ÁN VĂN (6)
Thời tôi sống, tôi được chứng kiến, được nghe, được biết thêm khá nhiều vụ án văn khác, xuất phát từ bàn tay sắt của đảng, mà cụ thể là các ông Trường Chinh, Tố Hữu, Hà Xuân Trường, Như Phong…, những đao phủ văn nghệ.
Nhà văn Phù Thăng
Một ông khác, nhà văn Phù Thăng (tên thật là Nguyễn Trọng Phu, ông lấy bút danh Phù Thăng bởi cái tính tếu táo của ông, nói lái là “thằng Phu”), bị đánh cuốn tiểu thuyết "Phá vây" ra đời năm 1961. Một cuốn truyện hay về đề tài chiến tranh nhưng nhà cầm quyền cho rằng tác giả đã mất lập trường, nhìn sai lạc về cuộc kháng chiến, đặc biệt làm méo mó hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ. Đó là chưa kể còn xây dựng những mối tình tay ba tay tư, tình yêu trai gái rất “không phù hợp với đạo đức cách mạng”. Sách bị cấm, thu hồi, tác giả phải về quê Hải Dương chăn vịt, một thời gian sau mới được viết lại nhưng đời văn cũng nhiều bề lận đận. Cùng thời với “Phá vây” là cuốn “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh, cuốn này khi mới ra đời được bạn đọc say mê lắm. Viết về tình yêu thì thời nào chả có bạn đọc, chả được say mê. Nhưng không may cho Văn Linh là sách của ông (NXB Thanh Niên, năm 1957) ra đời đúng sau khi xảy vụ Nhân văn giai phẩm nên đảng siết văn nghệ rất chặt. Tội của “Mùa hoa dẻ” ở chỗ phản ánh tình yêu trai gái lâm li sướt mướt, ngược với kiểu “Mà nói vậy trái tim anh đó/Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/Anh dành riêng cho đảng phần nhiều” (Tố Hữu). Nó bị đình bản, thu hồi, tác giả bị kiểm điểm, treo bút một thời gian dài, nhiều năm sau chỉ được viết cho thiếu nhi. Thời ấy ai cũng biết chuyện đảng không thích nhà văn nhà thơ viết về tình yêu nam nữ, đảng chỉ muốn hướng tất cả vào đề tài lớn của thời đại “chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”, cốt sao mọi thanh niên đều gác tất cả mọi tình riêng để ra trận, “con đường ra trận là con đường vui”. Anh nào viết khác đi, họ quy tội “làm rối hậu phương quân đội”, dờ hồn.
Lứa 5X chúng tôi thời thanh niên cũng từng chứng kiến 2 vụ án văn là bài thơ "Vòng trắng" của Phạm Tiến Duật và "Sẹo đất" của Ngô Văn Phú. Hai ông nhà thơ này trưởng thành thời chống Mỹ, tạo dựng được tên tuổi, thậm chí ông Duật từng nổi danh là nhà thơ số 1 viết về Trường Sơn, vua biết mặt chúa biết tên, trọng vọng lắm. Những năm cuối thập niên 60, đầu 70 đang khí thế hừng hực chống Mỹ, văn nghệ bị cuốn vào chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ta thắng địch thua, thế ta là đứng trên đầu thù, “40 thế kỷ cùng ra trận/Có đảng ta đây, có Bác Hồ”, anh nào lệch ra khỏi quỹ đạo là chết ngay. Tự dưng ông Duật viết bài "Vòng trắng", in tháng 1.1974. Lúc đầu có lẽ do tiếng tăm ông Duật vẫn còn cao, vả lại bài thơ được in trên tạp chí Thanh Niên ít người đọc nên người ta không để ý mấy. Ông Duật viết “Có mất mát nào lớn bằng cái chết/Khăn tang, vòng tròn như một số không”. Sau chả biết có ai mách ông Tố Hữu, thậm chí mách ông Duẩn, ông Thọ, thế là báo Nhân Dân và tạp chí Học Tập nã đại bác vào thần tượng Phạm Tiến Duật. Tạp chí Học Tập (sau đổi tên thành tạp chí Cộng sản) số ra tháng 9.1974 dõng dạc kết án “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ (Phạm Tiến Duật) lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở...”. Chỉ cần chừng ấy thôi là thành án, ông Duật mất bao nhiêu công phân trần, giãi bày nhưng đảng chả chịu nghe. Bị hạ bệ, ông Duật chới với. Nhưng đi theo đảng phải vậy thôi. Đảng là ông trời, cấm cãi.
Minh hoạ thơ Phạm Tiến Duật
Còn ông Ngô Văn Phú ra mắt "Sẹo đất" năm 1972. Chả là nhìn cái hố bom, ông nghĩ có lẽ đất nó cũng như người, nó đau lắm. Trong bài thơ có câu “Tưởng như da thịt mình mới sẹo/Ai ngờ đất cũng sẹo như mình". Đám tuyên giáo phang luôn, quy kết ông Phú có vấn đề về tư tưởng, không xác định rõ tính chất của cuộc chiến tranh giữa ta và địch, lẫn lộn bạn thù, gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây suy nghĩ sợ chiến tranh trong nhân dân. Ông Phú bị kiểm điểm, bị cách chức, chịu bao phiền phức về sau. Nhìn chung tội của ông Duật ông Phú là sáng tác theo suy nghĩ cá nhân, không đi đúng đường lối quan điểm "ta tốt địch xấu, ta thắng địch thua" của đảng, nên phải bị phê phán triệt để làm gương cho kẻ khác.
Nhà thơ Ngô Văn Phú
Dưới thời “văn nghệ cách mạng”, bất cứ động thái nào của văn nghệ sĩ bị nhà cầm quyền không ưa đều có thể thành tội. Nhà cai trị hay lo sợ vu vơ, nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm, bởi “văn nghệ sĩ chúng nó thâm lắm”. Có khi đang bình thường, nghe ông bà kễnh nào phát ra nhận xét chi đó về tác phẩm này nọ, thế là họ vội vàng tổ chức chiến dịch đánh cho tơi tả, rồi cấm. Miền Bắc có dạo cấm suốt một thời gian dài những bộ phim rất hay của Liên Xô như "Đàn sếu bay qua", "Bài ca người lính", "Số phận con người" (đầu thập niên 1960), hoặc cuốn "Truyện núi đồi và thảo nguyên" (của Aimatov) chỉ bởi lúc ấy ở Liên Xô có “chủ nghĩa xét lại”, mà thứ chủ nghĩa này nhà cầm quyền Việt Nam cho là phản động, đi chệch khỏi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản, nên phải cấm.
Làm văn nghệ, viết báo dưới thời cộng sản, điều đầu tiên người cầm bút phải quán triệt, xác định là phải “ngoan”. Phải viết theo định hướng, theo chỉ đạo. Không có chuyện viết theo cảm hứng, theo sự thật. Chắc nhiều người trải qua đầu thập niên 1990 còn nhớ chuyện báo Tuổi Trẻ (tờ báo chính thống, của đoàn thanh niên cộng sản) năm 1991 đăng bức “thư của Nguyễn Ái Quốc gửi vợ năm 1928”, đụng đến thần tượng, bị đánh tơi bời. Tôi còn nhớ đận ấy, sau khi đọc bài báo này, dư luận xôn xao lắm, nhiều thầy cô giáo trường tôi thì thào thắc mắc “sao bảo ông cụ độc thân suốt đời mà nay lại nói có vợ” (bà Tăng Tuyết Minh người Tàu). Báo Sài Gòn giải phóng suốt mấy số liền nã tới tấp tờ Tuổi Trẻ, tinh những đạn cối, đạn đại bác, lấy ý kiến của ông này bà nọ bảo rằng họ cực kỳ phẫn nộ, đề nghị đảng và nhà nước cần xử lý kiên quyết, công an nên vào cuộc khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tội tày đình.
Nhưng cuối cùng không thấy lôi ai ra tòa, có nhẽ họ cũng ngại động đến chỗ nhạy cảm, bịt im càng sớm càng tốt. Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ lúc đó là chị Kim Hạnh (một nhà báo tài năng hiếm có) bị cách chức, bị tuyên “án” vĩnh viễn không được làm báo, không được quản lý báo. Sau này chị Kim Hạnh chuyển sang làm tờ Sài Gòn tiếp thị (một phụ bản của Thời báo kinh tế Sài Gòn), làm hay tới mức tờ báo con còn hay hơn, nổi tiếng hơn cả tờ báo mẹ. Dĩ nhiên án văn vẫn hiệu lực nên chị chỉ đứng hậu trường, được gọi bằng cái tên “người phụ trách”, đảng biết nhưng không có cách gì bắt bẻ được, phải lờ đi. Về sau, nhân cơ hội vàng, lấy cớ Sài Gòn tiếp thị đăng mấy bài “có vấn đề”, nhất là bài của nhà báo Huy Đức về cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, ghi lại tội ác của quân Trung Quốc xâm lược, nhà cai trị liền ra quyết định giải tán, chấm dứt sự tồn tại của báo Sài Gòn tiếp thị. Cái kết đắng của một án văn trong tay kẻ có quyền.
Án văn xứ này nhiều lắm. Kể từ khi thơ văn của Nguyễn Trãi bị đốt thành tro sau vụ án oan tày đình thế kỷ 15 đã bao nhiêu nước trôi qua cầu, biết bao án văn oan ức chồng chất lên số phận người sáng tác, mà xảy ra nhiều nhất trong “thời đại cách mạng vẻ vang” người cộng sản nắm quyền. Nếu kể ra, phải vài cuốn sách, đặc biệt những vụ tịch thu và thiêu hủy “văn hóa đồi trụy”, bắt văn nghệ sĩ đi cải tạo (thực chất là tù đày) sau ngày “chiến thắng” 30.4.1975. Nhiều sự việc đã bị lãng quên, nhiều vụ nhạt dần theo năm tháng, nhưng tôi nghĩ có lẽ ở người nào đó, bộ phận nào đó vẫn lặng lẽ ghi chép đầy đủ, sau này bổ sung vào cuốn sử chân thực của xứ này cho cháu con được tỏ tường.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét