Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

 

NÀNG TIÊN TRONG CHUYỆN CỔ

 

                                             Truyện Ngắn của NgườiLàngCốm

 

 

Mặt trời đã tắt hẳn. Bầu không gian mênh mông một tấm vải xám bắt đầu trùm lên mọi vật. Những làn gió                đầu mùa cất tiếng thì thào gọi nhau, tụ lại ở phía Đông Bắc rồi lũ lượt dắt nhau dạo qua cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, ùa vào khu bãi rác ở cuối rìa làng, thổi bốc lên mùi hôi khẳn nồng nặc           

Một em bé gái còm nhom chừng chín mười tuổi, đầu đội chiếc mũ nan rách mướp, chân đi đôi dép nhựa cáu bẩn, đang một mình dò dẫm bên những vạt rác ngập ngụa đã bị đào bới tung tóe. Lưng em cúi gập, tay trái kéo lê một cái bao xác rắn cũ, tay phải cầm một cái móc sắt, móc dọc móc ngang những lớp rác rưởi ở quanh chân và căng mắt nhìn xem trong đám chất thải bẩn thỉu đang nhập nhoạng có lẫn những mảnh chai lọ, mảnh nhôm, mẩu nhựa nào để nhặt cho vào bao.

Trước lúc mặt trời lặn, em đã sung sướng ngồi nghỉ bên gốc cây gạo già ngay vệ bãi rác. Thế là tối nay em sẽ không bị chửi rủa,  em sẽ được ăn cơm rồi học bài xong, em sẽ đem cuốn truyện cổ tích mẹ mua và hay đọc cho em nghe hồi em mới ba bốn tuổi ra xem lại. Hồi xưa, chưa có điện, mẹ phải dí sách vào sát cái thông phong đèn để nhìn cho rõ chữ. Bây giờ , em được đọc trong ánh điện, tuy vàng nhạt nhưng rõ nét như ban ngày. 

Bỗng một thằng bé lớn hơn em đến năm sáu tuổi, tóc  đỏ râu ngô như như từ dưới các tầng rác chui lên đứng trước mặt em. Hai  mắt như mắt con chim ác của nó nhìn muốn xuyên thủng chiếc bao bì đã chật cứng phế thải của em. Nó bảo em, mày phải chia cho tao một nứa. Em lắc đầu không chịu. Thế là nó sấn lên, đẩy em ngã xấp xuống rồi giật phắt cái bao từ tay em trút sạch sang bao của nó và co cẳng chạy. Em khóc thét lên, lồm cồm bò dậy định đuổi theo, nhưng thằng kia đã mất hút, chỉ để rớt lại mấy tiếng cười xằng xặc. Nhặt cái bao bì rỗng lên, em ôm nó vào lòng nức nở khóc cùng cây gạo già. Cây gạo già chừng như cũng thương em lắm, nhưng biết lấy đâu ra phế liệu bỏ đầy lại bao cho em, chỉ ngậm ngùi nhẹ rung rinh cành lá quạt cho em mau khô nước mắt.

   Trời đã bắt đầu tối. Những làn gió lạnh nô rỡn tưng bừng hơn làm em gai lạnh khắp người. Nước mắt đã khô, nhưng em không còn nhìn thấy gì trong những mảng rác tối om. Em không thể bới nhặt phế liệu đươc nữa. Em sẽ phải mang cái bao bì rỗng này về và sẽ phải hứng chịu sự trừng phạt. Vừa nghĩ thế, nước mắt em lại tràn xuống má. Em lấy tay quyệt ngang, nhạt nhòa nhìn về phía làng. Đèn các nhà đã lần bật lên hòa vào nhau thành một vầng sáng vàng quạch, nhưng với em nó rực rỡ và ấm cúng làm sao. Ơ trong cái quầng sáng đó có một ngôi nhà nhỏ, hàng rào hoa hồng bụt bao quanh, mùa này đang nở đầy hoa đỏ. Ôi! Ước gì em có cánh dể bay về đó. Nhưng em sợ lắm. Ở đấy có một người đàn ông, một người đàn bà và một đứa bé trai chưa đầy một tuổi. Người đàn ông là bố em còn người đàn bà không phải là mẹ em, nhưng cả hai đều bắt em gọi bằng mẹ. Đứa bé trai , nó là em em nhưng không phải là con mẹ em đẻ ra. Mẹ em đã chết từ ngày em còn học lớp Lá trường Mầm Non của làng. Nó là con của bố em và người đàn bà ấy.

   Em nhớ lại những ngày em mới vào lớp Một mà đầy tiéc nuối. Hồi ấy, làng chưa có dây điện chạy qua. Tối tối, bên ngọn đèn dầu khét mùi khói, khi em ê a học ghép vần, bao giờ bố cũng ngồi bên cạnh cùng học với em. Năm sau lên lớp Hai thì bố lấy người đàn bà đó về. Tối tối, họ quấn quít nhau trong chái buồng mé phải trên cái giường gỗ soan trước đây của bố mẹ em và của cả em. Em một mình thu lu ngồi học học rồi một mình co ro ngủ trên chiếc giường tre kê ở chái buồng mé trái. Hàng ngày người mẹ mới bắt em đi kiếm rau lợn và làm các việc vặt trong nhà. Khi bà ta sinh đứa con trai, em phải còng lưng bưng nước cho bà ta lau rửa cho mình và cho đứacon. Nín thở đổ bô cứt đái cho  đứa bé, quạt tê dại cả hai cánh tay cho bà ta ôm con ngủ trong những buổi trưa hè nóng nực. Bố thì hầu như đã quên hẳn em. Mỗi khi xong công việc, bố chỉ quấn riết bên người vợ mới và đứa con. Bố bế bồng thằng bé, âu yếm vỗ về, thơm lên cổ, lên má và thơm cả cái chim nhỏ xíu như quả ớt con hồng hồng của nó. Tuy gần hai năm tối mắt hầu hạ mẹ con người đàn bà và buồn tủi bị bỏ rơi, nhưng em không thấy thế là khổ vì em vẫn còn được cắp sách đến trường

   Em mới thực sự thấy khổ từ ba bữa nay, khi mấy giờ hiếm hoi mỗi ngày với những niềm vui vàng ngọc bên cô giáo và các bạn bè của em bị tước đoạt nốt.

   Nửa năm về trước, xã đã bán khu đầm cạn ở cuối rìa làng cho công ty môi trường đô thị làm bãi chứa rác. Con đường đất nhỏ hẹp cũ được mở rộng và trải nhựa nối liền với con đường vào thành phố cho hàng chục chuyến ô tô màu xanh lá cây đến đổ rác vào mỗi ngày. Chỉ mới vài tháng mà lòng đầm như cái chảo khổng lồ đã trở thành một khu đồi rác hàng chục ngọn lớn bé úp kề bên nhau.

   Một sớm mai, có một người đàn bà núc ních béo kéo theo ba gã thanh niên bặm trợn không hiểu từ đâu đến, dựng loáng xong cái lán gỗ ở cuối làng rồi treo lên tấm biển sơn đen với dòng chữ trắng “Thu mua phế liệu”. Lập tức có ngay một đội quân hưởng ứng. Thoạt đầu là, mấy cặp vợ chồng chuyên sống nhờ bãi rác từ những ngõ ổ chuột trong thành phố đứng ra, dựng tạm bợ  mấy túp lều che bằng nững mảnh bạt cáu bẩn bên cạnh bãi. Họ bới nhặt và bán phế liệu cho bà béo. Mọi thứ đồ dùng sinh hoạt trong lều của họ từ cái xô, cái chậu đén ca uống nước...cũng đều tận dụng từ những thứ moi từ bãi rác. Thấy thế, những nhà dân ở gần đầm học theo. Rồi nhiều người khác ở trong làng cũng đổ ra. Đông nhất là con trẻ vì chúng không phải lo việc đồng áng lại rất nhanh nhẹn và không biết bẩn thỉu là gì. Người ta đồn, có đứa ngày kiếm được hai ba chục nghìn, quy ra thóc cả yến khiến đội quân bới rác mỗi ngày một thêm đông.

   Ba hôm trước, vào đúng bữa cơm trưa. Khi em vừa bưng bát lên, chưa kịp và một miếng thì người mẹ mới đã vứt ra cạnh nồi cơm một chiếc bao xác rắn và một cái móc sắt, bảo em: “Ăn xong, rồi ra bãi rác theo người ta bới tìm phế liệu, nghe chưa!” Em mếu máo hỏi lại: “Thế con phải bỏ học à?”  thì bị bà ta quát; ‘Đi học thì lấy cứt mà đổ vào mồm à!. Bố mày học hết lớp chín đấy  còn chả làm được trò trống gì, huống hồ cái lớp ba chưa xong của mày”. Bố em , một tay bế thằng con nhỏ, một tay cầm chén rượu trắng, cặp mắt đã ngầu đỏ chỉ khẽ liếc nhìn em rồi tợp hết chén rượu, không nói năng gì. Em sợ quá, không dám khóc mếu thêm, cố nuốt cho hết bát cơm rồi đứng dậy, len lét cúi đầu xách cái bao và cái móc sắt ra khỏi nhà.

   Nhưng không hiểu sao, hai chân em không đi thẳng ra bãi rác mà len lén vòng về phía trường học rồi dừng lại. Em nhìn ngôi trường sáng màu vôi vàng trong nắng giữa trưa . Rồi em hướng mắt về một khung cửa sổ sơn xanh ở cuối dãy hành lang trên gác. Đó là phòng học của em. Hơn tháng nay, trường có đoàn giáo sinh về thực tập vui lắm. Lớp em có thêm ba cô giáo mới: Cô Tâm, cô Thảo và cô Hương. Cả ba cô đều trắng trẻo, tóc chấm ngang vai, trông xinh tươi như ba chị nữ sinh học trên trường Huyện. Cô Thảo và cô Hương chỉ dạy một số tiết, còn cô Tâm thì vừa dạy vừa làm chủ nhiệm cùng cô Nụ, cô giáo chính của em. Giờ này, cô Tâm đang dạy trên lớp đây. Em yêu cô Tâm nhất. Em đã được cô khen mấy lần về tập đọc rõ ràng và làm Toán nhanh. Cô ơi! Cô có biết em đang khóc nhớ cô, nhớ các bạn không? Em không được đi học nữa rồi, cô ạ! Em phải đi bới rác đây! Nước mắt em lã chã hòa trong những lời nói thầm ấy.

   Ngày đầu tiên lạ lẫm với công việc, em chỉ đem về được một dúm phế liệu. Người mẹ mới mắng em là đồ ăn hại và dọa sẽ cho nhịn cơm nếu ngày mai vẫn còn lười bới tìm. Hôm sau, em không dám đi  qua trường học nữa mà lăn xả vào  những đống rác bẩn mà bới, quên cả mấy ngón tay bị mảnh sành mảnh chai cứa rướm máu, nhưng cũng chỉ đem về được nửa bao. Người mẹ mới bảo còn thua xa con nhà người ta, chỉ cho em ăn một bát cơm rồi ra lệnh: “Từ mai, tao khoán cho mày, mỗi ngày phải đủ một bao đầy. Nếu vơi thì mày sẽ ăn roi thay cơm”

   Vậy mà hôm nay...!

    Bây giờ trong cái bao rỗng mới chỉ có một vỏ hộp sữa, một vỏ chai nước ngọt, một mảnh bìa các tông mà trời thì tối mất rồi. Em biết làm sao đây?

     A! Em nghĩ ra rồi! Em sẽ chờ trăng lên để bới nhặt tiếp. Ôi, ước gì trăng mọc ngay lúc này! Trăng cho em ánh sáng để em nhìn tỏ mọi vật. Trăng xua tan cái lạnh cùng bóng tối như đang muốn ôm chặt lấy em cho em đỡ sợ. Tội nghiệp!  Em đâu có biết, tối nay là tối hai mươi Âm lịch, người ta ngủ một giấc tốt thì trăng mới lên.

    Bỗng sau lưng em nổi lên những tiếng sột soạt như có ai đang cào dưới mặt đất đẻ chui lên. Em hốt hoảng quay đầu lại thì những tiếng đó lại im bặt.  Chân tay em run lên bần bật. Trong đầu em hiện lên hình ảnh những con ma đầm lầy trong các truyện cổ. những con ma, có khi biến thành người, có khi biến thành con vật tìm cách bắt trẻ con đem về hang động ăn thịt. Em phải chạy về nhà ngay thôi. Ừ, mà sao em dại thế? Tối rồi thì phải về nhà chứ! Dù phải nhịn đói, phải ăn roi vọt còn hơn là ở đây dể ma đầm lầy bắt ăn thịt.

   Thế là em nhấc chân định chạy thì lại nghe nổi lên hàng loạt tiếng kêu “Chit, chít” sắc nhọn và ghê rợn. Ngay trước mắt em, lù lù trong bóng tối hiện ra một lũ chuột. Chúng đông tới mấy chục con, con nào cũng to xù. Đúng rồi , đây là những con ma đầm lầy hóa thành lũ chuột. Chúng hung hăng bởi rúc, mò thức ăn rồi phởn phơ gậm nhấm, tranh cướp nhau, nô rỡn nhau chí chóe. Bỗng cả đàn ngừng lại, tất cả vểnh mũi lên khịt khịt hít. Và khi phát hiện ra cái mùi thịt ngưới sống ngon ngọt, không con nào bảo con nào, chúng ập tới đớp chân em. Em đau điếng khóc thét lên ròi lẩy bẩy vung cái móc sắt ra để ngăn lũ chuột. Nhưng cái móc tuột ra khỏi tay khiến em sợ tối tăm mắt mũi, vội lao bắn ngay đôi chân khẳng khiu ra ngoài bãi rác. Hình như có ai đập một cái gì đó vào trán em làm hai mắt em tóe lửa đom đóm rồi ngã vật xuống, chết ngất bên gốc cay gạo già...

   Em mơ àng tấy mình như nằm trong vòng tay của mẹ. Nhưng sao tay mẹ lạnh thế, không ấm áp như ngày xưa. Cả khuôn mặt mẹ cũng thế, không mặn mòi dám nắng mà trắng bờn bợt như phủ một lớp  bụi vôi mỏng. Chỉ có đôi mắt vẫn đen hạt nhãn. Đôi mắt ấy đang trộn nước vào lời nói cũng vẫn hiền dịu như xưa:

-      Trời ơi! Sao con tôi lại ra nông nỗi này!

Những lời ấy như có phép lạ thổi bay hết mọi sợ hãi và đau đớn trong em. Em sung sướng vòng hai tay quấn chặt cổ mẹ:

-      -- Mẹ ơi! Mẹ đến cứu con đấy à? Mẹ đưa con về nhà nhé!

Mẹ hôn nhẹ lên vết thương trên trán em, nghẹn ngào nói:

-      -  Mẹ không thể đưa con về nhà được. Mẹ chỉ ôm con trong chốc lát thôi!

-      - Thế mẹ để những con ma đầm lầy lại đến bắt con đi hay sao? – Nỗi sợ hãi như lại bay về, em rúc đầu vào ngục mẹ cầu xin trong nước mắt.

-      - Không! Con đừng sợ. Sẽ có một nàng tiên đến cứu con!

-      -  Một nàng tiên hở mẹ?  - Em dụi mắt vào ngực áo mẹ, nhoẻn cười hỏi. Có phải nàng tiên tốt bụng trong chuyện cổ ngày xưa mẹ kể cho con ?

-      Phải đấy con ạ! Nhưng con phải ngủ đi một lát để chờ nàng tiên , con nhé!

-      Nói rồi, mẹ vỗ nhè nhẹ vào lưng em và ngọt ngào cất tiếng ru “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan...” Lời ru đã nằm sâu trong lòng em từ hồi em còn tấm bé khiến em thấy mình như có đôi cánh bay trong bầu trời có ánh trăng xanh dịu mát rồi chìm nhanh vào giấc ngủ.  

 

                 &

 

Em tỉnh dậy và thấy mình không nằm trong lòng mẹ mà trên chiếc giường một trong căn phòng vàng nhạt ánh điện, trên người đắp chiếc chăn hoa mỏng. Đây là đâu mà sao có vẻ quen quen? Em muốn ngồi dậy để nhìn cho rõ thì thấy đau nhói ở trên trán và nhân  ra ai dó đã băng cho em một miếng gạc bông. Có tiếng nói chuyện nho nhỏ ngoài hành lang nghe cũng quen quen:

-      -  Ừ, thương nó quá! Thôi chúng mình đi tìm chị Nụ đi!

À, thì ra tiếng cô Thảo và cô Hương. Vậy đây là phòng cô Tâm trong khu tập thể nhà trường mà em và các bạn ở lớp đã vào thăm. Làm sao mà cô Tâm lại cứu được em nhỉ? Em đang tìm câu tự trả lời thì có tiếng chân nhẹ bước vào phòng. Một cái bóng nhỏ xinh, hai tay bưng cái bát tô in nổi lên tường khẽ tiến lại giường em nằm, cất giọng trìu mến:

-      -  Vui, đã thức chưa?

Rồi cái bóng nhỏ xinh ấy đặt bát lên bàn. Mùi hanh hoa và thịt lợn lạc bốc lên ngào ngạt hương vị ngon lành của cháo thịt, nhưng em không thấy đói khi nhân ra giọng nói trìu mến của cái bóng nhỏ xinh ấy là tiếng cô Tâm. Em thổn thức cõi lòng vì mấy ngày nay mới lại nghe có người gọi em là Vui, cái tên mẹ đặt cho em khi mới chào đời với niềm mơ ước em sẽ có một cuộc đời vui sướng hơn cha mẹ. Từ ngày sống  với người mẹ kế, chỉ những lúc ở trường em mới dược cô giáo và các bạn gọi bằng cái tên ấy. Ở nhà, người mẹ kế chỉ gọi em bằng những tiếng: con kia, con ranh, mày.

Cố quên vết thương trên trán, em ngỏng cổ lên khỏi giường, căng mắt nhìn vào khuôn mặt người đang quạt cháo và thấy lòng thật bình yên vì đúng là cô Tâm chứ không phải là cái bóng trong mơ:

-      -  Cô ơi! Cô đã đuổi những con ma đầm lầy cứu cháu, hả cô? – Em hổn hển hỏi và chỉ lo cô biến mất như mẹ em hồi nẫy.

-      -  Những con ma đầm lầy nào, hả em? – Cô Tâm mỉm cười nhìn đôi mắt đã hồi sinh của em.

-       - Chúng biến thành một đàn chuột kếch xù xông tới cắn cháu mà!

-      -   À, cô hiểu rồi! – cô Tâm vui vẻ cười thành tiếng rồi ân cần giảng giải – Đó là lũ chuột sinh sống trong bãi rác đấy. Đã từ lâu, đầm rác trở thành xứ sở béo bở của nhiều loài vật. Ban ngày nó là cái mâm khổng lồ đầy thức ăn cho ruồi nhặng nhung nhúc, chó hoang xục xạo, diều hâu lượn lờ kiếm sống. Ban đêm nó là vương quốc hoàn toàn thuộc về lũ chuột, chứ không phải là ma quỷ gì đâu, em ạ!

-      - Thế làm sao cô biết cháu bị lũ chuột ngoài bãi rác định ăn thịt mà ra cứu cháu?

-      -  Chiều nay cô có việc phải vào thành phố, gần tối thì trở lại trường. Bác xe ôm đi đường tắt ven bãi rác cho nhanh. Nhờ ánh đèn xe máy, cô nhìn thấy em ngất xỉu bên cây gạo già. Mà này, cháo hết nóng rồi, ăn đi, Vui nhé!

  Cô Tâm vừa nói vừa luồn tay đỡ em ngồi dậy Em nhận ra chân tay em đã được lau rửa sạch sẽ. Trên người em, bộ quần áo hôi hám mùi rác bẩn đã trút bỏ, thay vào đó là bộ đồ người lớn rộng thùng thình còn thơm mùi nắng. Bộ đồ này , em thấy cô Tâm hay mặc ở nhà.

   Như con chim mẹ mớm mồi cho con, cô Tâm tay trái bưng bát cháo, tay phải xúc từng thìa đưa lên miệng em khiến em bùi ngùi nhớ lại lời mẹ kể ngày xưa, hồi em đến tuổi ăn bột, bao giờ cũng phải đủ hai người: Bố vừa bưng bát vừa làm trò vui, mẹ vừa nựng vừa bón từng thìa một. Mẹ ơi! Con giờ cũng đang được cô giáo xúc cho từng thìa cháo đây!

Ăn xong, cô Tâm lấy khăn rửa  mặt cho em. Em  nhìn chăm chăm vào cô và lờ mờ nhớ lại lời mẹ nói trong mơ rồi buột miệng kêu lên:

-      -  Đúng là cô tiên rồi!

-      -  Cô tiên nào hả em?

-      Cô tiên trong chuyện cổ mẹ cháu hay kể cho cháu nghe hồi trước. Mẹ cháu mất lâu rồi nhưng ban nãy, mẹ cháu đã hiện về báo cho cháu biết sẽ có một cô tiên đến cứu cháu.

-      Tội nghiệp, em vẫn còn chưa tỉnh hẳn. – Cô Tâm khẽ thở dài thương hại. – Không có bác xe ôm, có lẽ cô cũng chẳng biết xoay sở ra sao. Bác ấy thật tốt bụng đã tìm mọi cách cùng cô đưa em về đây đấy. Mà hình như cô Thảo cô Hương đi tìm cô Nụ đã về!

Cô Tâm vừa xong thì cửa phòng bật mở. Cả ba cô Thảo, Hương và Nụ cùng ùa vào. Cô Nụ hai mắt đỏ hoe ngồi xuống mép giường ôm chặt lấy em:

-      -  Phúc đức quá! Cháu tai qua nạn khỏi rồi!

- Nói xong, cô hướng ra phía cửa gọi to:

-      - Anh vào với cháu đi!

CCánh cửa phòng ngượng ngập mở. Ô kìa, bố em! Bố em với bộ mặt xanh xám vẻ sợ hãi và hổ thẹn, cất tiếng lí nhí chào bốn cô giáo rồi cứ đứng nguyên tại khung cửa như một học sinh bị phạt chưa được phép về chỗ. Thấy thế, cô Tâm bước lại gần bố em, ân cần nói:

-      =  Anh lại với cháu đi cho nó mừng!

Chỉ đợi có thế, bố em lao ngay lại bên giường, cúi xuống nắm chặt đôi tay nhỏ bé của em rồi ngẹn ngào khóc nấc lên. Những hạt nước mắt  của bố như những hạt mưa xuân ấm áp rơi vào tay em làm em nức nở khóc theo. Ngước đôi măt đỏ hoe nhìn lên các cô giáo, bố lắp bắp nói:

-      -  Cảm ơn các cô đã cứu con tôi. Giờ xin  các cô cho phép tôi đưa cháu về nhà.

-      -  Vâng! Nhưng trước khi đưa cháu về, em muốn trao đổi với anh vài lời. – Cô Tâm ôn tồn nói – Nếu anh đồng ý, xin mời anh ra ngoài hành lang một chút!

Nói xong, cô ra ngay khỏi phòng. Bố em như một anh học trò ngoan ngoãn bước theo. Cô Nụ  nhìn theo cười vẻ hài lòng lắm, rồi với tay lấy cái lược trên giá sách xuống chải đầu cho em. Em ngồi yên khoan khoái tận hưởng từng lát chải êm ái. Không hiểu cô Tâm nói gì mà bỗng thấy tiếng bố em vang lên rành rọt:

-     -   Xin cô hãy tin tôi!

Rồi hai người trở vào trong phòng. Cô Tâm vui vẻ nói:

-     -   Đáng lẽ tối nay chúng em để cháu ở đây cho nó hoàn hồn đã nhưng em tin ở anh. Giờ anh đưa cháu về nhà cho nó ngủ tiếp đi. Ngày mai, chúng em sẽ đề nghị nhà trường lên báo cáo lên báo cáo với lãnh đạo xã về tình trạng học sinh bỏ học đi bới rác và xin ý kiến vận động các em trở lại trường.

Nghĩ đến phải về căn nhà có người mẹ ghẻ, em thoáng rùng mình sợ hãi.Nhưng nhìn vẻ mặt bố hồng hào tươi tắn dưới ánh điện, những nỗi sợ hãi tan loãng ngay. Lâu  lắm, em mới  thấy lại vẻ mặt hiền hậu đáng yêu của bố. Lâu lắm, tối nay em mới lại được bổ cầm tay. Bố lại còn khóc vì em nữa.

-      --  Xin các cô hãy tin tôi! – Bố rành rọt nhắc lại lời vừa nói với cô Tâm, rồi cúi người thấp xuống, xoay chìa cái lưng về phía em- Con chào các cô đi rồi bố cõng về nhà.

-      Em đặt chân xuống giường, mạnh dạn đứng dậy và cúi đầu lễ phép:

-      - Cháu chào các cô ạ!

-      Em rất muốn hỏi một câu: “Các cô ơi, ngày mai cháu có được đi học không?” Em cũng muốn nói cho các cô biết “Cháu sẽ đi bới rác và phải chịu cả roi vọt. Nhưng cháu chỉ xin được đi học.” Vậy mà không hiểu sao cái miệng em không nói ra được những lời nói đó mà lại nói sang chuyện khác:

-     -  Thưa cô, còn bộ quần áo này! – Em chỉ tay vào bộ quần áo hoa của cô Tâm đang mặc.

-      - Em cứ mặc đi, bao giờ đưa lại cho cô cũng được. – Cô Tâm tươi cười nói.

-     -  Em cám ơn cô! – Em đáp , rồi quàng hai tay lên cổ bố.

 &

 Thấy em về, người mẹ kế ở lì trong phòng buồng không ra hỏi han một lời, nhưng em thấy không còn sợ hãi bà ta nữa. Em  bước vào buồng lễ phép nói:  "Thưa mẹ,con đã về”. Bà ta liếc xéo em một cái rồi hắt ra những lời mát mẻ: ”Tao có bắt mày đi bới rác đêm đâu mà mày định đổ tiếng ác cho tao! Thôi! Ra ngoài đi cho thằng cu nó ngủ!”. Em ghé mắt nhìn thằng bé đang nằm trong màn rồi lễ phép chào mẹ nó đi ra.

Ở gian nhà ngoài, bố đã cắm ba nén hương trên bàn thờ. Bố dắt em lại trước ảnh mẹ bảo em vái lạy mẹ. trong làn khói hương phảng phất, em thấy đôi môi hiền dịu của mẹ trong ảnh như màu hoa đào đang mỉm cười. Em muốn kể cho bố biết, em đã được mẹ ôm ấp ru ngủ ra sao khi em ngã rụi bên gốc cây gạo già. Nhưng bố em đã đã bảo:

-     -  Con vào giường ngủ trước đi. Lat mữa bố sẽ ngủ cùng con cho con đỡ sợ

Rồi bố bước vào buồng người mẹ kế, Hai người rì rầm một lúc, bỗng bật lên tiếng trì chiết của người vợ:

-      -  Sao anh ngốc thế! Người ta cho mà lại không nhận, Năm trăm nghìn chứ có ít ỏi gì đâu. Bộ anh chê tiền à?

-      -  Tôi không chê tiền! Giọng bố rất nhẹ nhàng. – Những đồng tiền ấy là tấm lòng cao cả của các cô giáo để giúp đỡ nhà ta, nói cho đúng hơn là cho con Vui trong cơn hoạn nạn , thật quý lắm chứ. Nhưng tôi không nhận bởi tôi dã nhận một thứ còn quý hơn từ các cô ấy.

-     -   Cái gì mà quý hơn tiền? Vàng à?

-     -   Không! Đó là bài học làm người, làm cha mẹ.

-      -  Hôm nay sao anh ăn nói văn hoa thế?

-      -  Cô đừng diễu tôi ! Cô đã nói thương tôi cảnh gà trống nuôi con, xin cô hãy thương cả đứa con mồ côi mẹ nó. Từ nay tôi sẽ cố làm người cha tốt của nó!

-      -  Thì có ai không cho anh làm người bố tốt của con anh đâu!

-      - Đung, từ mai tôi sẽ tìm kiếm công việc và nai lưng ra làm để có tiền cho gia đình. Nếu cần tôi sẽ đi bới rác thay con Vui. Nhưng nó và cả thằng cu sau này lớn lên, nhất định phải được đi học. ngay chiều mai, tôi sẽ đưa con Vui trở lại trường.

Không thấy người mẹ kế nói gì. Vậy là chiều mai em sẽ được đi học lại. Căn nhà im lặng khiến em nghe rõ cả nhịp đập vui sướng rộn rã trong trái tim mình. Em muốn nói ngay với bổ và người mẹ kể rằng, em sẽ không để bổ phải đi bới rác đâu, Ngoài giờ đi học, em đi bới rác được mà!

 

&

 

Đêm ấy em ngủ rất ngon sau dằng dặc bao đêm phải thui thủi ngủ một mình. Nhưng kỳ lạ thay, em lại thấy mình không nằm trong lòng bố mà nằm gọn trong vòng tay mềm mại của cô giáo Tâm. Mùi hương dầu bồ kết từ mái tóc cô tỏa ra thơm ngát khắp gian buồng, ru em vào một giấc mơ rất đẹp:

  Chiều hôm sau, cô Tâm dắt tay em đến trường. Trên con đường làng tràn ngập nắng vàng trong trẻo, thoảng bên tai, trong tiếng chim hót ríu ran, em nghe thấy cả tiếng mẹ em dịu êm như hơi gió nhẹ:

Nàng tiên trong chuyện cổ của con đấy

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...