THẾ NÀO LÀ NGƯỜI TỬ TẾ?
“TỬ TẾ, HAI CHỮ ĐÓ LÀ TỪ GỐC HÁN. CHỮ ‘TỬ’ CÓ NGHĨA VIỆC NHỎ NHẤT, MÀ ‘TẾ’ LÀ ĐIỀU NHỎ NHẤT. HAI CHỮ “TỬ TẾ” CỘNG CHUNG LẠI NÓ CÓ NGHĨA RẰNG LÀ CẨN THẬN TỪ CÁI VIỆC NHỎ NHẤT”
Mới nghe qua thì thấy chẳng có chút gì liên quan. Người ta còn cho rằng, từ gốc Hán sau thời gian dài mượn dùng đã bị hiểu sai đi, thành một từ tiếng Việt mới. Nhưng suy nghĩ kỹ một chút, hóa ra chữ “tử tế” thật sự lại có mối liên hệ với những điều nhỏ nhất.
Vậy làm tốt từ những điều nhỏ nhất là như thế nào, thế nào là tốt đây? Chỉ ba từ thôi, nhưng là thước đo vô cùng kỳ diệu cho mọi phương diện liên quan tới cuộc sống hàng ngày.
Làm việc gì, dù là nhỏ nhất, ta cũng cần chân thành, chân thực dụng tâm mà làm cho tới cùng, cho trọn vẹn, không qua loa hời hợt. Ở vào địa vị nào, ta cũng phải làm hết bổn phận và khả năng của mình. Đối đãi với con người và vạn sự vạn vật một cách chân chính nhất… Đó chính là chiểu theo nguyên lý của chữ "Chân"
Làm việc gì, dù là nhỏ nhất, ta cũng cần phải thiện ý, biết nghĩ cho người khác: nghĩ xem việc đó có ảnh hưởng tới người khác không, có phương hại tới lợi ích hay sự thuận tiện của họ hay không, họ có tiếp thụ nổi không?… Đó chính là chiểu theo nguyên lý của chữ ‘Thiện’.
Làm việc gì, dù là nhỏ nhất, ta cũng cần phải dung nhẫn với mọi người và hoàn cảnh xung quanh, bỏ qua dục vọng và lợi ích bản thân, thấy là điều nên làm thì làm, không câu nệ hình thức hay đề cao cảm giác của cá nhân, luôn luôn từ tốn, khiêm nhường và nhẫn nại… Đó chính là chiểu theo nguyên lý của chữ ‘Nhẫn’.
Lão Tử xưa cũng có câu: “Thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ”, nghĩa là: đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân. Muốn làm người tử tế, trước hết là cần làm sao cho đủ Chân – Thiện – Nhẫn trong mỗi việc nhỏ bé mình làm, mình nghĩ. Và muốn người khác tử tế với mình, thì chắc chắn mình phải là người tử tế trước đã.
Theo Tachcaphe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét