ba chục người. Một lát sau, trong đám người đó bỗng một người len vào trước mặt ông già có quyển Truyện Kiều và cất giọng đọc:
Cung, thương, làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương
Là hai câu số bao nhiêu?
Ông già đưa mắt nhìn đám khách xem rồi thong thả đáp:
- 31,32!
Rồi ông đưa quyển Truyện Kiều ra cho một vị khách trước mặt mình, cung kính thưa:
- Xin mời ngài kiểm tra hộ
Người khách đón quyển truyện, nhìn vào trang sách đã mở và đáp:
- Đúng là câu 31 và 32!
Rồi chìa trang sách ra trước mắt người vừa hỏi ông già về hai câu đó. Người kia ghé nhìn xong, móc túi ra một tờ giấy 5 đồng bạc Đông Dương đưa cho ông già có quyển Truyện Kiều (Thời đó 1 USD đổi được trên 20 đồng Đông Dương, 1 cây kem que Cẩm Bình ở phố Huế giá 1 đồng, 1 cái bánh bao ở tiệm ăn sang nhất Hà thành là Lục Quốc Đại tửu gia giá 5 đồng)
Và tôi hiểu ra, đây là một cuộc thách đố về số thứ tự của một câu Truyện Kiều, khách hỏi và ông già trả lời, đúng thì được thưởng tiền. Ông vua thuộc nhớ Truyện Kiều đã kiếm ăn bằng cách ấy.
Lâu dần tôi biết thêm, ông già không chỉ nhớ 3254 câu Kiều, câu này số bao nhiêu, câu kia số bao nhiêu mà nhiều khi còn lẩy Kiều làm vui lòng mọi người xem thách đố. Chẳng hạn có lần ông bảo:
- Bây giờ có rất nhiều Kiều tân thời nhờ áo quần và son phấn. Vì vậy, xin các quý ông hãy nhìn cho tường tận rồi hãy thả câu kẻo bé cái nhầm đấy:
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan thu cúc mẹ già cả hai.
Ông cũng rất thông hiểu chữ nghĩa và các điển tích Truyện Kiều. Khách xem ai hỏi chữ nào, điển tích nào, ông đều sẵn lòng giảng giải  và nhận tiền thưởng tuỳ tâm.
Cứ thế, tôi nghe và học lỏm được khối điều hay và thú vị: 
1/. Một lần, có 1 vị khách hỏi:
Ông có biết lúc Thuý Kiều và Kim Trọng yêu nhau, họ bao nhiêu tuổi?
Ông già rành mạch đáp: 
- Truyện Kiều viết, năm đó nàng Kiều:
Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê
Xuân xanh là tuổi xuân, sấp sỉ là tới lúc, tới độ, tới kỳ, cập kê là tuổi có thể lấy chồng. 
Kê là cái trâm. Có hai thứ trâm, thứ để búi tóc thì cả đàn ông đàn bà đều dùng, thứ để cài mũ thì chỉ đàn ông dùng, đàn bà không dùng
Tục người Tàu, con gái 15 tuổi bắt đầu búi tóc, cài kê tức là đã sắp thành người nhớn, có thể đi lấy chồng. Như vậy Thuý Kiều chừng độ 15 tuổi. Suy ra, Thúy Vân là em, nếu Vương bà sinh con năm một  thì Thuý Vân mới độ hơn 14 tuổi, nếu sinh ba năm đôi thì 13 tuổi rưỡi, nếu  hai năm một thì 13. Vương Quan là con trai út, em của Kiều và Vân thì suy ra mới chừng 11, 12 tuổi.
Kim Trọng “Với Vương Quan trước cũng là đồng thân
Đồng thân cũng như đồng song là cùng chung cửa sổ, ý nói cùng đọc sách chung của sổ, nghĩa bóng là bạn học. Vậy nếu Vương Quan chừng 11, 12 tuổi thì Kim Trọng cũng trạc tuổi đó. Còn nếu bảo rằng Kim Trọng phải hơn tuổi Vương Quan và cả Thuý Kiều, nghĩa là đã 16, 17 tuổi thì không ổn vì Kim Trọng “Văn chương nết đất thông minh tính trời”  thì sao 16, 17 tuổi cùng học chung với người mới 11, 12 tuổi.(!)
Mọi người nghe đều trầm trồ khen có lý có lý và thắc mắc, sao cụ Nguyễn Du cho Kim Trọng biết yêu sớm thế nhỉ?
2/. Có một điển tích ông già cắt nghĩa làm tôi nhớ mãi. Ấy là khi có người hỏi số thứ tự của hai câu
Có điều chi nữa mà ngờ
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu
và điển tích “hững hờ chàng Tiêu” là làm sao?
Đáp xong hai câu Kiều đó là câu 3125 và 3126, ông già mỉm cười giảng giải điển tích đó như vầy:
"Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu",  ý của Kim Trọng muốn nói Kiều từ chối kết thành chồng vợ với chàng, tức Kiều cố ý bắt buộc chàng phải hờ hững không nhận nàng nữa. Hay nói một cách khác, tại sao Kiều lại cố ý làm cho chàng phải coi nàng như chàng Tiêu nhìn vợ cũ quá hững hờ như không nhận nàng là vợ nữa. Vậy chàng Tiêu là ai?
Đó là chàng Tiêu Lang. Tiêu Lang có người vợ tên là Lộng Ngọc, rất xinh đẹp, đàn hay. Cây đàn nàng dùng là Đàn hồ có hai dây. Dây đàn hồ cổ được làm bằng ruột mèo phơi khô, thái thành sợi mỏng. Dây đàn hồ hiện nay thường được làm bằng tơ tằm, tơ nhân tạo. Cũng có một số loại dùng dây kim loại nhưng âm thanh không mượt. Một đầu dây quấn vào tay quay định âm, một đầu cố định ở phía dưới đáy đàn.
Một lần, chàng Tiêu có việc làm ăn phải đi xa. Nàng Lộng Ngọc nhớ chồng thường đem đàn ra mái hiên gảy cho vơi nỗi nhớ. Có một gã trai qua đường, một lần nhìn thấy nàng Lộng Ngọc  và nghe được cả tiếng đàn của nàng liền đem lòng mê đắm nên ngày nào gã cũng tìm cách qua đường đến bên nhà nàng, nghe nàng gẩy đàn và ngắm trộm nàng. Thấy thế, Lộng Ngọc sai người tớ gái tìm cách đuổi khéo ông khách khó chịu ấy đi khiến gã trai bị bẽ mặt, tức tốidán lên cổng nhà nàng một tờ giấy và viết vào đó một câu:
“Âm hộ nhị mao trường tam xích !”
rồi bỏ đi với ý mỉa mai rằng: Có ra gì một cây đàn giống như cái âm hộ có hai cái lông dài mỗi cái ba thước  (1 thước cũ=1 xích (, chek) = 37,147 5 cm)
Trưa hôm ấy, Tiêu Lang đi xa về nhà thấy tờ giấy có câu đó dán ở cổng nhà mình, chàng bực tức lên nhà gọi vợ ra tra khảo sao lại có kẻ biết được cái bí mật trong cơ thể nàng vì: Cái ấy của nàng có hai cái lông đặc biệt mỗi cái dài 3 thước mà chế diễu thành câu như vậy?
Nàng cố giải thích cho chồng hiểu về sự đoan chính của mình nhưng chàng một mực không tin và nói, không có lửa sao có khói, nàng không thông dâm với người ta thì sao người ta biết  được rạch ròi ở tận vùng kín đáo như thế?!
Và từ đó, Tiêu Lang nhìn vợ một cách hững hờ, không muốn nhận vợ nữa.
Khách nghe vỗ tay ròn rã, nhiều người móc túi thưởng cho ông vua thuộc nhớ Truyện Kiều.
Sau này, tôi có dịp đọc một số sách chú giải Truyện Kiều và sách Điển tích Truyện Kiều thì thấy các nhà nghiên cứu đều giải thích đại để là:
Xuất phát từ điển tích chàng Tiêu với nàng Lục Châu, lại thêm truyện nàng Bích Nga với câu thơ của Thôi Giao "Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân" để chuyển thành câu "khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu", tác giả Truyện Kiều gộp ý hai tích và thơ đó làm một để ý thêm mạnh bằng một câu thơ Nôm súc tích, ý nhị.
Rất bác học.
Nhưng tôi vẫn không quên được cách giảng điển tích Truyện Kiều theo kiểu dân gian của ông vua thuộc nhớ Truyện Kiều. Không biết ông bịa để mua vui cho đời hay ông nghe được từ đâu hoặc đọc ở sách nào?
Trở lại bài trên Tễu blog. Chủ trang viết:
Tễu: Tôi đề nghị 10h sáng mai, 16 tháng Giêng, ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn các Phó chủ tịch hội và toàn bộ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam có cơi trầu dắt nhau ra giữa sân Văn Miếu làm lễ tạ tội với các bậc thi hào của dân tộc. Riêng Chủ tịch hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh phải nằm úp xuống sân Văn Miếu để ông Thủ từ Văn Miếu (Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu) đánh đủ 15 roi.
Thần thiêng nhờ bộ hạ, nếu ông Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam có được một người như ông già thuộc nhớ Truyện Kiều kia thì đâu nên nỗi sắp phải nằm úp xuống sân Văn Miếu để ông Thủ từ Văn Miếu (Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu) đánh đủ 15 roi. Nhưng tiếc thay nay Ông Vua thuộc nhớ Truyện Kiều đó đã thành “người muôn năm cũ” mất rồi!
*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...