Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

NGÀY NÀY NĂM XƯA:
13-10-1988, tròn 30 năm trước, 
Nhà thơ Quang Dũng qua đời ở tuổi 68.

Quangdung1.jpg 

Không chỉ là thi sĩ nổi tiếng, ông còn là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tài hoa và chiến binh dũng cảm. 

Tốt nghiệp trường Quân chính Hoàng Phố danh tiếng ở bên Tàu, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông vào bộ đội, lần lượt giữ các chức Đại đội trưởng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn Tây Tiến, Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III, v.v. 

Ông có nhiều tranh triển lãm cùng các họa sĩ nổi danh. Ca khúc Ba Vì của ông được phổ biến rộng rãi. Ông có các ấn phẩm tiêu biểu như tập thơ Bài thơ sông Hồng (1956), tập thơ Rừng biển quê hương (1957), tập thơ Mây đầu ô (1986); tập truyện ngắn Mùa hoa gạo (1950); tập hồi ký Làng đồi đánh giặc (1976), v.v. 

Sau 1954, ở miền Bắc, thơ ông bị phê phán gay gắt vì “mang hơi hướng tiểu tư sản, thiếu tính chiến đấu”. Đặc biệt, hai câu thơ: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” trong bài Tây Tiến bị xỉa xói mạnh nhất và gây khốn khổ cho ông nhiều nhất. Ngược lại, ở miền Nam, thơ ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, phổ biến rộng rãi khiến bao người mê mẩn. 

Sau khi bị đi đày vì vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông về quê ẩn thân trong cảnh nghèo túng.

Nói đến Quang Dũng, người ta nhớ ngay đến bài thơ Tây Tiến, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ đầu thập niên 1950 và gần đây mới được chọn vào sách giáo khoa. Một số bài thơ khác của ông cũng được phổ nhạc và nổi tiếng: nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc bài Kẻ ở, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc 2 bài Đôi mắt người Sơn Tây và Đôi bờ, đặc biệt là bài Không đề có 4 nhạc sĩ phổ thành 4 ca khúc khác nhau: Việt Dũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương và Quang Vĩnh, v.v.

Kết quả hình ảnh cho minh hoạ đôi mắt người sơn tây

Năm 1999, tức là 11 năm sau khi Quang Dũng mất, chính phủ Thụy Điển tặng chính quyền Sơn Tây bức tượng Quang Dũng với mong muốn đặt ở quảng trường trung tâm thị xã. Tượng bán thân bằng đồng, thể hiện nhà thơ - chiến sĩ với vẻ đẹp nam nhi vừa rắn rỏi vừa mơ màng trong trang phục Vệ quốc quân: áo trấn thủ che thân, mũ ca-lô đội đầu. Thế rồi có nhiều ý kiến phản đối, kiểu như: Bao nhiêu anh hùng liệt sĩ chưa có tượng mà lại đi đặt tượng “thằng nhà thơ”? Dăm lần bảy lượt họp lên họp xuống, cuối cùng người ta cũng nghĩ ra phương án đặt tượng tại quê hương ông, nơi ông học thuở nhỏ: Trường Tiểu học Thị trấn Phùng (Cấp 3 Đan Phượng cũ). 

Trong hình ảnh có thể có: 9 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

Mãi đến năm 2001 ông mới được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 

Phụ lục: 

Bài thơ Tây Tiến

Kết quả hình ảnh cho minh hoạ tây tiến

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

1948.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...