Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

 Đ Ộ I T Ư Ờ N G

 


Giang hồ có lệ: một khi người trong giới đã nhận ai là anh em thì người ấy sẽ là anh em chung của tất cả.
Tôi quen Đội Tường theo lệ này.
Sau bốn năm rưỡi ở Xà lim Án Chém tại Hoả Lò Hà Nội rồi xà lim Quân pháp Bất Bạt, tôi được đưa lên trại Tân Lập, Phú Thọ. Tôi quen Châu Bún, một tay anh chị, ở trại này.
Trong bộ lạc tù hình sự sự phân chia đẳng cấp rất rõ rệt. Đẳng cấp cao nhất thuộc về những tay giang hồ khét tiếng. Thấp nhất là những tên ăn cắp vặt được gọi là lũ “vét đĩa”. Ban quản lý trại giam nhét tôi vào đây có chủ ý – họ tin rằng tôi sẽ bị những “đầu gấu”, còn được gọi là các “sĩ quan”, cho biết thế nào là lễ độ.
Con người ta ai cũng có sẵn một căn tính không thể tách rời, không thể uốn nắn. Tôi cũng vậy.
Một hôm, tôi có “tiếp tế”. Tôi bảo chú em nằm chiếu bên:
- Lấy bao Điện Biên “chác” (đổi) cho anh lấy cái “xiểng” (hòm), nhớ là phải có “khuếch khựa” (khoá Tàu), rồi cho tuốt vào đấy kẻo bị “đột” (trộm).
Theo thông lệ, bữa đầu tiên của người vừa có tiếp tế là bữa thết các “sĩ quan”. Tôi làm chuyện trái khoáy – tôi không mời “sĩ quan” mà mời “lính vét”.
“Lính vét” là thứ tù hạng bét trong các loại tù. Trong đám “lính vét”, hoạ hoằn mới có tên được gia đình “tiếp tế”. Không chịu được cái đói triền miên, “lính vét” nhét đủ mọi thứ có thể nhét vào bụng. Thậm chí vỏ khoai lang vứt dưới đất “lính vét” cũng nhặt lên nuốt chửng. Khi quá đói, họ mua chịu những suất ăn của trại. Không trả đúng hạn thì một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám, cứ thế nhân lên.
Hôm sau tôi mới mời các “sĩ quan”.
Tôi bảo:
- Các chú đừng lấy làm lạ. Anh đãi chúng nó trước vì chúng nó đói dài. Còn hôm nay là bữa có nhiều món sang hơn anh dành cho anh em ta.
"Sang" ở đây có nghĩa là có kẹo bánh, “ken tẩy” (thuốc lá điếu). “Lính vét” thì tôi đãi thuốc cuốn, thứ thuốc vụn của nhà máy Thăng Long.
Châu Bún là một trong những đàn anh trong trại. Quan sát cách ứng xử của tôi, Châu Bún ưng cái bụng. Chúng tôi trở thành bạn.
Làm bạn với Châu Bún, được Châu Bún tôn làm đàn anh có nhiều cái lợi. Trước hết và trên hết là được hưởng sự vì nể của các loại tù. Không “lính” nào dám đụng vào người được Châu Bún tôn làm đàn anh.
Tôi quen Đội Tường là qua Châu Bún.
Đội Tường bảo:
- Nó đã là em anh thì em cũng là em anh.
Đội Tường là một trong số ít đàn anh giang hồ. Có nhiều lời đồn về tay này. Nào là Đội Tường có bàn tay sắt, chỉ một nhát chém vào cổ là hạ gục đối thủ. Nào là Đội Tường có cú song phi không ai sánh nổi, đã tung ra là kẻ chịu trận chỉ còn nước quy hàng.
Danh Đội Tường nổi như cồn sau vụ thoát mười ba lệnh truy nã. Rồi giữa công an và Đội Tường dường như có một giao ước hoà bình - công an bỏ truy nã, Đội Tường rửa tay gác kiếm, vĩnh biệt giang hồ.
Gần Đội Tường tôi thấy chú em này có một đặc điểm hiếm hoi – thích đọc sách, quý văn nhân, nghệ sĩ. Nhờ sự quý này mà tôi được nghe vô số chuyện ly kỳ, khi nào rảnh tôi sẽ viết.
Tạm kể ở đây một chuyện.
Lần đầu tiên sau năm 1975 Văn Cao vào Sài Gòn. Hồi ấy Văn Cao yếu lắm, đi phải chống gậy. Vợ chồng tác giả “Tiến quân ca” ở nhờ trụ sở Đoàn Văn công Nam bộ.
Văn Cao có nhiều người ái mộ. Ông luôn được mời tiệc tùng. Chỉ khi nào các cơ quan, các đoàn nghệ thuật mời, Văn Cao phu nhân nổi tiếng khó tính mới cho ông đi. Với điều kiện phải có bà đi cùng.
Có lần Đội Tường hỏi tôi:
- Anh quen ông Văn Cao chứ?
- Quen. Còn thân nữa là đàng khác.
- Hôm nào cho em gặp ông ấy nhá.
- Được. Anh sẽ đưa ông ấy đến chơi với chú.
- Thế thì còn gì bằng.
Tôi hứa vống. Nhưng rồi dịp may cũng đến.
Tôi hỏi Văn Cao phu nhân:
- Bà cho tôi đưa ông ấy đi chơi phố nhá?
- Với người khác thì không. Đi với ông thì được.
Tôi chở tuốt Văn Cao vào nhà Đội Tường.
Đôi Tường vui lắm. Từ trên gác chạy xuống bế thốc Văn Cao lên.
- Anh ấy nhẹ bỗng, anh ạ.
Hôm ấy nhà Đội Tường vui như tết. Đội Tường hạ bàn đèn xuống, làm bồi tiêm cho Văn Cao. Văn Cao làm liền tù tì mấy “bi”. Tôi che tàn Văn Cao, bắn hai “bi”.
Bốn năm rưỡi nằm xà lim tôi tập yoga nên dài hơi, điếu ro ro không dứt. Văn Cao trợn mắt:
- Ơ hay cái thằng này. Mày hút từ bao giờ mà nghệ thế?
Với thuốc phiện tôi không lạ. Giao du với dân làng bẹp, được họ mời tôi cũng hút xã giao, nhưng không thấy thích thuốc phiện – nó nhạt phèo so với thuốc lá, đã thế còn gây ngứa khắp người. Chưa kể cái trạng thái bồng bềnh, lênh phênh sau đó – muốn đi mà lại không thể đi, muốn nằm mà lại không thể nằm…
Đội Tường là người quảng giao. Sai đàn em chạy một loáng đã đủ mặt bằng hữu Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi… trong Chợ Lớn. Xúm quanh Văn Cao, người châm, người cứu, người xoa bóp, đủ kiểu.
Rời khỏi nhà Đội Tường, Văn Cao bảo:
- Mày thế mà khá. Tao không ngờ đấy.
Hôm ấy là một ngày vui của Văn Cao. Ngồi sau xe Honda 67 xoáy nòng của tôi, Văn Cao hét vào tai tôi:
- Cứ phóng. Tao không ngã đâu. Giờ tao vứt gậy đi được rồi.
Tối hôm ấy có Đêm nhạc Văn Cao ở Nhà hát Thành phố. Thính phòng không còn ghế nào trống. Các ca khúc đã lâu bị cấm vang vang trên vòm trần.
Ca sĩ Thanh Lan quên lời, kéo tôi vào hậu trường bắt tôi nhắc.
Trong khi Thanh Lan tập lại, để lấp chỗ trống, tôi bước ra sân khấu, xướng bài thơ “Chiếc Xe Xác Đi Qua Phường Dạ Lạc” Văn Cao viết năm 1945.
Đến đoạn cuối:
Mưa mưa hằng thao thức
Trong phố lội đìu hiu
Mưa mưa tràn trên vực
Hang tối gục tiêu điều
Mang linh hồn cô liêu
Tiếng xe càng ám ảnh
Tiếng xe dần xa lánh
Khi gà đầu ô kêu.
thì cử toạ vỗ tay ran, rất dài.
Tôi nhìn xuống, thấy Văn Cao quệt nước mắt.
Đội Tường đợi tôi trong hậu trường:
- Bài thơ hay tuyệt, anh ạ. Hôm nay em mới được nghe đấy.
Văn Cao còn sướng hơn:
- Người trong giang hồ mà thích nó thì tao không còn ân hận gì nữa.

                                                                                    VŨ THƯ HIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...