LÀNG TA - Truyện
ngắn Nguyễn Bàng (Sài Gòn)
Đặng
Xuân XuyếnLeave
a Comment
LÀNG TA
*
Tối Chủ nhật một ngày chớm hè.
|
“Phát
biểu cảm nghĩ về bài ca dao:
Làng
ta phong cảnh hữu tình.... "
Mở tập bài, xem lướt qua một lượt, Hằng
thấy lòng vui vui vì bọn trẻ nhỏ của cô đã tiến bộ nhiều về chữ viết. Nhưng khi
chấm được 5 bài đầu thì niềm vui nhỏ bé ấy vụt tắt ngấm. Hằng không tìm thấy đoạn
văn nào có cảm xúc nồng hậu cả. Một thoáng thất vọng gợn lên trong lòng cô
giáo, chả lẽ bài dạy của cô đã nhạt nhẽo như mấy giọt nước mưa cuối mùa, không
có sức thấm vào hồn con trẻ?
Chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Hằng vội
đặt cây bút mực đỏ xuống bàn và ra mở cửa. Khách là một người đàn ông trạc trên
bốn chục tuổi, lịch sự trong bộ áo quần mùa hè màu sáng. Ông ta dựng chiếc xe
máy bóng nhoáng trên vỉa hè, nhã nhặn cúi đầu chào cô giáo và tự giới thiệu:
- Thưa cô, tôi là bố cháu Hải Minh.
Xin cô cho phép được gặp đôi phút ạ !
Hằng chào đáp lại và mời khách vào
nhà. Khi cô rót xong chén nước lọc, quay ra mời khách thì thấy ông ta đã đặt một
túi lớn cam ở trên bàn và nhìn cô tươi cười nói:
- Gia đình có chút quà đem biếu cô!
Hằng nhẹ nhàng từ chối:
- Cảm ơn ông đã đến thăm còn món quà
này...Cô chưa kịp nói hết lời thì ông khách với nụ cười rạng rỡ đã lại nhanh nhảu
nói:
- Cam vườn nhà đấy cô ạ! Mong cô vui
lòng nhận cho!
Nghe ông ta nói “Cam vườn nhà”, Hằng
giấu một nụ cười thầm và tự hỏi. Ông Phụ huynh học sinh này muốn gì đây ? Hơn
mười năm dạy học, cô đã tiếp khá nhiều cha mẹ học sinh đến nhà và cho quà như
thế này. Người nào cũng bảo; Đây là quà của nhà, không phải mua tốn kém gì. Thậm
chí có bà đem cho cô một mảnh vải đẹp để may một bộ quần áo thời trang cũng đã
cười rất hồn nhiên mà rằng: Vải của nhà đấy cô ạ! Rồi sau những nụ cười
và những câu nói như thế, các vị ấy dần dà đi đến cái đích của việc đến
thăm cô giáo. Là bố mẹ những học sinh khá hoặc giỏi, thì họ làm thân, tỏ lời cảm
ơn cô giáo đã tận tụy dạy dỗ chăm sóc con cái họ và mong sẽ được cô quan tâm tới
cháu hơn nữa. Là bố mẹ các cô cậu có sai phạm gì đó hay học quá yếu kém thì họ
xin cô giáo cảm thông ”Con dại cái mang”, ‘Trăm sự nhờ cô giáo”, mong cô tha thứ
cho cháu hoặc nâng cho cháu thêm ít điểm để cháu được lên lớp...Nhưng bây giờ
trước mặt Hằng là ông bố của Hải Minh. Con ông ta là một đứa bé hiền lành ngoan
ngoãn, sức học trung bình, không có gì nổi trội cả. Hằng dạy nó từ năm lớp 6 đến
nay đã gần hết năm lớp 7. Đã năm lần lớp họp phụ huynh học sinh, Hằng chỉ thấy
mẹ của Hải Minh đi họp. Nghe đâu ông bố làm giám đốc một công ty Nhà nước, bận
lắm. Vậy mà hôm nay...
Chừng như đoán rằng cô giáo sẽ lại từ
chối món quà của mình, ông bố Hải Minh nói tiếp luôn:
- Chả là thế này cô giáo ạ! Hôm thứ
hai đầu tuần này, cháu nhà tôi đi học về với tâm trạng phấn chấn khác thường.
Trong bữa cơm, nó hớn hở khoe với vợ chồng tôi là lớp nó vừa được học mấy bà ca
dao về quê hương hay lắm. Rồi nó quên cả bát cơm đang bưng trên tay, lấy giọng
diễn cảm đọc làu làu một hơi bài “Làng ta phong cảnh hữu tình” cho bố mẹ
nghe. Đọc xong, nó ngước mắt nhìn mẹ nó rồi nhìn tôi một cách hãnh diện tựa hồ
như ở nhà này, chỉ có mình nó biết bài ca dao đó. Rồi bất chợt nó hỏi tôi:
"Bố ơi! Cái Làng ta của nhà mình ở đâu hở bố? Phong cảnh ở đó có hữu tình
như bài ca dao cô giáo đã dạy con không? Hôm nào bố cho con về làng ta chơi
nhé!”
Khách ngừng lời, nhấp một hớp nước nhỏ.
Cô giáo thoáng thấy vẻ mặt ông ta hơi ửng đỏ như có chút gì ngượng ngập. Cô
đang lựa lời để nói câu gì đó cho ăn nhập với câu chuyện thì đã thấy ông khách
hạ thấp giọng và chậm rãi nói:
- Thú thật với cô giáo, câu hỏi của
cháu làm cho lòng tôi áy náy nhớ đến quê nhà mà đã bao lâu xa cách. Năm 18 tuổi,
tôi lên thành phố học Đại học. Năm năm đời sinh viên miệt mài đèn sách, tôi chỉ
về thăm quê khoảng hơn chục lần, đó là những dịp nghỉ hè hay nghỉ Tết. Ra trường
với mảnh bằng trong tay, tôi hết vào công sở này sang công ty khác, mải mê lập
nghiệp và say sưa làm giàu. Lần cuối tôi về quê là khi tôi đã sắm được nhà ở
thành phố, về để đón bố mẹ tôi lên sau khi đã thư từ thuyết phục được hai cụ
bán nhà đất cho một ông chú họ. Tệ hơn nữa là, khi bố mẹ tôi lần lượt qua đời,
tôi cũng lại lần lượt bước qua lời nguyền của hai cụ là đưa các cụ về an nghỉ ở
cánh đồng làng. Tôi đã bỏ ra một món tiền lớn mua một khu đất đẹp, trong khu vực
một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở ven thành, xây mộ đẹp đặt hài cốt hai cụ ở đó để
hàng năm vào các dịp Thanh minh giỗ Tết , tôi đưa vợ con đi thăm mộ cho gần.
Bàn chân tôi như cánh chim bay đã đưa tôi đến rất nhiều nơi xa xôi hàng nghìn
cây số. Tám giờ sáng, tôi còn làm việc ở Hải Phòng nhưng chỉ đến hai giờ chiều,
tôi đã đang họp ở thành phố Hồ Chí Minh. Hàng chục lần, tôi đã xách cặp bay ra
nước ngoài để ký kết các hợp đồng kinh tế...Vậy mà, cái làng quê nhỏ bé của
tôi, chỉ cách nơi tôi ở chưa đầy một trăm cây số thì cứ lùi xa, lùi xa vào dĩ
vãng. Phải đến lúc cháu Hải Minh hỏi, tôi mới chạnh nhớ cái “Làng ta” của tôi,
của con tôi, nơi cũng có một khúc của con sông Lụa uốn qua. Khúc sông đó giờ ra
sao? Người dân quê tôi đã đổi mới như thế nào?
Như không hề biết, tôi đang nghĩ ngợi,
điều gì cháu Hải Minh lại hồn nhiên nói tiếp:
- Cô giáo giảng rất kỹ cho chúng con
hiểu ý nghĩa của từng từ ngữ như : Làng ta là thế nào? Hình ảnh con long đẹp ra
sao, người dân quê ta truân chuyên nghề nghiệp lam lũ mà đáng yêu biết mấy. Và
kết thúc bài dạy, cô bảo với cả lớp: “Là người Việt Nam, hầu như chúng ta ai
cũng có một cái làng quê thiêng liêng gần gũi. Và trong chúng ta, ai cũng mang
cội nguồn từ một người dân quê chân chất thô mộc và bình dị. Cô mong rằng, các
em đừng bao giờ đánh mất những nét đẹp vô giá đó!”.
Nghe cháu kể say sưa về bài giảng
“Làng ta” của cô, tôi càng thấy áy náy trong lòng. Và như để chuộc lại lỗi lầm
của mình, tôi bảo cháu:
- Được, bố sẽ thu xếp đưa mẹ và con về
thăm làng ta vào cuối tuần này. Và chính vì vậy, từ chiều hôm qua, thứ bẩy
đến hết hôm nay, chủ nhật, chuyến đi của chúng tôi đã được thực hiện. Về đến
nhà, tôi phải đến ngay cô giáo để cảm ơn.
Đáp lại thịnh tình đó, cô giáo Hằng ân
cần hỏi:
- Thưa ông, hẳn là cháu nó vui sướng lắm?
- Vâng! Tôi có cảm giác nó như một con
chim non được về tổ ấm. Chúng tôi đưa cháu đi thăm hỏi bà con họ hàng, đi xem
các cảnh đẹp xưa cùng các công trình mới xây dựng gần đây của làng, rồi ra
ngoài đồng thăm bà con quê tôi đang bắt đầu gặt “Vụ năm”, chỗ nào cháu nó cũng
mải mê ngắm nhìn hình như không muốn rời chân. Nhưng có lẽ vui sướng nhất khi
được tắm mát trong khúc sông Lụa. Vừa trông thấy mặt sông, nó đã reo lên thích
thú: “Con long của làng ta đẹp quá!”
Mà cô giáo ạ! Không chỉ mình cháu nó
vui đâu. Mẹ nó cũng vui. Tôi cũng rất vui. Tôi có cảm giác mình đã làm một chuyến
hành hương đầy bổ ích. Đã lâu lắm, tôi mới lại thấy mùi thơm của rơm rạ và cỏ
hoa đồng nội, được sống lại với buổi chiều quê mát mẻ, được hưởng lại một đêm
trăng, thơ mộng huyền dịu ở làng quê và nếm lại hương vị dẻo thơm của bát cơm gạo
mới. Còn cái này nữa, cái quý giá nhất là, tôi đã kịp níu kéo lại cái “Làng ta”
của tôi mà chính tôi xuýt để vuột mất!
Khách vừa nói vừa từ tốn đứng dậy như
có ý muốn tạ từ:
- Chắc bây giờ cô giáo sẽ không nỡ từ
chối chút quà quê của tôi. Cam này bố tôi trồng hồi sinh thời cụ, nay được ông
chú họ tiếp tục chăm bón đấy. Trước khi ra về, tôi xin cảm ơn cô đã dạy cho con
tôi một bài học quý báu. Mà đó cũng là bài học cho cả tôi nữa.
Cảm ơn và tiễn khách ra về, cô
giáo Hằng trở lại bàn chấm bài. Cô lật tìm bài của Hải Minh xem thằng bé viết
ra sao. Đây rồi, thằng bé viết bài này dài hơn hẳn các bài trước. Hằng chăm chú
đọc. Hình như có một giọng điệu Hải Minh khác trong mạch văn trôi chảy với những
cảm xúc dạt dào đằm thắm của một đứa trẻ lần đầu tiên được biết đến
cái “Làng ta” trong một bài ca dao cổ.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
-
Các
bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bàng0
-
Các
bài viết của (về) tác giả Dương Ninh Ninh0
-
Các
bài viết của (về) tác giả Nguyễn Khôi0
-
Các
bài viết của (về) tác giả Vũ Thị Hương Mai0
- Các bài viết của (về) tác giả Châu thạch
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: 61B,
ngõ 311, đường Đằng Hải,
quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Email: bnguyen37@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét