ẢO
ẢNH ĐÊM BA MƯƠI - Truyện ký Nguyễn Bàng (Sài Gòn)
ẢO ẢNH ĐÊM BA MƯƠI
*
|
(Tác giả Nguyễn
Bàng)
|
Còn gần 4 tiếng
đồng hồ nữa mới tới Giao thừa. Về già đã quen ngủ sớm, bèn bảo đứa cháu gái:
- 11 giờ hơn thì
gọi ông dậy để cúng Giao thừa, cháu nhé!
Rồi vào giường
nằm ngủ.
Nhưng kỳ lạ quá,
vừa ngả lưng bỗng thấy ngập tràn trước mắt một biển rực rỡ ánh vàng lấp lánh.
Vội ngồi dậy thì thấy ngay trên bức tường sát bên giường toàn một màu vàng bèn
lấy tay sờ thử xem là ánh sáng hay là gì thì thấy bàn tay chạm vào mấy thoi
vàng ram ráp và gan bàn tay mát rượi. Mở to mắt ra nhìn thì chao ôi, mảng tường
ghép toàn những thoi vàng thật. Nhìn sang mấy bức tường bên cạnh thì cũng thấy
bức nào bức ấy xếp kín vàng thoi từ chân tường lên đến trần nhà. Ý định đi ngủ
sớm bỗng tan biến hết, vội đứng dậy đi tới bàn đọc sách để ngồi ngắm mấy bức
tường vàng thì kỳ lạ chưa, trên bàn, dưới gầm bàn và cả khu nền nhà quanh bàn
đầy ắp những tiền, cả tiền kim loại lẫn tiền giấy, đủ loại từ tiền xu xỏ lỗ
thời vua chúa đến tiền Việt Nam đồng thời nay và có đủ mặt các ngoại tệ mạnh
như Đô la Mỹ, Bảng Anh, Euro…Vậy là mình đang ở trong một căn phòng đầy tiền và
vàng. Lòng dạ lâng lâng sung sướng có cảm giác như vừa tìm ra được câu thần chú
“Vừng ơi, mở ra” và Vừng đã đem đến cho mình một kho báu đầy ắp.
Lòng tự hỏi
lòng, phải chăng mình một đời ăn lành ở hiền nên về cuối đời, Trời đã cho Vừng
biến căn phòng này thành kho báu?
Không phải là kẻ
tham phú phụ bần, nên thấy mình bỗng chốc trở thành một Ali Baba giàu có thì
vụt nhớ lại ngay những năm nghèo hèn cay đắng.
Hồi học ở Hà
Nôi, có lần xem cuốn phim “Le salaire de la peur” của Pháp. Thời
ấy chưa có kiểu thuyết minh lại càng không có mốt lồng tiếng ngô ngọng như bây
giờ mà chỉ có phụ đề chữ Việt đòi hỏi người xem phim phải nhanh mắt thính tai
thì mới nắm bắt được câu chuyện. Le salaire de la peur mà người ta dịch ra là
Đồng lương khủng khiếp kể về một chàng trai vì muốn có tiền để cứu đói cho gia
đình và đến được với cô gái chàng yêu đã không ngại ngần nhận chở một chuyến xe
chứa đầy chất dễ nổ qua một chặng đường dài đầy nguy hiểm, khi suối sâu, đèo
cao, khi đầm lâỳ rừng rậm, lũng hoang, khi mư to gió lớn, khi cướp đường, thổ
phỉ… Trải bao ngày đói khát, hiểm nguy, nhiều phen tính mạng nghìn cân treo sợi
tóc, chàng đã cầm được đồng lương khủng khiếp nhưng rồi cũng không với được
những ước mong...
Mấy năm sau khi
xem cuốn phim đó, bước vào đường đời kiếm sống, mình khi ở trung du, khi lên
miền núi rồi về miền xuôi và xuống vùng biển. Hàng tháng có lương, không phải
là đồng lương khủng khiếp nhưng đúng là đồng lương mạt hạng. 36 đồng +10% phụ
cấp đắt đỏ là 39 đồng 6 hào cả thảy, tính ra gạo theo giá nhà nước chưa đầy 8
yến. Đã vậy lại không dễ gì được tăng lương. Dăm năm mới có một đợt tăng lương
nhưng chỉ những người qua bình bầu xét duyệt mới được khiến mình mười lăm năm,
ba lần bị loại vì lập trường tư tưởng chính trị bị lãnh đạo phê là lệch lạc,
điển hình nhất là câu phát biểu trong một cuộc học tập chính trị: “Thời nào
thì người nông dân và anh lính cũng khổ cực nhất”. Lệch lạc quá! Không thấy
vai trò Công - nông - binh trong tư tưởng Hồ Chí Minh à? Không thấy Bác
Hồ vĩ đại thể hiện rõ trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,…một mục
tiêu dựng ra Chính phủ công nông binh để thể hiện rõ khát vọng giành độc lập,
tự do của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng à? Thật đáng xấu hổ vì không
bằng các cháu bé ở các nhà trẻ và mẫu giáo ngày nào cũng được các cô bắt nhịp
say sưa hát vang bài hát của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: “Em yêu công nông binh, công nông binh,
công nông binh”!
Mười lăm năm
không được xét duyệt tăng lương để trả giá cho sự lệch lạc ấy.
Khi còn độc
thân, 18 đồng cơm tập thể, 6 đồng thuê nhà và điện nước chung với anh bạn, 6
đồng ăn điểm tâm, khi gói xôi ngô, khi cái bánh mỳ, năm thì mười hoạ mới dám
ghé vào hàng phở vì phở là một món ăn xa xỉ thời bao cấp. Trong nhiều gia đình,
người ta chỉ bỏ tiền ra mua phở khi có ai đó bị ốm nặng; một vài nhà ngại nấu
nướng, mua một bát phở về trộn vào mấy bát cơm nguội chia cho trẻ ăn sáng để đi
học. Mình chỉ mấy khoản chi tiêu không thể thiếu đó, vị chi đã chẵn ba chục.
Còn 9 đồng 6 hào phải lo trăm thứ bà rằn như cắt tóc, vá xe, vá quần áo rách…,
và mua theo tem phiếu mấy thứ như mấy tập giấy văn phòng phẩm, cục xà phòng,
bao diêm, gói chè, lạng đường ...
Tuy vậy cũng
không đói ăn cho lắm nhưng mà rất đói sách. Sách vở hồi đó tuy khan hiếm nhưng
không thể ngăn được sự ham đọc sách của những trẻ em huống hồ là một thầy giáo.
Sách về Lê nin, Bác Hồ, các anh hùng, liệt sĩ rất nhiều nhưng sách nghiên cứu,
văn học thì rất hiếm. Phải nói là sách không đắt, thậm chí còn khá rẻ, đặc biệt
là sách của Liên Xô in bằng tiếng Nga. như cuốn Thép đã tôi thế đấy, cả bộ 2
cuốn giá chỉ khoảng 2 đồng. Nhưng mấy ai biết tiếng Nga để đọc! Cũng nó, dịch
và in ở Việt Nam thì giá bán gấp ba bốn lần nhưng dẫu đắt thế cũng không dễ gì
mua được vì nó chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu, có phiếu mua sách bằng
không thích thì phải mua chui giá gấp năm bẩy lần. Do vậy, trên ngăn sách
của một thầy giáo trơn, chỉ thấy xếp đầy các chồng giáo án nhiều năm và các tập
bài làm chưa chấm cho học sinh cùng mấy quyển sách giáo khoa mà khó nhìn thấy
những cuốn sách thơ văn, nghiên cứu.
Qua bĩ vận, khi
được tăng lương lần đầu thì cũng là khi nước nhà vừa thống nhất. Giờ không còn
độc thân mà là một gia đình hai vợ chồng với bốn đứa con, gộp cả lương chồng và
lương vợ vào được 98 đồng, hơn hai tạ gạo mậu dịch; cộng 10% phụ cấp đắt đỏ là
107 đồng 8 hào. Trời Phật ơi, sao không thêm 2 hào nữa, chỉ 2 hào thôi chứ
không phải là 2 đồng để được chẵn 108 đồng ứng với 108 hạt trong chuỗi tràng
hạt kỳ diệu giúp cho con người vứt bỏ đi mọi điều suy nghĩ tán loạn, hắc tà?!
Oán Trời Phật thế thôi chứ không đủ 108 hạt trong chuỗi tràng hạt diệu kỳ, vợ
chồng vẫn phải ôm nhau bơi trong cái bể sống, kiếm từng con tép, nhặt từng sợi
mỳ, cất từng hạt bo bo để nuôi 4 đứa con sao được như lời chúc bạn của cụ Nghè
Nguyễn Quý Tân xưa:
Mong cho chóng lớn mà ăn cướp…
Cướp lấy khôi nguyên kẻo nữa hoài
Thời đại không
còn khôi nguyên. Nhưng con cái vẫn cần phải có mảnh bằng đại học để được làm
cán bộ nhà nước.
Thế mà, hôm nay
mình đã có trong nhà một kho báu đầy tiền và vàng rồi.
Trong tay đã sẵn
đồng tiền, dẫu không phải là kẻ chạy theo đời sống vật dục, nhưng giờ tiền vàng
chói loá khắp nhà thế kia cũng phải tính tiêu pha sao cho thoả những ngày phải
chi ly từng xu từng hào chứ! Bèn lặng im bóp óc cho ra các cách tiêu tiền:
Làm như câu thơ
Truyện kiều:
“Trong tay đã sẵn đồng tiền/
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”.
Đồng tiền có sức
mạnh to lớn có thể làm đảo ngược được công lí: phải thành trái, trái thành
phải. Nhưng mình một đời không quyền lực, không thù ghét ai, không tham lam, mà
dẫu có muốn tham cũng không được vì biết tham cái gì, tham ở đâu và tham của ai
cơ chứ, thì đổi trắng thay đen cái gì, đổi trắng thay đen với ai và để làm gì?
Vậy thì ăn chơi
cho đã phần đời về cuối. Hãy tiêu tiền theo kiểu:
“Thúc
Sinh quen thói bốc rời
Trăm nghìn đổ một trận cười như không”.
Không, nghìn lần
không! Chẳng phải vì tuổi già, sức kiệt cắt gân đầu gối không còn thấy máu mà
vì cả đời chỉ biết có cơm nhà giường nhà, không hề biết chuyện nguyệt nọ hoa
kia chứ nói gì đến chuyện “trăm nghìn đổ một trận cười như không”.
Không ăn chơi
thì ăn nhậu cho sướng cái miệng?
Cũng ngàn lần
không! Vì giờ đây hai vợ chồng chia nhau 1 bát phở thì hơi thiếu nhưng mỗi
người 1 bát thì lại quá thừa; cơm chỉ ăn được mỗi bữa 1 lưng, rượu Tây rượu Tàu
không biết uống mà chỉ tam bôi tửu theo lời dạy của cụ Hải Thượng Lãn Ông “Bán
dạ tam bôi tửu”, rượu uống vào lúc nửa đêm cho yên cái thận để ngủ cho ngon.
Đến nửa đêm rồi thì chỉ 3 bôi, ba chén hạt mít là đủ, ít quá thì không dẫn được
thuốc, mà nhiều quá thì hại cho cái gan. Vâng, chỉ có thế. Vả lại “Trẻ sợ ma
già sợ chết”, ăn nhậu thời nay chết như chơi vì thức ăn được chế biến từ thịt
cá ôi bẩn và thực phẩm chứa đầy hoá chất độc hại…
A, nghĩ ra rồi:
Phải có cái nhà mới.
Người xưa ai
cũng mơ ước phải toàn vẹn cái câu “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” mới được coi là
người đàn ông trưởng thành. Mình đã mua được xe đạp, đã cưới được vợ. Nhưng còn
cái nhà thì gần một đời, mình khi ở nhà thuê, khi ở nhà cơ quan sắp xếp; nay
trời đã xế chiều mới mua được một căn nhà cấp 4 chật hẹp trong con ngõ nhỏ.
Những ngày Tết nhất và giỗ chạp, đông đủ con cháu có vài ba mâm cơm cũng phải
mâm ăn trước mâm ăn sau. Nghỉ hưu rồi không cần lạc nghiệp nhưng vẫn cần an cư
cho bõ một đời nhà cửa như thế.
Đúng, phải có
ngay một ngôi nhà mới, tất nhiên là nhà cao cửa rộng và đẹp hoành tráng. Vậy sẽ
làm nhà kiểu nhà gì?
Sẽ không thèm
kiểu nhà biệt thự song lập, cái nào cũng như cái nào giống lợn đất nung trăm
ngàn con như một. Cũng không thèm kiểu biệt thự khủng xa hoa nhưng lố lăng của
các đại gia đương thời vì lai căng đủ kiểu Tây Tàu, Ấn Độ. Mà cũng chẳng cần
biệt phủ xa hoa lộng lẫy vài nghìn mét giống các quan chức quyền thế thời nay.
Biệt phủ chỉ tổ cho người đời nhòm ngó vào rồi nổi sóng phản ứng và chửi
rủa.
Mà mình sẽ xây
một cung điện huyền ảo như trong Nghìn lẻ một đêm. Không như Ala Đanh phải có
cây đèn thần mới có thể biến mọi ước mơ thành hiện thực. Mình đang tiền vàng
chất đống đầy nhà kia, sẽ gọi thợ từ Trung Đông sang xây dựng, tuyển toàn các
thợ có trình độ điêu luyện của thợ thủ công Ba Tư. Các bức tường, mái vòm
của cung điện phải được khảm bằng nhiều loại đá quý. Các mẫu hoa văn phải có vẻ
đẹp hoàng kim như trong thiên truyện cổ. Các lối đi sẽ đầy kỳ hoa dị cảnh. Cây
trồng quanh lâu đài sẽ không phải là những cây bọn đại gia hãnh tiến đang đua
nhau trồng như cọ, lộc vừng, trúc chỉ vàng…mà phải là các cây lâu niên quý hiếm
nhất thế giới. có cả nghìn năm tuổi như cây ô liu được nhắc đến nhiều trong các
tác phẩm văn học phương Tây.
Đồ đạc trong
cung, muốn gì có đó. Nhưng trước hết phải chú ý tới cái giường vừa để cho sang
trọng vừa để nằm cho ấm êm những năm tuổi già. Nghĩ đến đây, thương cụ Nguyễn
Du quá, lúc ốm đau, người nhà phải lấy những cuốn sách giấy bản ra lót làm đệm
cho cụ nằm để đỡ đau nhức xương cốt.
Sẽ không thèm
sắm cái giường 7 tỷ của công tử Bạc Liêu thời xưa hay cái giường 6 tỷ ầm ĩ thú
chơi ngông của một đại gia nọ. Mà sẽ đặt hẳn một loạt giường kỳ thú nhất trên
thế gian này để tuỳ mùa tuỳ thích mà nằm: Tạm kể, hoặc một cái giường cho cảm
giác tuyệt vời như đang lạc vào dãy ngân hà với những vì sao lấp lánh ban đêm,
hoặc một cái giường để khi thức giấc có cảm giác sẽ xuống ngay hồ bơi mát rượi
sáng ngày hè hay một cái giường tuyệt đẹp được trang trí như một khu rừng để có
cảm giác như đang sống cùng công chúa Hằng Nga…
Sau cái giường
là cái xe hơi cũng phải có ngay. Nhưng chơi những chiếc xe hiện đại nhất thời
nay như Mercedes E-Class, Tesla Model S, BMW 5-Series …hoặc Vinfast của anh
Vượng vừa trưng bày đình đám ở Paris như các đại gia bây giờ đang mơ ước
thì khác gì phượng hoàng đi theo đàn gà. Phải là một cái xe hiểm độc nhất. Đúng
thế, sẽ mua bằng được chiếc xe chạy bằng hơi nước cổ nhất thế giới vẫn còn hoạt
động được. Thiên hạ chẳng đang nôn nao đua chơi xe đạp cổ, xe máy cổ, ô tô cổ
đó sao. Nghe nói tại cuộc bán đấu giá ở Mỹ, chiếc xe đó đã được bán với giá 4,6
triệu USD. Bán rồi thì ta sẽ tung tiền vàng ra mua lại với giá cao hơn là
được chứ gì. Rồi ta sẽ thuê một người nước ngoài điều khiển nó.
Hãy thế đã. Các
thức khác, cần gì mua nấy. Có tiền mua tiên cũng được, khỏi cần nghĩ
trước cho mệt óc!
Đang toan gửi
email tới các nơi cần thuê mướn hay đặt hàng thì tiếng chó nhà hàng xóm sủa
vang làm giật mình tỉnh giấc và thấy mình vẫn đang nằm trên giường. Vội ngước
nhìn lên mảng tường trước mặt thì cuốn lịch treo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam
đập ngay vào mắt với cả một trang in đủ hình các loại tiền nom như tiền thật.
Quay lại phía sau thì bìa cuốn lịch bloc của một ngân hàng lớn chói chang hình
ảnh một ông già mũ cao râu dài đẹp như tiên ông với 4 đứa trẻ tóc trái đào đẹp
như tiên đồng đang hoan hỉ bên cả một đống cơ man những thoi vàng sáng choé.
Thì ra vừa ngủ
chập chờn trong ánh sáng tiền và vàng của hai cuốn lịch mà cô học trò cũ làm ở
ngân hàng mới biếu tặng.
Một giấc mơ vừa
có dáng dấp như một giấc mộng ở xứ Anh Quốc bên Tây hồi thế kỷ 16 vừa có chất
của giấc mộng Nam Kha trong truyện xưa bên Tàu.
Trong vở kịch
Tây "Giấc mộng đêm hè", Sêch-xpia đã trộn lẫn thực và
ảo, trữ tình và hài hước, cao cả và kệch cỡm, nghiêm túc và buồn cười. Thì mình
cũng gần như thế, tưởng đời là mộng, biến mộng thành đời, chẳng là hài hước
kệch cỡm đó sao.
Trong giấc mộng
Tàu, Thuần Vu Phần đời nhà Đường nằm mộng được vua gả công chúa, cho làm phò mã
và đưa ra quận Nam Kha làm quan Thái thú, cai trị cả một vùng rộng lớn. Cuộc
sống đang phú quý vương giả mấy ai thì nhà vua nghi kỵThuần đã đầu hàng giặc,
nên tước hết phẩm hàm, đuổi về làm thường dân. Thuần tủi nhục, lo sợ, khóc lóc
bi thương...Và tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây hòe, trên đầu một nhành cây
hòe chĩa về phía nam...Thật đúng là:
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không
Mình nhìn hai
quyển lịch của Kho bạc nhà nước và Ngân hàng treo trong phòng tưởng như đã có
kho báu trong nhà, chập chờn với tay tới bao điều toan tính hưởng tột đỉnh giàu
sang phú quý. Giờ tỉnh dậy, mặc dù tất cả những ảo ảnh phù hoa tan biến hết
nhưng đâu có tay không như Thuần Vu Phần mà vẫn còn đó 2 cuốn lịch mới phải hơn
300 ngày nữa mới hết.
Ngồi lên cho
tỉnh ngủ và bất chợt nghĩ, nếu cung điện nguy nga huyền diệu, tiền vàng đầy
đống, giường màn kỳ thú, xe cổ độc đắt nhất thế giới kia là thật của mình thì
chắc gì đã được sống yên thân tuổi già. Rất có thể sẽ bị điều tra tham nhũng
hoặc rửa tiền cho bọn tham quan. Mà tham nhũng thì bị gọi là là ruồi là hổ như
ở bên Tàu hay là sâu là chuột như ở bên Ta. Đáng sợ hơn là người đời còn gọi
bọn tham nhũng là giặc nội xâm, nguy hiểm hơn cả ngàn lần giặc ngoại xâm nữa
chứ!
Nhưng thật may
sao, đó chỉ là ảo ảnh đêm ba mươi. Nghĩ thế, yên lòng trong một hơi thở nhẹ.
Vừa hay tiếng
đứa cháu gái gọi:
- Ông ơi, sắp
Giao thừa rồi đấy!
Lên tiếng trả
lời cháu rồi bước ra ngoài sân và thấy một đàn kiến đang lầm lũi nối đuôi nhau
một hàng dài giữa đêm tối. Chúng ngửi thấy mùi thịt thà, bánh kẹo và hoa quả
trên mâm cúng Giao thừa nên rủ nhau đi kiếm ăn hay chúng cũng đang chuẩn bị đón
Giao thừa? Bất giác thấy lòng bật lên một cảm xúc:
Mình như lũ kiến trong sân
Giàu sang phù thế một lần thế thôi!
Mời
thư giãn với nhạc phẩm EM ĐI XEM HỘI TRĂNG RẰM
của
Nguyễn Nghi, qua tiếng hát Như Quỳnh:
*
Sài Gòn, ngày cuối năm Mậu Tuất
NGUYỄN
BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email:
bnguyen37@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét