Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

NGÀY NÀY NĂM XƯA:

15-12-1906: Ngày sinh Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân ở Hưng Yên và mất trên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 6-1954. Những tranh: Thiếu nữ bên hoa Huệ, Thiếu nữ bên hoa sen vẽ trong thời kỳ đầu thể hiện ấn tượng hiện thực của ông. Nǎm 1996 ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Kết quả hình ảnh cho tô ngọc vân

Tô Ngọc Vân sinh năm 1906, quê ở làng Xuân Cầu (còn gọi là Huê Cầu) - một làng có nghề nhuộm thâm nổi tiếng thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên từng đi vào thơ ca dân gian:

"Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu,
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm"

Năm 20 tuổi, ông thi đỗ vào khoa Sơn dầu - khóa 1926- 1931, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ra trường, ông cộng tác với báo Nhân loại, Phong hóa, Ngày nay và cuối cùng là Thanh Nghị với bút danh Tô Tử, Ái Mỹ. Năm 1935, ông được Pháp bổ dụng đi dạy học ở Phnôm Pênh (Campuchia). Ở đây, ngoài giờ giảng dạy, ông đi vẽ phong cảnh và sư sãi. Đến năm 1939, ông trở lại Hà Nội, nhận chức Giáo sư hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, phụ trách trường từ tháng 3- 1945 đến tháng 8- 1945.

Ngay từ những năm học trong trường Mỹ thuật Đông Dương, ông đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam, nằm trong bộ "tứ" nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn). Ông đã viết những dòng tự sự "...ngay từ lúc đi học đã mơ xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới...". Thông qua kỹ thuật, ông đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp của duyên dáng người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ.

Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. "Thiếu nữ bên hoa huệ" mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi về phía lọ hoa huệ trắng. Hình dáng cô gái kết hợp với những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn dịu nhẹ.



Tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa huệ"


Với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, cách sử dụng màu điêu luyện, "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã thể hiện được cái mềm mại gợi cảm ở đường cong trên đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng dao gạt bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ… Ngay trong lần triển lãm đầu tiên tại Hà Nội, bức họa đã được nhiều người chú ý. Năm 1945, "Thiếu nữ bên hoa huệ" được trưng bày tại nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) cùng với tranh của Nguyễn Đỗ Cung, Lê Văn Đệ… Bác Hồ đã đến xem triển lãm này.

Ở Tô Ngọc Vân, hội họa Tây Âu tuy đã đi vào lý trí nhưng lại thông qua tâm hồn dân tộc, chính điều này đã làm cho tranh sơn dầu của ông có màu sắc riêng, đạt đến độ ổn định. Ông đã sớm đoạt Huy chương Vàng- triển lãm thuộc địa tại Paris với bức sơn dầu "Bức thư". Tiếp theo đó là một loạt các sáng tác khác, cho đến nay đã thuộc vào kho báu nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại: Thiếu nữ bên hoa sen, Thiếu nữ bên hoa huệ, Gia đình Việt Nam, Duới bóng nắng, Buổi trưa, Hai thiếu nữ và em bé...



Bức tranh "Hai thiếu nữ và em bé"

Đương thời, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã viết: "Đi xa hơn cả vẫn là Tô Ngọc Vân, ông đạt tới trình độ sơn dầu mà ít nghệ sỹ Việt Nam nào sánh kịp và đã đi trước cả thẩm mỹ quan của công chúng".

Không chỉ có vẽ để thể hiện và khẳng định tinh thần dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật, Tô Ngọc Vân còn tích cực viết báo bày tỏ quan điểm của mình. Ông là một trong số hiếm hoi nhà phê bình mỹ thuật thời đó và đồng thời là một họa sỹ tài danh nên các bài viết của ông gây sự chú ý lớn đối với giới trí thức và những người có thiện cảm với hội họa hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu. Ông đã viết: Quan điểm về nghệ thuật, nghệ thuật dân tộc, về Nguyễn Gia Trí, Bước đầu hội họa Việt Nam hiện đại, Nguyễn Gia Trí với sơn ta - Cái đẹp trong hội họa...

Cách mạng tháng 8 thành công đã mở ra một chân trời mới, một hướng đi mới cho nghệ sỹ Việt Nam nói chung và họa sỹ Việt Nam nói riêng. Như nhiều nghệ sỹ mang tinh thần dân tộc khác, Tô Ngọc Vân đã tích cực tham gia phong trào giải phóng dân tộc bằng chính nghề nghiệp của mình: Ông vẽ tranh cổ động tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân. Năm 1946, ông được cử lên Việt Bắc, công tác tại đội tuyên truyền xung phong vẽ tranh, kẻ khẩu hiệu trên tường, tham gia hóa trang và phụ diễn trong đội kịch Tháng Tám.

Tuy bận bịu đến vậy, ông vẫn không quên tìm hiểu sâu sắc hơn nữa đặc tính của sơn mài Việt Nam để từng bước khẳng định sự phù hợp của chất liệu này với hội họa hiện đại, tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng biệt của hội họa Việt Nam: "...Thể chất lộng lẫy của sơn mài làm thỏa sức nghệ sỹ khát khao đi tìm một chất phẩm mới, ngon mắt và xúc động mạnh hơn sơn dầu. Thể chất sơn cánh dán, sơn then, vàng bạc ở sơn mài linh biến, linh động, không còn là thể chất không hồn nữa. Màu của sơn mài đằm thắm, sắc nhị âm vang sâu rộng rung tới tận đáy lòng người xem... Sơn mài, một ngành hội họa mới do tay người Việt Nam dựng lên, sẽ đem lại cho thế giới hội họa sự điều hòa hình, sắc, chất mong đợi và sự điều hòa khuynh hướng trái ngược nhau đã gạt những nghệ sỹ thiết tha với cuộc sống ra từng nhóm tách biệt và mâu thuẫn". (Thuyết trình của Tô Ngọc Vân tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, 1948).

Chín năm tham gia kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp, ông đã sát cánh cùng với anh em nghệ sỹ đem hết tài năng của mình phục vụ kháng chiến và cách mạng. Ông hoạt động hào hứng trên nhiều phương diện: vẽ tranh áp phích đầu tiên của chiến khu, làm trưởng đoàn văn hóa kháng chiến rồi phụ trách trường Mỹ thuật, đào tạo thế hệ họa sỹ trẻ đầy năng lực cho đất nước sau này.v.v..

Tháng 4 năm 1954 ông được lệnh đi Điện Biên Phủ vẽ cảnh tiền tuyến. Lao vào cuộc sống và chiến đấu của cả dân tộc, với vài mẩu bút chì, ông say sưa ghi lại hiện thực mới. Lúc lên đèo, khi xuống suối, ông vẽ những cuộc hành quân ra tiền tuyến, những ký họa về anh du kích, bộ đội trên đường hành quân vội vã, về các bà bủ một đời đau khổ dưới ách địa chủ cường hào, về những chị cốt cán, anh thanh niên...đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong quan niệm nghệ thuật sáng tác của ông.

Những vẻ đẹp hồn nhiên trong cuộc sống sôi động dưới ngòi bút tài hoa của ông đã trở thành những tác phẩm có giá trị, ghi lại một chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Với lòng đầy tin tưởng, hào hứng, ông mong muốn đem hết sức lực của mình đóng góp vào cuộc kháng chiến vỹ đại.

Ông xông xáo, lăn lộn trên các nẻo đường kháng chiến như một người chiến sỹ và ngày 17- 6-1954, tại cây số 41- Ba Khe, bên kia đèo Lũng Lô, ông đã hi sinh khi tài năng đang nở rộ. Tô Ngọc Vân ra đi, nhưng lòng yêu nước, yêu cuộc sống và nhất là ý chí phấn đấu tự thay đổi con người của mình để thay đổi nghệ thuật là một tấm gương sáng mãi.

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Tô Ngọc Vân tuy ngắn ngủi, nhưng những gì ông để lại cũng đủ để khẳng định ông là một tài năng lớn trong nền mỹ thuật hiện đại của dân tộc. Tên tuổi ông là niềm tự hào của nền mỹ thuật Việt Nam. Những cống hiến của ông về nghệ thuật sơn dầu trước cách mạng rất có giá trị, càng ngày thời gian càng khẳng định những bức tranh sơn dầu của ông còn trẻ mãi, có sức sống lâu bền.

Để ghi nhớ công lao của ông, một khóa học của trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu trở về thủ đô đã lấy tên ông: Khóa học Tô Ngọc Vân 1955- 1957. Toàn bộ tác phẩm của ông được Nhà nước lưu giữ, trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong tám họa sỹ hàng đầu của đất nước được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1995), giải thưởng cao quý của Nhà nước ta, ghi dấu tài năng và công lao đóng góp to lớn cho sự phát triển của dân tộc dành cho các nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hóa.

Theo Danh nhân Hưng Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...